Công việc sáng tác, với Bùi Thanh Tâm, không thể thiếu mạch nguồn cảm xúc; nhưng khi bắt tay vào việc, anh đòi hỏi ở mình sự tập trung và nghiêm túc. “Tôi coi quá trình đó giống như việc đi làm hằng ngày. Dù không có việc, tôi vẫn tới phòng vẽ. Tôi cần có đủ thời gian tĩnh tâm để nghĩ về việc mình làm. Từ khi phác thảo đến khi hoàn thiện tác phẩm là một lộ trình nghiêm túc”, Bùi Thanh Tâm nói.

Trong bộ tranh Không có gì ở đằng sau vừa được triển lãm, thay cho những búp bê 3 chiều đặt ở trung tâm tranh như trước đây, Bùi Thanh Tâm đưa vào những vật thể, nhân vật đa dạng và phức tạp hơn; thay cho việc chỉ sử dụng chất liệu nền của tranh dân gian (tranh Đông Hồ) hay ảnh hưởng mô típ nhân vật trong nghệ thuật truyền thống (chú Tễu), anh đã “bày” trên tranh ngồn ngộn những dòng tranh dân gian Việt (tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng); thao tác vẽ, tô màu được anh thay thế bằng thao tác cắt dán Collage...

Anh đã dứt bỏ hoàn toàn phong cách trước đó. Đây có phải là một sự tính toán?

Đó không phải là câu chuyện đã được lập trình, chuẩn bị sẵn, mà là trong con người mình luôn muốn làm điều mới. Trong hơn 10 năm làm nghề, những bộ tranh đã thực hiện của tôi đều khác nhau. Bởi vậy, từ lúc có ý định thực hiện Không có gì ở đằng sau, tôi đã suy nghĩ và quyết định việc mà ta có thể hình dung là đập đi ngôi nhà cũ, để xây ngôi nhà mới.

Tôi nhìn thấy dòng tranh dân gian của VN có đất diễn rất lớn cho người nghệ sĩ sáng tạo. Từ năm 2017, tôi đã tìm đến dòng tranh dân gian và biến đổi liên tục từ dạng này sang dạng khác. Nhu cầu của sáng tạo tự tạo ra cho mình, chứ không phải do mình định trước.

Nhiều bậc thầy hội họa của thế giới như Picasso hay Van Gogh đều bị ảnh hưởng, hay nói cách khác là sử dụng chất liệu mỹ thuật dân gian. Anh nhận thấy sự ảnh hưởng đó với thế hệ nghệ sĩ đương đại như thế nào?

Hầu như những họa sĩ có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Á hiện nay đều khai thác yếu tố dân tộc trong tác phẩm của mình. Trí tuệ, kiến thức, tài năng đã giúp họ biết cách đưa văn hóa dân tộc vào sáng tạo, nâng lên thành nghệ thuật mới, tạo nên những tác phẩm hàng đầu thế giới.

Lý do để nhiều tên tuổi lớn tìm về chất liệu dân gian đơn giản bởi đó chính là yếu tố làm nên giá trị một dân tộc, hay một vùng đất. Có một xu hướng là con người ta thường đến những phần, những vùng đất, những dân tộc mà thế giới còn chưa biết đến, chưa được khai phá hết. Châu Á là khu vực còn nhiều điều huyền bí với thế giới. Bởi vậy, những yếu tố dân tộc của những vùng đất châu lục này được quan tâm đến nhiều trong thời điểm hiện tại.

Còn nói về sự ảnh hưởng từ mỹ thuật dân gian, thực ra việc này không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, nghệ sĩ thời nay biết khai thác yếu tố dân gian bằng ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại mới.

Nhưng khi đưa những cái “cũ” vào trong cái “mới”, nghệ sĩ thường dễ vấp phải những ý kiến tranh cãi, thậm chí chỉ trích vì đã phá bỏ đi cái “cũ”. Anh quan niệm thế nào về sự tôn trọng với chất liệu truyền thống?

Nhiều câu hỏi từng đặt ra với tôi như việc lấy tranh dân gian làm chất liệu sáng tác tác phẩm đương đại có ảnh hưởng đến yếu tố “gốc” của dòng tranh này hay không? Hay việc đưa tranh thờ vào tranh hiện đại có bị mâu thuẫn? Tôi thì cho rằng 2 yếu tố “cũ” và “mới” đó hoàn toàn có thể song hành với nhau. Trong tranh của mình, tôi muốn cho người xem thấy yếu tố dân gian và cả những yếu tố đương đại, nghĩa là hội họa dân gian luôn sống cùng hội họa hiện đại.

Tất nhiên, khi lấy cái truyền thống để làm cái hiện đại, mình phải nghiên cứu kỹ. Trước khi thực hiện bộ tranh Không có gì ở đằng sau - trong đó đưa những dòng tranh dân gian như Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ… vào tác phẩm, tôi đã có quá trình làm việc cùng một số nhà nghiên cứu về tranh dân gian.

Là một trong những họa sĩ chủ động đưa tranh ra những hội chợ quốc tế, anh nhìn nhận thế nào về cơ hội của họa sĩ Việt tại đây? 

