Nguồn: Đại học Duy Tân

Lắng đọng trên bục giảng là thanh âm xứ Nghệ đầm ấm với những lời giảng về văn hóa, văn học, thẩm mỹ của người Việt. Nghe chất giọng ấy, ai ở Duy Tân cũng nhận ra ngay đó là cô Trần Thị Ánh Nguyệt - một trong những Tiến sĩ trẻ tuổi của trường đã để lại dấu ấn với nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội & Nhân văn. Mang trong mình “tiếng lòng trăn trở” với nghiệp dạy học, cô thực sự tâm huyết đồng hành cùng sinh viên để mang đến một hơi thở mới trong công tác dạy và học của trường. Thành quả là rất nhiều giải thưởng mà sinh viên ngành Việt Nam học - Văn hoá Du lịch đã đạt được, trong đó mới đây nhất là giải Ba giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Euréka 2018 dành cho sinh viên Lê Văn Thắng.

Cô Trần Thị Ánh Nguyệt giảng dạy tại Đại học (ĐH) Duy Tân

"Sau gần 9 năm học tập và công tác tại Hà Nội, tôi quyết định rời Thủ đô, vào Tp. Đà Nẵng lập nghiệp. Tôi muốn tìm một môi trường giáo dục năng động và sáng tạo để thử nghiệm một số cách giảng dạy mới. Tôi đã từng là sinh viên và hiểu sinh viên cần phải làm gì để có một kết quả tốt. Tôi biết, chuyên ngành Văn hóa Du lịch thuộc ngành Việt Nam học là một hướng đi đặc thù. Tôi chấp nhận con đường chông gai khi những sinh viên mới có thể chưa hiểu sâu sắc hay chưa yêu thích ngành này. Đó cũng là cách tôi thử thách chính bản thân mình.”, Cô Nguyệt suy tư.

Sinh viên không thể thành công khi chỉ học chay, không nghiên cứu khoa học

Các ngành khoa học kỹ thuật thì đơn giản rồi. Việc nghiên cứu khoa học giống như “bản năng” mà bất kể sinh viên nào mới vào đại học cũng đều hướng đến để thực hiện. Nhưng khối ngành xã hội thì khác. Đó là một lĩnh vực rộng lớn và khá khó khi mới bắt đầu tiếp cận. Thế nhưng, không dấn bước thì không thể tạo ra con đường. Và khi đã đi sâu tìm hiểu thì sẽ bất ngờ bởi có thật nhiều điều thú vị để khám phá.

Quả thực, nhiều người quan niệm rằng ngành Việt Nam học chỉ giảng dạy về văn hóa Việt Nam nhưng theo tôi, ngành Việt Nam học có thể nghiên cứu về nhiều lĩnh vực trong đó có cả văn học, ngôn ngữ, đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. ĐH Duy Tân đang đào tạo ngành Việt Nam học với trọng tâm chuyên về Văn hóa Du lịch. Đây là hướng đi thực sự khả thi bởi Du lịch tại Tp. Đà Nẵng đang thiên về dịch vụ và nghỉ dưỡng trong khi các hoạt động văn hóa phục vụ du lịch lại khá nghèo nàn. Nghiên cứu để tìm ra những cái hay, cái đẹp trong các loại hình văn hoá, để có cơ sở đề xuất triển khai sẽ là một việc làm hết sức thiết thực nhằm lưu chân du khách khi đến tham quan Đà Nẵng.”, Cô Nguyệt chia sẻ.

Từ suy nghĩ rất trách nhiệm đó, cô Nguyệt bắt tay vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo cô, mỗi giảng viên luôn phát hiện ra những “khoảng trống” trong khoa học hoặc trong thực tiễn. Từ đó đề xuất ra những hướng đi để khỏa lấp dần những “khoảng trống” ấy. Sinh viên sẽ cùng giúp hình thành nên những con đường nghiên cứu mà giảng viên đã khám phá, cùng đi tìm những kết quả khoa học và trả lời những đòi hỏi thực tiễn được đặt ra. Để triển khai và phối hợp thành công, cách thức hiệu quả nhất chính là kết hợp giảng dạy một cách chi tiết các bài học lý thuyết trên lớp và trực tiếp đưa sinh viên về các vùng miền khác nhau để tìm hiểu văn hóa và cùng làm nghiên cứu khoa học.

