>> LAM PHONG

Ngoài vùng chè cổ thụ bị lãng quên,  huyện miền núi Kỳ Sơn cũng là địa danh trồng chè cổ thụ giống shan tuyết đứng đầu cả nước với hơn 600 ha chè. Những ngày ở Kỳ Sơn, đi trên cung đường liên xã, liên huyện, đường tây Nghệ An…hình ảnh ấn tượng ngoài mây núi, chính là những nương chè shan tuyết cổ thụ chập chùng. Ngoài miền chè cổ thụ mọc tự nhiên ở núi rừng đông – tây bắc, VN không nơi nào có cây chè shan nhiều đến thế, đặc biệt lại gieo trồng theo hình thức công nghiệp.

Kỳ Sơn, được xếp vào hiểm địa với non cao rừng thẳm, là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An, chẳng ai dại gì mò đến xứ ngày nắng đổ lửa – đêm lạnh tê người này. Vậy mà Tổng đội TNXP 8 (thành lập năm 2003) xung phong đến đây cùng người H’mông bản địa khai hoang, mở đất.

Tổng đội trưởng Nguyễn Hữu Trạch kể: “Năm 2001, từ Vinh lên  Mường Xén mất hai ngày hai đêm, từ Mường Xén vào Huồi Tụ chỉ có cách đi bộ vì chưa có đường. Đến 2003 làm được đường cho xe U-oát, 26km mất 5 tiếng, vừa đi vừa đẩy. Lương anh em có 1,8 triệu đồng, nhà có việc gọi về chỉ riêng tiền thuê xe thồ ra Mường Xén phải trả 400.000, năn nỉ lắm họ mới chở. Anh em là người miền xuôi, lên núi, không nhà cửa, không điện nước, phải vào từng bản làng, làm quen với dân nhưng khó lắm vì họ là người dân tộc, ngôn ngữ, phong tục khác, ban ngày cả bản vào rừng, lên nương rẫy, tối 7 – 8 giờ mới về. Anh em muốn gặp dân phải ngày ngủ, đêm thức, vào bản giúp dân làm việc nhà, họ cần gì chúng tôi giúp nấy. Đấy là cách làm quen ban đầu và tạo niềm tin cho họ”.

Tổng đội TNXP 8 được giao trọng trách giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Với người H’mông bản địa, tuyên truyền, kêu gọi áp dụng kĩ thuật trồng trọt theo lý thuyết đều không hiệu quả, họ không nghe theo bởi tập quán cả bao đời truyền lại. Tổng đội phải “làm thay nói”, anh Trạch kể: “Dân ở đây trồng một cây bí chỉ ra một quả, anh em tổng đội trồng cho họ, chăm sóc luôn cho họ trên đất nhà, khi thu hoạch được nhiều hơn. Dần dà họ tin mình, nghe mình”.

Hỏi chuyện về cây chè shan tuyết, anh Vương Xuân Trụ - Tổng đội phó nhớ lại: “Trên  này xưa kia cây chủ lực của đồng bào là thuốc phiện, dẹp được thuốc phiện thì chẳng có cây gì khác thay thế. Chúng tôi họp bàn, rồi nghĩ chuyện trồng chè thay trồng rừng vì chè thu hoạch nhanh, lại đều, dân có thu nhập ổn định. Nhưng chẳng ai hiểu về cây chè, lấy giống ở xuôi lên trồng thử, trồng bao nhiêu chết sạch bấy nhiêu. Đến năm 2001, thấy ở vùng Yên Bái, Hà Giang cùng độ cao như Kỳ Sơn, cây chè shan tuyết mọc khỏe, tôi đến tận nơi khảo sát, mua hạt giống về ươm, rồi cùng anh em vào bản xin đất trồng thử”.

