>> LAM PHONG
Thật bất ngờ khi nghe thông tin Nghệ An cũng có những vùng chè cổ thụ hơn trăm năm tuổi, thân to hai người ôm, cao hơn 20m, mọc rải rác thành cụm, thành rừng trên heo hút biên giới giáp đất Lào.
Trên bản đồ chè thế giới, VN là quốc gia nằm trên dải chè cổ thụ shan tuyết gồm các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar, và cũng là nơi có vùng chè shan tuyết cổ thụ chiếm số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới mọc rải rác nối từ đông bắc sang tây bắc với Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Chè cổ thụ giống shan tuyết là loại chè mọc tự nhiên, ở những vùng núi cao từ 1.200 m trở lên. Do đặc tính tự nhiên, không bị thu hái, tự do phát triển nên thân chè rất lớn (đỉnh Fansipan có chè cổ thụ to đến hai người ôm, cao hơn 40 m). Những vùng chè được xác định cụ thể như ở Suối Giàng, Yên Bái có gốc chè trên 600 năm tuổi. Thế nên khi nghe nói ở vùng núi cao thuộc các xã Mường Lống, Huồi Tụ (phía tây Nghệ An) xuất hiện chè cổ thụ, thực là một điều lạ với ngành chè Việt.
Là huyện miền biên giới, Kỳ Sơn vẫn là tên gọi rất xa lạ trong bản đồ chè Việt
Chỉ những đồi chè công nghiệp, được bàn tay con người nuôi trồng, chăm sóc theo luống, đường sá mới được chăm chút (để tiện thu hoạch). Còn giống chè cổ thụ mọc tận rừng sâu, trên đỉnh núi cao chót vót mây mù, rất nhiều trong số ấy chưa từng được thu hái. Bởi vậy, hành trình khám phá vùng chè cổ thụ không chỉ là chuyến đi thông thường mà là cuộc chinh phục thực sự.
Đem chuyện chè cổ thụ núi cao phía cực tây Nghệ An hỏi người làm chè xứ Nghệ lâu năm, thông tin rất mơ hồ, số ít có nghe nói chứ chưa gặp, còn hầu hết không ai nghĩ rằng Nghệ An lại có những cây chè to lớn như giống chè shan. Để lên miền chè cổ thụ, từ Vinh, tôi theo QL 7A, nhắm hướng Kỳ Sơn thẳng tiến. Hành trình khởi đầu khá suôn sẻ, êm đẹp khi len qua những cung đường hoang sơ, vắng vẻ thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, với tâm điểm là Vườn quốc gia Pù Mát.
Người H’mông bản địa trên đường làm nương về
Hơn 200 km đường và khoảng sáu giờ di chuyển, thị trấn Mường Xén - nơi phồn hoa nhất xứ Kỳ Sơn, mở ra. Hỏi cư dân thị trấn về cây chè cổ thụ, đều nhận lại những cái lắc đầu bởi chưa từng nghe. Trừ một thông tin liên quan đến chè, ấy là loại chè bụi thấp do Tổng đội TNXP số 8 ở Huồi Tụ, Kỳ Sơn khai thác. Chút manh mối nhỏ nhoi đó khiến cơ hội mở ra dần, bởi nói đến “thổ địa” miền biên giới, hai địa chỉ cầu viện chắc ăn nhất là Bộ đội Biên phòng và lực lượng TNXP.
Mãi chiều muộn tôi mới đến được Huồi Tụ, vào đại bản doanh của Tổng đội TNXP số 8. Anh Nguyễn Văn An - Trưởng phòng tổ chức, phụ trách kỹ thuật của Tổng đội, vào đề luôn: “Tôi biết vùng chè cổ thụ đấy, anh em có tìm đến nghiên cứu và khảo sát rồi”. Thật là tin tốt lành bù cho cả ngày lắc lư từ miền xuôi. Kể ra tôi còn may chán, bởi ngày trước từ Vinh muốn lên được Huồi Tụ, nhanh là hai ngày đường, gặp mùa mưa phải mất ba, bốn ngày, hoặc cả tuần do chờ đường khô hết sình lầy mới có thể đi được.
Huồi Tụ là xã nghèo biên giới, cư dân đa phần thuộc dân tộc H’mông nên quanh xã chẳng có dịch vụ hàng quán. Ở cao độ trung bình từ 1.200m trở lên, trời chưa tối hẳn đã thấy sương giăng khắp. Tôi xin ở lại Tổng đội cho qua giấc đêm, chờ sáng hôm sau khởi hành vào vùng chè cổ thụ.
