Trở về Mỹ sau 5 tháng ở lại quê nhà, diva Hà Trần cho ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tiên của album Những con sông ngón tay: MV Mộng. Vì sao có dự án này? Cô bảo: “Năm 2020 và 2021, cả thế giới - trong đó có tôi và bạn - đang trải qua một thử thách lớn đảo lộn cuộc sống, từ kinh tế đến tinh thần. Chúng ta bị bứt ra khỏi không gian an toàn của bản thân, buộc phải đối mặt với những khó khăn không đoán định được trước, ảnh hưởng đến công việc, tài lực, sức khỏe và cả những vấn đề tâm lý, sinh hoạt cộng đồng. Trước những thử thách đó, cách tôi chọn là bình tĩnh, tĩnh tại soi thấu nội tâm, tự gột rửa những vấn đề cá nhân, và khai sáng bản thân trong một tâm thế thiền tịnh...”.

Vì sao chị chọn Mộng - một ca khúc ra đời 29 năm trước?

Mộng, đối với tôi hợp hoàn cảnh xã hội mà chúng ta đang đi qua, ý tưởng của mỗi ngày ta sống bận rộn cơm áo gạo tiền cũng như một cơn mộng hỗn mang, quay cuồng, và trong sự rối loạn toàn cầu hơn một năm qua, tôi chứng kiến nó ảnh hưởng thế nào đến sự bình yên của mỗi con người, mỗi gia đình. Phải chăng ta nên lắng lại nhìn vào mình, giải thể và cầu nguyện cho những điều tốt lành? “Giấc mơ của tôi… rồi một ngày trái đất sẽ ngủ yên… Hát trong yên lành, để chẳng thấy nỗi nhớ tan không màu...”.”.

Tôi không phải một người cay đắng, dù cách tôi nói chuyện rất thực tế và hay châm biếm. Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp, những nghĩa cử tốt đẹp mà nếu ta chịu phát tâm, sẽ cải thiện được rất nhiều cuộc sống xung quanh. Mộng được nhạc sĩ Trần Đức Minh viết 29 năm trước, nhưng tôi thấy trong lúc này, chúng ta cần những thông điệp về sự bình tĩnh, nhìn lại chính mình để tìm hướng đi trong những ngày tới.

Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về chủ đề album Những con sông ngón tay, một ý niệm khiến khán giả phải dừng lại, lắng, để nghe...

Năm 2020 là cả một năm dừng lại đối với chúng tôi ở Mỹ, xã hội nhiều xáo trộn, bạo loạn. Cảm xúc trong Những con sông ngón tay được gợi lên từ chính những trải nghiệm tìm “mắt bão” của chúng tôi trong sự bất thường của thế giới bên ngoài. Mình càng xáo động, mình càng rối loạn. Trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, sự thanh lọc bản thân trở thành nguồn cảm xúc khiến tôi muốn làm album mà ở đó rất nhiều cảm xúc tươi mới.

Những con sông ngón tay giống như mạch nước ngầm, mạnh mẽ nhưng âm thầm gột rửa những trạng thái tiêu cực. Đó là tập nhạc có chiều sâu tâm hồn và không có sự lệ thuộc hay định dạng phong cách cụ thể, rất đàn bà, đầy khát vọng yêu, vì phần lớn các bài hát được phổ thơ Phan Lê Hà - một nữ giảng viên đại học kiêm nhà thơ. 12 ca khúc trong đó có 8 bài hát phổ thơ chị ấy, 3 sáng tác của anh Trần Đức Minh, 1 bài nhạc Trần Đức Minh và lời tôi viết. Đó là thiên tính nữ - phần mềm mại và yếu đuối của tôi.

Với tôi, tập nhạc này khá thú vị, vì nó đem ra một khía cạnh tôi ít khi thể hiện trong con người mình, có lẽ đã ngủ quên lâu nay, có lẽ lâu lắm rồi sau Nhật thực. Đó là thiên tính nữ - phần mềm mại và yếu đuối của tôi.

Chúng tôi muốn đem đến một đĩa nhạc với tinh thần tích cực, những bản nhạc chậm mang phong cách lãng mạn, mơ mộng. Màu sắc và không gian hội họa của tập nhạc rất rõ rệt. Có thể vì cả 3 anh em chúng tôi đều yêu hội họa, nhiếp ảnh và thi ca.

Mỗi một dự án âm nhạc, quá trình chị tìm cảm hứng, vận tâm lực có giống nhau?

