Kể về cuộc đời mình, Văn Dương Thành nhắc nhiều đến “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên, cả dòng họ và gia đình bà không có ai theo ngành vẽ. “Cha đi công tác suốt, tôi ở nhà một mình nên tha thẩn lấy giấy bút ra... hí hoáy. Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ khi đó, tôi cảm thấy hội họa là điều gì đó có sức hút diệu kỳ, bởi dường như diễn đạt được tình cảm của mình. Lúc nào nhớ cha, tôi lại ngồi say sưa vẽ theo ý mình rồi gởi kèm với thư viết cho ông. Lạ lắm. Giả sử nếu vừa nhìn thấy hàng cây ở ngoài đời, ngày mai bạn có thể quên mất hay mùa thu đến lá cây sẽ rụng xác xơ, thậm chí cây không còn nữa... Nhưng khi đã vào tranh thì thông qua ý tưởng, tư duy, cảm xúc và thể hiện của người vẽ, bỗng nhiên tác phẩm thiên nhiên ấy tràn trề sức sống, làm rung động trái tim biết bao người. Từ đó, hội họa cứ như thôi miên, dẫn dắt tôi theo suốt cả cuộc đời...”, họa sĩ Văn Dương Thành xúc động.
Thưa bà, bước ngoặt nào đã đưa một cô bé tỉnh lẻ ở miền Trung lại có điều kiện ra Hà Nội học tại Trường Mỹ thuật VN danh giá?
Tôi may mắn gặp GS - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu khi ông đến thăm trường và nói chuyện với học sinh. Nếu gọi đó là bước ngoặt cũng đúng nhưng với Văn Dương Thành thì... định mệnh có lẽ chính xác hơn.
Hồi ấy, khi tôi còn bé, bố tôi được điều ra Hà Nội làm việc. Ông mang tôi và cả nhà đi theo. Nhờ vậy mà đời tôi đã có đúng 2 năm được sống trọn vẹn trong vòng tay gia đình.
Trở lại chuyện học, hôm ấy họa sĩ Diệp Minh Châu nghe cô giáo nói trong lớp tôi có bạn Thành vẽ đẹp lắm nên ông có đưa giấy bút cho tôi thử, rồi mang bản thảo ấy về cho Ban Giám hiệu Trường ĐH Mỹ thuật VN xem. Ai ngờ 1 năm sau thì tôi nhận giấy báo đi học. Lúc ấy, ba tôi đã mất nên thấy gia cảnh “mẹ góa con côi” của mẹ tôi, cô hiệu trưởng đã đến hỏi ý kiến mẹ tôi, rằng: “Hơn 600 em nhưng chỉ có Thành được chọn vào trường mỹ thuật danh giá như thế, chị đồng ý không vì 12 năm học là rất dài?”. Mẹ rất yêu bố nên không cần suy nghĩ nhiều, bà nói luôn: “Ba cháu rất thích cho cháu vẽ nên nếu Thành thích thì cho theo học ngay”. Tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng, như muốn hét to trước quyết định quá phi thường của mẹ.
Nhưng vào giai đoạn đi học thì mới... ngã ngửa ra vì tôi lúc ấy mới có 11 tuổi, lại chưa bao giờ qua trường lớp thì tôi đâu có biết gì về sơn mài, ký họa, hình học... là gì đâu. Danh họa Trần Văn Cẩn, thầy hiệu trưởng lúc đó đã duyệt cho tôi và Ca Lê Thắng (con trai nhà trí thức yêu nước Ca Văn Thỉnh)... đặc cách, không phải qua thi tuyển. Tôi như “con nai vàng ngơ ngác” giữa trường Tây, trên bục giảng toàn là những tên tuổi của Đông Dương: Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ... Nghĩ đến người cha đã khuất và yêu mẹ, tôi cố gắng học tập tốt các ngày trong tuần, kể cả chủ nhật cũng ngồi vẽ.
Từ cô bé chân đất, nhà chưa có bữa cơm no đúng nghĩa, tôi tập làm quen dần với cách đặt màu chồng lên nhau, rồi tốc độ - độ lướt của nét bút sao cho chuẩn xác, cách thể hiện chất xốp của nhung, lụa, tóc, hay chất bóng của da người, cách bóng đổ... Sau một năm, tôi đã được các thầy mang tác phẩm ra làm bài giảng trên lớp cho các anh chị lớp trên khiến tôi quá đỗi vui sướng.
Bà cũng từng đi sơ tán. Nghe nói rằng, Văn Dương Thành cũng như nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn đã phải trải nghiệm thực tế rất vất vả, thậm chí suýt mất mạng?
