>> THỤC MINH

Hình ảnh nhân viên bảo tàng D’Bone Collector Museum ở thành phố Davao của Philippines lôi từ bụng con cá voi xấu số hàng chục mảnh nhựa sắp mục nát gây chấn động thế giới. Báo The Guardian khi đăng lại đoạn video này đã cảnh báo khán giả về “những hình ảnh có thể gây sang chấn tâm lý”. Tổng cộng có 16 túi đựng gạo, 4 túi bọc chuối, cùng vô số túi siêu thị, vỏ kẹo và đồ ăn vặt, dây nhựa… cả thảy nặng 40 kg, bằng 8% trọng lượng con vật dài 4,5 m.

Theo các chuyên gia, con cá voi rất trẻ này nhiều khả năng chết vì đói và khát do rác nhựa cuộn chặt trong bụng khiến nó không ăn được từ nhiều ngày trước khi chết, trong khi dạ dày thủng nhiều lỗ, cơ thể gầy gò.

Nhưng nó không phải là nạn nhân hiếm hoi. Đầu tháng 6.2018, một con cá voi hoa tiêu chết dạt vào dòng kênh ở tỉnh Songkhla miền nam Thái Lan, trong bụng chứa 80 túi nhựa nặng 8 kg. Tháng 11.2018, một cá voi nữa chết trôi vào vùng biển tỉnh Nam Sulawesi miền đông Indonesia, mang trong bụng 115 cốc, 4 chai nhựa, 25 túi nhựa, 2 chiếc dép lào và hơn 1.000 vật nhựa khác, nặng tổng cộng 5,9 kg. Mới nhất, hôm 31.3.2019, một con cá nhà táng (còn gọi cá voi tinh trùng) đang mang thai được phát hiện chết dạt vào đảo Sardinia phía tây nước Ý với 22kg rác nhựa trong dạ dày. Túi rác, lưới đánh cá, đĩa, tuýp nhựa và 1 túi dung dịch xà phòng giặt… là những gì con cá đã ăn phải.

Không chỉ cá voi chết, cá heo cũng chết, rùa cũng chết, thậm chí cá và chim cũng chết vì ăn phải rác nhựa trong đại dương. Các nhà sinh vật biển nói rằng những con rùa biển ăn rác nhựa vì tưởng là sứa, chim hải âu thì nghĩ đó là thực phẩm, cá cơm ăn rong biển phủ hạt nhựa vì có mùi giống thức ăn… Khoảng 900 loài động vật biển đã ăn phải hoặc bị rác nhựa trói lấy cơ thể, và chừng 90% chim biển đã nuốt ít nhiều nhựa vào bụng.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) năm 2015 ước tính, khoảng 100.000 cá thể động vật có vú ở biển và 100 triệu động vật biển nói chung chết vì ô nhiễm rác nhựa mỗi năm. Nguyên nhân chết có thể giống trường hợp cá voi nói trên, do rác nhựa chặn đường đi của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non khiến con vật chết đói, hoặc do cạnh nhọn của rác đâm thủng nội tạng.

Theo giáo sư Roland Geyer, Đại học California ở Santa Barbara, năm 2015, thế giới sử dụng tổng cộng 448 triệu tấn nhựa.

Chiếm tỉ lệ sử dụng cao nhất là ngành bao bì - 161 triệu tấn (36%), theo sau là ngành xây dựng – 72 triệu tấn (16%), dệt may – 65 triệu tấn (14%), và hàng tiêu dùng – 46 triệu tấn (10%). Trong khi đó, thời gian sử dụng trung bình trước khi bị thải bỏ của bao bì nhựa là thấp nhất – chỉ 6 tháng, so với 35 năm trong công trình xây dựng, 5 năm với hàng dệt may, hay 3 năm với hàng tiêu dùng. Bao bì, vì thế, là nguồn rác thải nhựa lớn nhất, và cũng khó thu hồi, xử lý nhất.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 ước tính trong số 161 triệu tấn nhựa được sử dụng làm bao bì nói trên, sau khi thải bỏ, 40% đi vào các bãi chôn rác, 14% vào lò đốt, 14% được tái chế, và 32% thất thoát ra môi trường. Bên cạnh đó, khoảng 29% rác nhựa đem tái chế lại rơi rớt trong quá trình xử lý. Tóm lại, hàng năm, ngành bao bì thải ra môi trường khoảng 58 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, phần vương vãi trên mặt đất, phần rơi vào hệ thống thoát nước làm tắc nghẽn cống rãnh, phần ra sông hồ, và tận cùng là… bơi ra biển lớn.