Có một thực tế là giữa những tác phẩm của họa sĩ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và VN, dù chất lượng tranh ngang nhau, giá tranh của họa sĩ VN có thể rẻ hơn một chút, nhưng người mua lại không chọn tranh của họa sĩ VN. Lý do là bởi VN còn thiếu thị trường đảm bảo về chất lượng tranh. Ngoài ra, hiện nay VN cũng chưa có thị trường tranh đúng nghĩa, tức là thiếu sự mua bán trao đổi. Giới sưu tập trong nước hầu hết mua tranh của những họa sĩ đã khuất, những họa sĩ thuộc thời kỳ Đông Dương, trong khi ít để ý đến tác phẩm của những họa sĩ đương đại.

Một tác phẩm của họa sĩ VN muốn được chú ý và bán được tại thị trường quốc tế thì buộc phải xuất sắc hơn tác phẩm của họa sĩ cùng trang lứa đến từ các quốc gia khác. Tức là, khi đặt các bức tranh cạnh nhau, tranh của mình phải vượt trội hoàn toàn thì mới bán được bằng giá tranh của những họa sĩ đến từ những quốc gia có thị trường mỹ thuật phát triển.

Anh từng nói mỹ thuật ở VN đang trong quá trình chuyển giao từ thế hệ những họa sĩ thành công trong thời kỳ mở cửa với thế hệ bây giờ. Quá trình đó hiện đang diễn ra thế nào?

Nền mỹ thuật ở ta đang ở giai đoạn “sống tốt”, nghĩa là những họa sĩ kha khá đều sống được bằng nghề, nhưng còn về chất lượng thì lại là câu chuyện khác. Bởi chất lượng nghệ thuật không ở việc họa sĩ bán được nhiều hay ít tranh, mà có không ít họa sĩ đang chạy theo vẽ kiểu tranh trang trí hợp mắt với nhiều người, chạy theo lợi nhuận để làm những thứ nhanh bán được, chiều theo khách hàng, tạo ra những bức tranh na ná. Bên cạnh đó, một số nhà sưu tập chưa đủ tầm vô hình trung đã tiếp tay cho những kiểu dạng tranh như vậy. Chính những yếu tố này khiến nền mỹ thuật VN yếu đi, không có sức sáng tạo, không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã có những nghệ sĩ tiên phong và bảo vệ giá trị cốt lõi của mình. Khi họ giữ được “phong độ” ở tất cả các tác phẩm, thì mỹ thuật VN sẽ có đà mạnh.

Tôi tin rằng theo quy luật, sau một thời gian, nền mỹ thuật sẽ có sự thanh lọc. Chẳng hạn, nhiều năm trước có trào lưu chơi tranh in Trung Quốc; những năm sau là tranh chép của các bậc thầy hội họa thế giới. Bây giờ, nhiều người đã quay sang chơi tranh có chữ ký, tức là tranh độc bản. Đó là điều đáng mừng, dù chất lượng tranh chưa bàn tới. Tôi nghĩ, những năm tới, việc chơi tranh sẽ đi vào chuyên nghiệp, đúng nghĩa của nghệ thuật, vì tầm nhận thức của công chúng, người chơi tốt dần lên.

Anh có phải đấu tranh với bản thân để giữ được sự kiên định, không đi theo sự dễ dãi của thị trường khi chưa phải là một tên tuổi như bây giờ?

Nói một cách thẳng thừng, nếu không bán được tranh, chẳng hạn thế, tôi vẫn có thể làm nhiều thứ khác rất tốt để kiếm tiền với tay nghề của mình. Bởi vậy, tôi không phải mất sức đấu tranh gì cả, mà luôn làm nghệ thuật theo cách mình muốn.

Tôi muốn bảo vệ cái đúng và lấy lại danh dự cho nền nghệ thuật VN bằng cách là mình cực đoan trong việc phản đối chuyện vẽ đi vẽ lại, việc chạy theo đồng tiền để vẽ ra tác phẩm hời hợt, hay giá tranh nào cũng bán. Chúng ta cần lấy lại lòng tin của các nhà sưu tập quốc tế và trong nước.

Và mục tiêu hay lý tưởng làm nghệ thuật của anh là gì?

Hồi còn nhỏ, tôi ước thành họa sĩ với mong muốn đơn giản và lãng mạn là được vẽ những cô gái đẹp. Nhưng khi bước chân vào trường mỹ thuật, tôi nhận ra rằng làm nghệ thuật thì phải tạo ra con đường riêng. Có khó khăn và cần sự vật lộn để một người họa sĩ tạo được cái riêng. Việc tìm được cái riêng hay không là chỉ dấu sự thành công hay thất bại của người họa sĩ.

Việc tìm cái riêng cho triển lãm đầu tiên, với tôi, giống như việc thử nghiệm xem sẽ đi đến đâu. Khi đã có những thành công nhất định, tôi nghĩ đến việc trở thành họa sĩ có tiếng nói không chỉ trong nước mà ở trong khu vực. Nhưng muốn ra thế giới thì không thể làm như cách đã làm trước đó. Bởi vậy, những bộ tranh tiếp theo, với tôi vẫn là công việc đi tìm tòi, để chạm đến những gì mình mong muốn.

Mục đích của tôi là cho thấy mình là một tiếng nói nghệ thuật rõ ràng đến từ VN hay Đông Nam Á tại thị trường mỹ thuật quốc tế. Đó cũng là khởi điểm khi tôi làm bộ tranh Không có gì ở đằng sau. Khi đã được định danh là một tác giả cá nhân, tôi hướng đến việc được định danh ở vị trí là tác giả đại diện cho VN với việc khai thác giá trị văn hóa Việt đưa ra thế giới.

Xin cảm ơn anh!

Báo Thanh Niên
13.12.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.