>> ĐÌNH TUYỂN
Kênh xáng Xà No dài 40 km, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng, sông Cần Thơ (nhánh lớn sông Hậu), đoạn qua huyện Phong Điền chạy dài tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang) trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây. Con kênh được người Pháp thi công bằng cơ giới, chỉ trong 2 năm (từ 1901 - 1903) đã hoàn thành, mặt kênh rộng 60 m, đáy 40 m; phí tổn lên tới gần 3,7 triệu quan (Franc). Đây cũng là công trình đường thủy lớn đầu tiên của Nam kỳ có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho.
Ngồi quây quần cùng con cháu trong căn nhà sát bờ kênh xáng Xà No, cụ ông Nguyễn Văn Kiểu (92 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) không nhớ hết tên cháu chắt của mình nhưng thuộc vanh vách những câu chuyện về con kênh xáng trước nhà. Câu chuyện của ông Kiểu thường bắt đầu từ tên con kênh. Cụ bảo, người ta gọi nó là kênh Xà No là vì đọc trại từ Saint-Tanoir, tên của người Pháp chỉ huy xáng đào con kênh này. Cũng có người truyền rằng, Xà No bắt nguồn từ một tên của phum Sok Snor (phum có nhiều cây điên điển của người Khmer), nơi con kênh chảy qua. Hay từ câu chuyện vùng đất này có con mãng xà sau khi nuốt chửng một con nai, no tới mức trườn không nổi nằm dài thườn thượt. Người dân nhìn thấy sợ hãi rồi đặt tên con kênh là Xà No…
Gốc gác xứ Sóc Trăng, cụ Kiểu theo cha mẹ lưu lạc về vùng đất dọc kênh Xà No khai khẩn, lập nghiệp từ khi mới 5 tuổi. Cụ nhớ cả vùng đất từ Một Ngàn, Bảy Ngày cho tới Vị Thanh, Hỏa Lựu thuở ấy toàn là rừng trũng, đầy cỏ năn, cỏ lác. Mùa mưa ghe xuồng luồn lách đi được nhưng ít ai dám vào sâu bên trong vì toàn cá sấu, cọp beo… Còn mùa nắng, lại toàn là phèn, chẳng trồng được cây gì. “Cả chục năm sau khi Pháp đào con kênh, đưa nước ngọt từ Hậu Giang về thau chua, rửa phèn, lúa mới trúng, nhà máy xay xát của điền chủ mọc lên, ghe lúa, rồi dân thương hồ tứ xứ qua lại con kênh, chợ búa hình thành, người dân về lập nghiệp kín bờ kênh”, cụ Kiểu kể.
Người về dựng lều, nhà cửa kín bờ kênh, họ lại lấn vào trong 2 - 3 lớp nhà, dần dần hình thành xóm, thành làng. Ở các ngã ba, ngã tư sông tập trung nhiều hộ dân thì mở chợ, xây đình, cất trường học. Sống nơi sông sâu nước chảy, đất ruộng thẳng cánh cò bay, nông dân làm tá điền tuy có vất vả, nhưng “làm chơi mà ăn thiệt” sạ lúa bỏ đó, cuối mùa cũng gặt hái 5 - 7 giạ/công.
Khi đã có con kênh xáng, những năm 1920 - 1930, Pháp đẩy mạnh việc khai thác đất đai. Dọc hai bên bờ kênh được quy hoạch thành những cánh đồng lúa bạt ngàn. Đó là những điền Bảy Ngàn của Tây Albert, một trong những điền chủ lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ với trên 30.000 mẫu đất, hơn 3.000 hộ tá điền. Mỗi năm Tây Albert thu lúa ruộng, lúa vay hàng triệu giạ. Nơi kho chứa lúa và nhà của Tây Albert tại thị trấn Bảy Ngàn được người dân gọi là Lầu Trắng rộng hơn 1 ha. Những cánh đồng nhỏ hơn như điền Tây Duval và điền Tây Guery cũng sở hữu 2.500 mẫu; điền do các công ty của Pháp đầu tư, quản lý, khai thác chí ít cũng 10.000 mẫu.
