KTS Đoàn Thanh Hà gõ chầm chậm, những dòng chữ hiện dần trên máy tính. Đó là bức thư anh gửi chính mình, sau đó được đăng trong cuốn sách Gửi quá khứ một hộp thời gian (NXB Kim Đồng, nhiều tác giả, 2021).
“Năm 34 tuổi, cậu hoàn thành một dự án thú vị có tên Vườn vệ sinh, dành tặng học sinh nghèo ở vùng cao. Công trình được thiết kế bằng trái tim và tôi chắc rằng có sự thôi thúc rất lớn từ ký ức tuổi thơ của cậu. Không lâu sau, mô hình này đã được ứng dụng nhiều hơn trong thực tế bởi tính nhân văn và trách nhiệm xã hội của nó”, Đoàn Thanh Hà viết.
Vườn vệ sinh là công trình kết hợp nhà vệ sinh, nơi tắm giặt cho học trò ở các trường bán trú miền núi. Khu vệ sinh đó được đặt trong ngôi trường, sát nơi cả học sinh và giáo viên canh tác để có thêm rau xanh. Những hệ giàn tre vừa để chắn nắng, vừa để trồng cây, thường là cây cho trái như bầu, bí. Chúng xanh mát mắt và mát cả bữa ăn. Những kiến trúc như thế được Đoàn Thanh Hà theo đuổi và gọi là “kiến trúc vị dân sinh”.
Là người của nhiều giải thưởng, nhiều cuộc thi và triển lãm kiến trúc đa quốc gia, KTS Đoàn Thanh Hà có nhiều câu chuyện công trình khác nhau. Anh chia sẻ với Thanh Niên về con đường kiến trúc mà mình lựa chọn.
Chuyện vì sao làm vườn vệ sinh cũng có lần tôi chia sẻ trong bức thư gửi cho tuổi 16, in ở NXB Kim Đồng. Tôi kể về việc điều kiện sống khó khăn ngày còn bé đã ảnh hưởng suy nghĩ của mình, về việc phải có những thiết kế nhà vệ sinh cụ thể. Trước đó mấy năm, khi tôi đi Hà Giang cũng đã thấy vấn đề về nhà vệ sinh cho trẻ em trong trường học rồi.
Một người bạn ở Bộ GD-ĐT cũng nói với tôi về góc tiếp cận. Rất may là tôi đã chọn cách tiếp cận kết hợp nhà vệ sinh với nơi giặt giũ, tắm rửa trong các trường phổ thông dân tộc bán trú (có tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho học sinh bán trú). Thường Bộ GD-ĐT đã thiết kế ra những mẫu nhà vệ sinh điển hình trong các trường bình thường rồi, nhưng những mẫu đó lại không có thành phần liên quan đến tắm giặt, chưa kể đến khả năng tận dụng năng lượng tự nhiên (mặt trời, nước mưa) và tái sử dụng nước. Vì thế, chúng tôi có thể triển khai mẫu mới này cho các thầy cô và học sinh sử dụng. Đây không phải là vấn đề xa xỉ mà đơn giản chỉ làm rõ thêm tính năng tuần hoàn để kiến trúc bền vững hơn.
Sau này, những trường bán trú khác cũng tìm hiểu và làm theo. Khi nhân lên ở Điện Biên, UNICEF dùng mẫu lớn hơn. Vườn vệ sinh ở Cao Bằng rất bé, chỉ có 1 xí 1 tắm cho mỗi giới, nếu áp dụng tiêu chuẩn 1 xí cho 20 - 40 cháu thì không đủ. Nên sang Điện Biên mô hình này đã “phồng to” hơn để đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Tôi thường dùng thanh tre ở dạng nguyên bản, không uốn cong, không nối dài, với cấu trúc đơn giản nhất - nhưng lại có thể phát triển mở rộng. Và các không gian này đều hướng vào đối tượng là những người dễ bị tổn thương. Có thể đó là nét khác nhau cơ bản giữa chúng tôi trong cách sử dụng tre.
Tôi thiên về cách xử lý dân gian, khoan lỗ trên từng ống tre rồi ngâm dưới ao bùn, sau vài tháng thì dùng được. Cách này đa phần người dân đều biết nên sẽ thúc đẩy họ tự tạo dựng không gian cho chính mình bằng vật liệu tre.
Làm tre, khó nhất là khớp nối, tôi dùng cách cài các thanh tre với nhau rồi sử dụng chốt thép và dây buộc. Chốt này khiến cho cấu kiện có thể tháo ra lắp vào khi thay thế, bảo dưỡng hoặc phát triển thêm không gian. Việc cài các thanh cũng khiến cho quá trình thực hiện dễ dàng hơn, không mất nhiều thời gian lựa chọn thanh lớn thanh bé, nếu sử dụng mộng ghép.
Tre có khả năng khai thác cao gấp nhiều lần so với gỗ sồi. Tre phát triển rất nhanh và có khả năng tự tái tạo, sau 3 - 5 năm có thể khai thác được rồi. Cần có chiến lược về tre trong việc trồng và khai thác sao cho bền vững. KTS Simón Vélez, người đã xây cả nhà thờ lớn ở Columbia bằng tre, từ lâu đã quan niệm: tre là thép - thực vật. Đây là cách nghĩ rất khai phóng về tre.
Mọi người vẫn nói tôi “chân lấm tay bùn”, có thể là do khi tiếp cận với vật liệu nào thì tôi cũng trực tiếp trải nghiệm và thao tác trên nó để hiểu trước rồi mới nghĩ xem có thể làm gì với chất liệu này. Sau khi có giải pháp thì chính tôi cũng luôn cố gắng làm hiện thực hóa chi tiết ấy ở tỷ lệ 1:1 trước khi công trình được thi công, đặc biệt là với vật liệu gốc thực vật như tre.
Cùng với thực vật, đất là một vật liệu (tôi coi là nguyên thủy) đặc thù. Chúng tôi cũng cải biên cách trình tường bằng những thiết bị hỗ trợ của thời hiện nay để tạo thành những máy đầm nhỏ, nhẹ và hiệu quả. Tôi vẫn hay trêu các bạn mình, làm thế này xong thì cháu 15 tuổi cũng trình tường được.
Tức là mình cần hiểu rõ vật liệu rồi kết hợp với công nghệ thích hợp ở thời hiện tại để có cách sử dụng đem lại được hiệu quả vượt trội.
Làm giống hệt các cụ thì mình không làm được, mà cũng không để làm gì. Cho nên, mình phải làm khác đi.
Hồi đầu năm, Bảo tàng Samsung có liên hệ mời tôi làm buổi triển lãm ở địa điểm này. Họ mời 20 nghệ sĩ châu Á nói chung, mỗi người làm một tác phẩm với chủ đề Đi trên mây. Tôi được một ô khoảng 6 x 6 x 6 m. Tôi quyết định làm một mô hình nhà nổi và khoảng tháng 8 này sẽ bắt đầu trưng bày.