>> Hạc Lệ Quyên
Vì sao? Vì Na Uy hầu như hội tụ đủ các yếu tố “kinh điển” của một nước Bắc Âu trước giờ vẫn được nghe, xem, đọc từ sách báo, phim ảnh và lời truyền miệng nhau từ các du khách đã từng đến nơi này.
Na Uy có địa hình đầy đủ thảo nguyên, sông, hồ, núi non trùng điệp, băng tuyết, nắng vàng rực rỡ hoặc những cơn mưa phùn chợt đến chợt đi. Na Uy có nhiều nơi chỉ cần ngồi trong xe thôi cũng có thể thấy bắc cực quang. Na Uy có nhiều tuần lộc đến mức có những nơi xe chạy song song trên đường cùng các chú tuần lộc.
Chẳng hạn thuê một chiếc xe tự động 5 chỗ ngồi đời mới Citroen Picasso với giá khoảng 6,5 triệu đồng một ngày chưa bao gồm tiền xăng. Đắt hơn nhiều thậm chí gần gấp đôi so với thuê xe tự lái ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, hoặc Pháp. Xăng ở đây có giá từ 44.000 đến 47.000 đồng một lít tùy theo khu vực và lên xuống liên tục gần như theo ngày, với giá này ở Mỹ có thể mua được 2,5 lít xăng.
Phương tiện công cộng như xe buýt cũng rất đắt so với thu nhập của khách du lịch châu Á, thậm chí trên các diễn đàn du lịch, khách từ Đức, Mỹ vẫn than thở sao Na Uy lại đắt thế. Chỉ với khoảng cách tầm 32 km đi từ sân bay Trondheim về trung tâm thành phố, bạn phải trả gần 750.000 đồng cho một vé xe buýt, và khoảng 1,6 triệu đồng nếu di chuyển bằng taxi. Với những tuyến xe buýt công cộng đường dài tầm 200-300km thì giá vé sẽ tầm 1,5 triệu đồng trở lên. Chi phí qua phà tại Na Uy có đôi khi lên đến hơn 3 triệu đồng cho một chiếc xe ô tô 5 chỗ và 5 người ngồi trên đó.
Thức ăn dành cho những kẻ lữ hành dù là mua từ cửa hàng tiện lợi ven đường hoặc ở các trạm xăng cũng không hề rẻ. Một ổ bánh mì be bé bằng ở Việt Nam với vài ba lát thịt nguội và đôi miếng cà chua, salad có giá tầm 170.000 - 350.000 đồng. Hotdog có giá tầm 100.000 đồng một chiếc. Kem que tầm 70.000 đồng/ cây, kem tươi bán tại các quầy di động ở các điểm tham quan đông đúc còn mắc hơn nữa. Tuy nhiên, giá cả ở Na Uy rất đồng nhất. Từ siêu thị lớn, của hàng tiện lợi như Circle K hay 7-Eleven đến hệ thống cửa hàng tại các trạm xăng, giá một chiếc bánh mì, một ly cà phê hay một que kem đều bằng nhau. “Chặt chém” là một từ vô cùng xa lạ với người dân ở đây cũng như du khách sẽ không bao giờ có cảm giác đó khi du lịch Na Uy. Tuy nhiên, vẫn có cách ăn uống thoải mái với giá cả hợp lý và chất lượng Châu Âu. Đó chính là mua thực phẩm tươi tại các siêu thị lớn của Na Uy và tự chế biến tại các căn bếp chung của nhà nghỉ hoặc các khu cắm trại.
Nếu muốn thưởng thức đặc sản địa phương, du khách có thể ghé các quán ăn đậm chất Bắc Âu, thực đơn và giá cả luôn sẵn sàng ngoài bậc cửa. Một bữa ăn chưa hẳn là “fine dine” nhưng cũng tươm tất và ngon miệng tại các nhà hàng địa phương sẽ tốn khoảng 1-2 triệu đồng cho mỗi người, tùy vào việc bạn có gọi các món ăn đắt tiền hoặc có thêm ly rượu vang cho bữa ăn hay không.
