>> Như Lịch

Trước đó, vị tiến sĩ 37 tuổi này đã gây chú ý với công trình do anh làm chủ nhiệm, nghiên cứu về một hướng điều trị ung thư mới: Sử dụng vi khuẩn đường ruột Salmonella thay vì dùng hóa trị, xạ trị như thông thường.

Đang làm việc ở Mỹ, anh vẫn luôn đau đáu với những vấn đề về sức khỏe, nhất là về ung thư tại VN. Điều gì thôi thúc anh phải lên tiếng?

Tuy khoa học đã có nhiều bước phát triển nhưng ung thư vẫn là căn bệnh khó điều trị. Người mắc bệnh ung thư thường có tâm lý lo sợ, bất ổn, trở thành điểm yếu để những kẻ lừa đảo lợi dụng bán các loại thuốc điều trị không an toàn, không hiệu quả, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, trên trang nhà Facebook, tôi thường viết những bài phân tích phanh phui những tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Có những lúc tôi phải đối đầu với những người có địa vị cao như trong vụ phương pháp chữa bệnh ung thư bằng nano vàng; hoặc với một tập đoàn kinh doanh khổng lồ như Golean Detox buôn bán trà thảo dược giảm cân có chứa các chất cấm gây nguy hiểm về tim mạch và ung thư…

Ngoài ra, với vai trò là cố vấn khoa học cho nhóm Ruy Băng Tím - Tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại VN, tôi đã hỗ trợ các bạn trong nhóm cùng lan tỏa kiến thức cho người Việt.

Khi tham gia phản biện, đấu tranh như vậy, có khi nào anh sợ bị trả thù hay cảm thấy buồn, bất lực?

Tôi không cảm thấy bất lực hoàn toàn vì qua những việc đấu tranh như thế, người dân cũng tiếp nhận thêm được nhiều thông tin chính xác, kiến thức khoa học để có thể tự bảo vệ mình.

Tôi cũng sợ bị trả thù lắm chứ! Nhưng với vai trò là người nghiên cứu khoa học, tôi không thể im lặng trước những tệ nạn đang ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Tôi luôn đau đáu với câu hỏi: Làm sao để người tốt không còn sợ hãi khi nói lên sự thật? Theo tôi, một xã hội giải quyết triệt để được câu hỏi này thì xã hội đó sẽ đánh lùi được cái xấu, trở nên nhân văn và đáng sống hơn.

Người thân của anh có lo lắng, khuyên anh nên “im lặng” không?

Đôi khi bà xã tôi cũng bày tỏ lo lắng. Nhưng là một nhà khoa học nghiên cứu về những phương pháp điều trị ung thư cứu người như tôi nên cô ấy đồng cảm với sự đấu tranh của tôi. Bạn bè gần xa cũng nhiều lần khuyên tôi, đại ý như “khép cái mỏ lại để đỡ ăn gạch đá” (cười).

Ba năm nay, anh chuyển công tác đến Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ). Thời gian đầu, anh có gặp khó khăn gì không?

Do tôi đã có kinh nghiệm làm việc nghiên cứu 10 năm ở Hàn Quốc nên việc hội nhập với môi trường nghiên cứu ở Mỹ không mấy khó khăn. Tuy nhiên, để bắt đầu công việc mới ở đây, tôi phải trải qua tất cả những khóa huấn luyện ngắn về an toàn phòng thí nghiệm, về đạo đức trong thí nghiệm trên động vật, về bảo mật thông tin nội bộ…

Công trình nghiên cứu hướng điều trị ung thư mới sử dụng vi khuẩn đường ruột Salmonella của anh hiện ra sao?

Từ năm 2016, tôi tham gia nghiên cứu với nhóm của Giáo sư Diamond tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope với công trình nghiên cứu có nhiều điểm tương đồng với nghiên cứu tôi từng làm ở Hàn Quốc, đó là sử dụng Salmonella trong điều trị ung thư. Lần này chủng vi khuẩn mà tôi sử dụng là một chủng từng được thử nghiệm trên người vào năm 2001, tên là VNP20009 có nhiều triển vọng phát triển thành thuốc điều trị ung thư trong tương lai.

Đề tài nghiên cứu của tôi hướng đến việc thiết kế lại con vi khuẩn này để chữa ung thư tuyến tụy - một trong những loại ung thư khó điều trị nhất hiện nay, tỷ lệ lờn thuốc cao, khó chẩn đoán sớm và thường phát hiện khi đã ở giai đoạn quá trễ.

Trước khi tôi qua đây, nhóm nghiên cứu này đã có một số kết quả thành công trên chuột. Công việc tiếp theo của tôi và nhóm nghiên cứu hiện nay là thiết kế thí nghiệm mới để chứng minh tính khả thi của phương pháp này trên người bằng cách sử dụng mô hình chuột mang gien người. Sử dụng mô hình mới này giúp hạn chế việc sử dụng các mô hình nghiên cứu trên các động vật gần người như heo, chó, khỉ vì lý do đạo đức.

Sự thành công của bước nghiên cứu này chứng minh tính hiệu quả và an toàn của phương pháp là điểm quan trọng để thuyết phục FDA (Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ) cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người.

Tôi dự đoán nếu mọi thứ suôn sẻ thì có thể đưa phương pháp này ứng dụng trên người trong khoảng 3 - 4 năm tới. Còn nếu gặp trục trặc thì có thể phải mất rất nhiều thời gian hơn để sửa chữa, tối ưu hóa lại rồi đi tiếp hoặc trường hợp xấu nhất là phải bỏ dở giữa chừng.

