>> Phạm Anh

Đường từ trung tâm xã đến làng Tu Thó, xã Tê Xăng, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) độ 10 km đường đèo, bên là vực sâu hun hút, bên là vách đá lạnh tanh. Dọc đường, dấu vết núi lở còn lại là những hàm ếch ăn sâu vào đường đèo và những vạt núi lở nham nhở. Làng hiện ra ở thung lũng, với những ngôi nhà nhỏ lợp mái ngói nằm giữa bốn bề núi trọc. Xung quanh làng lơ thơ vài rẫy cà phê chừng 2 năm tuổi.

Đi qua nhà rông đầu làng, chúng tôi đến quán tạp hóa của bà Y Phin (53 tuổi), được cho là lớn nhất làng. Hỏi những ngày núi lở vào tháng 8 vừa qua, bà Y Phin chỉ một phụ nữ đang ngồi trong quán, bảo: “Đó là Y Giêng (36 tuổi). Cái đêm núi lở, 3 mẹ con nó tá túc quán mình từ chiều nên không bị chết, còn đồ đạc bị vùi hết trong bùn rồi".

Dấu vết sạt lở ở làng Tu Thó

Sau vụ sập nhà,  chị Y Giêng được chính quyền dựng tạm cho căn nhà mái tôn trên đầu dốc, cho một bao gạo và mấy cái xoong để nấu ăn. "Chồng mất chưa đầy năm thì núi sạt lấp nhà. Khổ quá nên đứa con lớn nay 17 tuổi là A Thiếu đã nghỉ học, ở nhà giúp mẹ làm rẫy, còn bé Y Thới thì học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Tu Mơ Rông", chị Y Giêng nói. Hỏi sao không cho thằng "cu lớn" đi học tiếp, Y Giêng khẽ khàng: "Đi học thì lấy gì ăn?".

Bất giác tôi nhìn qua bên kia ngọn đồi, nhiều mái nhà lợp tôn xanh của khoảng chục hộ gia đình bị sạt lở núi đang ở tạm, không có điện về đêm, không có nước sinh hoạt để dùng. Trong hoàn cảnh đó, mà "Giáo viên ở đây tốt lắm. Không có họ, trẻ con ở đây đã theo mẹ vào rẫy hết rồi!", chị Y Phin thổ lộ.

Lần theo tiếng trẻ ê a, chúng tôi đến lớp mầm non của cô giáo người Xê Đăng tên Y Thóa. Phòng học được xây dựng sạch sẽ nhưng 8 em trong phòng thì em nào cũng lem luốc, nước mũi lòng thòng, ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên như cây rừng. Cô Y Thóa bảo: "Còn 8 em nữa đã theo ba mẹ đi rẫy rồi". Rồi cô giáo giải thích: đang mùa thu hoạch, bố mẹ ở lại chòi trong rẫy dài ngày, chiều tối không về làng, sợ ban đêm không chăm con được nên đưa con đi theo.

Những em nhỏ ở lớp mầm non Tu Thó

Cô Y Thóa là người Xê Đăng, nhà ở xã Đăk Rơ Ông, H.Tu Mơ Rông, cách nơi dạy gần 50 km. Đầu tuần, 3-4 giờ sáng cô đã dậy, nựng con gái bé bỏng Y Mỹ Kim (2 tuổi) rồi giao lại cho chồng, tất tả chạy xe máy đến  làng Tu Thó. Đoạn đường không xa lắm nhưng phải qua ít nhất 2 cái đèo, hàng chục con dốc lớn nhỏ xuyên qua những khu rừng. Buổi sớm ở lớp, Y Thóa kiểm tra gô cơm các em mang đến, xem em nào không có thức ăn, em nào chỉ mang cơm trắng. Sau đó là dùng khăn lau sạch mũi dãi trên từng gương mặt, lấy lược chải tóc cho từng em một.

Bữa trưa chỉ toàn cơm trắng của trẻ

Ông Nguyễn Tấn Lộc, cán bộ Phòng GD-ĐT H.Tu Mơ Rông cho biết, buổi sáng người Xê Đăng ở đây nấu một nồi cơm to, con cái từ lớn tới nhỏ ai muốn ăn thì tự lấy, cả em bé cũng không ngoại lệ. Buổi trưa, cha mẹ lũ trẻ ở hết trong rẫy. Có khi cả tuần mới về thăm con 1-2 lần, có người chẳng thăm nom gì. Cả năm cứ giao đứt cho cô giáo như vậy là xong, từ việc ăn đến việc vệ sinh. Đêm về, có khi bố mẹ đi rẫy uống rượu say, con cái không tắm rửa, sáng hôm sau các em ở bẩn đến lớp.

Tôi cùng ông Lộc xuống kiểm tra tủ đựng cặp và thức ăn, thấy 8 gô cơm. Dỡ cơm ra xem: 2 gô cơm có 2 con nhộng với bí đao xào, 6 gô cơm còn lại đều trắng khô với cái muỗng nhôm. Bỗng thấy mình cay cay nơi mắt. "Ngày nào cũng vậy anh à. Thương lắm, nhưng không biết làm sao!", cô Thóa ái ngại.

