Ngay dưới chân cầu Nhật Tân, đoạn trên đê Yên Phụ (Hà Nội), cư dân quanh vùng quen với hình ảnh một ông Tây, đi chiếc Attila xập xệ, xơ xác từ đời ơ-kìa, thân bệ vệ che kín cả con xe, hôm cặm cụi trải đủ thứ phế liệu lên triền đê để… vẽ, hôm lại lu bu với đám trẻ con và người không sức khỏe trong xóm nghèo dưới chân cầu, hì hụi tạo hình những con thú từ ve chai, sắt vụn; tạo cho phế liệu, rác thải một cuộc tái sinh đầy ngoạn mục, mang lại cho rác một giá trị mới, được mọi người chiêm ngưỡng, trân trọng.

Chiếc thúng bỏ đi, vô dụng, nhưng giá trị qua góc nhìn của David

Xin mở đầu bằng câu chuyện cơ duyên khiến anh gắn bó với Việt Nam từ khi nào?

Tôi sống và làm việc ở Paris, vào năm 2014, một người bạn Việt Nam đã tặng tôi vé đi du lịch, và tôi chọn Việt Nam vì ở Pháp tôi đã biết Việt Nam qua ẩm thực. Khi tôi đặt chân đến TP.HCM, chỉ sau 3 tiếng, tôi nhắn với người bạn Việt Nam rằng tôi quyết định dừng cuộc đời mình ở đây.

Chỉ giản đơn vậy thôi sao? Anh có thể lý giải về sự lựa chọn vẻ như quá nhanh - quá nguy hiểm ấy?

Tôi là người sống nội tâm, từng đi nhiều nơi nhộn nhịp như Bắc Kinh, Hồng Kông, Thượng Hải, Phuket, Chiang Mai… nhưng không soi chiếu được mình vào đó. Việt Nam từ lần đầu gặp gỡ, tạo cho tôi cảm giác an yên từ con người đến cuộc sống đời thường. Ở Pháp, tôi đối mặt với công việc, cuộc sống, quá nhiều thứ khiến tôi mệt mỏi. Khi đến Việt Nam, tôi tìm được bình yên và lý trí mách bảo tôi đưa ra quyết định chọn nơi đây làm quê hương. Qua hai tuần sống ở TP.HCM, tôi càng chắc chắn hơn về quyết định của mình, tôi thấy người Việt yêu cuộc sống gia đình, mọi thứ thật dễ dàng, dễ kiếm việc, lập gia đình, có con… theo mạch tự nhiên và đơn giản. Tìm hiểu thêm về Việt Nam sau hai tuần, tôi đến Hà Nội và ở luôn nơi này, bởi thấy tính cách của tôi hợp với bản sắc của Hà Nội.

Ở Pháp, anh có phải là nghệ sĩ sáng tác?

Tôi từng làm cho hãng LV, cấp quản lý, nghề tay trái làm thêm các sự kiện truyền thông. Tôi không học qua trường lớp nghệ thuật nào cả, có lẽ từ di truyền của gia đình vì cha tôi là nhà thiết kế, ông được biết đến là người tạo nên chiếc ghế từ kỹ thuật cắt laser cách đây gần 20 năm. Ông cũng làm sáng tạo cho hãng Ferrari, sau khi về hưu ông chỉ vẽ Phật. Và tôi ảnh hưởng rất nhiều từ ông, nhất là lĩnh vực hội họa và sáng tạo chi tiết.

Được biết những năm qua sống ở Hà Nội, anh có nghề đầu bếp, vẻ rất không liên quan đến nền tảng công việc như ở Paris?

Nấu ăn là đam mê của tôi, tôi làm món gan ngỗng rất đỉnh, ở khu Xuân Diệu thì món gan ngỗng của tôi được cộng đồng nước ngoài đều biết đến, nhất là người Pháp. Tôi cũng thường được mời nấu ăn cho các sự kiện của công ty, của Đại sứ quán…; đó là một trong những nghề chính tôi kiếm thu nhập khi sống ở Việt Nam.

Thế rồi cơ duyên nào lôi anh ra khỏi bếp để hoạt động nghệ thuật?

