Ngày 3.11, trước khi tôi lên đường đi cứu trợ miền Trung, ông gọi điện thoại và hẹn sẽ cho xem một đề án ông ấp ủ đã bao năm. Mỗi khi thiên tai xảy ra trên dải đất hình chữ S này, ông lại ngậm ngùi giở ra và cất lại. Cho đến tuần rồi, sau khi về, gặp ông trên căn gác ở đường Trần Khắc Chân (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM), tôi mới được “mục sở thị”...

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng kể rằng, đề án Ngôi làng Việt ứng phó với biến đổi khí hậu của ông được nghĩ và viết ra sau bao đêm thao thức. Đề án nhằm giúp đồng bào mình ở các vùng miền có thể yên ổn, khi mỗi năm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu càng lộ rõ và hành hạ dân mình quá nhiều. Năm 2002, đề án được trao giải thưởng danh dự tại Berlin (Đức) do UNESCO và Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) phối hợp trong một cuộc thi với chủ đề Kiến trúc và nước. Sau đó, cũng với đề án này, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng và cộng sự được Bộ Tài nguyên - Môi trường trao giải nhì. Hội Kiến trúc sư VN thì dành riêng cho ông với Bằng sáng tạo kiến trúc...

Có lẽ, với một kiến trúc sư, những giải thưởng danh giá như vậy cũng đã tạo dấu ấn, nhưng sao hình như vẫn thấy ông chưa vui?

Đúng, bởi vì tôi không phải thiết kế cho riêng mình, không vẽ vì giải thưởng. Tôi đã ấp ủ và xây đắp cho đồng bào mình một mô hình, từ ý tưởng cho đến thực hiện xong đề án là một quãng thời gian say mê và hạnh phúc. Nhưng sau bao năm, khi đạt các giải thưởng, đề án vẫn nằm trên giấy. Đó là nỗi trăn trở lớn nhất của một đời làm nghề kiến trúc. Tôi nghĩ rằng, nếu hiện thực hóa được mô hình này từ nhiều năm trước trên mỗi vùng miền, làng mạc xóm thôn thì biết đâu, sẽ góp phần giúp được cho bà con đỡ phải sống trong cảnh gieo neo, chật vật và kể cả đau đớn nhất là họ buộc phải đánh đổi cả mạng sống. Bao nhiêu thứ bị vùi dập, bị trôi theo dòng lũ dữ, bị mất đi nhà cửa, tài sản bởi những cơn bão xuất hiện ngày càng dày. Nhưng, như cổ nhân từng nói, vẫn còn chưa muộn... và tôi vẫn nuôi hy vọng. Hy vọng đến một ngày, trên những vùng đất tôi đi qua, những ngôi làng Việt từ trong đề án này được hiển lộ trên núi đồi, đồng bằng và đồng bào yên ổn sinh sống mỗi khi bão lũ ập về!

Ông đã từng nói trong các quyển sách du khảo của mình, rằng giữ được tâm thế cho người dân sinh sống ổn định, giữ được bản sắc văn hóa của làng, là giữ được hồn nước. Điều ấy được thể hiện trong đề án Ngôi làng Việt như thế nào?

Mục đích của tôi rất nhất quán. Khởi thủy từ suy nghĩ rằng VN nằm trong số 10 quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Có khoảng trên dưới 10 triệu dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ phải hứng chịu những thay đổi to lớn này với bão tố, lũ lụt, sạt lở, thiếu nước sạch. Các hoạt động ăn ở, đi lại, việc làm, học hành... đều phải bị chi phối.

Dù muốn dù không, tương lai trong vài mươi năm tới, ở những vùng đất thấp như miền Trung, miền duyên hải, miền Tây... người dân phải sống chung với ngập nước, nếu không muốn mất đất, họ phải di dời lên vùng đất cao hơn. Hoặc họ đành chọn cách “ly hương”, rời bỏ ruộng đồng vào thành phố kiếm sống. Nhưng hiện nay trên 50% dân số nước ta vẫn sống và mưu sinh ở nông thôn, bởi tập quán, tình cảm gắn bó với nguồn cội, quê cha đất tổ... Họ chọn ở lại quê nhà, và họ phải đương đầu với những tác động vô lường của biến đổi khí hậu, mà những diễn biến bão, lũ vừa qua đã minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Vậy giải pháp thực tế với mô hình Ngôi làng Việt của ông sẽ giúp gì cho người dân? Và hình mẫu căn bản, cụ thể để bà con có thể trụ lại ở làng?