Bất ngờ là trong quá trình này, cô Nguyệt không chỉ đánh giá được năng lực của các em sinh viên để định hướng nghề nghiệp mà khi tiếp xúc với sinh viên, cô càng hiểu sâu hơn về con người, về số phận và về cả những ước mơ giản dị mà nhiều sinh viên Duy Tân đang ấp ủ.

Trước khi truyền đạt kiến thức hãy thấu hiểu về số phận, cuộc đời

Đang mải mê với dự định, đang hừng hực hy vọng đổi mới thì cô Nguyệt thường khựng lại trước những số phận không may mắn của chính học trò mình. Cô không thể không trăn trở khi thỉnh thoảng lại có tin nhắn “Gia đình em có chuyện rồi, em phải làm sao?”, “Em thấy mình thật kém may mắn, em không muốn tiếp tục cố gắng nữa”, “Em chưa đóng học phí kỳ này cô ạ”,… Chắc chắn rồi, các em không thể có tinh thần học tập khi cuộc sống xung quanh luôn có thật nhiều xáo trộn. Cô Nguyệt đã nhiều đêm thức trắng để suy nghĩ và tìm cách giúp đỡ các em. Cô và trò đã ngồi lại, đã cùng nhau giải quyết từng khúc mắc, từng khó khăn. Cũng chính sau những giờ phút đó, cô và trò hiểu nhau hơn để rồi việc học tập và nghiên cứu cũng tiến bộ lên trông thấy.

“Ở ĐH Duy Tân, có rất nhiều sinh viên giỏi nhưng bên cạnh đó, vì một lý do nào đó cũng luôn có một số em đi học một cách ‘bất cần’. Vừa bước vào ngưỡng cửa đại học, chính các em cũng chưa nhận thức được vì sao mình phải học và học ra sao. Bởi thế khi đi dạy, tôi thường phải phân loại sinh viên và giúp đỡ cụ thể từng trường hợp. Trong đó, có một sinh viên qua thời gian đã nổi lên rất giỏi là Lê Văn Thắng.”, Cô Nguyệt chia sẻ.

Lê Văn Thắng trong những ngày lên đênh trên sông nước tìm hiểu dân ca miền sông biển xứ Quảng

Với những người biết nỗ lực, cánh cửa thành công không bao giờ đóng

Em nhận thấy nước ta đang tập trung khai thác sâu rộng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí mà ít quan tâm đến du lịch văn hóa truyền thống qua phong tục, tập quán, lễ hội - vốn là một thế mạnh. Nếu chúng ta khai thác mảng du lịch này kết hợp với việc đầu tư, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau, chắc chắn các di sản văn hóa, lễ hội của Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn có tiếng vang trên thế giới. Bởi vậy, những sinh viên đang học tập và nghiên cứu về Du lịch, Văn hóa Du lịch, Việt Nam học như chúng em thì cần nghiên cứu sâu hơn để am hiểu đủ các khía cạnh về du lịch, về văn hóa và về đời sống người Việt nhằm quảng bá, đánh thức tiềm năng văn hóa địa phương,… đồng thời xúc tiến quá trình hội nhập văn hóa, thúc đẩy giao lưu văn hóa không chỉ ở trong nước mà với cả quốc tế.”, Thắng tâm sự.

Đó là kết luận rút ra của một cậu sinh viên vốn ban đầu không thích học Văn hóa Du lịch bởi đã ưng một ngành học khác. Là chiêm nghiệm của một cậu sinh viên mà những buổi đầu tiên đến giảng đường đại học đã không có bao nhiêu hào hứng với các môn học. Chỉ có thể giải thích rằng, môi trường giáo dục ở ĐH Duy Tân mà trong đó sự tận tâm của cô Ánh Nguyệt bên cạnh nhiều thầy cô khác, đã thổi bùng một tình yêu mới, giúp cho cậu sinh viên non tuổi đời tìm thấy đúng mạch nguồn yêu thích của bản thân.

