Có một người đàn ông nhớ nhớ quên quên, lang thang khắp các xó xỉnh ở Nha Trang hàng chục năm nay. Bỗng một đêm, từ giọng hát quen thuộc, người bạn cũ đã nhận ra ông chính là đồng đội cùng thời ở chiến trường K. Cuộc hành trình để trả lại những gì đã mất cho người đàn ông bất hạnh này bắt đầu từ đó.
>> TRẦN ĐĂNG - CÔNG THI
--------------------------------------------
Ông Đinh Văn Báng và Trần Lợi mến được con gái chụp ảnh trước khi ra sân bay ngày 4 tết 2018
Khuya mùng 4 Tết Mậu Tuất 2018, anh Trầm Lợi Mến mở cửa nhà, chuẩn bị đưa con gái ra sân bay, bỗng một giọng nói từ vỉa hè nhà bên cạnh cất lên: “Đi đâu mà sớm vậy Mến?”. Nghe ai gọi đúng tên mình trong bóng tối lờ mờ của đèn đường, anh Mến tiến lại, hỏi: “Anh là ai mà gọi tôi vậy?”. Người đàn ông rách rưới, râu tóc như người rừng, chợt co rúm lại. Mắt ông ta lơ đãng nhìn vào bóng đêm, chả buồn trả lời, chỉ khe khẽ hát: “Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn, anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi…”. Nhìn khuôn mặt nhàu nhĩ của người đàn ông, anh Mến chẳng nhớ nổi là ai, song giọng hát ấy thì nghe quen lắm. Hơn 40 năm trước, hồi còn ở lính, ngày nào anh em chẳng nghe giọng hát này, bài ca này. Hồi đó, chính trị viên đại đội vẫn hay “quán triệt” anh em trong đơn vị không được hát nhạc vàng, nhất là những bài dính dáng đến lính tráng, trận mạc mà buồn rầu, phiền muộn. Thế nhưng, khi xông lên đuổi giặc thì chẳng thấy ai tụt lại phía sau vì nghe một bài hát buồn. Ký ức thời quân ngũ bỗng ùa về, Mến tiến sát lại người đàn ông: “Báng hả? Đinh Văn Báng phải không?”. Báng vẫn khe khẽ hát, chả buồn trả lời. “Đúng rồi, bao năm nay anh em cựu binh trung đoàn 93 của sư 2 ở Nha Trang nghe tin Báng bị mất trí nhưng tìm hoài chẳng biết anh ấy lạc tận phương nào!”, Mến tự nói với mình như thế. Nhưng giờ làm thủ tục lên máy bay cận kề rồi, anh chỉ còn biết nhờ con gái chụp cho bố tấm ảnh với “ông khùng” này, rồi về tính sau.
Đinh Văn Báng sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1976. Mến nhỏ hơn Báng 4-5 tuổi nhưng ở bộ đội, nhập ngũ cùng ngày thì vẫn là “mày tao chi tớ” hết. Sau năm 1975, ở Nha Trang có rất nhiều đợt “lên đường tòng quân” nhưng trước năm 1978, chỉ có hai đợt là vào biên chế của lính sư 2, Quân khu 5. Báng và Mến nhập ngũ cuối năm 1976 thuộc đợt đầu; còn đợt 2 thì vào tháng 8.1978. Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, hiện là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa nhập ngũ và được biên chế về trung đoàn 93, sư 2 vào đợt tháng 8.1978, vì vậy, anh thuộc lính cùng đơn vị với Mến và Báng. Họ giờ nằm trong Ban liên lạc của lính sư 2 tại Khánh Hòa.
Hai ông Báng-Mến sau ngày ông Báng lên BV tâm thần
Sau khi tiễn con gái lên máy bay, anh Mến vội vàng quay lại Nha Trang và tìm gặp bác sĩ Xáng. “Ông Xáng ơi, tui gặp thằng cha Báng rồi. Ông xem, chính Báng chứ chẳng ai vô đây”, vừa nói, Mến vừa lấy điện thoại ra bật hình lên cho bạn xem. “Tôi xem đi xem lại rất lâu nhưng thật khó để tin đó là anh Báng, người lính tài hoa, vui tính, hát hay, đàn giỏi, và … thuộc rất nhiều thơ chiến trận”- bác sĩ Xáng nhớ lại người đồng đội. Dù không chắc lắm song nghe anh Mến khẳng định vậy, bác sĩ Xáng nói ngay: “Vậy ông lên nhà Báng để hỏi xem có phải hắn không, rồi báo tui tính sau”. Ba ngày liên tục, Trầm Lợi Mến “mai phục” nhà Đinh Văn Báng đến tận khuya nhưng tung tích về người đàn ông “bí ẩn” ấy vẫn bặt vô âm tín. “Sao anh không hỏi vợ con anh ấy?”, tôi hỏi. “Ôi trời, cô vợ ông ấy và cả đứa con trai đều “ngán” chồng và cha họ rồi. Đưa vô tận nhà thương điên ở Biên Hòa nhưng rồi họ cũng trả về. Ông ấy đập phá không chừa thứ gì nên gia đình xây riêng cho một cái “chuồng cọp” để nhốt lại nhưng thi thoảng ổng lại phá cũi để đi lang thang”, anh Mến phân bua.