Sống ở Hà Nội, tôi rất thích la cà, và phát hiện ra một “thiên đường” rác thải, trông thật thảm và chán. Tôi nghĩ nếu mình tìm cách biến rác thành một giá trị gì đó đẹp đẽ hơn, tạo cho rác vẻ đẹp mới, chưa tính đến giá trị bằng tiền, nhưng về mặt thẩm mỹ, hẳn sẽ giúp cho cuộc sống thêm vui tươi, thú vị hơn.

Thế là anh bắt đầu đi nhặt rác để hóa kiếp cho chúng?

Ban đầu tôi nhặt nhạnh những thứ trên đường, từ cái mâm nhôm, cái thúng lủng, tấm tôn rỉ sét…; cái gì vô dụng tôi đều nhìn ra trong nó vẻ đẹp riêng. Chẳng hạn tôi rất thích gam màu của rỉ sét, bản thân nó đã là một nghệ thuật, khi mang về chỉ cần tô điểm, điều chỉnh thêm một chút đã có thể khiến mọi người ngạc nhiên rồi. Tôi cũng hay đi đến các vựa ve chai, sắt vụn, mới đầu còn phải mua, lâu dần thành bạn và khi biết tôi dùng sáng tác nghệ thuật, những nhà ve chai có cái gì họ nghĩ rằng tôi thích, lại liên hệ tôi đến mang về, hoặc bán với giá rất rẻ.

Mỗi ngày, anh dành quãng thời gian nào cho sáng tác?

Tôi mắc một “chứng bệnh” là thiếu ngủ, vì mỗi khi nhập xưởng một miếng phế liệu, tôi lại nghĩ sẽ làm gì với nó. Và kho phế liệu của tôi sau 3 năm tích lũy, đủ sáng tác 10 năm vẫn chưa hết, nên đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ đến những ý tưởng, và bắt tay thực hiện bất kể thời gian rảnh nào trong ngày. Tôi không thích bia rượu, không cà phê thuốc lá, tôi thích thiền, và ăn chay đơn giản vì nó ngon, tạo cho tôi năng lượng, yêu đời. Và tôi sáng tác không lệ thuộc vào thời gian, giá thành hay công sức tôi dồn cho tác phẩm, tôi coi sáng tác là đam mê và coi đó như một lao động cả trí óc và chân tay đầy thú vị.

Tha lôi về toàn rác, chắc là sốc nặng với người trong gia đình và có lẽ cả khu xóm?

Tôi thuê một căn nhà cấp 4 dưới chân cầu Long Biên làm kho chứa và cũng là xưởng sáng tác, đồ ve chai chất từ đất lên nóc nhà. Thời gian đầu mọi người thấy lạ, còn bây giờ bà con trong xóm quý tôi lắm; khi làm xong những tác phẩm, tôi đem treo, gác, bày, sắp đặt khắp xóm, họ ngạc nhiên vì không ngờ rác lại đẹp như vậy.

Những sáng tác hội họa giúp phế liệu tái sinh, tạo thành một giá trị mới, cuộc sống mới

Các sáng tác nghệ thuật của anh, có thể thấy tính thủ công, tỉ mỉ cao, hẳn anh cũng có dịp tìm hiểu về nghề thủ công ở các làng quê Việt, anh có nhận xét gì?

Tôi rất ấn tượng với kỹ thuật và độ khéo tay của người thợ thủ công, nhưng họ bị nhược điểm là giống nhau, không có thiết kế riêng. Nhìn tác phẩm của tôi, bạn có thể thấy tôi không vẽ nhiều hình ảnh theo kiểu lưu niệm như xích lô, cầu Long Biên, hay tạo hình những thứ chỉ gọi là đẹp đẹp, dễ thực hiện, nhanh gọn mà không có nội dung đằng sau nó. Tùy từng ý tưởng sáng tác, khi thể hiện, tôi vận dụng nhiều kỹ thuật thủ công khác nhau, mỗi tác phẩm là một sự khác biệt từ ngay chất liệu và kỹ thuật, như vậy sẽ không lo bị sao chép, ăn cắp mẫu được.

Biến rác thành nghệ phẩm, ngoài yếu tố mỹ thuật, các tác phẩm của anh có truyền tải nội dung gì khác?

