Đầu tháng 5, Đại sứ Pháp tại VN thay mặt Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp đã trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và văn học cho ông.
Đại sứ Pháp tại VN Nicolas Warnery trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và văn học cho TS Trần Văn Công
Không phải tác phẩm của tác giả Pháp ăn khách là Marc Lévy hay Guillaume Musso, ông đã chọn cuốn tiểu thuyết Ensemble, c’est tout của nhà văn Anna Gavalda để bắt đầu công việc dịch văn học Pháp sang tiếng Việt. Vì sao vậy?
Từ cái duyên tham gia biên tập bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras năm 2008, tôi nhận được lời đề nghị của Công ty Nhã Nam về việc dịch tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt. Tôi đã đồng ý và chọn cuốn Ensemble, c’est tout mà sau này khi dịch, tôi lấy tựa là Chỉ cần có nhau của Anna Gavalda.
Dù chỉ mới đọc lướt một vài trang tác phẩm nhưng tôi thấy thích giọng văn của Anna Gavalda, nhẹ nhàng nhưng không tầm thường và khá hợp với văn phong của tôi. Tác phẩm của Anna Gavalda cuốn hút tôi ngay từ đầu nhờ sự khác biệt so với văn của nhiều nhà văn đương đại khác, đặc biệt là việc dùng nhiều thủ pháp tu từ, ẩn dụ, nhân cách hóa, so sánh. Tôi vô cùng thích thú khi khám phá thủ pháp ẩn dụ mà tác giả dùng khi nói về những đồ vật xuất hiện trong khung cảnh của câu chuyện.
Công việc của một dịch giả lôi cuốn ông như thế nào?
Một dịch giả cần thực sự hòa nhập vào cuộc sống trong tác phẩm, tức là sống cuộc sống của các nhân vật, từ suy nghĩ theo lối suy nghĩ của họ đến diễn đạt lời thoại của mỗi nhân vật theo lối nói của họ. Nôm na là, nếu trong kịch hay điện ảnh, một diễn viên thường thủ một vai diễn, còn một dịch giả phải “vào vai” tất cả các nhân vật trong tác phẩm. Bên cạnh đó, dịch giả phải đào sâu vào những lớp ngôn từ khác nhau để tìm ra được từ dịch đúng hoặc sát nghĩa nhất.
Chính cái khó nhưng cũng thú vị đó đã lôi cuốn tôi. Sau tác phẩm dịch đầu tiên vào năm 2008, tôi tiếp tục công việc này cho đến nay với những tác phẩm khác cũng của Anna Gavalda, hay những nhà văn Pháp khác như Marguerite Duras, Delphine de Vigan, cùng với những tác giả đoạt giải Năm châu lục Pháp ngữ.
Theo quan sát của ông, những dòng văn học nào của Pháp đang được đón nhận tại VN?
Tôi cho rằng đó là dòng văn học không kén độc giả, có nghĩa là có thể đọc rất nhanh, đọc bất kỳ lúc nào và đọc không cần suy nghĩ. Ví dụ, những tác phẩm của những tác giả như Marc Lévy hay Guillaume Musso vẫn được người Pháp gọi là roman de gare, tức là sách để đọc trong khi chờ tàu hay ở trên xe buýt, được giới độc giả trẻ VN rất chuộng. Tuy nhiên, với những người nghiên cứu văn học Pháp, những tác phẩm của những tác giả này thiên về tính giải trí, đọc để biết về một “luồng gió mới” của văn học đương đại Pháp, còn nếu muốn tìm những giá trị nổi bật về mặt văn học thì đó lại không phải là sự lựa chọn của họ.
Tuy nhiên, trên một phương diện nào đó, những tác phẩm của Marc Lévy hay Guillaume Musso thành công ở VN cũng là điều rất tốt, bởi ít ra chúng đã tạo cho độc giả VN hứng thú đọc sách. Tất nhiên, những tác giả với những tác phẩm tạm gọi là khó đọc hơn như Patrick Modiano, Le Clézio, Marie NDiaye... cũng cần được hiện diện nhiều hơn ở thị trường sách trong nước để độc giả thấy văn học đương đại Pháp không chỉ có Marc Lévy hay Guillaume Musso.
TS Trần Văn Công phát biểu tại buổi lễ nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và văn học
Những cái tên tác giả Marc Lévy hay Guillaume Musso mà ông vừa nhắc đến cùng những tác phẩm được gọi là dòng văn học thị trường không chỉ ăn khách ở VN mà còn trên thế giới. Có vẻ chính dòng văn học thị trường mới tạo nên ảnh hưởng cho văn học Pháp đương đại trên thế giới hiện nay?
Đúng là nếu đánh giá thành công về mặt ảnh hưởng của văn học đương đại Pháp với các nước trên thế giới hiện nay thì chính là nhờ Marc Lévy và Guillaume Musso. Họ là những tác giả rất hiểu tâm lý người đọc, biết người đọc ngày nay cần hay thích đọc gì để đáp ứng.
Chẳng hạn, cuộc sống và văn hóa Mỹ luôn thu hút sự quan tâm, thậm chí cả sự tò mò của nhiều độc giả trên thế giới. Và nhiều câu chuyện của Marc Lévy lấy bối cảnh ở Mỹ, dù nhân vật là người Pháp. Điều đó tạo nên sự mới mẻ đối với độc giả ở nhiều quốc gia và ngay cả chính độc giả Pháp vì họ muốn khám phá cuộc sống của người Pháp ở Mỹ, con người ở châu lục này đến sống ở châu lục khác. Bên cạnh đó, những câu chuyện liên văn hóa hay giao thoa văn hóa tác động đến thị hiếu về thế giới mở, những cú sốc văn hóa, hay sự tiếp xúc của những nền văn hóa khác nhau... của độc giả trên khắp thế giới. Marc Lévy giỏi ở việc nắm được những nhu cầu, sự chờ đợi của họ để viết những tác phẩm phù hợp với sự mong đợi của độc giả qua việc lựa chọn nhân vật, địa điểm, thời gian. Cùng với đó là việc đưa vào những yếu tố thần bí, hoang tưởng mà độc giả trẻ rất thích đọc để giải trí.
