Trở về VN nhân dịp tuần lễ giải thưởng Quỹ VinFuture mùa đầu tiên, Giáo sư (GS) Đặng Văn Chí đã dành cho Báo Thanh Niên một cuộc trò chuyện thú vị. GS Chí cũng xin lỗi vì nói bằng tiếng Anh do diễn đạt tiếng Việt không được lưu loát lắm.

Thưa giáo sư, trước đây khi trả lời truyền thông Mỹ, ông cho biết ba ông, GS Đặng Văn Chiếu, là tấm gương, là hình mẫu cho ông noi theo. Vậy điều mà ông ngưỡng mộ nhất ở ba ông là gì?

Tôi học được ở ba tôi (và cả mẹ tôi nữa) là lòng nhân ái, tính thương người. Ba tôi là bác sĩ (BS), mỗi khi có một bệnh nhân nào đó không qua khỏi là ba tôi cảm thấy như mất đi một người thân. Có lẽ đó là động lực thôi thúc ba tôi làm việc nhiều hơn nữa để điều trị được hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Có những sáng thức giấc, tôi nhớ đến ba và nghĩ mình cần phải tìm được cái gì đó mới để đóng góp cho việc điều trị ung thư.

(Đến đây GS Chí bật ra tiếng Việt, nói giọng miền Nam) Lúc tui còn nhỏ, ba có một phòng khám (ở Sài Gòn - PV) để điều trị cho nhiều người bệnh. Mỗi cuối chiều, tui đến phòng khám rồi từ đó đi về nhà cùng ba. Tui nhớ có một chiều, ba đi ngang một người nghèo và có vẻ như đang bệnh. Ba dừng lại hỏi han người ta, rồi sau đó quay trở lại phòng khám để lấy thuốc cho người ấy. Hàng ngày, mỗi chiều trước khi về nhà, ba thường ghé qua chỗ bệnh nhân đó để thăm khám lại.

Thời gian đó BS Chiếu đang làm việc ở bệnh viện nào?

Ba tui khi đó làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài ra, ba có một phòng khám riêng. (Do khó khăn trong khi diễn đạt bằng tiếng Việt, GS Chí lại xin phép được dùng tiếng Anh để tiếp tục câu chuyện - PV). Ba tôi là bác sĩ chuyên ngành thần kinh, nhưng ông cũng làm cả y đa khoa. Ông vốn là sinh viên Trường ĐH Y Đông Dương (giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, một chi nhánh của trường chuyển vào Sài Gòn, nên BS Chiếu học những năm cuối và lấy bằng bác sĩ ở Sài Gòn - PV, thực tập 1 năm sau ĐH ở Bệnh viện Từ Dũ).

Gia đình tôi có 10 anh chị em, tôi là con thứ 6, và vẫn được người trong gia đình gọi là Bé Bảy (với từ Bé Bảy, GS Chí phát âm tiếng Việt). Sài Gòn là nơi tôi có nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở đó. Hồi bé, tôi cũng nghịch ngợm, phá phách lắm. Chúng tôi có nhiều thời gian để rong chơi, chạy nhảy, nô đùa. Nhưng như trên tôi đã kể, cứ vào cuối mỗi buổi chiều, dù đang chơi ở đâu đó tôi lại đến phòng khám của ba để từ đó trở về nhà cùng ba.

Có phải vì có ba là bác sĩ mà giáo sư học bác sĩ rồi trở thành nhà nghiên cứu y khoa là đương nhiên không?

Đúng vậy. Không chỉ có tôi, mà trong 10 anh em chúng tôi có tới 7 người về sau theo nghề y. Ba tôi là người có ảnh hưởng rất lớn tới các con. Hồi nhỏ tôi từng hỏi ba, vì sao ba cứ làm việc liên tục mà không đi nghỉ ngơi, đi du lịch? Ba tôi nói, công việc là niềm yêu thích của ba, mỗi ngày đi làm việc cũng chính là đi nghỉ. Điều đó tác động sâu sắc vào nhận thức, vào suy nghĩ của tôi. Tôi tự nhủ, ngày nào ba cũng được đi nghỉ như thế thì tại sao mình lại không làm công việc như ba để ngày nào cũng được đi nghỉ!

Đỗ được vào trường y ở Mỹ là rất khó khăn, nhất là với những trường tốt như ĐH Johns Hopkins, nơi GS theo học. Với GS thì sao?

ĐH Johns Hopkins đúng là một trong những nơi đào tạo y khoa tốt nhất nước Mỹ. Nhưng với tôi việc đỗ vào trường rồi theo học ở đó không có gì vất vả cả, vì tôi đã coi học và nghiên cứu y khoa chính là niềm vui. Nó khiến cho tôi thấy mọi việc diễn ra đúng như nhận thức của tôi hồi nhỏ, mỗi ngày đi làm thấy dễ chịu như người ta được đi nghỉ.

Ba của ông là một BS lâm sàng, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Còn ông hình như rẽ sang một nhánh hơi khác một chút, là đi sâu vào việc nghiên cứu y khoa?

Tôi vừa làm BS điều trị lâm sàng, vừa nghiên cứu vì đây là hai công việc bổ trợ lẫn nhau. Kết quả thu được trong phòng nghiên cứu giúp tôi tìm ra cách điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Tuy nhiên, về sau tôi tập trung cho con đường nghiên cứu nhiều hơn, vì tôi cần phải tạo ra sự khác biệt lớn hơn, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, do chưa hài lòng với kết quả điều trị hiện tại.