Không giống nhau về tâm lực đâu. Vì khi thực hiện, mình ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, mà cuộc đời của một nghệ sĩ cần nhiều trải nghiệm thực tế chứ không chỉ tư duy. Tư tưởng là sự hợp nhất của trải nghiệm, tư duy cộng tài năng biến những thứ “nạp vào” đó thành một tác phẩm cụ thể. Thành thử, các sản phẩm không bao giờ có mẫu số chung, và các fan (hay khán giả phổ thông) thường mất thời giờ (nếu có quan tâm) để nhận được những thông điệp người nghệ sĩ đó gửi đến.

Đó hẳn là lý do khán giả (quan tâm thật sự) của Hà Trần không nhiều hay không“ồn ào”, nhìn từ độ tương tác trên trang cá nhân của chị?

Thực ra thần tượng nào fan đó! Tôi vốn thâm trầm thì khán giả của tôi đâu có ào ào gấu bông và vận động hành lang như người khác? Chính các fan của tôi cũng tự nhận họ là những dòng chảy ngầm, bạn có thể không thấy xôm tụ trên mạng xã hội, nhưng đủ để nuôi tôi làm nghệ thuật gần 30 năm qua.

Những bình luận, nhận xét sau một tác phẩm, đều là những ý kiến, chia sẻ mà rất nhiều khán giả ruột của tôi thú nhận rằng khi bản thân họ bị hay được trải qua hoàn cảnh nào đó, thì họ đột nhiên thẩm thấu đến cùng cực, một sản phẩm nào đó của tôi.

Nhạc tôi sản xuất có nhiều tầng lớp ý nghĩa mà mới tiếp cận thô sơ và hời hợt thì không thể nào nắm bắt hết được. Có khi còn bị dội ấy. Tôi không theo thời trang thị trường, nhưng những sản phẩm của tôi cứ âm thầm sống và sống rất lâu, dù luôn luôn, khi tung ra thì cãi nhau kinh lắm, fan ấy.

Như vậy, chị hoàn toàn sống được từ nghề, dù từng nhận mình không phải là nghệ sĩ siêng ra sản phẩm?

Tôi có buôn bán gì đâu! (cười)

Ở khía cạnh nào đó, chị đang “kinh doanh” cảm xúc, năng lượng và cảm hứng đấy chứ?

Thật ra, định dạng sản phẩm của tôi luôn như thế này: Khán giả tiếp cận một vài lần, không phù hợp, tự lãng ra; hoặc tiếp cận một vài lần, lúc đầu không hiểu, có thể không thích, nhưng đột nhiên bị thu hút vì điểm nào đó, thì... đâm đầu vào nghe và... nghiện. Sau đó lục lại tất cả sản phẩm từ cổ chí kim của tôi. Tôi đang có kinh nghiệm này với một lứa fan mới, các bạn Gen Z sinh sau 1995. Định dạng “nghiện” này là không cai được nhé (cười).

Người nghe nhạc tôi trải rộng nhiều giới lắm, từ những người làm nghệ thuật đến luật sư, bác sĩ, giới trí thức và sinh viên. Nói chung giới làm nghệ thuật khá nhiều. Tôi chẳng biết hết đâu, gặp - họ nhận thì tôi biết vậy thôi. Trấn Thành là một ví dụ điển hình. Thấy Thành thuộc nhạc thì tôi cũng cảm động, thuộc đến độ làm game show còn nhắc lời cho tôi. Rồi chị em thân tình, mới biết bạn ấy nghiên cứu kỹ lắm. Giờ thì những ý kiến góp ý của Thành với tôi rất giá trị, vì Thành cực thông minh, tinh tế, và lại quá thành công trong những việc Thành làm.

Fan của tôi (những người có tương tác hoặc hoạt động cùng) đều ít nhiều truyền cảm hứng ngược lại cho tôi, dù họ là nghệ sĩ hay không. Chúng tôi kết nối như một dạng network, thành bạn chia sẻ nhiều hơn quan hệ của một thần tượng và fan.

Có một số nhìn nhận, rằng sản phẩm của Hà Trần được chờ đợi vì mỗi lần đến thường mang theo cả những tài năng mới?

Tôi không nghĩ có công gì, họ có tài thật, nếu không làm việc với mình họ cũng sẽ phát sáng đâu đó. Tôi có thói quen luôn quan sát, “đào quặng” xung quanh. Và tôi có khả năng nhìn thấy sản phẩm trên chất liệu thô. Bởi vì ngay từ những bước chân đầu tiên tôi đã hướng tới công việc sản xuất và cảm thấy cần phải tự thực hiện, theo sát các sản phẩm của mình.

