Covid-19 phủ khắp, giãn cách xã hội và những nơi vui chơi công cộng như Thảo cầm viên Sài Gòn (gọi tắt Thảo cầm viên) là nơi “thấm đòn” đầu tiên. Lượng khách sụt giảm khiến doanh thu tụt dốc không phanh, cả người và những con thú nuôi tại đây đang gồng mình từng ngày để vượt qua. Những người làm việc tìm mọi cách kể cả giảm thu nhập để quyết tâm bảo vệ những “đứa con” mà mẹ thiên nhiên trao tặng cho họ. Trong khi nhiều đơn vị, công ty khác có thể cắt giảm nhân sự trong lúc khó khăn do dịch Covid-19 thì Thảo cầm viên vẫn luôn cần người đều đặn chăm sóc động vật, thực vật và liên tục chi tiền trong khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Sau thời gian đóng cửa vì cách ly xã hội ở TP.HCM, Thảo cầm viên thống kê con số thiệt hại lên tới trên mười mấy tỉ đồng. Nếu doanh thu trước đó hơn 330 triệu đồng/ngày thì hiện nay mỗi ngày, Thảo cầm viên chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng. Mở cửa trở lại, lượng khách tới đây tham quan vẫn chưa nhiều như trước, Thảo cầm viên vẫn vắng vẻ, yên ắng. Chị Nguyễn Lan (Trưởng phòng tổ chức hành chính tại Thảo cầm viên) chia sẻ: “Thảo cầm viên đã chịu tác động 2 lần do dịch Covid-19. Lần thứ nhất đóng cửa 2 tháng không thu nhập, chúng tôi đã vượt qua dù có chịu nhiều tổn thất. Đợt dịch tái bùng phát này, chúng tôi thực sự không còn sức để chịu đựng nữa”.

Với Thảo cầm viên nói chung và chị Lan nói riêng có lẽ năm 2020 là một năm quá đặc biệt vì khó khăn liên tục và kéo dài chưa từng thấy. Dù sức gượng của công viên bảo tồn động vật - thực vật ở TP.HCM ngày càng giảm sút nhưng cán bộ, công nhân viên ở đây vẫn đồng lòng để đảm bảo số lượng nhân sự và động viên nhau cùng nhau vượt qua thời dịch gian khó.

“Thời gian trước, khi đóng cửa phòng dịch, chúng tôi vẫn đầu tư chăm sóc cho động thực vật, về nhân sự không giảm cắt giảm mà chỉ điều chuyển công tác. Công nhân những bộ phận không có việc làm như bộ phận bán vé hay kinh doanh sẽ được chuyển qua hỗ trợ trồng cây… Khi dịch tái bùng phát, chúng tôi vẫn cố gắng giữ nguồn nhân lực nhưng vì không gắng gượng được nữa nên chúng tôi động viên mọi người giảm một phần lương để chia sẻ khó khăn chung này”, chị Lan thông tin.

Khoảng 300 nhân viên Thảo cầm viên đồng ý giảm 30% lương của mình. Bên cạnh đó, Ban giám đốc cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng bằng cách đăng tải bài viết trên trang chính thức. Được biết, sau đó, rất nhiều tập thể, cá nhân đã chung tay giúp Thảo cầm viên, chỉ sau 2 ngày kêu gọi, Thảo cầm viên nhận được hơn 1 tỉ đồng tiền hỗ trợ và số tiền này sẽ được tính toán tối đa cho bữa ăn của hàng trăm động vật tại đây được tốt nhất.

Công nhân Thảo cầm viên luôn làm việc đều đặn, mỗi tuần họ sẽ được nghỉ 1,5 ngày nhưng ít khi được nghỉ cuối tuần vì thời điểm này là lúc công viên đón lượng khách tham quan đông đúc các ngày trong tuần. Dù dịch bệnh bùng phát nhưng lịch làm việc của họ hầu như không thay đổi.