Tôi nhấn mạnh vào yếu tố sinh thái, bền vững. Rác thải có những thứ rất lâu tiêu hủy, vì vậy khi biến nó thành hữu dụng, đã là cách góp phần cải thiện cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường. Ở góc độ khác, tôi gửi gắm thông điệp về tinh thần, có thể là vẻ đẹp của hội họa, có thể là tuyên truyền bảo vệ đời sống động vật hoang dã, như tạo hình tê giác - một động vật trên bờ tuyệt chủng (mẫu này tôi bán được rất nhiều ra nước ngoài), hoặc màu sắc tôn giáo qua các hình thái họa Phật.

Anh có những dự tính gì với tương lai trong chuyện biến rác thành nghệ phẩm?

Nơi xưởng làm việc của tôi là xóm nghèo, lao động có, cả người vô gia cư, nghiện ngập, tù tội, người khiếm thị, tàn tật…; tôi đang thử nghiệm những thiết kế, và cho mọi người làm thử, tôi thấy họ làm rất khéo tay, giúp họ có thêm thu nhập, và mọi người rất thích. Tôi sẽ đề xuất phương cách này cho các trại tù, vì dễ dàng áp dụng. Cách làm của tôi chỉ sử dụng tay chân, không lệ thuộc máy móc, không tạo âm thanh ồn ào, do vậy đầu tư ban đầu rất rẻ. Khi hướng dẫn tù nhân thực hiện sản phẩm, tác phẩm, ngoài sản sinh giá trị, quan trọng hơn là tinh thần của họ biến đổi, họ được cảm hóa dần qua vẻ đẹp của nghệ thuật. Tôi nghĩ đó là cách khơi gợi sáng tạo trong bản thân tù nhân, giáo dục họ từ trong tâm tính, giải quyết được đáng kể rác thải, đồng thời lợi nhuận từ các phẩm vật họ làm ra có thể bán, đấu giá, mang lại nguồn thu cho chính phủ.

Tiếp cận mỗi ngày với rác, anh nhìn ra trong rác có ý tưởng nào mang tính vĩ mô hơn các tác phẩm đơn lẻ mà anh đang thực hiện?

Tôi đang sử dụng một kho bãi diện tích gần 10.000 mét vuông bên Long Biên để tạo dựng khu nhà sinh thái từ container phế liệu. Tôi tìm ra nguồn mỗi năm có thể cung cấp đến 5.000 container thải. Tôi tận dụng container hỏng, tạo thành nhà ở, dùng toàn bộ năng lượng xanh, pin năng lượng, mái trồng rau, phủ cây xanh xung quanh cách nhiệt, không gian để mở, sử dụng năng lượng gió tự nhiên, với thiết kế đủ dùng năng lượng, nước, rau sạch cho 5 - 6 ngày. Mỗi tuần, tôi có thể thi công khoảng 10 container như thế. Tôi đang liên hệ với chính phủ Pháp để ứng dụng mô hình này vào làm nhà ở cho du khách mùa Olympic sắp tới vì ở các bãi cắm trại trên rừng dễ gây cháy, không an toàn. Khi sử dụng nhà sinh thái từ container phế thải, vừa dễ vận chuyển, công năng đa dạng, có thể là nhà ở, có thể là tiệm cà phê, trà, là không gian trưng bày nghệ thuật.

Hiền, vui tính, gàn, yêu đời, tràn đầy năng lượng…, những tính cách của gã “nghệ” đầy dị biệt David

Sống ở Việt Nam hơn 15 năm, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

Xuýt chết và xém bị cưa chân trong một tai nạn xe máy. Ba thanh niên gồm 2 nam 1 nữ, tông vào tôi dưới dốc cầu Long Biên với vận tốc 125 km/giờ, tôi văng khỏi xe 25 m, cằm bị cắt gãy, chân bể vụn xương ống. Các bác sĩ sau nhiều lần phẫu thuật, gắn đinh chi chít, khi hội chẩn lần cuối, họ bảo tôi không thể phục hồi, phải cưa chân, vì có để cũng không sử dụng được. Tôi không chấp nhận được mình bị mất một chân, và quyết tâm ở mặt tư tưởng, phải bình phục sớm. Sau 6 tháng, tôi đi lại được mà không dùng nạng, và trong buổi tiệc ở Đại sứ quán Pháp, tôi còn khiêu vũ, các bác sĩ chữa trị cho tôi gọi đó là thần kỳ. Bây giờ chân tôi vẫn còn đầy đinh vít.

Cảm ơn anh với những chia sẻ thú vị!

Báo Thanh Niên
17.04.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.