Người ta nói “mấy đời bánh đúc có xương...”, thế nhưng với riêng trường hợp của chị lại ngược lại. Điều đặc biệt để xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp này là gì, thưa chị?

Tôi nghĩ trong một mối quan hệ nhạy cảm mẹ “ghẻ” con chồng, nếu chỉ xét trên tương quan giữa hai người là chưa đầy đủ. 

Nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó gia đình hai bên, thông cảm cho nhau để ủng hộ xây dựng mối quan hệ chung là quan trọng, cần thiết vô cùng. Bản thân mối quan hệ của chúng tôi không có gì đặc biệt để đi ngược lại với ca dao, có chăng đó là từ vô thỉ kiếp trước, chúng tôi có duyên lành và hiện tiền về chung một nhà. Tôi tin, nếu Anna là con riêng của tôi, anh Quân cũng sẽ ứng xử như là tôi vậy. Bởi, đó mới là cách sống của con người muốn hướng đến, có yêu thương và có thấu hiểu.

Vẫn biết là như vậy, nhưng không dễ để tình yêu đến tự nhiên được ngay?

Tôi không biết các trường hợp khác, chỉ biết với mình mọi chuyện không khó khăn đến thế. Có thể vì bản thân con bé đã đáng yêu mà tôi vốn yêu trẻ con. Cũng có thể vì tôi yêu quý mọi thứ thuộc về chồng tôi cả trong quá khứ và hiện tại. Tôi thấy, bây giờ giới trẻ ly dị cũng nhiều, nên việc sống chung với con riêng của vợ hoặc chồng cũng sẽ trở nên thường xuyên hơn và cái nhìn của xã hội cũng dễ cảm thông hơn. 

Là một cô gái trẻ, đến với một người đàn ông rất thương và bao bọc con như nhạc sĩ Anh Quân, lại thêm cả gia đình nhà chồng yêu thương Anna hết mực, ngày ấy chị có hoảng không? 

Ôi, tôi chẳng nhớ kỹ được thế đâu, “cờ đến tay ai người nấy phất” thôi. Nhưng đúng là một khoảng thời gian nói chậm thì cũng rất chậm. Bởi để xây dựng một mối quan hệ mẹ con cũng cần có thời gian. Chúng ta không thể muốn sinh ra một đứa trẻ, mà yêu cầu 9 bà mẹ sinh trong 1 tháng được. Chúng tôi đều bền bỉ cùng nhau. Và tôi cũng hiểu, để Anna yêu và tin tôi thì lâu hơn là tôi thương con. Mình cũng hiểu vì khi ấy, mình có lý trí chứ trẻ nhỏ chỉ có bản năng thôi.

Như vậy cũng phần nào thấy, làm mẹ của con nhạc sĩ Anh Quân, cũng khó như… làm vợ?

Ồ, làm vợ khó hơn chứ! Phụ nữ có bản năng làm mẹ rồi. Tuy là cả hai vai trò đều khiến ta trưởng thành mỗi ngày. Phải có sự va chạm, cọ xát, thậm chí là trao đổi, tranh luận gắt gao đi chăng nữa, thì bản chất cốt lõi của những điều ấy là vun xới cho vườn cây của mình xanh tốt. Và ngày hôm nay, mình nhìn thấy vườn cây ra trái ngọt. Anna đã tốt nghiệp Trường Berklee của Mỹ, nối nghiệp cha. Anna tự lập, đi làm để tồn tại tại một đất nước đắt đỏ. Và Duy theo ngành bác sĩ bên Úc, bạn ấy đã được nhận.

Để có được sự thành công của Anna ngày hôm nay, không thể thiếu vắng bàn tay làm mẹ của chị, vì tôi thấy nụ cười viên mãn, ánh mắt ngời sáng đầy tự hào của một người mẹ?

