>> NGỌC AN (thực hiện)

Trong suốt những năm qua, chị đã phục dựng hàng loạt tác phẩm opera (nhạc kịch) kinh điển của VN và thế giới để đưa đến công chúng trong nước.

Chị là nữ đạo diễn opera duy nhất, cũng như nằm trong số ít ỏi đạo diễn opera tại VN. So với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác ở VN, tại sao opera lại “kén” đạo diễn đến vậy?

Do đặc thù của thể loại nhạc kịch đòi hỏi người đạo diễn vừa phải hiểu biết về âm nhạc, tức là có thể đọc được tổng phổ, vừa phải biết về nghệ thuật đạo diễn sân khấu. Bởi lẽ, chìa khoá của tác phẩm được tác giả giấu không chỉ ở mặt chữ mà còn ở trong các nốt nhạc. Mặt khác, do tính phổ cập còn hạn chế khi mang tinh hoa nghệ thuật opera phương Tây vào VN. Tại VN, nhạc kịch còn khá mới mẻ, kén khán giả, và thực sự chưa có được những điều kiện cần thiết để giúp nó phát triển một cách mạnh mẽ. Chính vì thế mà công việc này khá kén người, nên đội ngũ đạo diễn nhạc kịch hiện nay còn quá mỏng.

Vậy điều gì đã đưa chị đến với opera?

Mối nhân duyên của tôi và nhạc kịch thật tình cờ. Năm 1997, tôi đọc báo thấy Nhà hát Nhạc vũ kịch VN tuyển diễn viên. Tôi hăm hở đăng ký tham gia. Đúng lúc đó, nhà hát đang công diễn vở nhạc kịch La vie parisienne (Cuộc sống Paris) tại Nhà hát Lớn. Tôi đến xem và đã bị mê hoặc ngay từ phút giây đầu tiên.

Tôi luôn thầm cảm ơn những người đã “gieo duyên” cho tôi với nhạc kịch như NSƯT Lê Gia Hội - người đóng vai nam chính trong vở năm ấy và sau này cũng chính là người thầy đã dìu dắt tôi suốt 5 năm học đại học chuyên ngành Thanh nhạc tại Nhạc viện, cũng như trong suốt sự nghiệp ca hát của mình; NSƯT Hà Thủy hay NSƯT Mạnh Chung, Mạnh Tuấn...

Khi vào nhà hát, tôi nhận thấy mỗi lần chuyên gia nước ngoài sang dàn dựng vở, sau khi họ về nước, những vở diễn lại “xếp kho”. Tôi thấy tiếc những vở diễn “tốn công, tốn của” như vậy nên tôi thường ghi chép rất cẩn thận và đề xuất xin được đứng ra dàn tập lại thành những kịch mục thường niên cho nhà hát.

Và cứ thế, tôi cùng với các đồng nghiệp của mình từng bước trưởng thành. Chính những đạo diễn nước ngoài phát hiện ra tố chất và khả năng của tôi. Họ đã đề xuất cử tôi đi học đạo diễn sau những dự án mà tôi tham gia với vai trò là trợ lý đạo diễn - mà lại còn là “trợ lý rất bướng”. Thế là tôi thi vào học đạo diễn sân khấu tại trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Đồng thời, tôi tích cực xin học bổng nước ngoài để đi học các khoá học bổ sung những kỹ năng mà một người đạo diễn opera cần có. Cho đến ngày tôi công diễn vở opera đầu tay của mình thì một trong những người đã cấp học bổng cho tôi đến dự, đó là bà Almuth Meyer - Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội. Bà có nói với tôi rằng: “Bạn không cần phải xin học bổng nữa, bạn đã có trong tay mọi thứ bạn cần, hãy sử dụng nó”.

Là một đạo diễn mà lại là phái nữ, chị có gặp nhiều khó khăn trở ngại?

Làm nữ đạo diễn đã khó, làm nữ đạo diễn nhạc kịch còn khó khăn hơn gấp bội khi bạn phải “cầm trịch” cả một ê kíp toàn người giỏi từ nhạc công, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ hát cho đến ê kíp sáng tạo thuộc hàng “sao”! Không giỏi, không làm được nhạc kịch!

Với những khó khăn của nền nhạc kịch VN, chị đã phải “xoay sở” thế nào?

Trên thế giới, nhạc kịch cũng đầy rẫy khó khăn, bởi để dàn dựng được tác phẩm đều ngốn kinh phí với rất nhiều con số. Họ đều phải trông chờ vào các nguồn tài chính khác, mặc dù luôn bán hết vé với giá cao. Còn ở VN, ngoài khó khăn về mặt tài chính, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn về mặt nhân lực trong các khâu. Đặc biệt là diễn viên cho dòng nhạc kịch. Tôi không có nhiều sự lựa chọn khi mà số lượng các ca sĩ đầu quân cho thể loại này còn quá ít và số lượng nghệ sĩ có thể đảm nhiệm vai chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khó khăn khác là về nơi biểu diễn. Phải nói thật rằng ở VN, chưa có một nhà hát thực sự nào dành cho nghệ thuật opera. Điều này có thể khiến nhiều người sốc, nhưng ngay như Nhà hát Lớn tại Hà Nội vốn được coi là bản sao thu nhỏ của nhà hát ở Paris (Pháp) có lẽ đến giờ chỉ đúng với cái vỏ ở bên ngoài thôi. Nhà hát không đáp ứng được về mặt chất lượng âm thanh, hay có nhiều hạn chế về mặt thiết kế sân khấu, thiết kế ánh sáng…, mặc dù hiện nay địa điểm này vẫn là sự lựa chọn số 1.

