>> QUANG VIÊN

Ở VN, chỉ vài nơi được phép nhập động vật quý hiếm. Bùi Hồng Thụy, Giám đốc Công ty Vườn thú Đông Dương, được xem là người nhập thú số 1 VN hiện nay.

Nửa đêm, ông Thụy điện thoại cho tôi thông báo: “1 giờ 30 sáng, hai con báo sẽ xuống kho hàng sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó đưa về khu du lịch Mỹ Quỳnh (Long An). Ông muốn biết thì ra ngay”.

Đúng 1 giờ 30, tôi có mặt tại cổng TSC - kho hàng sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Thụy cùng nhân viên chăm sóc thú, tài xế xe tải đã đợi sẵn ở khu vực nhận hàng. “Hai con báo bay từ Indonesia, quá cảnh Malaysia rồi mới về tới đây. Nó ở trong hai thùng đằng kia, nhưng phải đợi làm thủ tục rồi mới di chuyển được”, nói rồi ông Thụy chìa tôi xem hóa đơn vận chuyển. “Vé bay” của chàng báo đen và nàng báo gấm từ Indonesia về đây tới hơn… 330 triệu đồng (14.500 USD). 

Với động vật nhập khẩu, đặc biệt là những loài quý hiếm như hai con báo này, thời gian vận chuyển đến khu nuôi cố định phải khẩn trương để phòng bất trắc. “Hầu hết thú nhập về đến sân bay là nửa đêm và thường phải dỡ hàng ngay, không thể để qua đêm như các loại hàng khác”, ông Thụy nói.

Sau các thủ tục nhanh gọn, hai thùng nhốt báo được đưa ra ngoài. Chiếc thùng 1,5 x 1,2 x 0,8 m đóng kín mít, chỉ chừa những lỗ lưới thép bé xíu nên không thể thấy “mặt dài mặt ngắn” hai con báo ra sao. Nhân viên chăm sóc thú rưới nước suối vào trong thùng cho báo uống rồi dùng xe nâng bốc lên xe tải. Có lẽ do sinh ra tại vườn thú, gần gũi với người nên hai con báo thuộc loài ăn thịt này rất hiền, âm thanh va đập, tiếng xe, tiếng người ồn ào cũng không làm nó phản ứng. Khi được cán bộ thú y kiểm dịch xong, xe mới chuyển bánh, lúc này đã gần 3 giờ sáng.

Đường vắng, nhưng xe vẫn chạy chỉ 50 - 60 km/giờ. “Chở báo mới chạy vận tốc đó, chứ chở hươu cao cổ, hà mã, tinh tinh... chỉ chạy tối đa 40 km/giờ thôi. Chạy nhanh không an toàn sức khỏe cho chúng”, ông Thụy giải thích rồi tiết lộ thêm một chi tiết khá thú vị là trước khi thú về nhập chuồng, vườn thú nào cũng làm lễ cúng. Có những vườn thú không cúng thì y như rằng thú nuôi có vấn đề (!?).

Hơn 1 giờ sau, thú về đến khu du lịch Mỹ Quỳnh. Chuồng nhốt được chia làm hai khu che chắn bằng bê tông và song sắt rất kiên cố. Khu chuồng ép khá hẹp được coi như phòng chờ để sau khoảng một tháng khi đã thích nghi, báo sẽ được đưa ra chuồng ngoài trời rộng và thoáng hơn.

Dù là cặp đực - cái sau này sẽ cho chúng kết đôi sinh sản, nhưng thời gian đầu chàng và nàng phải sống riêng. Cửa chuồng được kéo lên, chú báo đực đen tuyền nhanh như chớp tót vào, tè luôn một phát “đánh dấu lãnh địa”; còn cô báo gấm cũng lẹ làng bước vào chuồng của mình.

Lúc này, vườn thú lại “sôi động” lên khi có “khách lạ”. Các chú gấu ngựa chuồng bên đồng loạt thức dậy gầm gừ, đứng thẳng hai chân, dỏng tai, ghé mắt sát cửa chuồng tò mò xem rất lâu.

