Theo kỷ lục gia Dương Anh Vũ, những gì anh đạt được như hiện nay chỉ đơn thuần là do nỗ lực đúng phương pháp. Vũ cho biết, thời bé anh “không có bất cứ biểu hiện nào thuộc dạng phát triển sớm, không có yếu tố thiên bẩm; điều này có thể được chứng minh qua các hồ sơ học tập còn lưu lại như học bạ cấp I, cấp II và cấp III của tôi ở các trường. Vì, trên thực tế không có tài năng thiên bẩm nào lại có kết quả học bết bát như tôi”.

Phải đến năm 2 đại học, Vũ mới bắt đầu luyện trí nhớ. Từ kinh nghiệm bản thân, anh đúc kết: “Mỗi bộ não là một vũ trụ không bao giờ lặp lại, sẽ có những nguyên lý, cách thức hay phương pháp nền tảng dành cho tất cả mọi người; nhưng muốn thành công thực sự trong việc phát triển trí não, tư duy, học thuật thì nó cần được nâng cấp theo giá trị của mỗi cá nhân, từ thế mạnh, sở trường riêng. Trong quá trình nâng cấp, chính ta mới là người thầy thực sự của ta”.

Vũ chia sẻ, anh khởi đầu trong hành trình memory (trí nhớ) không phải từ phương pháp “short-term memory” (trí nhớ ngắn hạn/tạm thời) như số đông tín đồ của nó; mà bằng việc đam mê đọc sách, thu nạp dữ liệu chủ động (có nghĩa là không đọc lướt…) và sơ đồ tư duy của Tony Buzan. “Vì thế mà hướng đi của tôi nghiêng về giá trị học thuật. Con đường này giúp tôi trở thành một nhà nghiên cứu khoa học chứ không phải là một vận động viên về bộ môn memory. Phương pháp là công cụ, còn định hướng là đường đi. Nó cũng giống như một người học ngoại ngữ vậy, trên thực tế tiếng Anh chỉ là phương tiện, định hướng nghề nghiệp sử dụng tiếng Anh mới là hướng phát triển, nếu bạn giỏi tiếng Anh nhưng bạn không thể sử dụng nó trong công việc hằng ngày thì nó cũng không thể giúp bạn thăng tiến trong nghề nghiệp được”, Vũ nói.

Trong chương trình giao lưu Life - Nothing is impossible tại Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú, TP.HCM năm 2017 (Ảnh: NVCC)

Vậy nên anh cho rằng: “Nếu bạn sở hữu trí nhớ tốt, nhưng bạn không dùng nó vào việc học tập hoặc phát triển nghề nghiệp thì trên cơ bản là bạn đã thất bại. Vì thế, tôi thường nói với sinh viên của mình: Người có nhiều kiến thức là người có trí nhớ tốt, nhưng người trí nhớ tốt chưa chắc là có nhiều kiến thức. Vì muốn có kiến thức thì phải học tập, còn trí nhớ tốt chỉ là công cụ”.

Siêu trí tuệ và Siêu thử thách (mà anh đảm nhận vị trí cố vấn khoa học, giám khảo khoa học) đều giới thiệu đến khán giả truyền hình những tài năng trí tuệ, khả năng độc lạ lẫn dị biệt của con người. Anh bị thu hút ra sao trước 2 dạng tài năng này khi đồng hành?

Siêu trí tuệSiêu thử thách đều là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm và giới thiệu tài năng ra công chúng. Siêu trí tuệ thường gói gọn trong các tài năng dị biệt về trí não, mang màu sắc trí tuệ. Trong khi đó Siêu thử thách thì không có giới hạn nào, bất cứ ai cũng có thể đến với Siêu thử thách, chỉ cần người đó sở hữu kỹ năng đặc biệt trong nghề nghiệp hoặc một tài năng thiên bẩm hiếm có.