Đối với khách du lịch dài ngày thì McDonald’s hoặc Burger King với giá tầm 200.000 - 300.000 đồng cho một phần ăn đã có thể gọi là sang trọng. Cũng thật bất ngờ khi nước giải khát ở Na Uy đắt hơn nhiều so với Việt Nam hoặc Mỹ. Nước ngọt có giá từ 100.000 đến 140.000 đồng một lon. Một chai rượu vang loại rẻ tiền nhất ở quán ăn cũng có giá khoảng 1,1 triệu đồng.
Cách đây hơn 30 năm, ngành công nghiệp dầu mỏ đã đem đến sự giàu có thịnh vượng rất nhiều cho Na Uy, người dân xứ sở Scandinavians này được hưởng lợi tức cao, lương bổng tốt, các dịch vụ công cộng, bảo hiểm xã hội, y tế được chính phủ đầu tư, thực hiện nghiêm túc và gần như một lòng hướng về lợi ích nhân dân nên tiêu chuẩn và chất lượng gần như cao nhất trong khu vực các nước Bắc Âu nói riêng và trên thế giới nói chung. Chất lượng cuộc sống cao nên đối với du khách từ các nước châu Á, châu Mỹ hoặc thậm chí các nước trong khu vực Châu Âu lân cận như Đức, Thụy Điển vẫn “ngán” mỗi khi nhắc đến chi tiêu ở xứ này.
Nhưng dù chi phí cho các dịch vụ tại Na Uy đắt đỏ, nhưng những gì du khách nhận lại được là sự hài lòng. Một trong những “dịch vụ” hay khiến du khách khó chịu và so sánh nhất chính là nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh ở Na Uy dù có tính phí (đồng giá 10NOK, khoảng 28.000 đồng) từ bắc tới nam, hay không tính phí (tại các khu cắm trại, các cửa hàng tiện lợi của trạm xăng, các quán ăn, nhà hàng, quán cafe, tiệm bánh) đều sạch sẽ thơm tho như li như lau. Nhà vệ sinh ở Na Uy lúc nào cũng có ba thứ cơ bản là giấy vệ sinh, giấy lau tay, xà phòng rửa tay mà chưa lúc nào chúng tôi gặp tình trạng “hết hàng” như hầu hết ở các nơi công cộng khác, kể cả các nước phát triển như Pháp, Hà Lan, Bỉ.... Thậm chí chúng tôi rất ngạc nhiên với những khu nhà vệ sinh luôn được giữ gìn thơm tho, sạch sẽ và ấm áp (vì thời tiết bên ngoài có khi xuống 0 độ C lúc chúng tôi đến) của các khu cắm trại “bình dân” ven đường nằm dọc suốt chiều dài đất nước này. Ý thức của dân du lịch bản xứ rất cao, làm cho dân du lịch “tứ xứ” như chúng tôi khi đến Na Uy cũng trở nên cao ngất. Mọi người đều cẩn thận giữ vệ sinh mọi lúc mọi nơi, thậm chí chưa từng thấy ở các quốc gia khác, các phòng tắm công cộng của các khu cắm trại tại Na Uy đa phần đều để một cây lau nhà, người vừa sử dụng xong sẽ lau khô những chỗ bị ướt để mang đến sự thoải mái cho người dùng tiếp theo.
Na Uy thiết kế các cung đường chạy từ nam tới bắc cho xe ô tô đẹp như mơ. Tôn trọng tối đa môi trường thiên nhiên. Ở các khu có cảnh đẹp, thậm chí là những điểm tham quan có một không hai trên thế giới, Na Uy vẫn chỉ để một tấm biển nhỏ cùng kích cỡ với các tấm biển tên đường khác. Tuyệt nhiên không hề thấy những panel quảng cáo to đùng che chắn tầm nhìn hoặc lấn át thiên nhiên môi trường ở đấy. Đó sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những người yêu thiên nhiên khi đi dọc đất nước tuyệt diệu này.
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Khang Nguyễn