31 năm trước, ngày 14.3.1988, tại vùng biển Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân, những người con kiên trung của dân tộc, đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của nhiều tàu chiến Trung Quốc. Máu các anh hòa vào biển xanh, thành cột mốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Ngày 4.2.1988, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương triệu tập Đảng ủy Vùng 4 Hải quân (HQ) họp bất thường, chỉ đạo: “Trung Quốc đã chiếm đóng Chữ Thập và có thể mở rộng ra các bãi đá Châu Viên, Đá Đông, Đá Nam, Tốc Tan… đóng xen kẽ với đảo của ta đang đóng giữ, tạo thế đứng chân khống chế, xâm chiếm giành chủ quyền Trường Sa. Vì vậy, phải vừa sẵn sàng chiến đấu cao vừa khẩn trương đóng giữ các bãi đá, không cho họ thực hiện được ý đồ”.

Đầu tháng 3.1988, Quân chủng HQ lập khung đóng giữ bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, gồm: 3 tàu vận tải quân sự của Lữ đoàn 125 (HQ-604, HQ-605, HQ-505); 2 khung xây dựng đảo thuộc Lữ đoàn 83 Công binh HQ và các phân đội bảo vệ của Lữ đoàn 146 HQ. Toàn bộ lực lượng do trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ đoàn trưởng 146 chỉ huy.

Trưa 13.3.1988, cả 2 tàu HQ-604, HQ-505 nhổ neo rời đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Buổi chiều cùng ngày, thả neo cạnh Gạc Ma, Cô Lin.

21 giờ, Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương lệnh cho trung tá Trần Đức Thông chỉ huy bộ đội quyết giữ Gạc Ma, Cô Lin và cho phép tàu ủi bãi khi cần thiết.

Đêm 13.3, bộ đội trên tàu HQ-604 chuyển vật liệu xây dựng lên Gạc Ma, bố trí lực lượng đóng giữ do thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma chỉ huy. Tại Cô Lin, bộ đội tàu HQ-505 cắm 2 lá cờ Tổ quốc, triển khai tổ chiến đấu.

Trên hướng Len Đao, sau 29 giờ hành quân bí mật trên biển, tàu HQ-605 thả neo lúc 5 giờ 5 ngày 14.3.1988 và hạ xuồng chèo tay đưa bộ đội lên cắm 2 lá cờ.

6 giờ ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc thả 3 xuồng nhôm chở 40 binh lính đổ bộ lên Gạc Ma định giật cờ VN. Thấy bộ đội ta cương quyết bảo vệ cờ, lính Trung Quốc nổ súng bắn chết thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương binh nhất Nguyễn Văn Lanh và dùng súng AK tấn công bộ đội Lữ đoàn 146, Công binh 83 giữ cờ Tổ quốc.

Không ép được lực lượng ta rút khỏi Gạc Ma, lính Trung Quốc rút về tàu.

Đúng 7 giờ 50 ngày 14.3.1988, tàu hộ vệ 502, 531 của Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng vào HQ-604, bốc cháy, chìm dần. Cùng lúc đó, nhiều loại pháo hạm từ tàu chiến Trung Quốc cũng trút đạn lên Gạc Ma, vào đội hình công binh - phòng thủ chỉ có cuốc xẻng, xà beng và 3 khẩu AK, khiến bộ đội ta thương vong nặng. Khi xuồng nhôm chở lính Trung Quốc định áp sát tàu HQ-604 đang chìm, bộ đội trên tàu dùng súng bộ binh đánh trả quyết liệt khiến xuồng tháo chạy.

Ở Cô Lin, khi quan sát thấy tàu HQ-604 bị tàu địch bắn cháy chìm dần, thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh cho tàu nhổ neo ủi bãi. Thấy tàu ta áp sát Cô Lin, tàu 531 của Trung Quốc quay sang bắn phá dữ dội. Khi trườn lên bãi Cô Lin được 2/3 thân thì tàu bốc cháy nhưng cả con tàu đã trụ vững được.

Trên hướng Len Đao, khi thấy HQ-604 bị tấn công, thuyền trưởng tàu HQ-605 Lê Lệnh Sơn ra lệnh ủi bãi. Tàu 556 Trung Quốc dồn bắn vào HQ-605 làm toàn bộ khoang máy, ca bin bị bốc cháy, tàu mất khả năng cơ động, rồi chìm xuống biển.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải quân sự của ta; khiến 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh; 11 người bị thương, bị bắt. Phía Trung Quốc chiếm được bãi đá Gạc Ma. Tại 2 đá Cô Lin, Len Đao, các lực lượng ta kiên cường chốt giữ, bảo vệ đến ngày nay.

Danh sách 64 liệt sĩ
Báo Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top