Giáo sư Geyer ước tính hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đi vào lòng đại dương. Con số tích tụ đến nay khoảng 150 triệu tấn, trong đó 2/3 chìm xuống đáy sâu. Những gì lềnh bềnh trên mặt nước hoặc tấp vào các bờ biển mà chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Không ai biết khi vào môi trường, rác nhựa sẽ tồn tại bao lâu, có thể đến hàng thế kỷ, bởi 99% nhựa hiện nay được chế biến từ sản phẩm hóa dầu và không thể phân hủy sinh học. Điều nguy hại khó lường từ rác nhựa là sự phân mảnh thành những hạt siêu nhỏ (microplastic) mắt thường không nhìn thấy được, lẫn trong đất, trong nước và cả trong không khí. Các hạt nhựa li ti này còn có khả năng hút những phần tử hữu cơ trơ lì độc hại chung quanh chúng. Từ đó, chúng có thể đi vào đường hô hấp và tiêu hóa của sinh vật và con người thông qua chuỗi thức ăn trong thiên nhiên.

Chưa hết, rác nhựa còn chứa những chất phụ gia độc hại như hợp chất Phthalate trong nhựa Polyvinyl chloride (PVC), Bisphenol A (BPA) trong nhựa Polycarbonate (PC)… Ước tính trong đại dương, 150 triệu tấn rác nhựa chứa khoảng 23 triệu tấn phụ gia. Những hóa chất này sẽ dần được phóng thích và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước.

Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (Đức) năm 2018 chỉ ra rằng, phần lớn rác nhựa đang tích tụ ở đại dương là từ các dòng sông mang đến. Trong đó, tới 90% đến từ 10 con sông, mà 8 trong số đó nằm ở châu Á (gồm: Dương Tử, Hoàng Hà, Hải Hà, Hắc Long Giang, Châu Giang (Trung Quốc); sông Ấn, sông Hằng (Ấn Độ); và sông Mê Kông); cùng 2 sông ở châu Phi là Nile và Niger. Điểm chung của các dòng sông này là có lượng dân cư sinh sống quanh lưu vực rất cao, trong khi hệ thống thu gom và xử lý rác thải thì yếu kém.

Tiến sĩ Christian Schmidt, một trong những tác giả của nghiên cứu, chỉ ra “mối tương quan rõ ràng” giữa tập quán xả rác của cộng đồng với lượng rác nhựa trong nước sông: “Lưu vực sông nào có nhiều rác vứt tùy tiện thì thủy vực nơi đó có nhiều rác nhựa đổ ra đại dương”. Ông Schmidt cũng khẳng định khối lượng rác nhựa/m3 nước ở sông lớn cao hơn đáng kể so với ở sông nhỏ.

Theo thống kê toàn cầu, khoảng 50% rác nhựa trên thế giới được thải ra tại châu Á, riêng Trung Quốc chiếm 29%. Ước tính, hằng năm Trung Quốc thải khoảng 67 triệu tấn rác nhựa.

Báo cáo năm 2017 của tổ chức bảo tồn đại dương Ocean Conservancy cho rằng 5 quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đang thải vào đại dương lượng rác nhựa lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới gộp chung.

Tuy nhiên, giới quan sát gần đây nhận định châu Á không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tình trạng rác nhựa ngập ngụa trong đại dương. WEF chỉ ra rằng, mặc dù có hệ thống hạ tầng thu gom và tái chế rác nhựa hoàn chỉnh, các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Mỹ chỉ tái chế chưa tới 50% lượng rác do chính mình thải ra. Con số này ở châu Âu theo các báo cáo là dưới 41%, dù tỉ lệ thu gom đạt đến gần 80%. Tính chung trên thế giới, tỉ lệ rác nhựa được tái chế chỉ 9%.

Nhiều nguồn thống kê cho biết, Liên minh châu Âu (EU) với 28 quốc gia tân tiến mỗi năm thải ra khoảng 25-26 triệu tấn rác nhựa, nhưng chỉ có 1/4 lượng này được tái chế, 1/2 vào lò đốt, còn lại ra bãi chôn lấp.

