>> Hoàng Phương - Ngọc Phan

Đó là cái xóm nhỏ chuyên đóng tắc ráng nằm cặp theo con kinh Đòn Dông bây giờ thuộc P.Vĩnh Hiệp, ngoại ô TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Cách nay hơn 70 năm, nơi đây đã khai sinh ra loại phương tiện giao thông thủy được cư dân khắp vùng ưa chuộng, đó là chiếc tắc ráng.

Nhưng trong xóm hiện chỉ còn duy nhất ông Ba Sửu đã hơn 80 tuổi, là người cùng thời với “ông tổ” đóng tắc ráng. Còn ông tổ nghề thì đã qua đời cách đây 3 năm. Hậu duệ của làng nghề nay cũng chỉ còn sót lại vài ba người, trong đó có ông Nguyễn Minh Nhật, chủ cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền Hai Nhật. Ông Nhật cho biết thời đó xóm này có mấy trại đóng vỏ tắc ráng lớn là trại của ông Chín Sum, ông Năm Cải và ông Hai Hòn. Ông Chín Sum tên đầy đủ là Tiêu Văn Sum, xuất thân từ một nông dân vào bưng biền tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó trở về quê mở trại đóng xuồng ghe.

“Khoảng năm 1960, nhận thấy lườn xuồng ba lá và chiếc tam bản bà con sử dụng còn quá rộng, mũi thấp, khi di chuyển bị sức cản của nước nên chậm chạp. Từ mô hình chiếc ghe ngo, ông Chín Sum đã nghĩ cách cải tiến, làm thân xuồng nhỏ, mũi hẹp lượn lên cao, gọi là vỏ lãi. Từ đó chiếc vỏ lãi sản xuất ở xóm Tắc Ráng trở nên nổi tiếng, được người dân miền sông nước Nam bộ gọi tắt là tắc ráng”, ông Nhật kể lại.

Chiếc vỏ lãi khi được gắn máy đuôi tôm có thể di chuyển với tốc độ nhanh ở vùng nước cạn, trên đồng ruộng mùa nước lụt hoặc luồn lách trong những con rạch nhỏ, uốn khúc, hết sức linh hoạt. Vậy là người dân tìm đến xóm Tắc Ráng đặt mua ghe xuồng. Cũng từ đó ông Chín Sum bắt đầu cải tiến bước thứ hai từ vỏ lãi nhỏ có 7 lá lên “vỏ lỡ” lớn hơn có 9 lá, đóng lưng đụng, lái hàm ếch, có trọng tải từ 1,5 tấn đến 2 tấn mà nông dân gọi nôm na là “vỏ bắt heo” phục vụ chuyên chở hàng hóa, nông sản…

Mấy năm sau, thấy loại phương tiện này có thể đáp ứng nhu cầu đi biển đánh bắt hải sản, ông Chín Sum mạnh dạn nâng chiếc vỏ lỡ lên thành vỏ đi biển. Điểm khác biệt là vỏ đi biển phải đóng lái vuông, kích thước lô cũng phải cao lớn, khoảng 3 m. Số lượng vỏ tăng lên 11 lá và dày hơn. Cong được bố trí nhiều để có thể chịu đựng sóng biển tốt hơn.

Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Minh Nhật thì người đưa chiếc tắc ráng trở thành thương hiệu nổi tiếng là ông Tiêu Như Hiệp, con trai thứ tư của ông Chín Sum.

Ông Nhật phân tích: “Chiếc vỏ lãi ở vùng Rạch Sỏi người ta đóng đà ngay, gọi là đà quy cách. Còn vỏ tắc ráng thì đóng đà lọng, dàn cong phải lọng lên tới be vành. Ông Chín Sum chỉ huy thợ đóng, dặn kỹ, không cho thợ sử dụng máy khi bào be. Từ khâu bào phá gỗ quy cách đến bào hồ cho láng và khi rà dây cong cũng chỉ được sử dụng bào tay. Đặc biệt là mỗi góc dây cong phải bén, ráp khít. Khi bít “lỗ lù” thì đổ nước ngăn bên này không rỉ qua ngăn bên kia mới đạt yêu cầu”.