Tôi học mỹ thuật phải ở nội trú nên có lúc trường sơ tán về Hà Bắc. Ngày đó đất nước còn khó khăn, chiến tranh ác liệt nên mọi người ai cũng trải qua những năm tháng thiếu thốn. Trong khi yêu cầu đặt ra khi đó, người nghệ sĩ muốn có tác phẩm tốt thì phải qua trải nghiệm nhiều nên trong 3 năm ròng, tôi sống ở vùng nông thôn Hà Bắc, đi tát nước, cấy lúa, giã gạo, ăn ngủ cùng người nông dân. Nhà ở không có cửa nên mùa đông gió lùa vào phên, tôi nằm trên khạp tre nghe lạnh ngắt cả xương sống.
Cơ thể không khỏe lắm, tôi thường xuyên bị ho hen hành hạ, xương khớp đau nhức khắp mình mẩy. Đặng Thái Sơn khi ấy không ngon lành gì hơn tôi. Anh ấy cũng tay cuốc, tay xẻng lao động hăng say. Trong một lần về thực tế ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), lúc đang đứng vẽ tôi còn bị máy bay thả bom tưởng suýt mất mạng...
Dù vậy, cô Vũ Giáng Hương và thầy Trần Văn Cẩn ở trường vẫn cứ nhắc nhở: “Làm nghệ thuật không có con đường nào khác là phải lao vào cuộc sống thì tranh mới có nhiều xúc cảm”. Tôi vất vả quá, khóc dữ lắm nhưng nếu không vượt qua thì làm sao trở thành họa sĩ chuyên nghiệp như mơ ước, lại cố... Vì quá khổ nên lớp tôi 30 - 40 học sinh vào, chỉ có 12 người trụ vững mới đỗ tốt nghiệp. Sau này, thấy vốn ngoại ngữ còn ít nên tôi xin vào “dùi mài kinh sử” tiếp ở Khoa Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi, tôi về công tác ở Viện Nghiên cứu văn hóa (Bộ Văn hóa), trước khi qua Thụy Điển học tiếp và ở lại đó giảng dạy. Nhưng dù ở đâu, tôi vẫn luôn là người VN như họa sĩ Trọng Kiệm đã viết cho tôi, được duyên dáng mặc chiếc áo dài truyền thống mỗi khi tham gia các sự kiện lớn có nhiều nguyên thủ quốc gia và đặc biệt là hạnh phúc khi tranh liên tục được 16 viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia trên thế giới sưu tập.
Có cơ hội gặp gỡ và vẽ chân dung nhiều người nổi tiếng VN: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, danh họa Lê Bá Đảng, danh họa Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, danh họa - nhạc sĩ Văn Cao..., hẳn bà có những kỷ niệm không thể nào quên. Chuyện đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ngồi vẽ tranh chân dung bà như thế nào?
Đời cho tôi may mắn có cơ hội được gặp nhiều người tài năng và có người tôi vẽ đến 120 bức tranh như danh họa Bùi Xuân Phái. Lúc ở trường mỹ thuật, tôi hay để dành tiền ăn sáng đủ 5 xu để mua 1 tờ báo Văn nghệ và thấy những minh họa của các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng thì ngưỡng mộ lắm... Đọc xong thì cắt giữ lại và dán vào một quyển giấy báo. Sau này họa sĩ Bùi Xuân Phái có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng đối với cuộc đời và sự nghiệp và tôi luôn xem ông là người thầy tinh thần của mình.
Với nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nhớ mãi kỷ niệm vào năm 1994, tại triển lãm riêng Văn Dương Thành ở Paris (Pháp), bác bay từ California sang dự triển lãm cùng nhà phê bình văn học Phan Huy Đường và GS Trần Văn Khê. Xem những bức phong cảnh về Hàng Dầu hay nhìn cây đa quê nhà mà Văn Dương Thành vẽ, ông cảm động quá nên ngẫu hứng chơi liền bản Tình vẫn rong chơi. GS Trần Văn Khê lấy tay bóc nhịp tách tách đồng điệu khiến bác Phạm Duy long lanh nước mắt. Ông nói: “Tôi cảm thấy như được về quê Mẹ của mình”.
