Không hiểu sao, những bộ tộc tiền Việt Mường còn lại giữa đại ngàn miền tây Quảng Bình (Rục, Mã Liềng, Arem) vốn từ xưa quen với việc săn bắt, hái lượm... lại lấy hình ảnh con chim mơ leng làm biểu trưng cho tộc mình. Mơ leng có nghĩa là đại bàng.

>> NGUYỄN THẾ THỊNH

Đường lên huyện vùng cao Minh Hóa, nơi có cửa khẩu Cha Lo nối với nước bạn Lào, hai bên cây cối ngút ngàn, những dãy núi đá hùng vĩ, những dòng suối trong veo uốn lượn, chảy qua chân cầu... Nếu so với 20 năm trước, khi chúng tôi nhiều lần theo anh Đặng Đệ, Trưởng ban Dân tộc - Miền núi Quảng Bình, lên với các tộc người mà báo chí báo động là “có nguy cơ tuyệt chủng”, thì còn hơn cả giấc mơ.

Thật khó hình dung nổi, ô tô con có thể chạy đến tận các bản người Rục (Ón, Mò O, Ồ Ồ) ở xã Thượng Hóa, nơi trước đây từ trung tâm huyện lỵ, vừa đi vừa dắt vừa khiêng xe Minsk bằng đòn cũng mất cả ngày đường. Gặp mùa mưa lũ thì coi như “không có lối về”.

Hồi đó, có nhiều vấn đề để quan tâm đến người Rục. Họ chỉ còn 198 người, nhiều lần bộ đội biên phòng cùng Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh đưa ra định cư nhưng rồi họ lại vào sống trong hang đá. Một cuộc vận động đầy cay cực và có vẻ như bất thành. Tôi lại còn quan tâm đến một câu chuyện khác và nhờ anh Cao Văn Điền, Chánh văn phòng UBND huyện, đi tìm một người phụ nữ lớn tuổi. Bà là người Nguồn (gọi theo đồng bào Minh Hóa) duy nhất biết tục “thổi thắt, thổi mở”. Ai chưa muốn sinh con thì tìm đến nhờ bà “thổi thắt”, khi muốn sinh thì đến nhờ bà “thổi mở”.

Về sau tôi có viết chuyện này trên Thanh Niên. Trong đó có nói bà học được từ người Rục.

Vài ba năm trở lại đây, rất nhiều bài viết trên báo chí lẫn mạng xã hội cho rằng, người Rục là một trong “10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới”. Tôi cố công tra cứu nhưng chưa thể tìm ra tổ chức nào phát ngôn về chuyện này mà chỉ là chuyện “nói qua nói lại”. Trong đó, bài nào cũng đưa chuyện “thổi thắt, thổi mở” là một trong những chuyện “bí ẩn”.

Các tác giả đều mô tả việc thầy cúng làm phép “thổi” nhưng không ai nhắc đến chuyện, theo tôi mới là điều đáng nghiên cứu, đó là khi làm phép “thổi” xong, người phụ nữ nhất định phải đi lấy một loại lá cây rừng khô do thầy cúng đưa cho rồi về lót dưới giường nằm của vợ chồng.

Bí ẩn chắc nằm ở chỗ này chứ không phải bùa phép.

Bộ đội biên phòng phát hiện ra tộc người “leo trèo như vượn”, mặc vỏ cây, ở trong hang đá từ năm 1959. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và dân tộc học như Trần Trí Dõi, Võ Xuân Trang, Đinh Thanh Dự... đã có nhiều công trình, bài viết về họ. Tôi chỉ nhớ nhất chuyện ông Cao Thuỳnh kể rằng, ngày trước, người Rục ngồi bên đống lửa nghe già làng đọc truyền thuyết của họ bằng văn vần, hết đêm này sang đêm khác và dường như không bao giờ kết thúc. Tiếc thay, lúc đó ông chỉ nhớ bập bõm vài đoạn không đầu không cuối.

Những năm 90 của thế kỷ 20, người Rục đã có người học đến lớp 6 phổ thông, nói được tiếng Kinh nhưng cũng không hiểu gì về lịch sử tộc mình.

