Không chỉ là cầu nối của những người đam mê uống trà thông qua nhóm Uống trà đi, nhà nghiên cứu văn hóa trà Nguyễn Lê Uyên Viễn còn sở hữu một gia tài trà cụ từ cổ chí kim.

>> DIỄM THƯ

Bắt đầu sưu tập trà cụ từ năm 1995, đến nay anh Uyên Viễn không chỉ sở hữu những món trà cụ có niên đại hàng trăm năm tuổi, mà bộ sưu tập của anh còn có các món trà cụ độc bản, hoặc có kiểu dáng độc đáo được chế tác từ nhiều chất liệu.

Anh Viễn chia sẻ: “Trà cụ không chỉ phản ánh tay nghề điêu luyện, tinh xảo của nghệ nhân các giai đoạn lịch sử, mà còn phản ánh văn hóa uống trà của người Việt được truyền qua nhiều thế hệ. Một khi đã nói về trà cụ có xuất xứ từ đất nước ta, không thể không nhắc đến đồ gốm Chu Đậu (có niên đại vào khoảng thế kỷ 13 - 16). Đồ gốm thời kỳ này được người Nhật ưa chuộng mà bằng chứng là các cổ vật như chén trà, ấm trà, hũ đựng trà… được tìm thấy ở những chiếc tàu bị đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) khi trên đường xuất khẩu qua đất nước mặt trời mọc.”.

Về cách phân biệt ly trà từ thời Lý, Trần nước ta khác ly trà thời Minh, Thanh - Trung Quốc, anh Uyên Viễn cho biết: “Trên họa tiết hoa văn sẽ có những ký hiệu để nhận biết món trà cụ thuộc giai đoạn nào. Ví dụ đời nhà Trần, đồ gốm có men nâu, xanh ngọc hoặc màu da lươn. Ở Trung Hoa hay Nhật Bản, trên ấm chén trà thường đóng mộc, triện nên dễ dàng xác định được niên đại. Còn nước ta, phải đến thời Trịnh -Nguyễn phân tranh, rồi nhà Nguyễn mà điển hình là thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định - giai đoạn sử dụng đồ ký kiểu mới bắt đầu thịnh hành đồ gốm sứ đóng mộc, triện”.

“Đến thời nhà Nguyễn, đồ sứ ký kiểu gồm hai dòng chủ yếu dành cho vua dụng và quan dụng, được đặt hàng ở các nghệ nhân Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chế tác với đề tài thi phú, họa tiết mô tả các danh lam thắng tích Huế, Quảng Nam... Điều này cho thấy người Việt Nam không lệ thuộc vào trà cụ cũng như văn hóa uống trà của người Trung Quốc. Văn hóa uống trà của người Trung Hoa xuất phát từ cung đình, giới hoàng thân, tăng lữ, đạo sĩ rồi lan tỏa ra dân gian. Trong khi đó, văn hóa uống trà của chúng ta hình thành từ những người dân lao động chân chất, mộc mạc như hình ảnh “đầu làng có quán nước chè xanh”, anh Uyên Viễn nói.

“Đến thời nhà Nguyễn, đồ sứ ký kiểu gồm hai dòng chủ yếu dành cho vua dụng và quan dụng, được đặt hàng ở các nghệ nhân Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chế tác với đề tài thi phú, họa tiết mô tả các danh lam thắng tích Huế, Quảng Nam... Điều này cho thấy người Việt Nam không lệ thuộc vào trà cụ cũng như văn hóa uống trà của người Trung Quốc. Văn hóa uống trà của người Trung Hoa xuất phát từ cung đình, giới hoàng thân, tăng lữ, đạo sĩ rồi lan tỏa ra dân gian. Trong khi đó, văn hóa uống trà của chúng ta hình thành từ những người dân lao động chân chất, mộc mạc như hình ảnh “đầu làng có quán nước chè xanh”, anh Uyên Viễn nói.

Chia sẻ về cách uống trà, anh Viễn nhắc tới câu nói quen thuộc của người xưa: “Trà tam, tửu tứ”.

“Có rất nhiều cách giải thích về “trà tam” trong dân gian. Thông thường, người ta hiểu “trà tam” là uống trà có 3 người là phù hợp. Mãi đến khi đọc được cuốn sách Hương trà của tác giả Vũ Trọng Hòe, tôi mới hiểu đầy đủ về cụm từ này. Cuốn sách giải thích rằng “trà tam” ở đây có 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất, uống trà trong vòng 3 nước là ngon nhất. Tôi nghiền ngẫm thì đúng như vậy. Vào thời các cụ sống cách đây 100 - 200 năm, đa phần uống trà Thái Nguyên hay còn gọi là trà Bắc Thái; hoặc trà ướp với hoa sen hay hoa sói, hoa lài, hoa bưởi. Mà uống trà Thái Nguyên đến nước thứ tư thì mất hết phong vị. Ý thứ hai, nghĩa là uống trà 3 người thì hài hòa nhất. Nếu uống trà từ 5, 6 người trở lên, không khí sẽ trở nên huyên náo, tranh luận không có hồi kết, mất tập trung vào việc thưởng thức trà”.

Thời nào cũng vậy, thưởng thức trà dựa trên tiêu chí “sắc - hương - vị - hình”. Anh Viễn giải thích: Sắc là màu sắc của cánh trà trước khi pha. Trà khi chế nước nóng, tức khắc sẽ dậy hương. Nếu mùi hương cứ vương vấn thì đó là hương trà tự nhiên, đạt chuẩn. Khi uống trà ngon, vòm miệng tiết ra dịch vị khiến cổ họng ngọt hậu và trơn tru. Còn nếu uống phải trà dở, cổ họng sẽ bị gắt. Hình ở đây được hiểu là sau khi uống trà xong, kiểm tra bã trà xem cánh trà có bị gãy, rách, nát nhừ hay không. Nếu không gãy, vụn mà cánh trà đều nhau thì mới đúng chuẩn trà hảo hạng.

Đồ hoạ: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
22.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.