Thực tế ở thị trường thế giới, những gameshow như Siêu thử thách thường thu hút đông đảo người xem hơn. Nhưng qua 6 tập phát sóng, rõ ràng Siêu thử thách có lượt người xem ít hơn Siêu trí tuệ, điều này làm cho tôi khá bất ngờ, vì nó đi ngược lại hoàn toàn với thị hiếu của thị trường quốc tế.

Phần lớn người xem cho rằng, các thử thách của Siêu trí tuệ khá khó hiểu, phải xem nhiều, thậm chí 4 lần mới thấu… và tôi nghĩ chính điều này khiến cho lượt xem của Siêu trí tuệ lớn hơn, vì mỗi người đều phải xem lại 2 - 3 lần… (cười). Tôi thấy vui và tự hào vì người VN yêu trí tuệ và tri thức, bởi nếu không yêu thì tôi nghĩ họ chẳng bao giờ chịu xem Siêu trí tuệ đâu, ngay như tôi là một người làm khoa học, ngồi xem đôi khi cũng thấy đau đầu… (cười). Nếu chịu để ý một chút bạn sẽ thấy, những tập của gameshow Siêu thử thách nếu có phần thi thiên về trí não thì sẽ có lượt xem cao hơn những tập không có.

Những ai theo dõi 2 mùa Siêu trí tuệ và nay là Siêu thử thách, có lẽ sẽ nhận ra người có tài năng đặc biệt, dị biệt đôi khi có tính cách “khác thường”,  thậm chí là 1 dạng của tự kỷ. Dù vậy không phải đứa trẻ nào “khác thường” thì sẽ có tài năng đặc biệt?

Khi kiểm tra và làm việc với các tài năng đặc biệt, tôi sẽ dựa vào “brain power system - BPS” (hệ thống năng lực trí não) để phân loại, sau đó xếp họ vô nhóm phù hợp để sử dụng các ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, không làm các tài năng tổn thương cũng như khai thác tối đa năng lực của các bạn ấy. BPS chia năng lực trí não con người ra làm 5 nhóm chính:

Trong đó, 3 nhóm đầu tiên được xếp vô dạng “năng lực bẩm sinh”, có nghĩa là “trí thông minh” hoặc “tài năng dị biệt” được hình thành từ khi cá thể đó còn đang là một bào thai, có thể mang tính di truyền hoặc do đột biến…

Điểm chung của tất cả các nhóm này là đều chịu tác động của nguyên tắc “Bàn tay Chúa” (Principle: God’s Hand), có nghĩa là “không có món quà nào của tạo hóa là miễn phí”: “nếu thượng đế trao cho bạn một món quà bằng tay phải, thì cùng lúc đó ngài sẽ lấy đi của bạn một cái gì đó tương tự bằng tay trái”. Điển hình cho nhóm 1, nhánh Đột biến não bẩm sinh - dị biệt, chính là Laurence Kim Peek, ông có một bộ não đồng nhất, dính vào nhau chứ không chia ra bán cầu não trái và bán cầu não phải như người bình thường, chính điều này đã giúp ông sở hữu một trí nhớ siêu phàm, chỉ cần đọc một lần là nhớ mãi mãi. Tuy nhiên, vì sự xáo trộn quá lớn trong cấu trúc não, chỉ số IQ của ông chỉ 73, thấp hơn một người bình thường khá nhiều, ông cũng mất đi những kỹ năng thông thường như: không thể tự mặc quần áo, giao tiếp khó khăn, đi vệ sinh và cả ăn uống cũng cần có người giúp đỡ...

Nhóm tài năng bẩm sinh ít chịu tác động “Nguyên tắc Bàn tay Chúa” nhất chính là “Child prodigy” (thần đồng), dường như 100% thành viên nhóm này được sinh ra có kỹ năng cuộc sống bình thường, dù tài năng dị biệt phát triển sớm. Nhưng nếu bố mẹ và nhà trường không có cách tương tác và thấu hiểu thì rất dễ khiến cho đối tượng thần đồng mắc phải bệnh hoặc hội chứng tâm lý, điển hình như là “trầm cảm”. Vì thế mà 9/10 thần đồng được nghiên cứu đã cho rằng mình từng là một đứa trẻ “bất hạnh”.