Làm việc xuyên suốt thời gian dịch bệnh, chị Ngọc Thảo (45 tuổi, công nhân tổ Chim, làm việc 17 năm tại Thảo cầm viên) buồn bã  khi được hỏi về công việc hằng ngày. Chị kể, một ngày của chị bắt đầu là kiểm tra chuồng, tình trạng sức khỏe động vật, sau đó làm vệ sinh, chuẩn bị đồ ăn, cho ăn và tiếp tục theo dõi chúng. Chị cũng như nhiều công nhân khác quá hiểu về tính cách, sở thích của những con thú. Họ được ví như những người cha, người mẹ của những đứa con hoang dã này.

“Chúng tôi chăm những con thú ở đây còn hơn chăm con của mình, ở nhà tôi có 3 đứa con, các con đều đã lớn và tôi dành nhiều thời gian làm việc ở đây như chăm con. Thời gian mới làm việc này, tôi phải học cách chăm sóc thật kỹ từng chút một, lâu dần tôi quen và thấy có tình cảm, khóc, cười, nói chuyện, dầm nắng, dầm mưa với”, chị kể.

Chị Thảo đặt tên riêng cho từng con vật. Mỗi ngày khi đến làm việc, chị đều… chào hỏi chúng. Ngoài ra khi có thời gian, chị Thảo luôn dạy chúng cách “trò chuyện” mỗi khi có khách đến tham quan. Chị Thảo kể tiếp: “Chăm các con từ khi chúng còn bú sữa đến khi chúng tập ăn, lớn dần và trưởng thành, tôi trải qua quá nhiều những khó khăn. Nhiều khi tôi khóc vì thương chúng đau ốm. Có lần một con vẹt con không ăn được, nó nôn ói rất nhiều, tôi lo lắng vô cùng, vội kiểm tra ngay lại thức ăn hôm nay xem mình có làm gì sai không và báo ngay với bác sĩ thú y để các con được chăm sóc và điều trị kịp thời. Đợt dịch này cũng vậy, công nhân chúng tôi không nỡ lòng nào nhìn các con phải chịu khổ, thà công nhân cùng nhau chịu khổ mỗi người một ít để lo cho các con được đầy đủ, an toàn chứ không muốn nhìn các con ốm yếu hay bệnh tật”.

“Tôi nhận lương bậc 4, mỗi tháng tổng thu nhập hơn 8 triệu đồng. Nay tôi tình nguyện giảm 30% thu nhập, tất nhiên là sẽ ảnh hưởng đến đời sống rồi nhưng tất cả công nhân đều thông cảm trong hoàn cảnh toàn thế giới và Việt Nam rất khó khăn do dịch bệnh. Từ tháng 8 này chúng tôi bắt đầu giảm lương. Trước đó, sau khi Thảo cầm viên mở cửa trở lại, lượng khách khá đông nên anh em công nhân chúng tôi mừng lắm, nghĩ năm nay ổn rồi nhưng giờ quá buồn vì quá vắng vẻ”, chị Thảo tâm sự.

Chị Ngọc Nhung, tổ Chế biến dù đang có con nhỏ ở nhà và hiện mang thai bé thứ hai nhưng vẫn làm việc xuyên suốt mùa dịch. Công việc của chị là nhận thức ăn, sơ chế, chế biến thức ăn và chia khẩu phần. Chị Nhung Chị Nhung nói rằng nếu ví công việc chăm thú như chăm con thì công việc ở tổ Chế biến của chị cùng chính là việc chuẩn bị thực phẩm để cho con ăn.

“Khi sơ chế rau, củ, quả, thịt… tôi phải làm thật tỉ mỉ, phải chọn lọc và đặc biệt là phải rửa, ngâm hay luộc, cắt lát… để phù hợp với nhu cầu riêng của từng “đứa con”. Đi làm thời gian dịch bệnh dĩ nhiên tôi vẫn lo sợ, sợ lỡ mình bệnh mình lây cho chúng hay ngược lại thì khổ lắm. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng, quyết tâm cùng nhau vượt qua. Bên cạnh đó chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ về đồ bảo hộ an toàn, sự động viên tinh thần từ phía công ty”, chị Nhung kể.

Mong rằng sự nỗ lực của toàn cán bộ công nhân viên Thảo cầm viên và sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng sẽ giúp công viên bảo tồn này nhanh chóng vượt qua những khó khăn để tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo tồn thiên nhiên của mình.

