>> NGỌC AN (thực hiện)

Là một trong hai nghệ sĩ xiếc vừa được Thủ tướng trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), anh đón nhận niềm vui ấy như thế nào?

Tất nhiên mình vui chứ, nhưng tôi tự thấy là mình may mắn. Nhiều thế hệ tiền bối, những đàn anh, đàn chị đi trước thiệt thòi lắm. Thời của chúng tôi còn có các cuộc thi, giải thưởng để mà xét, còn thời trước làm gì có. Trong khi, phải có những thế hệ đi trước như thế mới tạo ra cho mình những ánh đèn để mình nhìn theo, phấn đấu đến ngày hôm nay.

Nhiều ngôi sao của sân khấu xiếc một thời khi về hưu, từ giã sân khấu, họ quay lại đời thường và không được ghi nhận gì. Những con người thuộc thế hệ mà mình ngưỡng mộ ấy ngày càng mai một. Mỗi lần kỷ niệm ngày thành lập Liên đoàn Xiếc VN lại vắng đi ít nhiều. Đời nghệ sĩ xiếc giống như con đom đóm, đốt cháy mình rồi lụi tắt.

Vì sao khi đã làm “sếp” rồi (Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN - PV), anh vẫn muốn được biểu diễn?

Tôi bắt đầu diễn xiếc từ năm 1983, đến giờ đã 36 năm, và diễn xiếc trăn từ năm 1991, tức là đã 28 năm. Khán giả vẫn chưa chán, có nghĩa là sự nỗ lực của tôi vẫn còn được ghi nhận. Nhiều người bảo tôi diễn làm gì nữa, họ thương tôi khổ. Có người sẽ muốn từ bỏ, vì mệt, vì nản, vì việc lao động bằng sức lực không còn phù hợp với người đã có tuổi. Nhưng với tôi lại khác, khi ra sân khấu, tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Và chỉ trên sân khấu, tôi mới nhận được nguồn năng lượng ấy.

Đời sống của nghệ sĩ xiếc bây giờ như thế nào?

Ngành xiếc vẫn được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, đặt hàng tiết mục. Chúng tôi diễn vừa để thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ khán giả để tăng thu nhập cho anh em. Chi phí cho xiếc thì lớn mà giá vé xiếc không thể cao như những show ca nhạc bình thường, số người làm thì đông, nên tiền bồi dưỡng tất nhiên là thấp.

Hiện giờ, mỗi năm ngân sách dành cho Liên đoàn Xiếc VN sẽ giảm 10% để tiến tới cho ngành xiếc chủ động. Nhưng hiện có vấn đề là những nghệ sĩ trong biên chế mỗi năm lại thêm tuổi. Tuổi nghề xiếc lại rất ngắn, chẳng hạn nữ nghệ sĩ sau khi sinh 2 con là khó có thể quay lại biểu diễn được. Việc biểu diễn cần những người trẻ, trong khi họ lại không có trong biên chế. Mỗi người chỉ được bồi dưỡng khoảng 120.000 - 150.000 đồng cho mỗi buổi diễn. Bởi vậy, chúng tôi phải tìm cách tạo nhiều đất diễn mới có thêm thu nhập cho anh chị em.

Giờ cũng không có nhiều người học xiếc nữa?

Học trong trường xiếc không phải dễ dàng mà vất vả lắm, phải chấp nhận cả tai nạn, khi ra trường rồi lại phải nỗ lực thành nghệ sĩ. Thế hệ của bọn tôi kiên trì vì có lý tưởng muốn trở thành ngôi sao sân khấu. Còn bây giờ, nhiều bạn trẻ dễ từ bỏ lắm. Tôi thấy tiếc vô cùng khi có bạn học 5 năm ra trường, sau 2 - 3 tháng làm nghề khác luôn.

