Vùng đất Đại Lại (nay là xã Hà Đông, H.Hà Trung, Thanh Hóa), nơi sinh ra nhà cải cách mà đến nay hậu thế vẫn chưa thôi tranh cãi - Hồ Quý Ly. Vùng đất này hơn 600 năm trước đã chứng kiến những biến động lớn lao của nhà nước Đại Việt. Vùng đất đã được các tôn thất nhà Trần chọn làm một trong những nơi lánh nạn khi loạn Dương Nhật Lễ xảy ra, rồi từ đây tiến về Thăng Long lấy lại ngôi nước từ tay dị tộc. Và đây lại cũng chính nơi đánh dấu sự nghiệp của vương triều Trần, mở ra một triều đại mới do Hồ Quý Ly khởi dựng.

Chỉ tiếc, công cuộc kháng Minh của họ Hồ thất bại, đất nước chìm trong loạn binh đao, đô hộ. Những đền đài cung điện nơi đây cũng thành phế tích, chỉ có núi Kim Âu vẫn sừng sững, như một chứng nhân câm lặng của quá vãng đầy biến động hơn 600 năm trước.

Trải bao biến động suốt hơn nửa thiên niên kỷ, những cung điện nguy nga, những lầu son, gác tía lưu dấu thời đại Trần - Hồ đã bị vùi sâu trong lòng đất, nhường chỗ cho cây rừng ken đặc. Mãi đến năm 1942 của thế kỷ trước, Bảo Thanh cung mới phát lộ.

Bấy giờ, nhân một chuyến điền dã ở vùng sông Lèn, GS Hoàng Xuân Hãn đã tình cờ phát hiện những dấu tích nền móng của một công trình cổ trong khu vực được gọi là “vòng tay ngai” phía tây nam của núi Kim Âu (núi Đại Lại), cách sông Lèn chừng 1 km. Ngắm hình sông thế núi cùng với trực giác của một nhà nghiên cứu hàng đầu, GS Hoàng Xuân Hãn đã nghĩ ngay đến Bảo Thanh cung (hay còn gọi là Ly cung Trần - Hồ) được ghi trong nhiều tài liệu lịch sử. Sau này, với các đợt khai quật khảo cổ, làm xuất lộ nền móng cùng nhiều hiện vật quan trọng, đã khẳng định phát hiện của GS Hoàng Xuân Hãn là hoàn toàn chính xác.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Ly cung nhà Hồ nằm ở thôn Trung, xã Kim Âu, H.Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, H.Hà Trung, Thanh Hóa - NV). Quý Ly dựng Ly cung ở đây. Phía tả có lầu Đấu kê, lại dựng chùa Phong Công ở bên cạnh. Nay cung chỉ còn hai phiến đá tảng, ba cái giếng xây và dấu vết thành cổ mà thôi. Về phía tây thành lại có Dục thành đều xây đá hoa, khắc hình rồng, rùa, hoa, lá, dưới lát đá phiến bằng phẳng như mài, trên đặt máng tre để hứng nước khe ở sườn núi chảy vào, nay đá hoa mười phần chỉ còn lại một. Xét sử cũ Hồ Quý Ly dựng cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại rồi bắt ép vua Trần Thuận Tông ra ở, tức là chỗ này”.

Theo các tài liệu lịch sử, tháng 11 năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly đưa vua Trần Thuận Tông về cung Bảo Thanh ở hương Đại Lại. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa đông, tháng mười một, Quý Ly bức vua rời đô đến phủ Thanh Hóa. Trước là vua đi Yên Sinh bái yết các lăng, Quý Ly bắt ép vua cùng đến hành tại ở hương Đại Lại, gọi là cung Bảo Thanh…”. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng đây là cung điện nằm ở phía tây nam của núi Đại Lại được Hồ Quý Ly cho xây dựng cùng thời điểm với thời điểm xây dựng Thành Tây Giai (Thành nhà Hồ). Vì vậy, vào thời điểm nhà Trần rời đô về Thanh Hóa, Thành Tây Giai vẫn chưa chưa xây dựng xong, thì Bảo Thanh cung tại Đại Lại (quê hương của Hồ Quý Ly) chính là kinh đô tạm thời của vương triều Trần.

Cũng tại Bảo Thanh cung, Hồ Quý Ly đã ép vua Trần Thuận Tông (con rể Hồ Quý Ly) nhường ngôi cho con trai mình là hoàng thái tử Án (gọi Hồ Quý Ly là ông ngoại) mới 3 tuổi, để làm Thái thượng hoàng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng ba, ngày 15 (năm Mậu Dần, 1398 - NV), Quý Ly bắt ép vua phải nhường ngôi cho hoàng thái tử Án… Hoàng thái tử Án lên ngôi (Thiếu đế - NV) ở Bảo Thanh cung, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất, đại xá thiên hạ… Ngày hôm ấy lên ngự điện ở kinh đô mới…”. Điều này có nghĩa, sau khi Thiếu đế lên ngôi ở Bảo Thanh cung thì được Hồ Quý Ly đưa về Thành Tây Giai. Còn Bảo Thanh cung trở thành nơi “giam lỏng” Thái thượng hoàng Trần Thuận Tông. Và có lẽ, cái tên Ly cung ra đời là vì vậy (?). Từ đây, Hồ Quý Ly từng bước đẩy nhanh quá trình đổi thay triều đại, chấm dứt sự nghiệp của nhà Trần.

