Theo đó, BĐS công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn, là nơi “đón sóng” các nhà đầu tư quốc tế.

Bước sang thập kỷ mới 2020, nền kinh tế thế giới liên tiếp phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn, đại dịch Covid-19 đổ bộ tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, cuộc khủng hoảng kép lần này cũng là phép thử cho “sức khỏe” của nền kinh tế và khả năng kiểm soát của các quốc gia. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp nơi làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Nhiều năm qua Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu khu vực. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của nhiều cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu (EU). Đặc biệt, một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và bắt đầu có hiệu lực, gần đây nhất là EVFTA, đã tác động đáng kể lên cán cân thương mại song phương, đa phương và sự tăng trưởng mạnh của tổng kim ngạch xuất khẩu, góp phần tạo nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam.

Vững vàng vượt qua khủng hoảng kép, Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó đặc biệt là mảng BĐS công nghiệp. 

Số liệu từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến cuối tháng 10.2020, cả nước có 369 khu công nghiệp (KCN) tổng diện tích khoảng 73,6 nghìn hecta với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistics,... đang dần được đầu tư hoàn thiện và tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại Việt Nam số lượng các KCN được đầu tư, xây dựng bài bản, hiện đại theo chuẩn quốc tế không nhiều. Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp truyền thống sang mô hình Khu đô thị công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên dành cho một ngành hoặc một nhóm ngành nhất định,... Tại các khu công nghiệp này, chủ đầu tư và các doanh nghiệp sẽ cam kết tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong chuỗi cung ứng để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Động thái này cũng phù hợp với yêu cầu khắt khe của các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong việc lựa chọn “cứ điểm” sản xuất mới.

Với Aurora IP - Cát Tường Group chính thức gia nhập mảng BĐS công nghiệp

Nắm bắt được xu hướng này, năm 2017 tại Nam Định, Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) đã chính thức khởi công xây dựng KCN Dệt May Rạng Đông - Aurora IP. Tọa lạc tại thị trấn Rạng Đông - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định, Aurora IP nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ với tổng diện tích quy hoạch 14.000 ha gồm sân bay, cảng biển quốc tế, nhà máy điện,… Aurora IP hướng tới xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bền vững và mô hình khu đô thị công nghiệp nhằm cung cấp đầy đủ những tiện ích cuộc sống cũng như kiến tạo môi trường thuận lợi cho các chuyên gia và người lao động an tâm làm việc tại đây.

Do đặc thù riêng nên với BĐS công nghiệp, hạ tầng và kết nối giao thương đặc biệt quan trọng. KCN nào sở hữu được lợi thế đó coi như nắm được “con át chủ bài” trong việc thu hút các nhà đầu tư. Aurora IP sở hữu hệ thống kết nối đường thủy với cảng Hải Thịnh (10 km), cảng Hải Phòng (140 km), cảng biển nước sâu Cái Lân (200 km); hệ thống kết nối đường bộ 50 km đến trung tâm thành phố Nam Định, 130 km đến trung tâm thủ đô Hà Nội; 150 km đến sân bay Nội Bài - Hà Nội, 145 km đến sân bay Cát Bi - Hải Phòng. Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2024, Aurora IP sẽ là trung tâm của tuyến đường kinh tế ven biển nối liền Hải Phòng - Nam Định -  Ninh Bình.

Không gian sống xanh, thuần khiết thiên nhiên tại Cát Tường Phú Hưng và Cát Tường Western Pearl - 2 khu đô thị do Cát Tường Group làm chủ đầu tư

Là một gương mặt quen thuộc trên thị trường BĐS, Cát Tường Group nổi tiếng là nhà phát triển các dự án BĐS “Xanh - Sạch - Bền vững”. Tại các dự án của Tập đoàn như KĐT Cát Tường Western Pearl (Vị Thanh - Hậu Giang), Cát Tường Phú Hưng (Đồng Xoài - Bình Phước), diện tích dành cho cây xanh và tiện ích cộng đồng luôn chiếm khoảng 50% tổng diện tích đất. Vì thế, khi lấn sân sang mảng BĐS công nghiệp, KCN Dệt may Rạng Đông - Aurora IP được định hướng trở thành khu đô thị công nghiệp sinh thái nhằm thu hút các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU,... đầu tư phát triển nhóm ngành Sợi - Dệt - Nhuộm và công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực dệt may, may mặc.