Với diện tích khoảng 16 ha, Thảo cầm viên hiện đang nuôi dưỡng khoảng 1.337 cá thể động vật thuộc 125 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm và nhiều loài nguy cấp. Khẩu phần ăn của động vật tại đây được quản lý chặt chẽ, mỗi tổ trưởng đề nghị khẩu phần sau đó chuyển lên nhà chế biến. Từ đó, Ban giám đốc sẽ quản lý thông tin này một cách toàn diện, chính xác nhất. Có 2 nguồn cung cấp là thực phẩm cho Thảo cầm viên đó là tự cấp (trồng cỏ, cây lấy lá, hoa màu... trên diện tích đất có sẵn) và thu mua (ký hợp đồng với một công ty để nhập rau củ quả, thịt…). Sau khi nhận thực phẩm, tổ Chế biến sẽ sơ chế, công việc này yêu cầu người tỉ mỉ, công tâm để nhận đúng, đủ về chất lượng và số lượng thực phẩm. Ông Mai Khắc Trung Trực (Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn) kể với Thanh Niên khẩu phần ăn, mỗi động vật có một khẩu phần ăn khác nhau, từ khi sinh ra hay mang về sẽ được đề nghị khẩu phần, sau đó được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm. Doanh thu tụt dốc nhưng việc chi tiêu để mua thực phẩm cho các loài vật không thể giảm để những con vật yêu thương nhất được ăn đầy đủ nhất khiến ông Trực cùng nhiều cán bộ khác không khỏi lo lắng và luôn canh cánh.

Bên cạnh duy trì những công việc hằng ngày tại Thảo cầm viên, ông Trực cùng đồng nghiệp cố tìm phương pháp thay thế giúp giảm chi tiêu mà vẫn đảm bảo an toàn cho động, thực vật. Ông Trực cho biết Thảo cầm viên đang thực hiện nhiều biện pháp thay thế về chế độ ăn uống và chăm sóc động vật để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo nhu cầu sống cho chúng.

“Thời điểm này, công ty vận động hình thức tự thân đến chợ đầu mối mua thực phẩm để có giá phù hợp nhất. Ví dụ khoai lang mua tại chợ giá sẽ rẻ hơn. Hay với các loại động vật ăn thịt có thể đa dạng các loại thịt cho thú bằng các món gà, heo, trâu, bò… thay vì chỉ dùng một loại như xưa giờ đối với động vật ăn thịt”
Ông Mai Khắc Trung Trực

“Bên cạnh đó, chúng tôi có dự định hoán đổi khẩu phần, nhưng không giảm về chế độ dinh dưỡng hay chất lượng thức ăn để động vật không bị suy giảm về năng lượng. Hiểu đơn giản về hoán đối khẩu phần là ưu tiên thực phẩm theo mùa, có giá thấp hơn so với thực phẩm trái mùa. Ví dụ động vật ăn cỏ thích ăn trái cây mềm như chuối, nho, bây giờ giá thực phẩm này cao hơn thanh long nhiều nên chúng tôi hoán đổi, bổ sung thanh long vào khẩu phần để giảm chi phí”, ông tiếp tục phân tích.

Một thông tin khác được ông Trực chia sẻ với Thanh Niên, trường hợp những con thú nhỏ chết ngoài ý muốn nhưng không có bệnh tật, không điều trị và không tồn dư kháng sinh sẽ được tận dụng để làm thức ăn. Phương án này có thể thay thế phương án trước đó tại Thảo cầm viên Sài Gòn, khi động vật chết sẽ chôn hủy hoặc làm mẫu trưng bày tại khu bảo tàng, vì chưa có tiền lệ nên phương án này vẫn đang được cân nhắc.

COVID-19 VẪN HOÀNH HÀNH! NHỮNG CON THÚ Ở THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN VẪN NẰM ĐÓ, ÍT NGƯỜI, ÍT TRẺ CON ĐẾN XEM CHÚNG HƠN. SỐ PHẬN CỦA BẦY THÚ CŨNG NHƯ NHỮNG CON NGƯỜI Ở ĐÂY VẪN PHẬP PHỒNG TRONG DỊCH.


Bài viết: Trần Kim Anh
Đồ hoạ: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
13.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.