Từ tìm hiểu cá nhân cho thấy chị là người rất thực tế; và với âm nhạc, nghệ sĩ tính của chị vô cùng dữ dội. 2 yếu tố này “tồn tại” ra sao trong người phụ nữ của gia đình và nghệ sĩ biểu diễn Hà Trần?

Tôi có đọc tìm hiểu về thần số học từ năm 2019, chỉ là để tự giải mã bản thân. Tên của tôi theo nghiên cứu này, là một con người sinh ra để làm nghệ thuật. Nhưng con số chủ đạo theo ngày sinh lại biểu hiện cho một người rất thực tế và biết thu vén. Tôi thấy điều đó hay chứ? Bay bổng, nhưng vẫn cắm rễ xuống mặt đất chứ không như chú Cuội vút lên cung trăng luôn.

Trong show Bản nguyên tại Mây Lang Thang - Đà Lạt tháng 12.2020 (Ảnh: Đặng Dương)

Nhưng để được như vậy, chị hẳn phải luôn học cách để cân bằng?

Thật ra tôi cũng được hỗ trợ từ gia đình lớn và gia đình riêng để hài hòa được giữa cuộc sống thực tiễn - người phụ nữ gia đình với con người nghệ sĩ suy tưởng. Nếu chỉ có một vế, tôi thấy thiếu, và nhạt. Chỉ mơ mộng và tư duy mà thiếu thực tiễn thì khó có những ý tưởng gắn với đời sống lắm, mà nghệ thuật ở cấp nào vẫn là chắt lọc tinh hoa của đời sống.

Chị có nghĩ, để tự do sáng tạo một cách tuyệt đối, người nghệ sĩ, có lẽ, không phải bận tâm chuyện “cơm áo”?

Không bận tâm đến cơm áo thì lý tưởng quá rồi! Nhưng chưa chắc khi được dễ thở về tài chính hay đời sống cá nhân lại có đủ động lực làm sáng tạo. Nghệ sĩ, nói thật nhé, là cuộc đời của những con người nhiều bầm dập trong cuộc sống vật chất và tình cảm cá nhân. Những bức bối nảy sinh động lực giải thoát và họ đổ vào tác phẩm. Mỗi tác phẩm ra đời là một chu kỳ tâm lý trị liệu đối với họ, thì cái anh đầy đủ sung sướng có gì để nói? Với nghệ sĩ, sản phẩm luôn luôn bắt đầu từ những vấn đề cá nhân. Khác với ngôi sao giải trí, động lực đầu tiên của họ là bám sát thị hiếu khán giả làm công việc giải trí, sản phẩm của họ luôn đi gần với tâm lý đám đông. Vì thế độ phổ cập, phổ biến của họ rộng hơn, ăn khách và giàu hơn. Bởi thế, người làm công việc sáng tạo phải biết cân đối cuộc sống để vừa nuôi mình, vừa nuôi những cơn mộng nghề.

Hà Trần và ê kíp sản xuất MV Mộng (Ảnh: Nguyễn Thanh Lan)

Đến nay, khi hầu hết nghệ sĩ dùng mạng xã hội như kênh tương tác lẫn hoạt động nghệ thuật - giải trí, Hà Trần có lẽ là ngôi sao “lặng lẽ” nhất? Ngại ồn ào, đó có là hạn chế của người nghệ sĩ trong thời đại bùng nổ internet?

Tôi bước vào độ tuổi chiêm nghiệm rồi. Tuổi này vẫn còn sồn sồn lên thì khổ lắm. Tôi hướng nội hơn, ngại thể hiện màu mè bên ngoài. Nghệ sĩ thì luôn yêu cái đẹp và hướng thiện, có điều nhiều khi cái tham-sân-si cá nhân và những mặc cảm tự tôn che mất đi tính thiện lành trong con người. Bình tĩnh, nói ít làm nhiều sẽ đưa ta trở lại quỹ đạo thiện lành.

Đúng là tôi không thích mạng xã hội thật. Cũng may có các bạn fan cứng giúp chia sẻ và làm admin các trang, để mỗi hoạt động của tôi vẫn được lan tỏa.

Đợt đại dịch này đúng là đại họa cho nghệ sĩ trình diễn, vì quá hạn chế hoạt động. Tình trạng này còn kéo dài, nghệ sĩ sẽ phải thu xếp những phương thức hoạt động mới. Tôi chắc cũng phải sắp xếp lại các kênh trao đổi tương tác, chứ giờ tôi trốn không được nữa rồi (cười).

Báo Thanh Niên
30.05.2021
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top