Cũng theo ông Nhật thì từ chiếc vỏ lớn lúc đầu được cải tiến dần sang chiếc vỏ đò, thường gọi là đò tắc ráng. Điều phân biệt vỏ đò khác với vỏ lãi là ở kỹ thuật ráp be, lô. Thay vì đóng mũi lượn cao thì vỏ đò phải đóng mũi thẳng cho khách lên xuống dễ dàng. Phần lái của vỏ đò phải bo tròn để lúc ghé bến xoay ngang, xoay dọc không bị cản nước, dễ bị lật chìm. Chiếc vỏ đò khi đóng xong người mua sẽ yêu cầu trang bị thêm mui che, ghế ngồi và sơn phết theo đặc điểm riêng. Vì vậy, tuy cùng chạy một lộ trình nhưng mỗi chiếc đi về một bến riêng và được sơn màu, kẻ vạch khác nhau để hành khách dễ phân biệt, chọn chiếc nào thuận tiện ghé gần bến nhà mình.

Mặt khác, sự tiện dụng của chiếc tắc ráng còn ở chỗ máy đuôi tôm được gắn ở phía sau lái. Trước đó, đối với ghe chở hàng hóa và ghe đò chở khách nếu sử dụng động cơ đều được gắn ở bên trong, gần giữa ghe, chân vịt nằm dưới lườn nên rất bất tiện. Mỗi khi vướng rác hay lục bình thì người tài công phải lặn xuống sông để gỡ. Còn chiếc tắc ráng thì máy đuôi tôm được gắn ở phía sau lái, cả trục láp và chân vịt đều nằm bên ngoài. Vì vậy khi bị vướng rác hoặc lục bình, chỉ cần tắt máy rồi quay trục láp lại để gỡ là xong.

Vào cuối năm 1965, giá một máy đuôi tôm hiệu Kohler loại 4 ¼ mã lực, nhập cảng từ Mỹ, bao gồm cả ống bơm nước là 5.500 đồng. Các loại có động cơ lớn hơn như 6 ¼, 7, 9 và 10, 12 mã lực thì giá cao hơn nhưng cũng vừa với túi tiền của nông dân thời đó. Nhờ vậy mà đến cuối thập niên 1960, gần như ở nông thôn nhà nào cũng có máy đuôi tôm. Có nhà sắm 2 máy, một để chạy xuồng và một để tát đìa, bơm nước. Lúc bấy giờ cũng không còn cảnh người dân quê phải bơi xuồng đi chợ xa hàng cây số.

Học nghề từ ông Chín Sum rồi đi làm thợ đóng ghe xuồng dạo, ông Nhật được xem là một trong vài hậu bối hiếm hoi của nghề đóng tắc ráng ở địa phương. Ông Nhật cho biết trại của ông Chín Sum bấy giờ có gần 30 thợ, lúc cao điểm làm suốt ngày đêm. Những trại lớn đều có “logo” riêng, thông qua cái “mặt nạ” trước mũi vỏ. Ví dụ chiếc tắc ráng của ông Chín Sum đóng thì con mắt lọng bằng gỗ, giữa mặt nạ vẽ nút ách chuồn, của ông Năm Cải thì vẽ nút bích, còn ông Hai Hòn vẽ nút cơ… Ngoài ra phía sau mỗi chiếc tắc ráng do ông Chín Sum đóng còn vẽ thêm hình thái cực.

“Về qui cách kỹ thuật thì không khó. Nhưng để đóng một chiếc tắc ráng đạt yêu cầu không phải ai cũng làm được. Chỉ làm cái lô thôi cũng đã khó. Hồi đó, chiếc vỏ của ông Năm Cải đóng thì lô theo hướng cong xuống, còn lô của ông Chín Sum thì cong lên trông rất “lanh lợi”. Gắn con mắt vô là thấy chiếc tắc ráng có “thần thái” liền. Vì vậy, có nhiều người đặt đóng vỏ đằng trại ông Năm Cải rồi đến trại ông Chín nhờ thay lại lô, mặc dù giá tiền công rất mắc”, ông Nhật phân tích.

Nhưng chiếc tắc ráng giờ đã qua thời hoàng kim. Một trong những lý do là giá gỗ sao bây giờ quá mắc, đường bộ phát triển, người sử dụng chuộng vỏ composite vì giá mỗi chiếc chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng. Sợ chiếc tắc ráng rồi sẽ bị mai một, ông Nhật giữ lại rập lô, ghi vào sổ tay thước tấc để “viết be”, nếu có khách đặt hàng thì đóng. Theo ông, tắc ráng đóng bằng gỗ sao bền chắc hơn composite và thời gian sử dụng cỡ 50 năm mới hư.

“Tôi vừa mới đóng một chiếc cho người bạn, bảo anh ráng mà giữ để làm kỷ niệm, chứ bây giờ ít người biết đóng lắm. Vì yêu nghề nên tôi mới lập ụ sửa chữa ghe xuồng, cũng nhằm duy trì chiếc tắc ráng đã nổi danh một thời”, ông Nhật chia sẻ. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Hoàng Phương

Báo Thanh Niên
01.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.