Môi trường nghiên cứu ở Hàn Quốc và Mỹ mà anh trải nghiệm có gì khác nhau?

Ở Hàn Quốc, chúng tôi thường làm đầu tắt mặt tối. Tại Mỹ, chúng tôi có thời gian hưởng thụ cuộc sống hơn. Thông thường một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Giáo sư hướng dẫn chúng tôi là người Mỹ, ông không quan tâm đến thời gian làm việc mà quan trọng đến chất lượng, kết quả như thế nào.

Trước đây làm nghiên cứu ở Hàn Quốc, chúng tôi phải tự chăm sóc chuột, lau rửa, vệ sinh lồng chuột cùng nhiều việc ngoài lề, lặt vặt khác. Còn ở Mỹ, đã có những bộ phận hỗ trợ làm những việc đó, nên mình có điều kiện tập trung nghiên cứu hơn. Khi quan sát có những gì không ổn, chẳng hạn chuột hôm nay không khỏe, xù lông, di chuyển ít hơn… thì bộ phận hỗ trợ sẽ báo cho chúng tôi để xử lý. Nếu thấy tình trạng sức khỏe của chuột quá yếu thì phải kết thúc thí nghiệm. Vấn đề đạo đức thí nghiệm rất được coi trọng và tuân thủ nghiêm ngặt tại Mỹ.

Còn nhớ, khi tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, anh đã nổi tiếng trên báo chí với công trình “Bắt hoa hồng nở trong ống nghiệm”. Vì sao anh rẽ sang hướng nghiên cứu về ung thư?

Thực ra, không phải tôi chọn con đường nghiên cứu ung thư mà sự nghiệp nghiên cứu ung thư đã chọn tôi.

Trong thời gian học ĐH, hằng tháng ba cho tôi tiền sinh hoạt phí và đóng tiền học. Thỉnh thoảng, tôi giúp mẹ bán hoa lan để phụ tiền chợ. Tốt nghiệp ĐH, tôi xin việc ở một trung tâm nghiên cứu nhưng người ta không nhận. Không biết làm gì, thôi thì… học tiếp. Tôi thi đậu vô ngành di truyền, một ngành hot lúc bấy giờ.

Trong thời gian tôi học cao học giữa chừng thì có đoàn giáo sư Hàn Quốc đến trường tuyển sinh viên nghiên cứu sau ĐH, tôi đăng ký tham gia và không ngờ đậu luôn. Hồi đó người hướng dẫn của tôi là giáo sư Min Jung-joon đang làm nghiên cứu sử dụng vi khuẩn để điều trị ung thư, nên tôi theo luôn.

Cho đến nay, tôi vẫn rất hứng thú với con đường nghiên cứu này, dù đây là lĩnh vực gai góc, rất nhiều thử thách.

Được biết, bà xã của anh - TS Phan Xuân Thúy, 35 tuổi - cùng nghiên cứu với anh ở Hàn Quốc, nay hai người đều làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu City of Hope. Anh nghĩ gì khi hai vợ chồng cùng lĩnh vực nghiên cứu khoa học, lại làm cùng chỗ như vậy?

Bà xã làm chung ngành là một may mắn cho tôi. Nhờ vậy, hai người có thể hỗ trợ nhau rất nhiều trong nghiên cứu cũng như trong cuộc sống. Với sự hỗ trợ qua lại này, chúng tôi đã có nhiều công trình nghiên cứu đứng tên chung từ Hàn Quốc cho đến ở Mỹ.

Ngoài ra, đi làm chung chỗ có nhiều cái lợi khác, chẳng hạn đi xe chung nên tiết kiệm được xăng (cười). Khi kẹt xe, được sang làn đường ưu tiên dành cho những xe có từ hai người trở lên theo tiêu chí giảm bớt xe - bớt khí thải, góp phần bảo vệ môi trường...

Khi xảy ra bất đồng trong nghiên cứu và trong cuộc sống, vợ chồng anh giải quyết thế nào?

Bất đồng trong nghiên cứu thì có thể giải quyết bằng cách thảo luận khoa học, tham khảo các tài liệu khoa học đã công bố trước đó để tìm ra hướng giải quyết chung cho đề tài.

Còn bất đồng trong cuộc sống thì… nhường nhịn nhau thôi. Vợ chồng tôi làm chung phòng thí nghiệm, ngồi gần nhau nên có chuyện gì rất dễ xử lý (cười).

Còn việc nội trợ được vợ chồng anh “xử lý” như thế nào?

Tôi thường rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, còn vợ nấu ăn, chăm sóc con… Tôi cũng nấu được vài món ăn, làm được một số món bánh. Thỉnh thoảng tôi nướng bánh khoai mì cho vợ con ăn và đem vào chỗ làm cho đồng nghiệp cùng thưởng thức.

Anh có dự định gì trong tương lai, có định trở về VN làm việc?

Trong tương lai tôi sẽ tìm một số nơi cộng tác để có thể về giảng dạy, cũng như nghiên cứu ở những trường ĐH hoặc viện nghiên cứu. Tôi muốn truyền đạt các tiến bộ khoa học, giúp nâng cao năng lực cũng như cơ hội cho sinh viên VN cạnh tranh hơn trên môi trường thế giới.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: NVCC

Báo Thanh Niên
04.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.