Ngày lại ngày như thế, cô Thóa gắn bó với lũ học trò. Có hôm người thân báo tin con bị đau nhưng cô Thóa không biết làm sao về chăm sóc, bởi về là bỏ cả lũ trẻ bơ vơ trong lớp không có ai trông nom. Đi không được mà ở cũng không xong, cô Thóa chỉ biết ôm mặt khóc. Thỉnh thoảng cô mới về điểm trường chính ở trung tâm xã Tê Xăng, còn lại cắm bản 100% ở làng Tu Thó. Ngày quây quần với lũ trẻ, đêm về cô Y Thóa chỉ có một mình, không mạng internet, không ti vi, nhớ chồng con quay quắt, nhất là những đêm đông lạnh giá. "Ở một mình ban đêm, nếu không qua nhà bà con thì chủ yếu là soạn bài. Xong bài mà chưa ngủ được thì ra đầu làng nhìn xuống đèo, chỉ thấy đêm lạnh hun hút và mây núi phủ lối đi về", cô tâm sự.

Ở Tu Thó còn một lớp mầm non nữa. Lớp có 14 em, do cô Y Hình làm chủ nhiệm. Lớp này là phòng mượn của bậc tiểu học và cũng là căn phòng "lành lặn" nhất ở điểm trường này. Lúc tôi đến lớp đúng giờ ăn trưa. "Em nào mang cơm thì lấy ra ăn, em nào không có thì về nhà ăn, rồi quay lại lớp nhé!", cô Y Hình dặn dò. Hôm nay chỉ có 3 em mang cơm đến lớp, còn lại ùa ra khỏi lớp, đi trong nắng hanh và gió lạnh về nhà.

"Ngày nào bọn nhỏ cũng mang cơm theo, không hiểu sao hôm nay ít vậy. Có lẽ do ngày thu hoạch mùa màng nên bố mẹ chúng đi rẫy sớm, không kịp nấu cơm”, vừa nói, cô giáo vừa dỡ gô cơm của 3 học sinh ra, bắt đầu chia hai khúc cá khô kho mặn của hai bé có mang thức ăn theo cho bé Y Bích. "Bé Y Bích ngày nào cũng mang cơm trắng đến lớp. Ở nhà không ai lo cho. Mẹ là Y Hỏa bị đau yếu, còn cha thì say xỉn suốt ngày, nằm trên đường nhiều hơn trên giường", cô Y Hình giải thích. Chờ các em ăn xong, cô Y Hình trải chiếu cho các em ngủ, không có gối, mền. Rồi các em nhanh chóng chìm vào giấc ngủ trong cái lạnh se sắt của vùng cao.

"Em ước gì các em có mền đắp. Tụi em cũng nghèo nên không giúp gì được", cô giáo mầm non người Xê Đăng phân trần. Hỏi sao không nấu cơm cho các cháu, cô Y Hình cho biết, điểm dạy không có điện, không nước nên khó tổ chức nấu ăn. Chỉ nhà dân ở dưới chân đồi, cô Y Hình nói, ngày nào cũng phải xuống dưới xách nước về, chỉ nấu được nước cho các em uống và vệ sinh, còn nấu ăn là không thể. "Mỗi tuần có 4 lần uống sữa, nhưng thương lắm. Các em uống nửa hộp sữa thôi, còn lại để dành mang về cho em bé ở nhà", cô kể.

Cạnh lớp mầm non còn có một lớp 1 và một lớp 2, mỗi lớp không đến 10 em. Đang "cầm tay chỉ… chữ" cho học sinh lớp 2, thấy tôi, thầy giáo A Bột cho biết, phải "khổ ải" như vậy các em mới nhanh tiếp thu được. Thế rồi thầy kể, giáo viên ở đây nhiều cái "khổ ải". Ví như hai mùa mưa nắng, sáng nào cũng có mặt ở Tu Thó trước 7 giờ. Hôm nào thấy lơ thơ vài em trong lớp, thầy giáo quay xe máy chạy đến từng nhà học sinh của mình, "bắt" các em ngồi trên xe máy và "tải" về trường, có hôm 2 - 3 chuyến như vậy mới đảm bảo sĩ số. Đầu năm học đi vận động học sinh ra lớp, thầy giáo phải đi như con thoi, phải cuốc bộ mấy giờ lên núi, tận chòi ngoài rẫy mới gặp được học sinh, phụ huynh. Có phụ huynh bảo: "Ô, thầy giáo ra đây làm gì. Nó không đi học đâu".

"Mình ngày xưa đi học cũng giống các em này. Thôi thì khó thật, nhưng cố gieo mầm chữ ở đây, mai mốt nó sẽ chồi lên thành lá, các em sẽ có người được đi dạy học như mình". Băng qua mấy rẫy cà phê xuống núi, tôi vẫn còn nhớ lời thầy giáo người Xê Đăng tâm sự.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Phạm Anh

Báo Thanh Niên
03.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top