Ông Lê Bá Đảng, Phạm Tăng quá nổi tiếng trong giới hội họa thì tôi cũng gặp gỡ nhiều. Riêng thiên tài âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo thì sống ở Paris cũng mời tôi qua ăn cơm. Nhạc sĩ Vũ Thành An từng thăm nhà tôi tận Hà Nội, ôm guitar hát. Tôi hạnh phúc vì mù nhạc nhưng lại được nhiều cây đại thụ về âm nhạc quý mến. Từ khi gặp bác Bùi Xuân Phái năm tôi 17 tuổi cho đến khi bác Phái qua đời năm 1988, đã có khoảng 300 bức ký họa và khoảng 20 bức tranh sơn dầu cỡ lớn bác vẽ Văn Dương Thành. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ cho tôi 1 bức rất đẹp.
Cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẽ chỉ 4 bức tranh thì 1 bức vẽ cháu nội Võ Thành Trung, còn lại 3 là... vẽ tôi giống y đúc. Ông còn trân trọng ký tên vào bên dưới tranh ngay tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu. Ngược lại, tôi cũng vẽ gần 50 bức chân dung đại tướng với niềm kính trọng sâu sắc nhất, trong đó có tác phẩm vinh dự đặt ở Viện Bảo tàng Lịch sử QĐND VN năm 2017.
Trải qua thời gian dài sống và làm việc tại nước ngoài, điều gì ở quê hương khiến bà nhớ nhiều nhất? Nếu như họa sĩ Diệp Minh Châu từng có công phát hiện ra tài năng Văn Dương Thành khi còn tuổi đội viên thì bà đã lặp lại được điều ấy với thế hệ trẻ sau này chưa?
Sống, vẽ tranh và dạy học ở Thụy Điển nhưng năm nào tôi cũng tranh thủ về thăm quê. Mỗi lúc ngồi một mình nơi xứ người, điều cho tôi nhiều cảm xúc nhất là quê hương nơi ba mẹ tôi sinh ra ở Phú Yên. Tôi nhớ những buổi chiều ra biển lốc cốc trên chiếc xe ngựa nên tôi yêu quý đại dương vô cùng. Từ đó tôi mê vẽ biển. Sau này là những cánh đồng lúa, mái rạ, cây chuối, hàng tre, rặng dừa, những đàn chim hồng hạc... Cứ thế, vạn vật thôn quê nhẹ nhàng đi vào tranh của tôi. Có lúc tôi còn xuống miền Tây ở lại 3 tháng để tập trung sáng tác.
Mỗi khi đến dịp năm mới tại xứ người, bên ngoài tuyết rơi trắng xóa, cây thông Noel lấp lánh thì trong nhà tôi cặm cụi vẽ mùa xuân hoa mai, hoa đào khoe sắc. Bao kỷ niệm thời ấu thơ vất vả cứ thế ùa về nơi đất khách, rồi những năm tháng khổ cực lúc sơ tán gia đình không có ai bên cạnh. Thương lắm. Vì vậy, trong tranh của tôi luôn có niềm đau, nỗi buồn và sự mạnh mẽ...
Cuộc đời tôi chưa phát hiện được tài năng nhí như GS Diệp Minh Châu, nhưng tôi cũng từng đứng lớp dạy hàng ngàn sinh viên mà nhiều người trong số ấy đã tốt nghiệp các trường danh giá của Mỹ, Anh, Thụy Điển. Bên cạnh đó là 2.000 bức tranh đã vẽ với 90 cuộc triển lãm cá nhân, là những con số đạt được với nghị lực không nhỏ.
Bà có nhận xét gì về mỹ thuật VN hiện nay? Các con của bà có theo nghiệp cầm cọ của mẹ không?
Gần đây, tôi thấy hội họa VN đang nở rộ. So với Đông Nam Á thì mình có những điểm nổi trội với nhiều sáng tạo giỏi. Mảng tranh phía nam hướng đến sự hiện đại, thoải mái... mỗi người một phong cách. Các họa sĩ trẻ VN luôn tìm cách bứt phá, tiếp cận sự mới mẻ. Tôi cũng xin cám ơn những không gian nghệ thuật như Peony & Iris Art Gallery đã làm chiếc cầu nối cho các họa sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng, trong đó có tôi sau 10 năm mới hội ngộ lại người yêu mỹ thuật TP.HCM.
Còn về gia đình, hiện tôi chỉ có một con trai là Văn Dương Đức Sơn. Lúc Sơn vào trường mỹ thuật ở Thụy Điển học, nghe nhiều thầy cô nhắc về mẹ, có lẽ thấy áp lực nên chuyển qua ngành học lịch sử. Sau đó về nước làm ngoại giao rồi giám đốc đối ngoại cho một công ty, trở thành nhà hảo tâm để cùng mẹ về VN làm thiện nguyện.