Yêu rồi thì đến say. Thắng ghi dấu ấn với rất nhiều đề tài được lựa chọn tham dự các hội nghị lớn hay đăng tải trên các tạp chí uy tín qua sự hướng dẫn nghiên cứu của cô Ánh Nguyệt. Trong đó, có:

Đề tài “Ý thức sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng” được tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ V,

Bài viết “Cảm hứng miền sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” được đăng trong Tạp chí Văn hóa Dân gian,

Tham luận “Đi tìm điệu buồn của câu hát dân ca miền sông biển xứ Quảng” được đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế 2017 về Nghiên cứu và Giảng dạy Việt Nam học, và

Tham luận “Du lịch sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng” được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ Nhất về Phát triển Du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và ASEAN.

Trái ngọt Euréka

Mới đây nhất, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cô Ánh Nguyệt, đề tài “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” của Thắng đã xuất sắc giành giải Ba trong lĩnh vực Xã hội & Nhân văn tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka 2018.

Cô Trần Thị Ánh Nguyệt và sinh viên Lê Quang Thắng nhận Bằng khen tại Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Euréka 2018

“Quả thật có rất nhiều khó khăn mà hai cô trò đã gặp phải, bởi lẽ nghiên cứu về đề tài dân ca thì cần nắm rõ cả văn bản, lời thơ, cũng như giai điệu. May mắn thay, em có cơ hội được gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu về dân ca, văn hoá xứ Quảng, cũng như gặp được nghệ sĩ Trịnh Công Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa Tp. Đà Nẵng để tìm hiểu một cách sâu rộng về loại hình này. Nhưng hơn hết, để giành giải thưởng này, ngay trong quá trình học, em đã được trang bị các kiến thức nền tảng như: Văn hóa phương Đông, Phong tục Tập quán Việt Nam, Văn hóa Champa, Văn hóa miền Trung-Tây Nguyên,… Những kiến thức này thật sự đã hỗ trợ rất nhiều cho em trong mỗi nghiên cứu khoa học.”, Văn Thắng cho biết.

Những tháng ngày mà cô Ánh Nguyệt đã phải dày công giúp đỡ các bạn sinh viên có định hướng tốt hơn, tích lũy nhiều kiến thức hơn về ngành Văn hóa Du lịch tỏ ra không hề uổng phí. Một nụ cười với niềm tin mãnh liệt về ý nghĩa của nghề dạy học mà mình đã chọn giờ đây luôn nở trên môi cô, vì những thế hệ sinh viên Duy Tân với tương lai tươi sáng hơn.

Mùa Tuyển sinh 2019, ĐH Duy Tân quyết định trao Học bổng cho các thí sinh theo học ngành Việt Nam học – chuyên ngành Văn hóa Du lịch:

Học bổng Duy Tân: 720 suất học bổng với trị giá từ 1.000.000 - 5.000.000VNĐ/suất cho những thí sinh đăng ký có tổng điểm xét tuyển 3 môn từ Kỳ thi THPT Quốc gia >= Điểm trúng tuyển từ 3 đến 10 điểm, trong đó có thí sinh theo học chuyên ngành Văn hóa Du lịch thuộc ngành Việt Nam học.

700 suất học bổng trị giá từ 500.000 - 2.000.000 VNĐ/suất cho những thí sinh có tổng điểm xét tuyển Học bạ THPT từ 22 điểm trở lên, trong đó có thí sinh theo học chuyên ngành Văn hóa Du lịch thuộc ngành Việt Nam học.

Học bổng Ưu tiên tuyển trực tiếp trị giá 5.000.000 đồng/suất cho năm học đầu tiên dành cho các thí sinh đoạt giải Khuyến khích trở lên trong Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, hoặc đạt giải Khuyến khích trở lên trong cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia.

Học bổng Tài năng: 215 suất Học bổng Tài năng có tổng trị giá hơn 11 Tỷ đồng cho những thí sinh trúng tuyển vào ngành tài năng, trong đó có những thí sinh đăng ký theo học chuyên ngành Văn hóa Du lịch có tổng điểm xét tuyển 3 môn từ Kỳ thi THPT Quốc Gia >=20.

Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo chuyên ngành Văn hóa Du lịch của ĐH Duy Tân tại đây: Ngành Việt Nam học


Mọi chi tiết liên hệ: Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Duy Tân 254 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng
Đường dây nóng: 1900.2252 - 0905.294390 - 0905.294391
Website: http://tuyensinh.duytan.edu.vn
Email: tuyensinh@duytan.edu

Báo Thanh Niên
26.03.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top