Nước Mỹ còn tệ hơn. Điều tra của tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cho biết Mỹ năm 2017 thải 33,1 triệu tấn rác nhựa. Trong khi đó, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho hay tỉ lệ tái chế rác nhựa của nước này là 9,1%, còn lại 15,5% đi vào lò đốt và 75,4% ra bãi chôn lấp.

Điều đáng nói là trong các báo cáo chính thống về quản lý rác thải nhựa của các quốc gia phát triển, người ta khó lòng tìm thấy những đề cập về một “giải pháp” vô cùng tiện lợi, kinh tế và “sạch” nhất, đồng thời cũng vô trách nhiệm nhất, đó là xuất khẩu sang các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.

Trước khi áp dụng luật cấm nhập nhựa có độ tinh khiết dưới 99,5% bắt đầu từ ngày 1.1.2018, trong gần 3 thập niên, Trung Quốc là “cứu tinh” của phương Tây trong việc “tiêu hóa” rác nhựa. Theo Cơ sở dữ liệu Thương mại của Liên Hợp Quốc, từ năm 1988 đến 2016, các quốc gia xuất khẩu nhiều rác nhựa nhất thế giới (tính bằng đơn vị triệu tấn) lần lượt là Mỹ - 26,7; Nhật Bản – 22,2; Đức – 17,6; Mexico – 10,5; Anh – 9,26; Hà Lan – 7,71; Pháp – 7,55; Bỉ - 6,41; và Canada – 3,89.

Trung Quốc đứng đầu trong số các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này. Từ 1988 đến 2016, nước này đã nhập tổng cộng 106 triệu tấn. Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á cũng là những điểm đến của rác nhựa, nhưng chỉ nhận chưa tới 5,5 triệu tấn. Riêng Hồng Kông là trường hợp đặc biệt. Đặc khu kinh tế này là nơi trực tiếp nhận nhiều nhất rác từ các nước phát triển (64,5 triệu tấn), sau đó tái xuất đến 87% (56,1 triệu tấn) sang Trung Quốc. Tổng cộng, Hồng Kông và Trung Quốc nhận hơn 70% rác từ Mỹ.

Quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, nhập rác nhựa với mục đích tái chế thành nguyên liệu có chất lượng thấp hơn, phục vụ cho “công xưởng quốc tế” gia công hàng loạt sản phẩm phục vụ trở lại phương Tây.

Ngành thương mại xuất nhập khẩu rác nhựa toàn cầu được ước tính mỗi năm lưu chuyển khoảng 8,5 triệu tấn rác, giá trị cộng gộp từ năm 1988 đạt khoảng 200 tỉ USD.

Việc Trung Quốc nhập rác nhựa của phương Tây để tái chế kiếm lời trên thực tế đã góp phần làm ô nhiễm thêm môi trường đại dương, bởi hệ thống của họ chưa kham nổi việc xử lý rác do chính họ tạo ra. Trước 2018, mỗi năm, bên cạnh 67 triệu tấn rác nhựa nội địa, rác nhập thêm 8,1 triệu tấn là một thách thức lớn cho Trung Quốc. Các nhà môi trường cho biết họ tìm thấy trong số rác nhựa đổ ra đại dương từ những dòng sông chảy quanh lãnh thổ Trung Quốc, có nhiều rác xuất xứ từ phương Tây.

Nhiều tờ báo quốc tế đã đồng loạt đưa tin, khi Trung Quốc cấm nhập nhựa thải, nhiều thành phố ở Mỹ, Anh, Úc... đã bắt đầu vật vã trên đống rác của chính mình. Và công cuộc tìm kiếm “bãi thải” mới trở nên cấp tập hơn bao giờ hết, trong đó Đông Nam Á là điểm ngắm số 1.

Greenpeace thu thập được tài liệu từ cục thống kê liên bang Mỹ cho hay, trong nửa đầu năm 2018, lượng rác nhựa Mỹ xuất khẩu giảm 30% so với cùng kì 2017, từ 949.789 tấn còn 666.780 tấn. Con số xuất vào Trung Quốc và Hồng Kông giảm lần lượt 92% và 77%.

