Đoàn công tác số 9 – TP.HCM thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 do Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải làm Trưởng đoàn công tác TP.HCM.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết tham gia chuyến hải trình lần này, TP.HCM có 170 đại biểu là các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, cùng hệ thống cán bộ, đảng viên ở các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn TP.HCM.

Đoàn đại biểu TP.HCM thực hiện nghi thức dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đoàn tàu không số trong khuôn viên Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Ông nói: “Chúng tôi có cùng một cảm xúc rất bồi hồi, xúc động. Trải qua một thời gian rất dài từ năm 1990, TP.HCM đã tổ chức các đoàn đi thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi năm, Trường Sa đều có sự thay đổi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn ở đó: những nơi thiếu điện, thiếu nước ngọt…; những khó khăn cơ bản và triền miên - mặc dù đã có điện gió, điện mặt trời”.

“Và ta đi để thấy được có nơi có những người chấp nhận sự cam khổ và hy sinh để ta sung sướng nơi đất liền. Buổi tổng kết hành trình của chuyến công tác sẽ mở ra suy nghĩ mới cho các thành viên, để chúng ta tự vấn mình sẽ làm gì cho cuộc sống và cho sự phát triển của xã hội”, ông Nguyễn Hồ Hải chia sẻ.

Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn ý thức được việc bảo vệ biển đảo quê hương, tuyến đầu Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hậu phương TP.HCM và cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các điểm đảo an tâm công tác. Đồng thời, các địa phương nên có mối liên hệ Vùng 2, Vùng 4 để có những gắn kết nghĩa tình, tổ chức thêm nhiều chuyến đi thăm Trường Sa, không chỉ hỗ trợ một lần mà cần phải thường xuyên để chăm lo hỗ trợ cho đời sống chiến sĩ.

“Riêng cá nhân tôi sau, 10 năm trở lại các điểm đảo, phải nói là rất xúc động. Khi trở lại Trường Sa lần này, tôi thấy được những thay đổi to lớn ở các biển đảo, như ở đảo Trường Sa Lớn, phải nói màu xanh của các cây bàng vuông, phong ba đã phủ kín. Qua đó, thấy được sự đầu tư, quan tâm rất lớn của Đảng, của Bộ Quốc phòng cũng như các tỉnh thành trên cả nước đã hỗ trợ cho biển đảo quê hương, cho tuyến đầu Tổ quốc...”, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết.

Lãnh đạo TP.HCM trao quà cho người dân ở đảo Sinh Tồn. ẢNH: LONG HỒ

Ông Nguyễn Hồ Hải cũng chia sẻ: “Tôi cũng thấy được sự thay đổi ở đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tôi tâm niệm sẽ cố gắng làm hết sức mình ở nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho để phần nào đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM xây dựng hỗ trợ cho Trường Sa thân yêu”.

“Tôi cũng có một chút tâm tư, xen lẫn những nỗi buồn khi đi ngang những điểm đảo mà chúng ta bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Bản thân tôi tâm niệm sẽ cố gắng để gìn giữ hòa bình, ổn định nhưng phải làm thế nào đó để chúng ta không mất đi một tấc đất, một tấc biển thân yêu nào mà cha ông đã giành được. Tôi nghĩ đây là tâm niệm chung của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân anh hùng. Và chúng ta chắc chắn sẽ làm được”, ông Hải nhấn mạnh.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ tại đảo Tốc Tan A. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đoàn công tác số 9 - TP.HCM lần này chỉ có khoảng hơn 200 đại biểu tham dự. Tuy nhiên, họ là đại diện cho hơn 10 triệu tấm lòng của nhân dân TP.HCM đến với quân dân huyện đảo Trường Sa  và Nhà giàn DK1.

Bà Châu gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua những khó khăn để thực hiện nhiệm vụ.

“Chúng tôi sẽ báo cáo với nhân dân TP.HCM, thực hiện nhiều biện pháp để tuyên truyền cho người dân, hướng về quê hương, hướng về tuyến đầu của Tổ quốc để hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ. Chính điều đó sẽ góp phần động viên cho các cán bộ, chiến sĩ luôn luôn chắc tay súng, vững lòng tin, bảo vệ biên cương của Tổ quốc”, bà Tô Thị Bích Châu nói.

Bà Tô Thị Bích Châu thăm vườn rau của quân dân công tác ở đảo Sinh Tồn: ẢNH: LONG HỒ

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng chia sẻ rằng cả đoàn công tác đã trải qua những ngày trên biển và ở đó, mỗi người một cảm xúc. Tựu trung, ai cũng hướng một tấm lòng, một trách nhiệm rất lớn lao với biển đảo. Ai cũng mong muốn sẽ đóng góp bằng tất cả tâm huyết trên lĩnh vực, ngành nghề của mình.

“Như đảo Song Tử Tây, qua đợt bão Rai năm ngoái đã tàn phá đi rất nhiều cây xanh trên đảo. Tuy nhiên giờ đây quay lại, thấy một niềm vui, cảm xúc mới, khi nhìn những cái cây cắt ngang vì bão đó, lại trổ những mầm xanh. Ta thấy được sức sống ở đảo dẫu cho thời tiết, bão tố có khắc nghiệt, ảnh hưởng đến đời sống của quân dân”, bà Phan Thị Thắng nói.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng chia sẻ: “Chúng ta mang đến niềm vui, những buổi giao lưu, động viên tinh thần đối với cán bộ, nhân dân chiến sĩ trên đảo. Và qua đây, chúng ta sẽ thấy được ngoài việc ủng hộ, thăm, động viên, tình cảm thì cũng có phần trách nhiệm để giúp cho cán bộ, chiến sĩ bà con nhân dân trên đảo có cuộc sống tốt hơn”.

“Hiện nay, TP.HCM rất quan tâm ba lĩnh vực: năng lượng, xử lý cung cấp điện thế nào để đảm bảo các hoạt động của Trường Sa; xử lý nước để tận dụng nguồn nước xung quanh để có đủ điều kiện để đảm bảo quân dân; xử lý rác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, kết hợp quân chủng hải quân tìm ra giải pháp, với mục tiêu phục vụ cán bộ chiến sĩ nhân dân trên đảo và hướng đến mục tiêu xa nhất là bảo vệ biển đảo chủ quyền quê hương”, bà Thắng nêu. (còn tiếp)

Báo Thanh Niên
14.06.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.