>> Mạnh Cường

Nhiều người dân ở TT.Trà My, H.Bắc Trà My (Quảng Nam) giờ chỉ còn ngước mặt lên trời cầu mưa. Đã lâu lắm rồi, chưa có một trận mưa lớn nào ở đây. Nước ở các khe suối, sông hồ đã cạn kiệt.

Gần cả tháng nay, nhiều hộ dân tìm mọi cách để có nước sinh hoạt, thậm chí ra tiệm tạp hóa mua dùng tạm. Ông Nguyễn Út (tổ dân phố Đồng Trường, TT.Trà My) kể, cả thị trấn dường như “khô cạn”, ngay cả dòng sông Trường chảy ngang qua cũng lộ rõ từng chỏm đá lô nhô. “Vậy là chúng tôi cùng nhau ra lòng sông đào giếng. May là cũng tìm thấy nước. Bà con cũng được giải quyết phần nào nhu cầu nước sinh hoạt”, ông Út nói.


Nhiều hộ dân TT.Trà My (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) phải đào giếng dưới sông Trường tìm nước.

Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô vẫn thường xảy ra tại khu vực TT.Trà My đã nhiều năm nay, nhưng chưa từng khô kiệt như lần này. Hết đi xin nước từ giếng hàng xóm, lại ra sông đào giếng mới. “Nhiều người đã phải tìm lên phía thượng nguồn, người khác bắt ống trên cao chạy dọc theo các đường dây điện, người thì đặt cả ống thép trên nền đường để đưa nguồn nước về nhà. Nhưng khô hạn, chỗ nào cũng thiếu nước như nhau”, ông Út thở dài.

Giếng nước được đào dưới sông Trường người dân bắt ống dẫn nước về dùng, máy bơm đặt cạnh bờ sông Trường để bơm nước..

Ông Út dẫn chúng tôi ra đoạn sông gần đó, chỉ vào những giếng nước được đào tạm bợ để lấy nước. “Ở giữa lòng sông vẫn còn một ít nước, nên chúng tôi chọn những doi đất thoáng, có mạch nước rỉ vào rồi đào. Sâu, cạn tùy theo mạch. Có nơi chỉ cần đào xuống nửa mét thì đã gặp đúng mạch. Nhưng cũng có chỗ đào sâu tới 2 bi (2 bi xây giếng - PV) lại trúng đá hộc, cứng quá, đành bỏ cuộc… Có nước thì dăm bảy hộ chung tiền mua máy bơm, mua ống nước rồi bơm vào bể chứa. Từ đó, nhà nào muốn lấy thì lại phải tốn thêm một lần bơm nữa”, ông Út kể.

Dọc sông Trường hiện có khoảng 10 cái giếng như thế. Cũng có vài giếng đào xong thì bỏ hoang, vì nhiễm phèn. “Tốn kém cũng phải chịu. Trời này mà không có nước để sinh hoạt thì làm sao chịu nổi? Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ở sông Trường cũng dần cạn kiệt hết rồi, không còn dồi dào nữa. Đào giếng chỉ là giải pháp tạm thời, còn lại vẫn phải chờ vào trời mưa”, chị Nguyễn Phương Thúy (ở TT.Trà My) nói.

Nước sông Trường đã cạn khô, lộ rõ từng chỏm đá lô nhô.

Ở khu vực gần sông Trường, với địa chất nhiều đá, hầu hết giếng nước tại những khu dân cư trên địa bàn TT.Trà My đều hụt nước. Ngay cả trụ sở UBND TT.Bắc Trà My và các đơn vị, cơ quan khác đóng trên địa bàn cùng chịu chung cảnh thiếu nước. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay có hơn 2.000 hộ dân ở TT.Bắc Trà My đang thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ngầm cạn kiệt.

Ông Phùng Văn Nam, Chủ tịch UBND TT.Bắc Trà My, cho hay địa phương đã vận động bà con nhân dân tự khắc phục, đào các loại giếng để phục vụ sinh hoạt. Nhưng ở miền núi, chuyện đào giếng không dễ, vừa “vướng” đá vừa khó lần đến mạch nước ngầm sâu trong lòng đất. Rất nhiều hộ bỏ cuộc…

Không chỉ TT.Trà My, mà xã Trà Bui nằm ở vùng đầu nguồn gần với hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn khan hiếm nước từ cuối tháng 3 đến nay.

Cứ vào mỗi cuối chiều, khi mặt trời cách ngọn núi cỡ gang tay thì anh Hồ Văn Cường (ở thôn 4, xã Trà Bui) cùng con trai lại lấy những can nhựa (10 lít), ngược núi hơn 4 km, nơi con suối Lóc vẫn còn chút nước mang về. Theo anh Cường, trước đây chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 có làm đường ống dẫn nước về cho người dân sử dụng, nhưng giờ đường ống đã hỏng. Những con suối ở đấy cũng chỉ còn trơ đáy. Phải lên tận phía thượng nguồn may ra mới có nước. “Ở đây, chuyện 3-5 ngày mới tắm là bình thường. Giờ nước uống còn không có thì nói gì đến nước để tắm giặt. Thiếu nước mà thấy khổ hơn thiếu ăn”, anh Cường ngậm ngùi.

Nhiều người dân xã Trà Bui phải ngược núi xách từng can nhựa lấy nước về dùng.

Một cán bộ xã Trà Bui xác nhận, riêng ở thôn 4, hơn 130 hộ dân đang đối diện tình cảnh thiếu nước trầm trọng nhất, một số nơi "kiệt" nước hoàn toàn. Trên địa bàn xã dù có 8 công trình chứa nước sạch tự chảy, nhưng lại có đến 6 công trình hư hỏng. Cảnh người dân ở đây khát nước sạch, phải đi quãng đường xa ngược núi lấy nước đã diễn ra lâu nay, sau khi đường ống nhựa dẫn nước về nhà đã xuống cấp.

Chúng tôi ghé nhà ông Trịnh Quốc, ở thôn 6 xã Trà Bui, chứng kiến cảnh ông đang hì hụi nạo vét lại bể nước. “Thiếu nước trầm trọng. Nắng nóng kéo dài, nước chảy nhỏ giọt, không đủ dùng, khổ lắm!”, ông Quốc lắc đầu.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, cho biết để giải “cơn khát” đang ngày càng nghiêm trọng, chính quyền huyện đã xin chủ trương và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án xây dựng nhà máy nước tại trung tâm TT.Trà My, công suất 4.000 m3. “Với phương án này, hy vọng người dân ở đây sẽ sớm chấm dứt tình trạng thiếu nước vào mùa khô như hiện nay”, ông Vũ nói. Chuyện khan hiếm nước sinh hoạt ở nhiều nơi, huyện đã rà soạt lại toàn bộ các công trình thủy lợi, nước sạch và khắc phục “trong thời gian sớm nhất”.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Mạnh Cường

Báo Thanh Niên
19.07.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.