>> Tâm Ngọc

Thập Tháp Di Đà là một trong những ngôi danh lam cổ tự của Việt Nam, một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, tọa lạc tại thị xã An Nhơn, Bình Định. Ngôi cổ tự này được sáng lập bởi thiền sư Nguyên Thiều, thuộc dòng thiền lâm tế chánh tông đời thứ 33. Theo cuốn Chùa Thập Tháp Di Đà do đại sư Thích Kiên Viên biên soạn, con đường đất to lớn dẫn đến chùa chính là một đoạn thành phía bắc của thành Đồ Bàn (Vijaya) còn sót lại đến ngày nay.

Chùa tựa lưng vào đồi Long Bích nhìn về hướng đông, ngay cạnh phía bắc ngoại thành Đồ Bàn. Nguyên xưa tại vùng đồi Long Bích này có 10 ngôi tháp Chăm mà ngày nay người dân vẫn quen gọi là Gò Thập Tháp. Tuy nhiên, những ngôi tháp này đã sụp đổ hết từ trước khi ngôi chùa được hình thành. Dấu tích còn sót lại là 3 cái giếng hình vuông khá độc đáo.

Giếng của người Chăm được mệnh danh là giếng không bao giờ cạn nước

Sách Đồ Bàn Thành Ký của tác giả Nguyễn Văn Hiển cho rằng, xưa kia khu vực đồi Long Bích là khu vườn lãng uyển của các vua Chăm. 3 cái giếng hiện vẫn được nhà chùa sử dụng là di tích còn lại của khu vườn xưa, được đào theo hình vuông chứ không như những giếng tròn thường thấy. Miệng giếng được xây khá thấp, cách mặt đất chừng 30 cm. Lòng giếng được xây bằng những viên đá ong to lớn, giống những viên đá được đào lên từ nền móng của những ngôi tháp Chăm sụp đổ.

Theo các sư thầy ở chùa Thập Tháp, điểm đặc biệt là nếu nhìn từ trên cao, nối các đường thẳng từ các giếng lại với nhau sẽ tạo thành hình tam giác cân, mỗi giếng nằm một góc. Một điều khá lạ lùng nữa là nước trong giếng này chưa bao giờ khô cạn, dù có những năm hạn hán nặng, tất cả giếng trong vùng đều trơ đáy thì giếng cổ vẫn sóng sánh dòng nước trong mát.

Một trong những điều khó giải đoán nhất trong các thành tựu của người Chăm chính là những bức tường thành kiên cố vẫn còn khá nguyên vẹn ở đầm Thị Nại, thuộc xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn. Phần bờ thành chỉ được nhìn thấy khi thủy triều rút xuống. Bờ thành nối liền vách đá thôn Hải Nam ra đến đảo Hòn Khô của thôn Hải Đông. Bề mặt thành phẳng, rộng hơn 10 m, độ cao chưa xác định được. Những ngư dân làm nghề thợ lặn khẳng định bờ thành này không xây bằng đá hoặc gạch mà bằng hồ vữa đặc nguyên khối.

Làng chài Nhơn Hải nhìn từ trên cao, nơi có thể nhìn thấy bức tường thành dưới biển

Tương tự, ở thôn Hải Giang thuộc P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, cách Nhơn Hải khoảng 5 km cũng có một đoạn bờ thành tương tự chìm trong lòng biển. Mỗi khi thủy triều rút, người ta có thể nhìn thấy đoạn thành này kéo dài chừng 3 km. Theo thư tịch cổ để lại, người Chămpa xây dựng 4 thành lớn tại Bình Định gồm: Thị Nại (H.Tuy Phước), Đồ Bàn (TX.An Nhơn), Chas (TX.An Nhơn), Uất Trì (H.Tây Sơn) và một số thành nhỏ khác. Nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện có tư liệu nào nhắc đến bờ thành được xây dựng ở vùng biển Nhơn Hải.

Một đoạn bờ thành Chămpa nổi lên mặt nước khi thủy triều xuống
Tháp Cánh Tiên

Thời Chămpa và thời Tây Sơn, Thị Nại có vai trò rất quan trọng, vừa là quân cảng vừa là thương cảng rất sầm uất. Đây cũng có thể là lý do khiến người Chăm xây dựng nhiều thành lũy kiên cố cả trên cạn lẫn dưới nước để bảo vệ và phòng thủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không thể nào lý giải được vì sao ở thời điểm đó, người ta có thể xây dựng những công trình không tưởng bằng các vật liệu ở mức thô sơ nhất.

Một câu chuyện kỳ bí khác về dấu vết của người Chăm tại Bình Định là hòn đá có viết chữ ở suối Hố Giang (thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, H.Hoài Nhơn) nên được gọi là hòn đá Chữ. Hòn đá mấy trăm năm qua vẫn trơ trơ ở đó với những dòng chữ Chăm đầy bí ẩn. Trong dân gian lưu truyền rằng nếu giải mã được những dòng chữ ấy sẽ tìm được kho báu của vua Chăm cất giấu.

Hòn đá Chữ ở suối Hố Giang với những dòng ký tự Chăm bí ẩn khắc trên đá

Nếu các công trình phòng thủ nói trên chìm dưới lòng biển thì hòn đá Chữ cũng chìm dưới lòng suối, chỉ nhìn thấy khi mùa cạn trơ đáy. Hòn đá này rộng khoảng hơn 2 m, dài hơn 3 m, khắc đầy ký tự Chămpa cổ. Hòn đá có tổng cộng 15 hàng chữ nhưng do bị nước xói mòn, rêu phủ đen nên rất khó nhận diện. Quanh hòn đá Chữ còn vô số dấu vết như bàn chân của một người, nhiều lỗ tròn trên bề mặt phiến đá. Người dân trong vùng giải thích đó là dấu chân và dấu gậy của người khổng lồ ngày xưa gánh đất, vật liệu đi xây kho báu. Dưới chân hòn đá Chữ chừng vài mét có một hang ngầm rất sâu, dường như không đáy, đường kính miệng hang chừng 1 m. Người dân địa phương gọi đó là một giếng sâu thông ra tận biển khơi.

Đồ họa: Lâm Nhựt

Ảnh: Thái Kim Huy, Nguyễn Phước Hoài,

Đình Phùng, Đinh Bá Hòa,

Lê Hoàng Tuấn, Tâm ngọc, Bảo Huy

Báo Thanh Niên
21.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.