Mến kiên trì đến đêm thứ 4 thì gặp “người đàn ông tiều tụy” đã gọi tên anh và hát cho anh nghe đêm mùng 4 tết. Thế nhưng, ông ấy một lần nữa làm anh Mến chưng hửng khi anh hỏi có nhớ ai đây không: “Chớ ông là ai vậy?”- người đàn ông hỏi lại. “Mới mấy hôm trước trong đêm tối còn gọi đúng tên mình rồi hát, giờ hỏi một câu vậy, nghe đau đớn quá!”, anh Mến nhớ lại.
Sau khi xác định đó chính là Báng, Mến về gặp lại bác sĩ Xáng. Ông Xáng quyết luôn: “Tụi mình phải cứu Báng!”. Sau khi nhờ một loạt các mối quan hệ để làm lại cho anh Báng cái thẻ bảo hiểm, bác sĩ Xáng quyết định đưa bạn lên Bệnh viên tâm thần Khánh Hòa tận xã Diên Phước, H.Diên Khánh, cách Nha Trang 30km.
Sau khi bàn với mấy anh em đồng đội cũ rồi chọn ngày “lên đường”, bác sĩ Xáng điều hẳn một chiếc xe “cấp cứu” với đủ ban bệ và cả … dây trói nữa lên nhà anh Báng. Chị Đặng Thị Lý, vợ anh Báng nhìn chồng mình chuẩn bị “lên đường” lần nữa, lòng thắt lại nhưng đây là giải pháp cuối cùng nên chị chấp nhận. Bác sĩ Xáng “lệnh” luôn cho vợ con anh Báng: “Chị và cháu lên ở với ảnh mấy hôm để chăm sóc cho ảnh quen với chỗ mới. Còn tiền mỗi ngày kiếm được từ bán vé số của chị, để tụi tui lo, hỉ?”. Chị Lý nghe cũng ấm lòng, dù chẳng tin chồng mình sẽ bớt bệnh.
Báng trong "bộ vía" chụp ảnh chung với BS Xáng
Anh Xáng kể, chuyện chuyển anh Báng đi bệnh viện mà anh chuẩn bị còn hơn đánh đồn. “Sợ ông ấy bị ám ảnh với bệnh viện tâm thần và dị ứng với chiếc áo blouse của nhân viên y tế mà chống cự, tôi phải dặn anh em và cả tôi nữa, mặc đồ bình thường. Thế nhưng, thoáng thấy tôi, ông ấy đã đứng nghiêm rồi dõng dạc: “Em chào thủ trưởng Thuận!”. Cả tôi và mấy đồng đội cũ đều không biết “thủ trưởng Thuận” là ai, song tôi chắc chắn một điều, anh Báng thời còn đi lính là người luôn “phục tùng mệnh lệnh cấp trên”, mà “thủ trưởng Thuận” nào đó là người anh phải “vâng lời” trong bất kể tình huống nào. Biết vậy nên tôi cũng … gật đầu chào lại: “Anh em lính tráng lâu ngày gặp lại làm vài ve chứ hỉ?”. Vừa nói, tôi vừa chỉ tay về phía xe ô tô, nói luôn: “Cậu lên trước đi”. Nghe thế, anh Báng “ngoan ngoãn” lên xe. Đi đường, thi thoảng ảnh lại hỏi “Thủ trưởng Thuận còn nhớ em không?”. Tôi té nước theo mưa luôn: “Sao lại không nhớ! Báng hát hay, đàn giỏi, viết chữ đẹp nữa!”. Nghe vậy, anh ấy cực kỳ phấn khích. Bây giờ tôi phải cảm ơn “thủ trưởng Thuận” nào đó từ trong cõi chiêm bao của bạn tôi. Lính mà, có bao giờ dám cãi lại thủ trưởng đâu”, anh Xáng kể lại chuyện cách đây gần một năm đã làm anh vui cho đến hôm nay.
Chị Lý cũng chỉ ở lại chăm chồng vài bữa rồi về, chị còn phải đi bán vé số để nuôi mình nữa. Bác sĩ Xáng thành người “bảo trợ” từ chuyện viện phí cho đến … ăn nhậu. “Tôi nhờ ban liên lạc sư 2 tại Khánh Hòa, mỗi người góp một tay để “nuôi” Báng. Cứ vài tuần, chúng tôi lại lên thăm anh ấy. Ban đầu thì chỉ ăn uống “nhè nhẹ” tại căng tin bệnh viện nhưng dần dần, chúng tôi kéo Báng ra … quán luôn. Nhìn thấy đồng đội ăn nhậu rồi trêu chọc nhau, anh ấy vui lắm. Và anh ấy đã hát những bài hát mà chúng tôi một thời rất thích. Nếu người không rõ ngọn nguồn câu chuyện nhìn vào, chẳng ai nghĩ chúng tôi đang “điều trị” cho một đồng đội bị bệnh tâm thần đâu”, anh Xáng kể lại.
Bức thư "chúc mừng dịp Noel" ngày 20.12 của Báng gửi BS Xáng
Chuyện đã gần tròn năm, bác sĩ Xáng và những đồng đội cũ thì vẫn lên xuống thăm anh Báng vài tuần một lần. “Mới đây, hôm 19.12, tôi đi công tác về thì thấy trên bàn có tấm thiệp giáng sinh. Mở ra xem, bắt gặp nét chữ quen thuộc từ 40 năm trước: “Mừng ngày vui giáng sinh, em chúc anh Xáng cùng gia quyến bạn bè gần xa vạn sự như ý và khỏe mạnh yên vui. Ký tên Đinh Văn Báng”. Tôi biết, đồng đội của chúng tôi đã trả lại cho anh những gì đã mất”, bác sĩ Xáng kết thúc câu chuyện.
Ảnh: Nguyễn Văn Xáng