Aurora IP chiến thắng 2 giải thưởng lớn tại PropertyGuru Vietnam Property Awards 2020

Đi theo định hướng “Xanh - Sạch - Bền vững” không chỉ giúp Aurora IP khác biệt với mô hình KCN truyền thống mà còn giúp Aurora IP vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” khác để giật “cú đúp” ở 2 hạng mục: “Best Industrial Development” (Dự án công nghiệp tốt nhất) và “Best Commercial Green Development” (Dự án thương mại xanh tốt nhất) tại lễ trao giải BĐS Việt Nam PropertyGuru lần thứ 6 (PropertyGuru Vietnam Property Awards 2020) được tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 10 vừa qua.

Hiện tại, giai đoạn 1 của Aurora IP có tổng diện tích gần 520 ha, trong đó 34,74% diện tích được dành cho cây xanh, mặt nước, giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Được bao quanh tự nhiên bởi tường rào cây phi lao cùng hệ thống kênh đào dài 17 km kết hợp với rừng ngập mặn sát cạnh khu công nghiệp, Aurora IP như một “Khu công nghiệp trong rừng”. Đây chính là sự khác biệt và lợi thế của Aurora IP hiếm nơi nào có được.

Khu đô thị công nghiệp sinh thái Aurora IP

Bên cạnh đó, Aurora IP cũng sử dụng năng lượng mặt trời cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng và vận hành camera an ninh. Hệ thống cấp nước trong khu công nghiệp được đầu tư theo công nghệ hiện đại, chủ động cung cấp nước từ hệ thống bơm và xử lý nước từ nguồn nước sông tự nhiên thay vì khai thác mạch nước ngầm, giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường nước. Hệ thống xử lý nước thải được giám sát tập trung để đảm bảo đủ tiêu chuẩn trước khi xả thải. Dự kiến, tổng công suất xử lý nước thải tại Aurora IP sau khi đi vào hoạt động chính thức sẽ đạt công suất tối đa 110.000 m3/ngày đêm. Chủ đầu tư Cát Tường Group cho biết Tập đoàn vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao khả năng xử lý và tận dụng tối đa các chất chiết xuất từ quá trình xử lý bùn.

“Lễ ký kết hợp đồng thuê đất và bàn giao đất để xây dựng nhà máy” giữa Cát Tường Group và tập đoàn hàng đầu Nhật Bản

Với những lợi thế khác biệt đó, Aurora IP trở thành một trong số ít KCN được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Ngày 4.9.2020 tại KCN Dệt May Rạng Đông - Aurora IP, “Lễ ký kết hợp đồng thuê đất và bàn giao đất để xây dựng nhà máy” giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường và một công ty đến từ Nhật Bản đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện này không chỉ đánh dấu mối quan hệ hợp tác mang tầm quốc tế của Cát Tường Group mà còn tạo động lực và niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đây thuê đất, hoạt động.

“Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”, Aurora IP hội tụ tất cả các lợi thế tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư. Với những giá trị hiện hữu cũng như tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế, Aurora IP sở hữu hấp lực riêng mà bất cứ KCN nào cũng mong muốn có. Vốn đã rất thành công ở mảng BĐS dân dụng qua hàng loạt dự án, khu đô thị kiểu mẫu tại các vùng miền trên cả nước, với Aurora IP, Cát Tường Group một lần nữa khẳng định năng lực vượt trội và vị thế của một trong những nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam, định hướng vươn tầm quốc tế.

Với gần 50% diện tích đất sạch dành cho không gian xanh, tiện ích cộng đồng, KĐT phức hợp cảnh quan Cát Tường Phú Hưng tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước do Cát Tường Group làm CĐT đã vinh dự được trao giải “Dự án có hạ tầng công cộng tiêu biểu" tại lễ vinh danh “Bất động sản tiêu biểu Việt Nam 2020” do tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức vào ngày 18.11.2020
Báo Thanh Niên
01.12.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top