Đoạn đầu kênh xáng Xà No tiếp giáp với sông Cần Thơ (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ)
Nhâm nhi ly trà bên quán nước cạnh Bảo tàng Cần Thơ, soạn giả Nhâm Hùng, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa Nam bộ, bảo rằng: “Tới bây giờ ta mới đẩy mạnh các mô hình cánh đồng lớn và xem đó như là hướng đi của nông nghiệp sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ấy thế mà những năm đầu thế kỷ 20, bằng việc đào kênh xáng Xà No, người Pháp đã hình thành những điền trại quy mô hàng chục ngàn héc ta, máy cày đã chạy sáng đồng ở vùng đất này”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, kênh xáng Xà No đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất úng ngập, ứ phèn quanh năm. Diện tích ruộng đất hai bên bờ kênh lại được mở rộng hơn khi những chuyên gia thủy lợi Pháp cho đào tiếp hệ thống kênh nhỏ “xôm lươn” (như xương cá) để điều hòa dòng chảy. Cứ cách 500 m xẻ một kênh nhỏ; cách 1.000 m đào con kênh lớn hơn. Các con kênh nhỏ đào sâu và hai bên xáng Xà No 1.000 m được nối bằng những con kênh sườn, phân đất ra như những ô bàn cờ. Việc tưới tiêu nhờ đó mà ngày càng thuận lợi, giúp các chủ điền mở rộng thêm diện tích, tăng năng suất, sản lượng lúa. Từ việc Tây Albert cho đánh số các kênh thủy lợi trên diện tích đất của mình mà sau này còn hình thành nên những đơn vị hành chính, như thị trấn Một Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn, Hai Ngàn Rưỡi... Chỉ 5 năm sau ngày đào kênh xáng Xà No, lúa gạo miền Hậu Giang đưa đi xuất cảng tăng vọt: chiếm đến 900.000 tấn, trong tổng số 1,3 triệu tấn của toàn Nam kỳ.
“Nếu người Pháp thời đó không đào kênh xáng Xà No thì cho đến bây giờ, chúng ta cũng khó mà làm được”, TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học, khẳng định. Ông phân tích: Không chỉ khơi thông vùng đất trũng nhất của ĐBSCL là Vị Thanh - Long Mỹ - Phụng Hiệp (Hậu Giang), kênh xáng Xà No giúp vùng nông nghiệp trọng điểm Thới Lai, Cờ Đỏ của Cần Thơ thoát lũ mỗi năm. “Kênh Xà No còn là đường đi tắt từ Cần Thơ xuống Kiên Giang cực kỳ dễ dàng nhờ sự giao thoa giữa chế độ bán nhật triều (ngày 2 con nước lớn - ròng) của sông Hậu và nhật triều (chỉ 1 con nước lớn - ròng) của sông Cái Lớn”.
Soạn giả Nhâm Hùng nói, cơ giới của người Pháp không chỉ cải tạo vùng đất “chết” thành vùng ngọt hóa, xanh tốt mà còn hình thành nên nền “văn minh kênh xáng”. Nó bắt đầu từ việc cơ giới hóa thủy nông, tiếp cận với sản xuất bằng cơ giới, sản xuất lớn. Sau đó, việc phát triển của công nghiệp xay xát, nghề buôn bán, dịch vụ trên sông… Nhiều khu chợ cũng hình thành từ đó như chợ Vàm Xáng (lập năm 1907), chợ Một Ngàn, chợ Bảy Ngàn, chợ Cái Nhum, chợ Hỏa Lựu. Đặc biệt hơn là chợ nổi Cái Răng, Phong Điền. Tại chợ Cái Răng, hàng chục nhà máy xay xát hình thành bên cạnh các chành lúa khổng lồ. Các ghe lúa tập nập mua gom từ Rạch Giá, Bạc Liêu và vùng lân cận kênh xáng Xà No đưa về đây xay xát, rồi chở lên Chợ Lớn xuất cảng. Kênh xáng Xà No trở thành “con đường lúa gạo” lớn sầm uất nhất Đông Dương.
Hơn 115 năm kinh xáng Xà No hoàn thành, con nước vẫn hai buổi lớn - ròng mang phù sa sông Hậu thau chua, rửa phèn, bồi đắp dinh dưỡng cho đồng ruộng hai bên con kinh chạy dài từ Cần Thơ qua Hậu Giang tới Kiên Giang. Ngày ngày, hàng ngàn xà lan, ghe xuồng vẫn ngược xuôi trên kênh. Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập nói con kênh thực sự là di sản vô giá người Pháp để lại. “Người Hậu Giang luôn ao ước một ngày không xa, tàu du lịch sẽ dập dìu trên kênh Xà No, hai bên bờ kênh là những trang trại nông nghiệp công nghệ cao, những khu du lịch miệt vườn cây trái xum xuê, nhịp sống của người dân kênh xáng thêm rộn ràng, sung túc hơn”, ông Lập kỳ vọng.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Đình Tuyển