Lần gần đây nhất, tôi vào trường xiếc thấy có 2 khóa thì chỉ có tổng cộng 23 diễn viên với 7 tiết mục. Số lượng đầu ra ít, vì đầu vào cũng ít. Thời bọn tôi, tuyển cả nước có nghìn người chỉ lấy 60 người, ra trường còn 23 người. Hiện giờ Liên đoàn Xiếc VN, nhiều đoàn xiếc ở Hà Nội, địa phương, số lượng diễn viên rỗng rất nhiều, bên cạnh đó là sự già hóa của nghệ sĩ.

Anh có nhớ kỷ niệm nào khi ở thời hoàng kim của xiếc Việt?

Năm 1983, tôi ra trường, đi diễn lần đầu tiên tại TP.HCM. Hồi đấy, vào TP.HCM không khác gì được xuất ngoại. Đó cũng là thời hoàng kim của xiếc. Diễn trong đó 8 tháng, tôi thấy được giá trị của người nghệ sĩ xiếc, đi đến đâu chúng tôi cũng được khán giả hâm mộ. Thích lắm! Cũng có thể từ thời đấy đã gieo cho mình tình yêu không thể xa xiếc mặc dù có những giai đoạn khó khăn.

Những năm 1986 - 1987, nhiều nghệ sĩ xiếc đi xuất khẩu lao động để lo cho cuộc sống. Tiết mục mà tôi tham gia có 4 người chỉ còn lại 2. Trong khi, để cho ra một tiết mục như thế phải mất bao năm tập luyện. Lúc ấy, tôi giống như người chỉ còn hai bàn tay trắng, phải bắt đầu lại tất cả.

Tôi cũng có lúc dao động, định đi du học nước ngoài vì có người nhà bảo tài trợ. Tôi đã làm hồ sơ hết rồi, cuối cùng sau 3 ngày suy nghĩ, tôi nhớ về quá trình tập luyện vất vả từng nấy năm, đến cảm giác thăng hoa trên sân khấu, tôi thấy mình không thể đi. Tôi nói với bố mẹ mình: “Con không bỏ nghề được”.

Nhưng nghĩ lại cũng nhờ những lúc thăng trầm như thế mà tôi tìm được ra những tố chất trong con người mình: kiên trì, bền bỉ, dám làm, kiên định, không chịu khuất phục, và hướng về phía trước. Tôi thực sự cảm ơn nghề vì đã mang lại cho tôi những điều đó. Với nghề xiếc, tinh thần có giá trị rất lớn, hơn cả giá trị vật chất. Tinh thần quyết định hoàn toàn mình có thành công hay không.

Đến giờ, Tống Toàn Thắng luôn được khán giả VN và thế giới gọi là Thạch Sanh, hay “hoàng tử trăn”. Anh bắt đầu biểu diễn xiếc trăn từ khi nào?

Tôi tốt nghiệp trường xiếc với tiết mục nhào lộn. Sau đó, tôi làm hề trong mấy năm, lấy ngắn nuôi dài để tập tiết mục mới. Đến năm 1990, Liên đoàn Xiếc VN bắt đầu đầu tư cho những tiết mục lớn, đặc biệt và đỉnh cao để diễn trong rạp xiếc hiện đại đầu tiên của VN sẽ khai trương vào năm sau. Tôi được chọn tham gia khôi phục tiết mục Cầu ngô từng được nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn rất thành công. Nhưng một ngày, khi đang ngắm bức tranh trên bộ lịch của Nga vẽ hình con trăn quấn lấy một cô gái, tôi nghĩ hay mình thử làm tiết mục với trăn. Tôi cũng không hiểu sao mình lại nghĩ đến điều ấy vì trước đó đến con lươn tôi còn sợ.

Tôi ra chợ mua một con trăn nhỏ chỉ nặng 3 kg về nuôi (những con trăn biểu diễn cùng nghệ sĩ hiện nặng khoảng từ 60 - 100 kg). Hằng ngày, tôi ôm ấp vỗ về nó và nhận thấy con trăn được thuần nhiều. Tôi mạnh dạn nói với thầy mình là cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Tiến. Thầy đã lắng nghe và cùng với tôi đưa ra ý tưởng xây dựng hoạt cảnh Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa. Hai thầy trò đề xuất với Liên đoàn Xiếc VN và được đồng ý đầu tư cho tiết mục mới. Tôi vẫn nhớ ngày 19.12.1991 là hôm rạp xiếc hiện đại khai trương, cũng là ngày đầu tiên tiết mục của tôi được diễn trước khán giả. Mọi sự tập trung chú ý của khán giả và truyền thông dành vào tiết mục này, cái tên Thạch Sanh cũng gắn với tôi từ đấy.