Được biết, ba ông, rồi anh trai ông đều lần lượt qua đời vì bệnh ung thư. Vậy đó có phải là những lý do thôi thúc ông nghiên cứu sâu về bệnh ung thư?

Là một BS, một nhà nghiên cứu y khoa, khi chứng kiến ba và anh trai lần lượt mất vì căn bệnh ung thư, cảm giác của tôi rất bất lực. Đó là một cảm giác không hề dễ chịu chút nào. Đó là nỗi đau mà tôi nhớ suốt đời và cũng là động lực để tôi quyết tâm nghiên cứu về căn bệnh ung thư, để tìm ra cách chữa trị hiệu quả.

Nhưng từ mấy năm nay, mỗi dịp Giáng sinh tôi lại nhận được một tấm thiệp chúc mừng của một bệnh nhân ung thư mà tôi đã điều trị nhiều năm và điều trị hiệu quả. Mỗi lần nhận được thiệp, cảm giác hạnh phúc lại ùa đến trong tôi, vì rõ ràng là tôi đã làm được điều gì đó thực sự chứ không chỉ là mơ ước sẽ làm được điều gì đó. Nhờ thế mà tôi vơi bớt sự dày vò khổ sở vì cảm giác bất lực trước cái chết của người thân (trong khi lẽ ra họ vẫn phải được tiếp tục sống khỏe mạnh).

Trong mấy ngày qua, khi dự các sự kiện trong tuần lễ VinFuture, ông vẫn nói rằng VN luôn trong trái tim ông. Được biết, trong mấy nét phác thảo về mình mà ông gửi cho các đơn vị đối tác ở VN có một gạch đầu dòng: “Most important: Vietnamese origin (quan trọng nhất: nguồn gốc Việt Nam). Nhưng sau 53 năm xa VN ông mới quay về quê hương. Tại sao lại lâu đến thế?

Công việc liên miên khiến tôi không thể nào dứt ra được, dù tôi đã ấp ủ từ lâu kế hoạch đưa con cháu quay về VN. Vì vậy, khi nhận được lời mời của VinFuture tham gia hội đồng giải thưởng thì tôi đồng ý ngay, vì tôi tìm thấy ở việc hợp tác này là cơ hội để hàng năm trở về VN.

Là một chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về bệnh ung thư, ông đánh giá như thế nào về bức tranh điều trị ung thư ở Mỹ và VN?

Tại Mỹ hiện nay có nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến để điều trị ung thư. Những công nghệ này không dành cho tất cả mọi người vì giá thành điều trị rất đắt đỏ, chỉ có người giàu mới tiếp cận được. Còn ở VN không có nhiều công nghệ như thế nên việc điều trị ung thư còn hạn chế. Nhưng đây cũng là điểm lợi thế vì chúng ta sẽ phải lựa chọn đầu tư, và khi đó thì sẽ ưu tiên chú trọng công nghệ mới nhất, mà các công nghệ mới thì thường quan tâm tới phạm vi đối tượng tiếp cận, đặc biệt là khả năng tiếp cận của người nghèo.

Nếu được tư vấn cho giới y khoa ở VN để tăng cường tính hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân ung thư, ông sẽ nói gì?

Hiện nay có một số căn bệnh ung thư đã có vắc xin để phòng ngừa. Do vậy, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là tăng cường các biện pháp ngừa ung thư, để không bị mắc bệnh, nhất là với các bệnh nhân nghèo. Thứ hai, nên có những cách cung cấp một số thuốc điều trị ung thư tốt giá rẻ cho người nghèo để giúp họ nâng cao chất lượng sống trong thời gian điều trị, để họ không phải chịu quá nhiều đau đớn.

Với những hợp tác cùng các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở VN, sẽ có nhiều dịp ông trở về VN, hẳn bản thân ông cũng đã có những kế hoạch cá nhân giúp VN trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân ung thư?

Tôi đã làm việc với một số đơn vị của Tập đoàn Vingroup, giúp họ kết nối với các cơ hội nghiên cứu và phát triển các giải pháp điều trị bệnh ung thư. Gần đây, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigData đã công bố cơ sở dữ liệu 1.000 hệ gien người Việt. Tôi cũng đang làm việc với BigData về việc này, tìm kiếm các cơ hội để khai thác các kết quả của dự án nghiên cứu này. Chẳng hạn, chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu việc chống đột quỵ ở người Việt. VN là nước có tỷ lệ người đột quỵ cao trong số các nước châu Á. Điều này có thể do trong gien của người Việt dễ dẫn đến đột quỵ chăng? Việc của các nhà khoa học là đi tìm gien đó, khi đã tìm được gien đó thì sẽ tìm được phương pháp phát hiện sớm ai đó có khả năng đột quỵ.

Trong lần về nước này, nhiều cơ sở đào tạo ĐH ở VN cũng đã liên hệ và tôi đã nhận lời đến làm việc, trao đổi với họ về khả năng hợp tác, hỗ trợ, giúp họ phát triển về đào tạo, nghiên cứu các giải pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như ung thư gan. Ngoài ra, tôi cũng có kế hoạch trao đổi với Trường ĐH VinUni để trực tiếp tham gia đào tạo ở đây.

Xin cảm ơn Giáo Sư!

Báo Thanh Niên
22.01.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.