>> Bùi Ngọc Long

Hoa phấn, tên khoa học là Mirabilis jalapa, nhưng do các phi tần trong cung triều Nguyễn từng dùng để làm đẹp nên nó còn có tên hoa “cung nữ”. Loài hoa này còn có các tên gọi khác nữa: bông phấn, sâm ớt, yên chi…

Hoa phấn là một loại thực vật thân thảo được trồng làm cây kiểng, có xuất xứ từ Peru (Nam Mỹ) nhưng cây có mặt khắp miền nhiệt đới và lan cả lên những vùng ôn đới. Hoa phấn có điểm lạ là một cây có thể nở hoa nhiều sắc màu và hoa có thể đổi sắc theo tuổi tác và  “cảm xúc” nắng mưa của đất trời. Như cây hoa phấn vàng, khi đã có tuổi thì thường nở hoa sắc hồng, trong khi loại hoa phấn trắng sẽ đổi thành hoa tím. Loài hoa phấn hồng lúc mới nở gặp trời nắng đẹp có màu sắc hồng tươi nhưng khi gặp ngày mưa, nắng ủ thì lại có màu huyết dụ. Hoa thơm nhẹ, bên trong cuốn hoa còn có mật ngọt, lũ trẻ vẫn thường ngắt để hút mật ngọt thanh trong những buổi hái hoa bắt bướm đong đầy ký ức tuổi thơ.

Loài hoa phấn còn có tên hoa “cung nữ” vì được các phi tần xưa dùng làm mỹ phẩm

Câu chuyện hoa phấn được trồng ở phủ ông hoàng thơ cũng là một “kỳ duyên” mà người cháu đời thứ 4 của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, vốn là một kỹ sư nông lâm, phát hiện và đưa giống về trồng. Người hậu duệ ấy có tên Bửu Tộ, năm nay đã 70 tuổi, hiện là Trưởng ban quản trị phủ thờ.

Hơn 20 năm trước, trong một lần về thăm quốc tự Diệu Đế, từng là một vườn ngự uyển tuyệt đẹp vào thế kỷ 17 của hoàng gia triều Nguyễn thuộc làng Du Ninh, nơi hoàng tử Miên Tông ra đời (tức vua Thiệu Trị sau này), ông Bứu Tộ bất ngờ nhìn thấy hoa phấn được trồng trong vườn chùa. “Hỏi sư trú trì thì được biết, đây là loại hoa mà các cung nữ dùng làm phấn nụ để trang điểm. Hoa được trồng ở chùa từ đời này qua đời khác và tồn tại cho đến khi tôi được nhìn thấy tận mắt, thay vì biết qua sách như trước đây. Tôi đã xin thầy trú trì mấy hạt giống về trồng ở phủ Tùng Thiện Vương và không ngờ loài hoa phát triển rất tốt”, ông Bửu Tộ kể.

Theo ông Bửu Tộ, loài hoa này có thể dùng cánh hoa trang điểm bằng cách chà lên da sẽ có màu hồng hoặc màu huyết dụ, tùy vào thời điểm. Loài hoa chỉ nở vào khoảng 16 giờ chiều và đến sáng hôm sau, khi mặt trời lên, thì héo tàn. Sau khi hoa tàn, đài hoa sẽ phát triển một loại trái to bằng hạt đậu, có hình thu giống hạt hồ tiêu khô. Bên ngoài vỏ cứng màu đen, nhăn nheo, bên trong có chứa một loại tinh bột trắng tinh. Đây chính là nguyên liệu để làm phấn cho các phi tần trong cung ngày xưa, có công năng làm đẹp, mát da, mịn da và láng da.

Phủ Tùng Thiện Vương tọa lạc bên dòng sông An Cựu thơ mộng (tức sông Lợi Nông), ở số 91 Phan Đình Phùng, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế. Loài hoa phấn sau khi bén duyên với phủ thờ của ông hoàng Tùng  Thiện Vương đã phát triển điểm tô thêm cho phủ thời nét duyên thi vị. Chính vì vậy, nơi đây cũng trở thành điểm tham quan lý thú thu hút những vị khách đặc biệt.

Ngày 5.8.2001, phủ Tùng Thiện Vương vinh dự đón đoàn khách đặc biệt: vợ chồng ngài đại sứ Nhật Bản Ryu Yamayaki. Ngoài lý do quan tâm di tích phủ thờ của ông hoàng thơ nổi tiếng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, vợ chồng ngài đại sứ còn đặc biệt quan tâm đến loài hoa đang được trồng tại đây vốn dĩ được các cung nữ ngày xưa làm đẹp. “Ngài đại sứ khuyên chúng tôi nên giữ và bảo tồn loài hoa để sau này có điều kiện thì khôi phục công nghệ phấn nụ nổi tiếng trong cung để làm đẹp cho đời”, ông Bửu Tộ kể.

Ông Bửu Tộ, Trưởng Ban quản trị phủ, hậu duệ đời thứ 4 của Tùng Thiện Vương, người đã đem giống hoa vè trồng trong phủ

Trải qua biến thiên của lịch sử, phủ Tùng Thiện Vương đã có nhiều thay đổi về hiện trạng, ngôi phủ đệ chỉ còn lại một số công trình chính như Bến phủ (phía sông An Cựu), cổng tam quan, điện thờ vua Minh Mạng, phủ thờ Tùng Thiện vương, nhà tăng (dùng để nấu nướng, bày biện vào mỗi dịp lễ kỵ)... Mặc dù ngôi phủ chưa được công nhận di tích nhưng được con cháu hậu duệ của gia tộc gìn giữ và bảo quản khá tốt, trở thành một trong những phủ đệ đặc trưng mang nhiều giá trị kiến trúc và văn hóa.

Không chỉ có thêm loài hoa “cung nữ” bén duyên với cảnh quan nên thơ của ngôi phủ thờ cổ kính bên dòng sông An Cựu, trong vườn phủ còn có nhiều loài hoa quý như cội mai già hơn 150 tuổi còn vững chải giữa gió sương, loài mai trắng quý hiếm rất khó trồng cùng nhiều kỳ hoa dị thảo của xứ Huế nên thơ.

 Ảnh: Văn Đình Huy, B.N.L
Đồ hoạ: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
25.01.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top