Trong khi đó, lượng rác Mỹ xuất vào 3 nước Đông Nam Á tăng mạnh, chiếm đến 50%. Thái Lan tăng hơn 2.000%, từ 4.409 tấn lên 91.505 tấn; Malaysia 157.299 tấn, tăng 273%; Việt Nam 71.220 tấn, tăng46%. Rác Mỹ vào Thổ Nhĩ Kì và Hàn Quốc cũng tăng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Không chỉ từ Mỹ, rác nhựa từ các quốc gia giàu có khác như Nhật Bản, Anh, Úc... cũng đổ về Đông Nam Á sau lệnh cấm của Trung Quốc. Gộp chung, lượng rác nhựa vào Thái Lan tăng 1.370%, Indonesia tăng 56%, Việt Nam tăng gấp đôi.

Còn ở Malaysia, Bộ trưởng Môi trường Yeo Bee Yin, người mới nhậm chức sau cuộc bầu cử tháng 5.2018, trở nên tức giận khi quốc gia 32 triệu dân này đột ngột trở thành bãi nhận rác nhựa lớn nhất thế giới. Trao đổi với tạp chí chuyên về các vấn đề thiên nhiên và môi trường National Geographic (NatGeo), bà Yeo cho hay trong nửa đầu 2018, Malaysia đã nhập 215.000 tấn từ Mỹ, 115.000 tấn từ Nhật Bản, 95.000 tấn từ Anh và 37.000 tấn từ Úc.

Khi ký sắc lệnh S.3508 gia hạn chương trình liên bang “cứu biển khỏi rác” ngày 11.10.2018,  Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc và “nhiều, nhiều nước khác” quăng rác vào đại dương, đẩy chúng đến bờ tây nước Mỹ. “Và chúng ta bị buộc phải vớt rác. Điều đó thật bất công”, ông Trump nói.

“Nhưng điều mà Tổng thống Trump không thừa nhận đó là, rác nhựa gây ô nhiễm đại dương không phải hoàn toàn từ châu Á, khi mà các quốc gia giàu có bán rác của mình sang đó chỉ vì một lẽ đơn giản là tống nó ra bên ngoài thì dễ dàng hơn là xử lý tại nước mình”, NatGeo bình luận.

Theo sau lệnh cấm, hàng trăm công ty tái chế rác nhựa của Trung Quốc đóng cửa, chuyển sang Đông Nam Á lập cơ sở mới và bắt đầu nhập rác với hy vọng tái chế ra phôi nhựa đủ độ tinh khiết để xuất vào Hoa lục. Theo NatGeo, những công ty này phần lớn hoạt động phi pháp và đang đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ tại các địa phương.

Tạp chí này ghi nhận Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát việc nhập khẩu rác nhựa không tái chế được, như cấm, thanh sát, rút giấy phép, áp các loại thuế, phí và truy quét cơ sở làm ăn phi pháp.

Trong khi đó, tại các cửa khẩu Trung Quốc, hải quan không chỉ soi tìm những chất gây ô nhiễm, mà còn rà soát những phôi nhựa kém chất lượng được giấu giữa những container nhựa thô được ghi là đủ tiêu chuẩn. Tính đến tháng 6.2018, Trung Quốc đã điều tra 134 vụ hình sự liên quan đến 254.000 tấn rác nhựa nhập lậu.

Còn tại Malaysia, NatGeo cho hay bà Yeo cùng 2 bộ trưởng khác đã cho đóng cửa 30 xưởng tái chế nhập rác nhựa bất hợp pháp. Bà Yeo cũng tuyên bố chính phủ Malaysia sẽ từng bước cấm vĩnh viễn việc nhập rác nhựa không tái chế được. “Nhiều lúc nổi điên, tôi chỉ muốn gửi trả rác về những đất nước đã thải ra chúng”, bà nói.

Trong lúc các quốc gia trên toàn cầu, từ giàu cho đến nghèo, từ văn minh đến lạc hậu, đang vật lộn với rác nhựa, tổ chức Greenpeace hồi tháng 10.2018 công bố bản báo cáo với tựa đề Cuộc khủng hoảng từ sự tiện dụng: Những tập đoàn đứng sau đại nạn ô nhiễm nhựa. Theo Greenpeace, những tập đoàn sản xuất hàng tiêu thụ nhanh (viết tắt FMCG, tiêu biểu là thực phẩm, nước giải khát, sản phẩm vệ sinh, mỹ phẩm và sản phẩm y tế) lớn nhất thế giới phải có trách nhiệm trong việc sản xuất ra các sản phẩm với bao bì nhựa chỉ vứt đi sau một lần dùng (single-use plastic – SUP). Rõ ràng, những sản phẩm này rất tiện dụng, vệ sinh và ít bị biến chất trong quá trình bảo quản, sử dụng.