Hình ảnh trong vở opera Maria de Buenos Aires

Dàn dựng opera tại VN bạn phải rất tỉnh táo để biết mình có gì trong tay, từ đó lựa chọn phong cách cho vở và thủ pháp dàn dựng mà vẫn tuân thủ những thuộc tính của nghệ thuật opera. Nếu không ước mơ chỉ là mơ ước mà thôi!

Tôi là người thực tế nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Tất cả những câu chuyện mà tôi kể trên sân khấu, cho dù là câu chuyện về chiến tranh xảy ra từ khi tôi chưa ra đời hay những câu chuyện từ những châu lục xa xôi thì khán giả của tôi đều thấy nó thật gần gũi và sống động với ngày hôm nay. Họ chiêm nghiệm được nhiều thứ trong đó và đồng cảm với tôi về gìn giữ giá trị của chân, thiện, mỹ mà tôi đã đặt vào tác phẩm. Tôi luôn không cho phép mình “phơi ra” những khó khăn nan giản để bao biện cho chất lượng nghệ thuật.

Tôi vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó rất gần thôi, nhạc kịch ở VN sẽ phát triển mạnh mẽ. Niềm tin của tôi hoàn toàn có cơ sở khi gần đây Nhà hát Nhạc vũ kịch VN dưới sự dẫn dắt của NSƯT Trần Ly Ly đã thực sự trỗi dậy với một loạt những công trình nghệ thuật chất lượng cao và vé được bán hết trước khi biểu diễn. Đó là những tín hiệu tích cực. 

Để giải quyết những vấn đề khó khăn của nhạc kịch, theo chị, phải bắt đầu từ đâu?

Khán giả bây giờ có thể dễ dàng xem những trích đoạn, tác phẩm kinh điển của những nhà hát nổi tiếng trên thế giới trên YouTube. Vậy, bằng cách nào ta có thể khiến họ bỏ tiền ra và ngồi trong nhà hát mấy tiếng đồng hồ để thưởng thức? Chỉ có cách là không ngừng tiến tới chuyên nghiệp hoá sản xuất opera và điểm xuất phát chính là chuyên nghiệp ngay từ trong khâu đào tạo.

Tôi cho rằng các cơ sở đào tạo chuyên ngành thanh nhạc cổ điển của ta nên đưa những môn kỹ thuật biểu diễn, giải phóng hình thể, khiêu vũ, múa vào giảng dạy bên cạnh việc học hát. Điều đó sẽ trang bị cho các sinh viên những kỹ năng cần thiết, tạo nền tảng vững chắc để làm nghề và tăng nguồn nhân lực cho các nhà hát opera.

Từng không ít lần tiếp cận những “thánh đường” của opera tại châu Âu trong vai trò nghệ sĩ biểu diễn và trợ lý đạo diễn, chị đánh giá gì về tố chất nghệ sĩ Việt?

Người VN mình có một niềm kiêu hãnh đặc biệt khi phải ra đấu trường quốc tế. Chúng ta biết mình ở đâu nên ham học hỏi và cầu tiến. Bởi vậy, các chuyên gia nước bạn bao giờ cũng đánh giá rất cao những nỗ lực và ý chí của con người VN. Khi được biết nghệ sĩ Việt bám nghề trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, họ đều rất khâm phục.

Gia đình trở thành điểm tựa thế nào để chị có thể duy trì tình yêu với nhạc kịch - thứ được cho là “làm thật ăn giả”?

Tôi phải thú nhận tôi là một “đứa” rất bướng, “bướng” để sống với những đam mê. Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật, và cũng không yêu nghệ thuật lắm đâu, nhưng vì yêu cái sự “bướng” nên đã ủng hộ để tôi có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê của mình.

Các con tôi tự bảo ban nhau học hành những khi mẹ vắng nhà hay lúc mẹ đi dựng vở. Mọi người trong gia đình tôi đều biết rằng, thời gian tôi dựng vở, tôi sẽ ăn, ngủ với công việc cho đến khi hoàn thành thì thôi. Tôi thấy mình nợ họ quá nhiều!

Chị nghĩ mình mang “sứ mệnh” nào với nhạc kịch Việt?

Nói sứ mệnh thì nghe hoa mỹ quá nhưng đúng là cuộc đời tôi đã gắn liền với nhạc kịch. Tôi luôn cho rằng đó là bổn phận của mình, bởi tôi được như ngày hôm nay là nhờ biết bao công lao dạy dỗ, chỉ bảo của các thầy cô, các bậc tiền bối, các anh chị em đồng nghiệp, các cấp lãnh đạo và gia đình đã luôn tạo điều kiện cho tôi trong suốt hơn 10 năm học trong và ngoài nước. Hơn nữa, mỗi sớm mai thức dậy, được làm nghề khiến tôi thấy hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc của tôi không phải chỉ để thoả mãn đam mê của cá nhân mà còn có ích cho nhiều người và cho nhạc kịch Việt. Vậy nên, vẫn biết con đường phía trước còn nhiều gian truân trắc trở, nhưng khi đã lựa chọn, tôi chấp nhận đối đầu với mọi khó khăn.

Tôi vào nhà hát từ khi 19-20 tuổi, cống hiến 23-24 năm trong suốt quãng đời thanh xuân đẹp đẽ của mình. Ở đâu đó, tôi vẫn được gọi là “đạo diễn trẻ”. Dù vậy, tôi cho rằng điều đó không có nghĩa là họ đánh giá tôi non trẻ trong nghề, mà có lẽ họ ưu ái và có ý khích lệ tôi là người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, năng động trong cách nghĩ, cách sáng tạo, và nhất là được quyền... sai.

Xin cảm ơn chị! 

Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
19.04.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.