Vậy đến khi nào “Thạch Sach” tìm được “công chúa” của riêng mình?

Mẹ tôi luôn lo lắng sợ con trai không lấy được vợ, và khó có thể có con vì làm nghề xiếc nguy hiểm như vậy. Nhưng cuối cùng tôi cũng gặp được vợ mình, cô ấy là một diễn viên kịch. Năm 2001, chúng tôi kết hôn. Tôi thấy may mắn vì vợ mình cũng là một nghệ sĩ nên chúng tôi có nhiều đồng cảm. Cô ấy hiểu, chia sẻ với công việc của tôi, thời gian tôi dành cho công việc. Nghệ sĩ xiếc mộc mạc, không phức tạp, không hào hoa, không mang đến cuộc sống quá sung túc, nhưng có lẽ chúng tôi lại là những người giàu có về trải nghiệm, về giá trị tinh thần. Tôi nghĩ vợ mình hiểu và cảm nhận được những điều đó.

Chỉ có điều, với nghệ sĩ xiếc, thời trẻ mình hoàng kim bao nhiêu thì phải trả giá bằng sức khỏe khi mình có tuổi. Nghệ sĩ xiếc ai cũng đều có bệnh nghề nghiệp cả, phải chấp nhận thôi. Có người bị bệnh nhưng họ luôn phải tỏ ra mạnh mẽ, không muốn ai thấy mình gục ngã. Họ giấu đi, quên hết những nỗi đau bệnh tật khi ra trước khán giả.

Nghề xiếc nghiệt ngã như vậy, anh có muốn để con theo nghề?

Con gái tôi từ khi 3 - 4 tuổi đã theo bố đi diễn xiếc. Thấy con có vẻ thích nghệ thuật, tôi cho con theo học dance sport. Nhưng đến một giai đoạn, con gái nói muốn tập trung vào việc học tại trường, vợ chồng tôi tôn trọng ý muốn của con.

Anh có chuẩn bị cho “hoàng hôn” của mình không?

Với một nghệ sĩ xiếc, sân khấu là nơi máu, nước mắt cuộn lấy mồ hôi. Không chỉ kiên trì, người nghệ sĩ còn phải chấp nhận cả những mất mát, có thể còn là tính mạng của mình. Nhưng tôi không hiểu vì sao, ngay cả lúc bị tai nạn khủng khiếp, cận kề cái chết, bị trăn quấn đến nghẹt thở, co giật; hay có lúc bị trăn cắn, máu phun xối xả, lúc tỉnh dậy đã thấy mình trong bệnh viện, bắp tay thì nham nhở không còn nguyên vẹn, chưa lúc nào tôi muốn dừng lại hay từ bỏ công việc này.

Mỗi lần như thế, với tôi là một lần rút ra kinh nghiệm, bài học cho mình. Nhưng cảm giác chinh phục thiên nhiên, thuần hóa thiên nhiên, sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên luôn là khát khao mạnh mẽ của con người. Đó cũng là điều luôn khiến tôi thăng hoa khi biểu diễn cùng những người bạn của mình trên sân khấu.

Tôi chưa nghĩ đến việc tìm truyền nhân, bởi điều đó có thể khiến họ luôn phải tìm cách vượt qua, hoặc chỉ là lặp lại cái bóng của người đi trước. Điều mà tôi luôn muốn truyền cho những học trò, những thế hệ đi sau mình là tình yêu, sự hăng say với nghề. Tôi vẫn nói với các em: Hãy cứ yêu nghề đi, nghề sẽ không phụ mình!

Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: NSCC

Báo Thanh Niên
06.09.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.