Tác động của văn học thị trường Pháp đến thế giới hiện nay là thế, giống như tác động của K-pop hay mỹ phẩm, thời trang Hàn đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có châu Âu.
TS Trần Văn Công (trái) trong buổi trò chuyện với nhà văn Marc Lévy tại VN
Vậy còn ở Pháp, phải chăng những tác giả với những tác phẩm khó đọc như ông nói cũng đang “lép vế” trước dòng văn học thị trường?
Thực ra cũng không thể nói là lép vế. Ở Pháp, những nhà văn viết những tác phẩm khó đọc vẫn có chỗ đứng riêng. Bởi mỗi dòng văn chương lại có những đối tượng độc giả khác nhau. Ví dụ, những người có tuổi, những người nghiên cứu văn học, hay những người có trình độ văn hóa cao một chút… sẽ thường tìm đọc những tác phẩm có chiều sâu, có nội dung và văn phong đặc biệt đòi hỏi người đọc phải có thời gian ngẫm nghĩ. Trong khi đó, giới trẻ thường bị cuốn theo nhịp sống gấp gáp bây giờ, ít có thời gian để chiêm nghiệm, nên chỉ thích đọc những tác phẩm kiểu roman de gare.
Việc đưa những tác phẩm văn chương khó đọc ra khỏi biên giới Pháp cũng không dễ. Bởi, những nhà xuất bản ở Pháp hay trên thế giới đa phần đều ưu tiên đến thị hiếu của đa số độc giả cùng với đó là lợi nhuận. Hơn nữa, những tác phẩm khó đọc thì luôn đi đôi với việc khó dịch. Chẳng hạn ở VN, những dịch giả thời kỳ trước được học tiếng Pháp từ nhỏ, sau đó nghiên cứu sâu về văn học, nên dịch rất tốt những tác phẩm khó.
Ông nhận thấy dòng chảy văn học Pháp có sự thay đổi thế nào trong thời điểm hiện tại?
Trong những tác phẩm văn học Pháp thế kỷ 19 thường có những câu văn dài, trau chuốt, cầu kỳ với nhiều thành phần câu. Có khi một câu mà độc giả phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu hàm ý, những nội dung ẩn chứa phía sau. Đó là thời kỳ văn học mang nhiều ảnh hưởng từ thế kỷ thứ 18 với tư tưởng triết học sâu sắc. Nếu như văn học Pháp thế kỷ 19 đi theo những trào lưu rõ ràng như lãng mạn, hiện thực, sang thế kỷ 20, có thể thấy những trào lưu triết học như hiện sinh, hay siêu thực.
Còn ở nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, văn học Pháp đi theo những hướng rất đa dạng, khó xếp thành trào lưu cụ thể. Ngoài những tác giả theo trào lưu tiểu thuyết mới, tự truyện, tự truyện hư cấu, những tác giả còn lại khó có thể xếp loại vì họ đi theo nhiều hướng khác nhau và không tạo thành các nhóm. Thực tế việc đánh giá văn học Pháp cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là rất khó mà đến giờ vẫn chưa ai làm được.
TS Trần Văn Công thời sinh viên tại Pháp
Văn học Pháp từng có những ảnh hưởng sâu sắc đến việc thành lập nhóm Tự lực văn đoàn hay tới phong trào Thơ mới tại VN. Theo ông, nền văn học nghệ thuật VN hiện nay có chịu nhiều ảnh hưởng từ văn học Pháp như thời kỳ trước?
Những ảnh hưởng đó chủ yếu diễn ra trong đầu thế kỷ 20, thời VN là thuộc địa. Nửa sau của thế kỷ 20 cũng có một số văn nghệ sĩ VN ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh của văn học Pháp nhưng không nhiều. Trong đó, tôi thấy nổi bật có những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất gần với tư tưởng hiện sinh của Jean-Paul Sartre hay Albert Camus. Còn hiện tại, văn học Pháp ít ảnh hưởng tới văn học nghệ thuật VN hơn, nhất là khi chúng ta chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, văn học khác như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
TS Trần Văn Công tham dự hội thảo về nhà văn Marguerite Duras tại Pháp
Cho đến giờ, đã có tác phẩm của tác giả VN nhận giải thưởng Năm châu lục Pháp ngữ, một giải thưởng văn học lớn trong cộng đồng Pháp ngữ chưa, thưa ông?
Rất tiếc là cho đến nay chưa có tác phẩm của tác giả VN nào gửi tham dự. Một phần lý do là nhiều tác giả chưa biết đến giải thưởng này. Chính vì thế mà chúng tôi đang rất tích cực quảng bá về giải thưởng cũng như những tác phẩm đoạt giải qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có mạng xã hội. Một phần lý do nữa là rất ít nhà văn VN hiện nay viết tác phẩm bằng tiếng Pháp.
Tôi đã liên hệ với một vài nhà văn VN viết bằng tiếng Pháp nhưng tác phẩm của họ đã xuất bản cách đây mấy năm nên không thể dự thi năm nay được. Rất có thể, một tác phẩm của thầy Trương Quang Đệ, một học giả nổi tiếng trong cộng đồng Pháp ngữ VN, sẽ được gửi đi dự thi trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!