Anna với tôi là đứa con đầu. Thế nên mọi thứ lần đầu đều gây xúc động mạnh mẽ. Với Duy và Mỹ Anh do có kinh nghiệm nên cũng đỡ hơn. Nhìn thấy con thành công, tôi cũng xúc động. Bởi khi tôi gặp con, Anna mới 3 tuổi. Anna là một đứa trẻ đã gặp thì khó từ chối lắm. Con ngoan, khép kín, lại kiểu tránh tránh né né như thể biết thân biết phận nên rất là thương. Tôi là người biết học cái hay từ sai lầm của người khác, nhưng lại rút được bài học cho bản thân. Ví dụ khi còn nhỏ, tôi rất thần tượng anh trai mình. Trong mắt một đứa trẻ của tôi lúc ấy, anh tôi làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay và duyên, như super hero. Nhưng thực tế không phải vậy! Và tôi nghiệm ra, Anna sẽ là đứa con đầu, nó sẽ là super hero của các em nó. Vì các em luôn thần tượng anh chị. Mình nuôi Anna đúng, thì những đứa trẻ sau sẽ học theo, chúng sẽ cứ theo cái khuôn đúng ấy. Tôi là người lý trí nên nhận ra điều ấy, nhưng tôi lại không phải cố gắng gồng mình trong cách nuôi dạy con, mọi thứ tôi làm rất tự nhiên. 

Chị yêu đến mức nào?

Yêu đến mức muốn làm người mình yêu hạnh phúc. Mình còn muốn biết trước khi yêu mình, cuộc sống anh ấy thế nào. Và Anna chính là bằng chứng của cuộc sống trước đó, nên tôi yêu Anna thôi. Tôi cũng đâu ghét mẹ Anna hay ghen tuông gì. Vì mọi thứ đều đã qua, ai cũng có quá khứ. Vậy nên, mọi thứ rất đơn giản, tôi chưa bao giờ phải lên gân lên cốt, mọi thứ cứ tự nhiên như có sẵn trong tiềm thức vậy.

Mình yêu và nể anh Quân vì anh ấy chăm con rất tỉ mỉ. Anh ấy có thể ngồi gỡ tóc cho Anna một tiếng đồng hồ. Tôi không thể làm được điều ấy, tôi sẽ lập tức lấy kéo cắt đi cho nhanh. Còn anh gỡ ân cần, không cáu giận, với đầy tình thương trong ấy. Đó là tình thương hết sức đặc biệt với từng đứa con, khiến mình cảm động. 

Ngay đợt vừa rồi sang Mỹ, anh ấy lại rủ cả nhà đi shopping, kiên nhẫn đợi con thử hết bộ nọ, bộ kia và khen đẹp. Thế nhưng, anh chưa từng đi shopping với mình bao giờ. Tính ra, mình vẫn đùa: Em phải đứng thứ 8, chưa được xếp thứ 7 đâu, vẫn sau con, phòng thu, bãi cỏ, bà nội, cây gà cá cảnh, chó… (cười lớn) thôi thì an ủi số 8 là số đẹp đi. Nhưng anh ấy nghĩ, mình là của ông ấy rồi, ông “đút túi quần” là xong (cười).

Chi phí du học cho các con không phải chuyện nhỏ, anh chị đã phải làm việc như thế nào để đủ tiền cho các con du học tại những nước lớn nhất, những nước có uy tín về giáo dục? 

Hoạch định cho con học hành phát triển luôn là vấn đề quan trọng của mọi gia đình. Nhà tôi cũng vậy thôi. Khéo léo vun vén và tiết kiệm là tính cách của tôi. Tôi làm gì đều có kế hoạch 5 năm, 10 năm. Mình làm “chuẩn” đứa đầu, những đứa tiếp theo cứ theo chị mà tiến. Hóa ra, kế hoạch của mình là đúng, đôi khi cũng vượt kế hoạch đấy. Thế mới tài! Chúng tôi cứ cố mãi rồi cũng đến đích. Chắc do tính cách nổi bật nhất của tôi là không bao giờ bỏ cuộc

Chị cảm thấy như thế nào khi những đứa trẻ bắt đầu lớn, chúng như đám chim đã ra ràng, chúng sẽ rời xa tổ ấm và bay đi? 

Vui và nhớ. Chúng nó chưa đi tôi đã bắt đầu nhớ rồi. Nhưng cũng thấy nhẹ gánh dần. Nhưng chúng nó phải đi, phải lớn, điều ấy mình biết trước rồi. Chúng nó phải sống cuộc đời của chúng nó chứ không phải của mẹ hay bố được. Như Anna chọn nghề giống bố thay vì ước mơ ngày xưa chọn nghề đạo diễn, bởi có thể con không muốn bước ra ánh sáng, con muốn ở phía hậu trường. Hay Duy, con chọn nghề bác sĩ cũng vậy. Tôi rất ủng hộ việc các con sống theo ý con và cũng rất căm phẫn nếu ai đó bắt mình sống theo ý họ. Nên khi các con lớn, các con đều có sự lựa chọn, nhưng hãy theo cho tới cùng, đừng thấy khó rồi bỏ. 