Cũng có một nhận định khá là sai lầm, đã tồn tại rất lâu, là: “trẻ tự kỷ sẽ sở hữu tài năng dị biệt”. Điều này không đúng, theo nghiên cứu, chỉ có 10% trẻ tự kỷ sở hữu tài năng bẩm sinh, 90% còn lại chỉ đơn thuần là tự kỷ.

Trong quá trình kiểm tra năng lực thí sinh, tôi cũng phát hiện ra 8/10 trẻ đến casting chương trình mắc chứng “tăng động”, khi biết điều này, phụ huynh thể hiện rất lo lắng vì họ cũng đã nhận biết được những biểu hiện tương tự của con mình trước đó. Phần lớn sự lo lắng đến từ việc mọi người vẫn còn mơ hồ về các khái niệm, hay nhầm lẫn giữa “tự kỷ” và “trầm cảm” hay “trầm cảm” và “tăng động”… Nếu am hiểu rõ về kiến thức và các liệu pháp thì các phụ huynh sẽ không lo sợ nữa, dễ dàng đối mặt với sự thật và giúp con vượt qua.

Trong tất cả các chứng bệnh và hội chứng liên quan đến tâm lý, liều thuốc tốt nhất chính là bố mẹ nên nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn với các con. Khi trẻ con sở hữu tài năng bẩm sinh dị biệt, điều chúng ta dễ thấy chính là sự tự hào của bố mẹ, nếu chỉ dừng lại ở niềm tự hào mà quên đi việc tìm phương pháp nuôi dạy phù hợp thì rất dễ khiến cho các con mắc phải các hội chứng tâm lý.

Và ở góc độ cá nhân, đang giữ những vị trí khác nhau ở các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước, kế hoạch có được manh nha sau khi anh nhận thấy những điều trên?

Tôi rất khao khát thành lập ra một tổ chức giáo dục dành cho các tài năng dị biệt và khám phá tiềm năng trí não cho trẻ phát triển sớm. Nhóm người này trong xã hội không nhiều, chỉ khoảng 1,2% dân số, vì số lượng ít và phân tán nên họ không có môi trường học tập phù hợp, đủ chuẩn để khai mở tài năng của bản thân. Thậm chí, tại nhiều quốc gia phát triển, họ cũng không có một cơ chế đặc thù riêng biệt dành cho các tài năng bẩm sinh. Điển hình cho điều này chính là trường hợp của thần đồng Vicky Ngô, một bé người Việt ở New Zealand, gia đình phải đấu tranh lắm mới thuyết phục được Bộ Giáo dục nước này chấp nhận cho cháu học đại học vào năm 13 tuổi và hiện cháu đã tốt nghiệp 2 bằng đại học tại trường top 1 thế giới ở tuổi 15.

Bạn thử nghĩ xem nếu bạn cho một đứa trẻ thần đồng học trong môi trường với cách dạy và giáo trình của nhóm trẻ bình thường thì điều gì sẽ xảy ra? Trẻ thần đồng sẽ chán học, những điều chúng nói và nhận định sẽ không được tiếp nhận bởi bạn bè và bị xem là “lập dị”… Chúng sẽ dễ mắc phải những hội chứng tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Nếu không có những chương trình tìm kiếm tài năng như Siêu trí tuệ hay Siêu thử thách thì xã hội chúng ta sẽ lâu lắm mới có thể nhìn thấy một góc khuất của thế giới mình đang sống, nơi mà các tài năng đang ẩn dật và thực sự không có nhiều cơ hội để phát triển bản thân.

Báo Thanh Niên
26.12.2021
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top