Chuyện vận động dân trồng chè cũng đầy nhọc nhằn. Họ bảo đất để trồng lúa ăn chứ không phải chè. Thế là anh em TNXP nghĩ ra sáng kiến vẫn trồng chè, nhưng tận dụng cho dân trỉa lúa dưới gốc vì phải mất hai năm để chè lớn, vậy là dân nghe theo. “Từ 25 ha ban đầu, đến năm 2002 -2003 chúng tôi tự học cách nhân giống bằng hom, thay nhau đi vận động dân trồng chè. Dân đồng ý nhưng không làm, họ bảo Tổng đội nói thì Tổng đội làm. Vậy là huy động lúc cao điểm có 100 người, mang cây giống đến, bỏ công sức làm đất, trồng rồi chăm sóc luôn chè cho dân”, anh Trạch kể.

Cây chè ươm lớn dần, cả Tổng đội 8 dốc sức cho lứa chè đầu tiên vì đó là uy tín, là niềm tin với dân bản. Nếu lứa chè thất bại, người dân sẽ không tin bất cứ gì khác Tổng đội làm. Cả tập thể lao động giúp dân bản, chỉ bằng sức trẻ và niềm tin. Ngay cả chuyện gia đình, cha của hai anh Vương Xuân Trụ và Nguyễn Văn An khi mất, cả hai cũng không biết vì đường đi quá trắc trở, dưới xuôi không cách gì liên lạc được, mãi đến khi xuống huyện họp định kì hàng tháng mới nhận được tin báo cha đã qua đời.

Lứa chè đầu tiên trồng từ 2001, đến 2003 bắt đầu thu hái, cây chè thật khỏe, hợp đất, hợp khí hậu, búp to, phủ trắng lớp tuyết. Nhưng hái thế nào? Sao sấy ra sao? Bán ở đâu? Cả Tổng đội lại tiếp tục mày mò, xuống Công ty chè Nghệ An học cách sao chè bằng chảo, học cách đắp lò, dùng tay vò chè. Anh Trụ kể thêm: “Chè hái về nhiều quá, 50 – 60 anh em làm ngày đêm mà không kịp. Vậy là lại rủ nhau lên vùng chè shan tuyết Suối Giàng học cách làm chè, anh em vừa ngồi xem, vừa ghi chép thật chi tiết mang về áp dụng. Chè thành phẩm có rồi, nhưng không biết đem đi đâu bán, chưa biết cách bảo quản nên để bị bay hơi hết, vậy là đành đem đốt”.

Những nương chè trong dân bản, khi thu hoạch lứa đầu, dân không biết hái, họ để mặc cho Tổng đội  xử lý, vậy là vừa phải trồng, chăm bón, thu hái, kiêm luôn việc tìm đầu ra cho sản phẩm… Qua bao nhiêu cuộc họp, tranh luận, bao nhiêu chuyến mang chè về xuôi chào hàng, điều quan trọng nhất là chứng minh cho dân thấy cây chè có hiệu quả. Với những hộ đồng ý cho trồng chè ban đầu, đến mùa thu hoạch, Tổng đội tự bỏ tiền thu mua cho dân, có những hộ khó khăn Tổng đội ứng trước luôn cho họ cả vụ chè.

Qua từng năm, dân bản thấy rõ lợi ích của cây chè mang đến cho họ, số hộ đồng ý cho trồng chè tăng dần. Từ việc cung cấp hom giống, trồng luôn cho dân, nay dân tự tìm đến Tổng đội đặt mua giống, được tham gia các lớp huấn luyện ngắn hạn do Tổng đội tổ chức nên có thể tự trồng và chăm sóc chè, nâng diện tích trồng chè chỉ riêng Huồi Tụ đã hơn 600 ha. Từ nhân sự của Tổng đội TNXP 8 ban đầu, nay đã nhân rộng thêm ba tổng đội TNXP nữa phục vụ tại huyện miền núi Kỳ Sơn, cũng với dự án phát triển cây chè shan tuyết cổ thụ, đưa Kỳ Sơn thành huyện miền núi có chè shan tuyết nguyên liệu đứng đầu cả nước. (còn tiếp)

Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
08.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.