Đã lâu chưa trở lại thăm vùng chè cổ nên khi nghe rủ rê đi tìm chè, anh Nguyễn Văn An tình nguyện sớm hôm sau làm người dẫn đường. Chúng tôi theo con đường liên xã tìm về vùng chè. Cung đường vắng ngắt, lạnh buốt vì sương núi, khi men theo vách đá hiểm trở, lúc vượt qua lũng sâu với khe ngầm vắt ngang đường, nước ngập quá nửa bánh xe. Ở xứ miền biên này, đường mới thành hình, cầu chưa được đặt tên mà gọi chung những đoạn vượt ngầm là Cầu Tràn. Mức nước từ núi chảy xuống khe, nếu tràn vừa thì đi được, nhưng chỉ một cơn mưa rừng nhẹ, tuyến giao thông gián đoạn ngay vì nước cắt đường tạo thành dòng chảy xiết rất nguy hiểm.
Chúng tôi đi tiếp vào vùng núi cao, nơi dãy Pu Lai Leng (2.711m) – nóc nhà bắc Trường Sơn chập chùng ẩn hiện. Trở lại chuyện cây chè cổ thụ, anh An bảo: “Kỳ Sơn có bốn vùng chè cổ thụ ở các bản như Phà Bún, Huồi Ức 1, Huồi Ức 2 và bản Na Ni. Riêng ở Na Ni diện tích chè cổ thụ phải đến 20 ha, cây cao 25 – 30m, đường kính gốc từ 40 – 45cm. Đấy là lớp chè chính, còn các cây con mọc khi hạt rụng nhỏ hơn, nhưng đan thành rừng chè rậm rạp”.
Sau gần 1 ngày rưỡi đường tính từ Vinh, cuối cùng tôi cũng đến được vùng chè cổ thụ đầu tiên cách xã biên giới Mỹ Lý 8km. Bỏ lại phương tiện giao thông ven đường, chúng tôi đi sâu vào trong bản Phà Bún của người H’mông, theo con đường mòn cắt qua những nóc nhà cửa đóng im ỉm vì cả làng đã lên nương từ sớm. Vùng chè cổ thụ ngay sườn núi phía sau làng. Nhìn từ xa, thật khó phân biệt đâu là cây chè cổ thụ bởi quanh sườn đồi là sương giăng mờ, chỉ đến khi thấy dưới đất hoa trắng nhụy vàng phủ đầy, ngẩng lên đã là gốc chè sừng sững, cao đến kinh ngạc.
Anh Nguyễn Văn An dưới tán cây chè cổ thụ ở Huồi Tụ
Trong tập tục uống chè, nhất là giống cổ thụ trên núi cao, người H’mông rất quý trọng và gọi những cây chè là thuốc (xùa zề), họ dùng chè như thức uống thường ngày, cây chè quanh bản làng để mọc tự nhiên không đốn hạ. Thế nên hễ ở đâu có bản làng H’mông, ở đó thường có cây chè.
Nhìn quanh, cả vạt núi đều có chè cổ thụ, xem kĩ không hề thấy dấu khai thác, chặt cành, tỉa ngọn như các vùng chè khác của người H’mông phía Bắc, anh An lí giải: “Chè cổ thụ trên này người dân không hái uống thường ngày, vì chất chè rất đắng, nên nhiều người gọi đây là chè đắng. Họ chỉ sử dụng làm vị thuốc, giản đơn nhất dùng chữa đau bụng rất hiệu nghiệm, chỉ nhai vài đọt tươi là êm ngay”.
Với nắm lá chè, có thể thấy rõ độ dày, màu sắc rất đậm so với giống chè xanh thông thường, chỉ vò nhẹ hương đắng đã thoảng lên mũi, cảm rất rõ. Khảo sát kĩ thân chè, tán chè, tôi nhận ra chè cổ thụ Nghệ An giống với những cây chè Khổ Đinh (dùng làm chè đắng, xe lá như hình cây đinh) ở vùng núi phía Bắc thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình… cả ở ngoại hình lẫn hương vị. Vùng chè cổ thụ Nghệ An đang bị bỏ quên, nhưng với số lượng và phạm vi rộng, hứa hẹn là một vùng nguyên liệu hoàn hảo để có những nghiên cứu đầu tư, khai thác phù hợp, góp thêm cho ngành chè Việt một sản phẩm đặc hữu giá trị từ núi rừng Nghệ An. (còn tiếp)
Đồ họa: Duy Quang