Dĩ nhiên, sự tiện lợi nào cũng phải trả giá.

Greenpeace đã thực hiện cuộc khảo sát bằng cách gửi câu hỏi trực tiếp đến 11 tập đoàn FMCG có sản phẩm phục vụ toàn cầu, gồm Coca-Cola, Colgate-Palmolive, Danone, Johnson&Johnson, KraftHeinz, Mars, Mondelez, Nestlé, PepsiCo, P&G, và Unilever. Trong số này, chỉ 3 công ty có trụ sở chính ở châu Âu là Danone (Pháp), Nestlé (Thụy Sĩ) và Unilever (Hà Lan), còn lại đều ở Mỹ. Mục đích cuộc khảo sát được nói là “để đánh giá mức độ cam kết và hành động cụ thể trong việc giảm thiểu các tác động môi trường và xã hội của bao bì và rác thải nhựa” do các công ty này tạo ra.

Báo cáo cho hay cả 11 công ty đều trả lời khảo sát với mức độ công khai khác nhau, nhưng không công ty nào trả lời đầy đủ tất cả những câu hỏi được nêu ra, đặc biệt là về thông tin lượng SUP bán ra cũng như cam kết giảm thiểu chúng. “Đáng chú ý, Nestlé là công ty duy nhất cam kết công khai tất cả các thông tin, trừ số đơn vị SUP mà họ còn cân nhắc”, Greenpeace ghi nhận.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, mặc dù hầu hết đều cam kết sẽ sử dụng 100% bao bì nhựa tái chế được, không có công ty nào chủ động theo dõi các con số thống kê về thực trạng tái chế rác nhựa tại tất cả các quốc gia mà họ đang kinh doanh, nên không thể xác định được bao bì sản phẩm của họ cuối cùng đi về đâu. Chỉ có Danone, Nestlé và Unilever cung cấp được bằng chứng là họ có theo dõi tỉ lệ tái chế rác nhựa tại một số thị trường chính, dựa trên số liệu thống kê của chính quyền sở tại.

Greenpeace qua đó kêu gọi các công ty FMCG “thay đổi tận gốc” bằng cách công khai hoàn toàn việc sử dụng nhựa bao bì, đưa ra các cam kết cụ thể trong việc dần loại SUP trong từng mặt hàng của mình với những mục tiêu và cột mốc rõ ràng, cũng như đầu tư mạnh để tìm ra các phương thức phân phối thay thế, giúp giảm thiểu bao bì trong các khâu đóng gói, vận tải.

Nestlé, tập đoàn sản xuất thực phẩm và nước giải khát lớn nhất thế giới, thừa nhận trên website của mình rằng bản báo cáo của Greenpeace “đã chỉ rõ thách thức trong vấn đề bao bì và rác nhựa mà nhân loại với tư cách là một xã hội đang đối mặt”, trong đó Nestlé “tạo ra một phần đáng kể cần giải quyết”. Nestlé cũng cho biết năm 2018 đã tiêu thụ 1,7 triệu tấn nhựa, chiếm 1/3 tổng nguyên liệu tập đoàn dùng làm bao bì sản phẩm, trong đó có 5% là nhựa đã qua tái chế.

Trao đổi với người viết tại Đại học Lausanne (UNIL, Thụy Sĩ) sau vụ cá voi mõm khoằm chết ở Philippines, bà Sokhna Gueye, Trưởng ban quản lý bền vững nguyên liệu nhựa của Nestlé chia sẻ rằng bà rất đau lòng, và Nestlé đứng trước áp lớn trong việc giải bài toán làm sao cung cấp cho thị trường sản phẩm có bao bì đảm bảo vệ sinh, chất lượng và mùi vị của thức ăn, đồng thời gây ít ảnh hưởng nhất lên môi trường.

Áp lực đó đến từ nhiều phía. Tại cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh năm 2018 ngay tổng hành dinh Nestlé ở thành phố Vevey ngày 14.2.2019, một chuyên viên nghiên cứu về bao bì đã đưa đến một hộp sản phẩm của công ty và chất vấn Tổng giám đốc Mark Schneider vì sao Nestlé không chấm dứt dùng loại hộp nhựa tổng hợp gây hại cho môi trường này.

