>> LAM YÊN
Copacabana là điểm hành hương nổi tiếng ở Bolivia nằm cạnh hồ nước ngọt cao nhất thế giới Titicaca.
Tôi đi xe buýt từ La Paz (thủ đô Bolivia) đến Copacabana. Thị trấn cảng xinh đẹp này nép mình trong vịnh nhỏ nhìn ra hồ Titicaca, lưng tựa vào một sườn đồi thoai thoải với những ngôi nhà nhiều màu sắc.
Ngày thường Copacabana khá yên tĩnh, chỉ nhộn nhịp một chút từ 10 giờ sáng đến 2 giờ rưỡi chiều khi nghi lễ ban phước lành cho... xe cộ được tiến hành. Việc xin phép lành cho xe cực kỳ quan trọng đối với những người hành hương và các công ty vận chuyển đường dài. Họ mang xe được trang trí hoa, ruy băng và cờ đến khẩn xin vị thánh bảo trợ của Bolivia là Thánh nữ đồng trinh (Đức Bà) bảo vệ. Chủ sự lễ là cha trong nhà thờ tưới rượu lên xe rồi làm phép chúc xe được an toàn. Vào cuối tuần hoặc những ngày từ thứ sáu tuần thánh đến chủ nhật phục sinh, lễ được làm long trọng hơn.
Nổi bật giữa thị trấn là thánh đường thờ Thánh nữ. Ông Javier, người dân địa phương, cho biết cuối thế kỷ 16, những người đánh cá trên hồ Titicaca bị kẹt trong một cơn bão dữ dội. Hoảng loạn, họ chỉ còn biết cầu nguyện. Khi ấy, Thánh nữ hiện ra và bảo vệ họ an toàn. Để tỏ lòng biết ơn, họ tạc tượng Thánh nữ và cũng từ đó bà đã làm phép lạ, ban ơn cho rất nhiều người. “Thánh nữ thiêng lắm, ngày xưa Bolivia giành được độc lập (năm 1825) là nhờ sự phù hộ của bà. Những hành động bất kính với tượng thánh đã bị bà trừng phạt nặng nề”, ông Javier nói.
Tượng Thánh nữ chỉ cao khoảng 1 m nhưng phục trang lộng lẫy, đội vương miện vàng, một tay ôm hài nhi, tay kia cầm ngọn nến. Dưới chân bà là con thuyền bạc tượng trưng cho mặt trăng, vầng hào quang vàng sau đầu Thánh nữ tượng trưng cho sức mạnh của mặt trời.
Người người lũ lượt đến quỳ bên tượng thánh, kể lể những nỗi niềm và khó khăn của mình, có người còn khóc lóc rất thành tâm. Rồi họ sờ và hôn vào áo Thánh nữ với niềm tin rằng lời nguyện của mình sẽ được bà lắng nghe và ban phúc.
Dù lễ hội Thánh đồng trinh diễn ra từ ngày 2 - 5.2 nhưng trước đó nhiều ngày thị trấn Copacabana đã chộn rộn, người hành hương, vũ công khắp nơi ở Bolivia và Peru đổ về đây để cầu nguyện, nhảy múa, ăn mừng với nhau.
Hàng ngàn người xuống đường nhảy múa những điệu truyền thống, uống bia và ca hát. Đoàn người mỗi khu mặc một đồng phục, tất cả đều rực rỡ sắc màu. Nếu biết mỗi bộ đồ có giá hơn trăm USD (gần bằng thu nhập cả tháng của người dân ở đây) mới biết họ “máu” đến chừng nào. Không có tiền mua đồ thì… thuê. Khi diễu hành ngoài đường như thế này, không ai được thù lao cả. Riêng việc tập hợp được hàng ngàn người cùng mặc đồng phục nhảy múa như thế cũng là việc không dễ dàng. Vào ngày thứ ba của lễ hội, 100 con bò đực được tập trung trong bãi đá dọc theo đường Yampupata và những người cảm thấy mình dũng cảm sẽ nhảy vào đấu trường, cố gắng tránh bị tấn công.
Tôi theo chân đoàn người hành hương lên núi thiêng Calvario. Ngay dưới chân núi, rất nhiều người bán những hòn cuội nhỏ được lấy từ hồ Titicaca.
“Cuội màu trắng sẽ mang lại sức khỏe cho gia đình nên được mọi người mang về nhà. Cuội màu xám mang những mong ước của mình nên người hành hương sẽ dâng lên Thánh nữ”, chị Quỳnh Dao, người Việt Nam sống tại Peru cùng chồng đến dự lễ hội, cho biết.
Mọi người vừa leo lên đỉnh núi vừa cầu khẩn. Cứ vài chục mét, những người hành hương lại dừng trước cây thánh giá bằng đá (do người dân dựng dọc đường lên đỉnh để cám ơn Thánh nữ đã phù hộ, giúp họ đạt được ước nguyện). Họ cầu nguyện rồi đặt hòn cuội nhỏ lên thánh giá để “nhắc nhở” Đức Mẹ đừng quên lời cầu nguyện của họ.
Đường lên núi gập ghềnh và dốc nhưng người dân lũ lượt leo, thậm chí người tàn tật cũng nhờ người nhà cõng lên núi xin ơn chữa lành, đủ thấy niềm tin của họ vào Thánh nữ mãnh liệt thế nào.
Từ đỉnh núi nhìn xuống, toàn cảnh Copacabana bên hồ Titicaca hiện ra thật đẹp. Trên đỉnh núi có một điện thờ nhỏ để bản sao tượng Thánh đồng trinh. Mỗi ngọn nến tượng trưng cho một điều ước nên nến được thắp la liệt dưới chân tượng.
Xung quanh đỉnh núi có bán nhiều hàng mã như nhà cửa, ô tô, tiền bạc… tượng trưng cho những điều con người muốn cầu xin. Ai xin gì thì mua đồ dâng lên, hy vọng sẽ được Thánh nữ ban cho trong năm mới.
Tôi không biết, với ngần ấy lời cầu khẩn của hàng ngàn con người đổ về mỗi dịp lễ, Thánh nữ đồng trinh sẽ nhận lời họ thế nào. Nhưng có lẽ niềm tin ấy đã giữ cho những người con Nam Mỹ cái tâm đơn sơ đáng quý, để mỗi năm lại mấy lần gặp nhau trong tiếng nhạc rộn ràng, phục trang rực rỡ, trao nhau những nụ cười hiền và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Lam Yên