Báo chí đã viết quá nhiều, nhiều đoàn từ thiện cũng đến phát quà và quay phim chụp ảnh rồi lên tiếng cảnh báo nhiều thứ, nhưng chủ yếu cũng khai thác khía cạnh làm cho bạn đọc tò mò. Tôi thì thấy, người Rục sống trong hang, không thích mặc quần áo, chỉ quấn vỏ cây là một thói quen của họ. Có thể nói, như thế họ thấy thoải mái hơn. Họ cũng không than vãn về nghèo đói, có lẽ vì họ không biết giàu có là gì, chỉ hái lượm, đốt lửa, ăn, chặt đoác làm rượu uống là đủ. Nhưng họ có một nỗi lo sợ, đó là ma rừng, đôi khi họ gọi đó là Giàng, bắt họ đau ốm, bệnh tật. Đó mới thực sự là nguy cơ làm họ tuyệt chủng cùng với việc hôn nhân cận huyết.

Ôi, những con đại bàng, hình như chỉ có trong tưởng tượng.

Nói thật, ai chưa từng đến bản người Rục thì nên đến một lần. Bây giờ từ đường Hồ Chí Minh đi vào chừng 20 km. Đường bê tông. Đó là một thung lũng yên bình và tuyệt đẹp. Trường trạm khang trang, những cánh đồng lúa nước xanh ngát, những đàn bò vàng thản nhiên gặm cỏ. Và đặc biệt, con người ở đây vô cùng hồn nhiên, thân thiện.

Không ai không cảm kích các đoàn từ thiện, nhưng tôi có chút áy náy, là việc từ tâm nhưng rất có nguy cơ mang lại cho người Rục thói quen, một thói quen trông chờ và ỷ lại.

Tôi cảm phục những người như thiếu tá Bùi Đức Sử, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Cà Xèng, người cùng đồng đội mình “ba cùng” với dân để tạo cho họ thói quen trồng lúa nước thay vì “phát, đốt, cốt, tỉa”, đó thực sự là một cuộc cách mạng.

Ông Píu đã sống qua 60 mùa rẫy bảo rằng, ngày trước gieo lúa khắp đồi nhưng hạn hán thì không lên nổi, cây lên thì thú rừng phá hết, năm được mùa cũng chỉ vài chục ký thóc, có năm chỉ tuốt được vài nắm thóc. Bây giờ ông được phân 5 sào ruộng lúa nước, năm làm 2 vụ, cả nhà đủ lương thực qua mùa giáp hạt.

Tôi cũng rất cảm phục anh Trần Xuân Tứ, anh không phải người Rục nhưng vào sống và làm thôn trưởng ở bản Ón. Anh Tứ làm kinh tế giỏi và chính là mô hình, là tấm gương cho bà con học tập.

Hiện anh Tứ đã có hai chục con trâu; đàn dê, bò hơn năm chục con. Trong khuôn viên 1.000 m2 đất, anh làm nhà, làm vườn và nuôi lợn rừng. Lợn rừng của anh thuần chủng, không lai nên bán lợn thịt cũng đắt mà lợn giống lại càng đắt hơn (lợn thịt 200.000 đồng/kg, lợn giống 350.000 đồng/kg).

Anh thuê 8 người làm thường xuyên, mỗi người thu nhập 5 triệu đồng/tháng, chưa kể người làm mùa vụ. 5 triệu đồng, số tiền trước đây đối với người bản địa là... không tưởng!

Nói cảm phục là vì, có anh, mọi người nhìn vào anh, khó thì hỏi anh mà làm.

Lần đầu tiên đến với người Rục, tôi xem đó như là một kỳ tích. Thế nhưng bây giờ, “thích là nhích”, từ TP.Đồng Hới, chưa đầy 2 tiếng xe máy là đã đến Thượng Hóa. Đó là kỳ tích của những người lính biên phòng, Ban Dân tộc - Miền núi Quảng Bình và chính quyền H.Minh Hóa. Họ đã biến giấc mơ của những con chim đại bàng thành hiện thực: Đại bàng đã có tổ.

Và tổ ấm đó, tôi cam đoan là một điểm du lịch kỳ thú. Đến đó, ta sẽ gặp lại... chính mình!

Đồ họa: Lê Duy Quang | Ảnh: Hoàng An

Báo Thanh Niên
01.02.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top