Anh chị bắt đầu “yêu lại” khi đám trẻ đã lớn chứ? 

Gia đình nào cũng vậy, khi con cái còn nhỏ chúng cần được cha mẹ dành thời gian, chăm sóc, trò chuyện. Mình cũng cần quan sát các con, để biết một khuôn mặt khi con trở về nhà hơi khác bình thường là mình biết. Hay một cách nói chuyện hơi khác mọi khi, mình cũng biết. Dù bận, nhưng tôi luôn lắng nghe các con mình, mọi thứ quanh các con mình, vậy nên sự thay đổi là mình nhận biết được ngay. Khi đã có cuộc sống hôn nhân, có con cái, tình yêu dành cho nhau không giống như thời mơ mộng. Nó có gia đình ở trong đó. Chúng tôi xác định là bạn đời, chia sẻ buồn vui. 

Nhưng chúng tôi vẫn duy trì thời gian ăn sáng cùng nhau. Nói chuyện với nhau khoảng 20 phút mỗi ngày, chia sẻ câu chuyện âm nhạc trong phòng thu. Chúng tôi rất bận, anh Quân cũng không là số 1 đâu nha! (cười) vì tôi còn đi biểu diễn, đi dạy học trò. Chúng tôi may mắn hơn nhiều gia đình vì vợ chồng có chung đam mê, làm nghề khá tương đồng, nên trong nhiều câu chuyện đều được connect. 

Người mẹ VN yêu và chăm lo cho con đến quên cả cuộc hôn nhân của họ, họ sống mục đích chính của đời mình như chỉ là: Chỉ có con mà thôi. Chẳng hạn như nghệ sĩ Thu Hiền, bà thuộc thế hệ cũ, cũng rất ôm ấp con cháu? 

Mẹ chồng tôi có ôm ấp, lo lắng cho con, cháu nhưng không cực đoan và không quá nguyên tắc. Mẹ lo lắng trên sự thấu hiểu và yêu thương các con. Vậy nên, anh Quân trưởng thành rất sớm, anh ấy luôn là người định hướng, là thuyền trưởng. Thế hệ của mẹ Hiền coi con cái là tất cả cuộc sống của họ, thương yêu là hướng mọi thứ về con. Tôi là thế hệ chuyển giao nên học được những cái ưu điểm từ thế hệ của mẹ Hiền và thế hệ trẻ. Mình có thể cho con một cuộc sống con lựa chọn và tự chịu trách nhiệm, nhưng khi con cần mình vẫn có mặt. Chúng tôi không có ý định mình đã lo cho con mình thế này, thì con mình phải đối xử với mình thế kia. 

Với nghệ sĩ Thu Hiền, một người phụ nữ nổi tiếng và sắc sảo, làm dâu bà không dễ. Bản thân tôi thấy rất ngạc nhiên khi chứng kiến chị chia sẻ với mẹ chồng nhiều chuyện rất giống con gái chia sẻ với mẹ mình, hay giống như một người bạn gái chia sẻ với người bạn thân của mình vậy? 

Mẹ của tôi như một hình mẫu, bà xinh đẹp giỏi giang và mọi việc luôn thấu đáo. Mẹ làm gì cũng có cân nhắc. Mẹ như một mẫu nữ công gia chánh đảm đang. Tất nhiên không hẳn vì thế mà mọi ý kiến của mẹ luôn đúng với mình, vì mẹ là người thuộc thế hệ trước. Cạnh đó, trong nhà có hai ngôi sao, sao ở đây là trong gia đình chứ không phải sao của xã hội. 

Bà là người có ảnh hưởng rất nhiều đến con mình, mình cũng là người rất có ảnh hưởng đến các con mình. Thế nên, ở tôi và mẹ là sự tương kính. 

Thậm chí là thương, vì mẹ vất vả hơn nhiều người phụ nữ khác. Và ngược lại, bà cũng có sự quý trọng vì tôi cũng là người phụ nữ trưởng thành. 