Có thể nói, công trình Ly cung Trần - Hồ (Bảo Thanh cung) gắn chặt với tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Quý Ly. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc Hồ Quý Ly chọn quê hương Đại Lại của mình làm kinh đô tạm thời trong giai đoạn xây dựng Thành Tây Giai nhằm thực hiện kế hoạch cô lập, khống chế vua tôi nhà Trần để đoạt thiên hạ, đồng thời cũng nhằm chuẩn bị lực lượng để kình chống sự xâm lược của nhà Minh mà ông biết chắc sẽ xảy ra nếu ông thay đổi triều đại, lấy nước từ tay của nhà Trần. Đây sẽ là cái cớ không thể tốt hơn cho nhà Minh phát động cuộc xâm lược Đại Việt…

Hiện nay, phế tích Ly cung Trần - Hồ đã được xác định trên khu vực rộng khoảng 2 ha, dưới chân núi Kim Âu, thuộc làng Kim Phát, xã Hà Đông, H.Hà Trung, Thanh Hóa. Di tích Ly cung được Viện Khảo cổ học khai quật vào những năm 1979, 1980, 1983 và 1985. Những đợt khai quật trên đã cho hậu thế một hình dung về quy mô của Ly cung thuở xưa, với các kiến trúc mang đậm dấu ấn Trần - Hồ. Các đợt khai quật cũng đã làm xuất lộ nền điện chính, một phần công trình phụ như tam quan, giếng ngọc, thành ngoài. Đồng thời, cũng đã xác định được các công trình sinh hoạt trong cung như bến tắm, suối ngự, lầu Đấu kê, đình Vọng nguyệt... Hiện rải rác trong khu di tích là những mảnh phế tích của kiến trúc cũ đã bị đổ nát…

Dẫn tôi ra thắp hương trên ban thờ phía sâu bên trong phế tích Ly cung, cụ Phạm Thị Ngoan (người trông coi di tích) bảo, mấy hôm trước bà vừa cho thuê người vào phát quang cỏ dại, nên hôm nay mới có thể vào thắp hương được dễ dàng. Trên ban thờ được bố trí 3 chiếc bát hương đại, ở giữa thờ Hồ Quý Ly, bên tả thờ Hồ Hán Thương (con trai Hồ Quý Ly) và bên hữu thờ vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly). “Trước người dân địa phương tự ý xây cái bệ gạch giữa trời để thắp hương. Bệ rạc lắm. Từ khi tôi tự nguyện lên đây trông coi di tích gần 20 năm nay, tôi mới mời nhà sư về làm lễ tôn bát hương để thờ các ngài. Là do cái tâm tôi muốn thế chứ chẳng ai bảo tôi phải thế…”, cụ Ngoan giãi bày.

Đứng bên tấm bia ở ngay nơi được xác định là sân điện của Bảo Thanh cung, dù chả biết tí chữ nho nào, nhưng cụ Ngoan giải thích, nói về nội dung ghi trên bia tương đối sát với những tài liệu mà các nhà nghiên cứu công bố. “Tôi chả đọc được chi, nhưng nghe các bác ở tỉnh, ở T.Ư về đây nói, thì nhập tâm, kể lại cho anh nghe thôi…”, cụ Ngoan thật thà. Tấm bia đá mà cụ Ngoan giới thiệu cho tôi có tên là “Kim Âu tự bi” đề thơ của vua Lê Tương Dực, soạn năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), nhân chuyến nhà vua đi lễ bái lăng miếu tổ tiên nhà Hậu Lê ở Lam Kinh về qua nơi đây. Nội dung tấm bia ca ngợi cảnh sắc tươi đẹp của vùng đất Đại Lại và phê phán nhà Hồ, ca ngợi nhà Trần. Trên bia có đoạn: “… Dấu tích các triều xưa nay vẫn như nguyên, nhưng thấy hương án mờ bụi, âm u rừng già, đèn hoa có mấy khi làm sáng nơi bảo tọa huy hoàng. Một ngọn lâu đài, vang tiếng chày kình, nhân lúc dư nhàn cảm hứng dạo quanh đề vịnh đôi bài để viếng cảnh vậy”.

Ông Phạm Văn Trường, Phó chủ tịch UBND xã Hà Đông, bảo rằng sau nhiều lần khảo cổ, các cơ quan chức năng đã cho lấp lại các hố khai quật để bảo vệ di vật nền móng bên dưới. Hiện ở đây mới làm cái nhà bia và xây tường rào bảo vệ tạm thời. Từ năm 1997, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, nhưng việc đầu tư trùng tu, tôn tạo hầu như chưa thực hiện được gì.

“Mang tiếng là Di tích lịch sử quốc gia, nhưng anh thấy đấy, hiện nơi đây chỉ là một đống hoang tàn đổ nát. Cũng may mà còn có tấm bia cùng ít viên gạch, đá lộ trên mặt đất, chứ không thì ai biết nơi đây từng có những đền đài cung điện. Chính quyền và người dân địa phương rất mong nhà nước quan tâm phục dựng lại di tích Ly cung, chứ để hoang tàn như thế này thấy không phải với tiền nhân”, ông Trường nói.

Báo Thanh Niên
22.01.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.