Bà Sokhna Gueye trình bày về chiến lược bao bì nhựa bền vững của tập đoàn Nestlé tại Đại học Lausanne

Ông Schneider thừa nhận đó là vấn đề chung của ngành FMCG mà Nestlé đã nhìn thấy và “đã đưa ra cam kết cùng những bước đi cụ thể” hướng tới tương lai bền vững hơn. Cam kết Nestlé đưa ra hồi tháng 4.2018 là đến năm 2025, công ty sẽ sử dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Hiện nay, theo Nestlé, khoảng 80% bao bì nhựa của công ty có thể tái chế được.

Còn “các bước đi cụ thể” mà bà Gueye trình bày trước sinh viên UNIL hôm 20.3 là 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là chủ động tìm nguyên liệu thay thế bằng việc thành lập Viện khoa học bao bì Nestlé tháng 12.2018 nhằm nghiên cứu ứng dụng các chất liệu mới bền vững hơn như giấy, hợp chất polymer có thể phân hủy sinh học, làm phân compost và cũng tái chế được. Thứ hai, về lâu dài, “tham vọng của chúng tôi là chấm dứt tình trạng rác nhựa rơi vãi vào môi trường và đại dương trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình”, bà Gueye nói. Cuối cùng, nội bộ Nestlé tiên phong nêu gương xây dựng hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bằng việc chỉ đạo hơn 300.000 nhân viên tại 420 nhà máy và hàng trăm văn phòng kinh doanh ở 190 quốc gia loại bỏ việc tiêu thụ các sản phẩm với bao bì SUP không thể tái chế, đồng thời tham gia dọn rác tại địa phương nhân Ngày đại dương thế giới 8.6.

Trả lời người viết về tham vọng của Nestlé hướng đến một “tương lai không có rác” rơi vãi vào môi trường, bà Gueye nhìn nhận đó là thách thức lớn nhất, bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới thiếu cơ sở hạ tầng cho việc thu gom, phân loại và tái chế rác nhựa. “Nhưng chúng tôi đang và sẽ cố gắng hết sức”, bà nói. Hiện tại, Nestlé đang cùng chính phủ Indonesia, tiếp đến là các nước Đông Nam Á khác, tiến hành Dự án STOP, kết hợp với lực lượng nhặt rác địa phương thu lượm bao bì nhựa ở các bãi biển. Nestlé cũng phối hợp với các công ty cùng ngành như Coca-Cola, Unilever.. lập ra Liên minh tái chế nhựa châu Phi nhằm giúp xây dựng hạ tầng tái chế rác ở các quốc gia vùng hạ sa mạc Sahara.

Chuyên về sản phẩm giải khát đóng chai và lon, Coca-Cola là nhà tiêu thụ nhựa lớn nhất trong ngành FMCG, 3 triệu tấn năm 2017, chủ yếu là nhựa Polyethylene terephthalate (PET). Bên cạnh cam kết dùng nguyên liệu cải tiến và 100% bao bì tái chế được vào năm 2025, trong Báo cáo Cam kết Toàn cầu về Nền kinh tế nhựa mới do quỹ Ellen MacArthur Foundation thực hiện năm 2019, Coca-Cola cho biết đang thử nghiệm vỏ chai và ly dùng nhiều lần tại một số thị trường Nam Mỹ. Tập đoàn này cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030 không tạo ra rác bằng chương trình thu hồi 1 vỏ lon, chai trên mỗi sản phẩm bán ra. Trong khi đó, tập đoàn Unilever, chuyên sản phẩm tẩy rửa vệ sinh, mỹ phẩm và cả thực phẩm với mức tiêu thụ khoảng 600.000 tấn nhựa/năm, cho hay sắp triển khai phương thức phân phối mới đối với 9 nhãn hàng, đó là bơm, châm trực tiếp sản phẩm tại nhà khách hàng, bỏ qua khâu đóng gói để giảm rác bao bì…


Một số từ viết tắt phổ biến trong bài
FMCG: Fast-Moving Consumer Goods, sản phẩm tiêu thụ nhanh
Microplastic: bụi nhựa, từ vật dụng/rác nhựa bị bào mòn
SUP: Single-use Plastic, (đồ dùng/bao bì) nhựa vứt bỏ sau một lần dùng
WEF: World Economic Forum, diễn đàn kinh tế thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sĩ


Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Thục Minh |
Nguồn: National Geographic, Greenpeace, Statista, Guardian

Báo Thanh Niên
17.04.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top