Tôi còn rất phục mẹ ở điểm cam kết và kỷ luật. Từ khi gặp mẹ đến giờ, trừ những ngày ốm, còn bà luôn không nghỉ ngơi, dừng chân tay, một người phụ nữ mà đầu óc nghĩ chân tay làm, rất sáng tạo. Tuy nhiên, người phụ nữ giỏi cái tôi cũng lớn. Giữa tôi và mẹ thi thoảng vẫn có va chạm, nhưng về cơ bản đều giải quyết được vì trên mối quan hệ tương kính. Bởi bà cũng biết, tôi làm những việc ấy đều tốt cho cháu của bà và không phải ai cũng làm được. Và tôi cũng biết, một người mẹ chồng như vậy rất là hiếm có, không phải ai cũng gặp được. Nên hai người như trúng số gặp nhau vậy!

Lâu rồi con không viết thư như thế này. Thời buổi bây giờ chỉ cần nhắn một cái tin, hay FaceTime với mẹ khi mẹ đang trong xe đi làm, con thì chuẩn bị đi ngủ vì mẹ con mình chênh nhau hẳn 12 tiếng... Nhưng con nghĩ hôm nay viết một bức thư thế này cũng hay. Mẹ con mình thì không hay chia sẻ gì sướt mướt bao giờ mẹ nhỉ? Cũng không cần thiết phải như thế, con biết mẹ rất bận đi làm, nhiều lúc nói chuyện trên điện thoại chỉ được có 5 hay 10 phút. Nhưng mà phải nói là con rất nhớ mẹ. Càng lớn lại thấy mình càng trẻ con hơn. Con nhớ mỗi lần mẹ với bố đưa con ra sân bay để con bay sang Đức, con hầu như không bao giờ khóc. Hồi đấy bé rất thích bay rồi đi sân bay một mình vì con cảm thấy tự lập như người lớn, thấy oai lắm hihi. Bây giờ thì khác hẳn mẹ nhỉ? Bố mẹ vừa mới sang thăm con ở Los Angeles có 3 tuần trước, bố mẹ đi con khóc nhiều lắm. Bố còn bảo: “23 tuổi rồi mà vẫn khóc nhè thế này à !”. 

Bây giờ con sống ở LA, bắt đầu phải làm “người lớn”. Nào là tìm việc làm, trả tiền bill hằng tháng... Mới có một vài thứ như thế mà con đã bù đầu. Con không hiểu mẹ xoay sở thế nào luôn! Mẹ đi hát hằng tuần, bay liên tục, nuôi 3 đứa bọn con, bây giờ mẹ còn quản lý Trường Young Hit Young Beat nhưng vẫn không quên chăm sóc bản thân như tập thể dục mỗi sáng... mẹ đúng là siêu nhân. Con yêu nhất là mẹ lúc nào cũng cực kỳ lạc quan, con biết nhiều lúc mẹ mệt lắm lắm, nhưng mẹ chẳng bao giờ kêu. Mẹ lúc nào cũng nói “Đâu mẹ có mệt gì đâu, bình thường.” Bây giờ, con cũng có lối suy nghĩ ấy, mọi chuyện đều có thể giải quyết được. Mẹ làm được thì con cũng sẽ cố gắng làm được. Mẹ luôn truyền cảm hứng cho con như vậy. Con biết là bây giờ nói thì cũng chỉ là nói mồm thôi, nhưng một trong những ước mơ lớn nhất của con là đưa mẹ và bố đi du lịch thật nhiều nơi, để mẹ được nghỉ ngơi và không phải đi làm liên tục như thế này nữa. Không có mẹ thì con sẽ không bao giờ được như ngày hôm nay. Mẹ nuôi ăn, nuôi học tại một trường nhạc lớn nhất nước Mỹ, cái gì tốt nhất mẹ đều làm bằng được để cho con. Ngày nào con cũng biết ơn và có cả phần áy náy, vì mẹ đã phải gánh một gánh nặng như vậy. Con chỉ biết nói cảm ơn mẹ nhiều lắm, cảm ơn mẹ đã nuôi giấc mơ của con và tin vào con. Bây giờ chưa biết là bao giờ mới được gặp lại cả nhà, nhưng con mong là sớm, con nhớ mọi người lắm! Con nhớ mỗi buổi sáng nhìn bố mẹ tập bơi chậm ơi là chậm, nhớ bà tập khí công, nhớ cả những món ăn của bà nữa. Mẹ ôm bà và bố cho con một cái nhé! 

Yêu mẹ nhiều lắm, my hero. 

Con gái của mẹ, Anna

Báo Thanh Niên
23.10.2017

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.