Lạ! Sân khấu có thể chỉ ở một góc sân, dưới tán cây bàng vuông. Hoặc, sân khấu có thể chỉ là một ban công nhỏ, hướng nhìn ra biển. Và khi đàn bấm phím, nhạc nổi lên giữa muôn trùng sóng biếc, có tiếng hát ai vụt lên cao vút, hào hùng.

Chuyến đi Trường Sa vào tháng 5.2022 cùng đoàn công tác TP.HCM là lần thứ 5 của ca sĩ Phương Thanh. Có lẽ vì không phải lúc nào cũng có cơ hội, nên vinh dự đi Trường Sa đến 5 lần khiến chị tự hào và hạnh phúc.

Chị nói: “Với Phương Thanh, mỗi lần được đi diễn ở Trường Sa, đều có những cảm xúc rất riêng biệt. Trường Sa ngày một đổi khác, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, cây cối xinh tươi, mọi thứ ngày một tốt đẹp hơn nhiều”.

Điều đặc biệt, mỗi lần ra Trường Sa, ca sĩ Phương Thanh thường tìm gặp, động viên những người chiến sĩ tuổi 19 đôi mươi đang làm nhiệm vụ ở các đảo.

“Mình có một cô con gái 17 tuổi. Mỗi lần trở về từ đảo, mình kể cho con gái nghe về những anh chiến sĩ hơn con có 2, 3 tuổi thôi, nhưng họ lại có một tinh thần nhiệt huyết, đầy khí chất. Những người bạn nhỏ đó cười rất tươi. Họ đáng yêu vô cùng, và càng tuyệt vời hơn với ý chí lớn, không sợ sóng gió”, ca sĩ Phương Thanh nói.

Cô cũng chia sẻ thêm: “Họ mới thực sự là “idol” của tuổi trẻ, bởi họ yêu quê hương, yêu Tổ quốc bằng thực tế, sự cống hiến của tuổi trẻ. Cảm ơn các bạn nhỏ, những người hùng trong mắt của Phương Thanh và các nghệ sĩ. Các bạn đã gói cảm xúc của mình lại trong một nơi rất kín đáo để làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc quê hương. Cảm ơn vì lý tưởng ở tuổi 20 của các bạn”.

Hỏi: “Nhưng đó là về tình cảm của người dân ra thăm đảo, vậy với tư cách một ca sĩ mang lời ca tiếng hát của mình đến tuyến đầu thì sao? Bởi nơi Phương Thanh trình diễn trong chuyến hải trình lần này không phải là sân khấu lớn và trên đất liền. Sân khấu ở đây là nhà bếp, là ban công nhỏ hướng ra biển của nhà chỉ huy, sân khấu chỉ tứ bề là biển cả...”. Phương Thanh đáp: “Đến đây, anh chị em nghệ sĩ được đóng góp tinh thần, năng lượng, tình yêu thương của mình dành cho các cán bộ, người dân, chiến sĩ đang công tác ở đảo. Và ở những nơi sân khấu nhỏ đó, lại lớn về năng lượng và cảm xúc. Bởi vì, có bao nhiêu sức, Phương Thanh hát hết. Mình hiểu là mình đang được cháy, đang truyền hết những tình cảm, những năng lượng của mình để hun đúc ý chí cho các chiến sĩ”.

Những câu hát như: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam. Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương” (Biển hát chiều nay), hay “Và sao không là gió là mây để thấy trời bao la. Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa” (Khát vọng), rồi “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua” (Nơi đảo xa)... vang dội trong từng ngày đến đảo. 

Chúng tôi vẫn hay nhẩm theo lời bài hát, và lòng thì tự hào lắm.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng khàn cả giọng sau những ngày liên tiếp biểu diễn văn nghệ. Chuyến đi công tác ở Trường Sa lần này cũng đã là lần thứ 6 của anh.

“Hùng thấy được sự thay đổi khi mỗi ngày các đảo mỗi khang trang hơn. Còn các chiến sĩ lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết. Hùng thấy tuổi trẻ của mình ở đó, có những nụ cười mà mình giữ làm hành trang không thể thiếu cho cuộc đời. Những nụ cười của sự vượt khó, trong gian nan vẫn ánh lên một niềm tin. Tất cả những cảm hứng đó đã làm cho các đại biểu, nghệ sĩ có thêm năng lượng. Đó là phần thưởng cao quý nhất mà một ca sĩ trực tiếp trải nghiệm”, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

Hát ở sân khấu... Trường Sa là “độc nhất vô nhị”. Khán giả ở Trường Sa là những cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo. Họ hưởng ứng rất nồng nhiệt. Họ cùng tham gia với đoàn nghệ sĩ. Có chiến sĩ đánh guitar. Có chiến sĩ hát hay và chuyên nghiệp. Có chiến sĩ nhảy theo điệu nhạc và vỗ tay vang dội hơn cả tiếng của trống tambourine.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nói: “Sinh hoạt văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu cho các chiến sĩ. Có lẽ vì vậy, tôi càng cảm thấy biết ơn sự đóng góp của người ở nơi hậu phương khi luôn quan tâm, mang tình cảm ấm áp, tuy xa mà gần đến quân dân ngoài đảo”.

“Hùng thấy được trách nhiệm, làm sao đóng góp nhiều hơn những tác phẩm âm nhạc, gắn kết giữa đất liền với biển đảo. Mỗi lần đi, Hùng đều có những cảm xúc rất đặc biệt để viết lên những bài hát giữa không gian biển đảo mênh mông. Khi cất lời, Hùng cảm thấy được tình yêu Tổ quốc lan tỏa, không chỉ bản thân mình mà còn các thành viên trong đoàn, lan tỏa đến người chiến sĩ để họ yên tâm vững tay súng bảo vệ chủ quyền”, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho hay.

Ca sĩ Cẩm Thơ (Bệnh viện Quân y 175), cũng chia sẻ rằng khi chị biểu diễn trên tàu, trên đảo, giữa biển Đông đều là những không khí thiêng liêng mà chị không thể diễn tả được hết cảm xúc của mình.

“Chỉ biết mang lời ca tiếng hát, hát bằng tất cả con tim, tấm lòng của mình để gửi tặng cho các chiến sĩ. Bởi mình thương các em lắm. Các em còn trẻ, còn hồn nhiên, còn nhiệt thành và đặc biệt là đam mê văn nghệ”, ca sĩ Cẩm Thơ nói.

Có lẽ, “hát hết mình, bằng cả trái tim” yêu nước là điểm chung của những nghệ sĩ khi biểu diễn ở Trường Sa. Nghệ sĩ Thiên Phú, Sở VH-TT TP.HCM cho biết: “Ban đầu mình nghĩ nếu đến Trường Sa, mình cũng sẽ biểu diễn như ở TP.HCM, nhưng khác hoàn toàn. Không hẳn chỉ đơn giản là một bài hát nữa, mà mình đã đem cả chương trình, niềm vui, năng lực tích cực để phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ. Và mỗi lần hát xong, mình thấy mình yêu quê hương hơn, có phần trách nhiệm để đóng góp cho quê hương”.

Còn NSƯT Ngọc Đặng khi ngân dài những câu vọng cổ giữa trùng khơi, là bấy lần đón nhận những tràng vỗ tay của các chiến sĩ, cán bộ đang làm nhiệm vụ. “Hát hết mình, không biết mệt là gì. Khi hát, thấy các em vỗ tay, đó là điều hạnh phúc với nghệ sĩ”. (còn tiếp)

Báo Thanh Niên
15.06.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top