Từ khi có Luật Nhà ở năm 2005, chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM là tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo không gian sống, nâng cao chất lượng sống cho công nhân, người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả phát triển nhà ở xã hội đạt được luôn tăng qua các giai đoạn.

Tháng 3.2022, TP.HCM hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án với diện tích đất 4.299,8m2, 32.668,4m2 sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ.

Nhà ở xã hội: Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất 17,54 ha, 517.689,7m2 sàn xây dựng, quy mô 6.231 căn hộ (trong đó có 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020, 4 dự án động thổ, khởi công trong năm 2022).

Nhà lưu trú công nhân: Hiện nay, trên địa bàn TP đang triển khai 2 dự án nhà lưu trú công nhân, với diện tích đất 2,60ha, 120.624m2 sàn xây dựng, quy mô 1.400 phòng.

Nhu cầu 10 năm tới vẫn gấp nhiều lần, lời giải nào?

Như vậy, so với nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp, công nhân cần nhà ở, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 16%.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội thời gian qua có một số khó khăn, vướng mắc:

- Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lê 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức…

- Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội: chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước để thực hiện dự án.

- Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

- Theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế.

- Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định.

- Thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian.

- Việc sắp xếp, xử lý đất đai do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc có nguồn gốc từ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để đưa vào xây dựng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý tài sản công chậm được triển khai.

- Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài.

- Cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

- Nhà nước chưa có cơ chế huy động nguồn lực từ các đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội để hình thành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua các ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở.

Báo Thanh Niên
23.10.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.