Một bữa tiệc thịt bò tươi được dọn sẵn cho “hai vị khách” mới. Quẳng miếng thịt nào vào chuồng là chàng báo đen và nàng báo gấm ngoạm rất nhanh, nhai ngấu nghiến. Hẳn là trên chuyến bay dài tốn hàng trăm triệu “tiền vé”, những “hành khách bốn chân” này không được phục vụ bữa ăn.

Ông Bùi Hồng Thụy không thể nào quên hành trình đưa đàn hươu cao cổ 40 con về VN năm 2004 phải đi qua 5 nước trong 5 ngày đêm. Từ Nam Phi, đàn hươu phải di chuyển bằng máy bay chở hàng đến Amsterdam (Hà Lan) rồi theo đường bộ đến Brussels (Bỉ), lên máy bay về Thái Lan. Từ đây chúng lại được chở theo đường bộ băng qua Lào về VN qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) rồi sang xe về TP.HCM.

Ông Thụy chia sẻ: “Vận chuyển hươu cao cổ số lượng khủng như vậy về VN vô cùng vất vả. Trước tiên là phải tìm được máy bay có thể chở những chú hươu cao trên dưới 2,5 m này. Mất cả tháng trời mới có hãng máy bay chấp nhận chở chúng. Còn hành trình đường bộ, xe chỉ được phép chạy dưới 40 km/giờ và phải thật đều ga, nếu không cổ hươu bị rung lắc nhiều sẽ dẫn đến vỡ mạch máu, dễ hoại tử cơ cổ làm hươu chết trên đường vận chuyển. Tôi từng lỗ sặc máu vì chuyện này”.

Còn chuyện vận chuyển tinh tinh đúng là rơi nước mắt.

Lúc đó, một cặp vợ chồng tinh tinh đã nhập về từ trước cho “tạm trú” ở Thảo Cầm Viên (TP.HCM) một thời gian rồi mới chuyển ra vườn thú Hà Nội. Rất khó khăn mới dụ được cặp tinh tinh vào chuồng vận chuyển, nhưng khi lên xe thì chú tinh tinh đực không chịu đi, nó dùng hai tay đập mạnh vào ngực phản đối. Ê kíp vận chuyển quyết định quay xe về lại nhưng không kịp. Chú tinh tinh đã vỡ tim chết dù các bác sĩ thú y ra sức cấp cứu.

Một con tinh tinh khác được nhập về từ vườn thú ở Malaysia năm 2017 cũng làm ông Thụy và cộng sự khó quên. Được nuôi từ nhỏ tại vườn thú nên con tinh tinh này rất thân thiết với người chăm sóc. Khi đưa sang VN, nhân viên nuôi tinh tinh phải đi cùng và nó cứ ôm riết anh. Trước khi rời VN, anh chàng này phải “tâm sự” rất lâu và còn gọi điện thoại video cho cô nhân viên cũng từng nuôi nó “nói chuyện” mới thuyết phục được nó chấp nhận “định cư” tại VN. Chia tay tinh tinh, anh chàng Malaysia cứ ôm nó khóc, lúc đó nhiều người cũng thấy tinh tinh nhỏ lệ…

“Tinh tinh là loài thú quý hiếm, cực kỳ khôn và nhạy cảm với môi trường sống, nên người nuôi nó phải đối xử tử tế và yêu thương như con”, anh Trần Ngọc Út, nhân viên chăm sóc thú, thổ lộ.

Tuy vậy, những nhà cung cấp có niềm vui lớn là được mang về VN thú quý hiếm hoặc những loài thú mà VN chưa có.

“Tôi hạnh phúc vô cùng khi nhìn những con thú do mình nhập lớn lên từng ngày, sinh sản được, gần nhất là hậu duệ con tê giác nhập về từ châu Phi cho Safari Phú Quốc đã sinh con vào ngày 3.4.2019”, ông Thụy bày tỏ.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Quang Viên

Báo Thanh Niên
21.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.