Nếu diễn tả hết mô hình sẽ rất dài, bởi nhiều thứ cần đưa vào trong việc xây dựng một ngôi làng, sao cho vừa mang tính thuần Việt, vừa ứng phó với thiên tai. Phải giải quyết được bài toán về ăn, ở, làm việc, đi lại, thể dục thể thao (TDTT), giải trí, học hành và cả tín ngưỡng của người dân. Tôi chỉ nói vắn tắt như thế này: làng phải có một nhà cộng đồng quy mô lớn cho khoảng 300 hộ trở lên (tùy quy mô của số gia đình), đảm bảo đủ nước sinh hoạt, các khu vực để cất giữ nông sản, nông cụ; nơi để bà con có thể tổ chức các hoạt động cần thiết, có điện tích lũy từ năng lượng mặt trời; hầm cung cấp khí biogas... Đặc biệt, phải xây dựng trên các gò đất cao nhất làng, nếu vùng trũng thì phải đắp đất cao, được thiết kế thông minh để tránh luồng gió xoáy khi có bão. Mô hình làng Việt bền vững chứ không phải tạm bợ, nên phải tính đến những nhu cầu thiết yếu nhất cho các hộ gia đình một khi họ ở tập trung.

Còn riêng về các ngôi nhà của mỗi gia đình, giải quyết được bài toán bền vững, cố định, giá thành rẻ, đủ năng lượng, nước sạch, một diện tích đất đủ để chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu “vườn, ao, chuồng” và đi lại dễ dàng mùa khô cũng như mùa lũ... Được xây dựng trên các đế bằng đá hộc cao từ 1,5 - 2 m (tùy theo địa hình), ở đế có giữ các bình composite trữ nước, sử dụng các vật liệu bền và nhẹ, kiểu tiền chế. Phía tường nhà và mái nhà phải được sử dụng thép và có dây cáp giằng chặt. Theo thiết kế của đề án, nếu tính giá thành xây dựng một ngôi nhà như vậy chỉ khoảng 100 triệu đồng. Còn tổng thể xây dựng khoảng 300 ngôi nhà và trung tâm sinh hoạt cộng đồng, theo tính toán khoảng trên dưới 30 tỉ đồng/ngôi làng.

Điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là nếu tâm huyết ở góc độ vĩ mô, khi nhà nước và các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và người dân chung tay, một khi có vài ngôi làng tiêu biểu được xây dựng, các tiêu chí ứng phó thiên tai được thể hiện một cách hiệu quả, thì việc nhân rộng mô hình này sẽ đem đến cho đồng bào các vùng miền thường gặp bão lũ được hưởng một cuộc sống yên ổn, sung túc.

Kỳ vọng của ông trong việc xây dựng những ngôi làng Việt như vậy có vẻ rất lớn, nhưng liệu có khi nào ông nghĩ lại sẽ một lần nữa rơi vào... im lặng?

Đó là công việc của một kiến trúc sư, đó là tâm huyết của tôi. Nhưng nếu như vẫn không thực hiện được như ý muốn, thì tôi sẽ xem đề án này như một nguồn an ủi, chỉ vậy mà thôi. Bởi, có nhiều điều mình muốn nhưng “lực bất tòng tâm”. Huống chi đây lại là một mô hình đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức rất lớn từ nhiều phía. Riêng với bản thân mình, tôi sẵn sàng góp công sức xây dựng một ngôi nhà mẫu, để qua đó chứng thực được điều tôi ấp ủ viết ra không phải là viển vông. Nó có căn cứ, có cơ sở khoa học và nhất là nó sẽ đem lại niềm vui cho đồng bào mình, những người mà tôi vẫn thường nghĩ về.

Sự xuất phát và cũng là đích đến của đề án. Tôi hy vọng mọi người có cùng một điểm chung: đó là những ngôi nhà cụ thể, những mảnh vườn, những thứ ta chăn nuôi, trồng trọt để kiếm sống, các điều kiện sinh hoạt, con cái được học hành, giữ được tín ngưỡng tốt đẹp và cao hơn cả là hồn Việt trong mỗi làng quê, một cách bền vững.

Những điều ấy, đã, đang và sẽ tiếp tục bị đe dọa, buộc mỗi người trong chúng ta không bao giờ được ngơi nghỉ!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Báo Thanh Niên
15.11.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top