Antonio là người lớn lên ở Madrid. Khi tôi ngỏ ý muốn đi thăm thành phố này, địa điểm cậu giới thiệu đầu tiên là đền thờ Debod. Một cái tên không thuộc về Tây Ban Nha.
Vào đầu thế kỷ thứ 2 TCN, vua Adijalamani của Meroe cho xây một đền thờ nhỏ dành cho thần Amun của Debod và nữ thần Isis của Philae. Ngôi đền được xây dựng đầu tiên ở Aswan, gần thác nước lớn thứ nhất của sông Nin, Hạ Nubia, miền nam Ai Cập. Đó là nơi khởi sinh ra ngôi đền Debod tại Madrid ngày nay.
Chỉ có pharaon và các thầy tư tế mới được vào cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ hay tổ chức cúng dường. Trên các phiến đá có khắc hình ảnh nghi thức nhà vua dâng cúng các vị thần linh và hoàng đế La Mã Augustus với nhiều màu sắc.
Năm 635, các ngôi đền ở Philae, bao gồm cả ngôi đền Debod đã bị đóng cửa và bị bỏ rơi. Thế giới phương Tây bỏ qua Ai Cập và Nubia trong hơn 1.000 năm.
Đến tận thế kỷ 18, những kiến thức mà người châu Âu biết về Ai Cập cũng chỉ là sự kết hợp giữa huyền thoại và thực tế lấy từ nội dung của Thánh Kinh, của các tác giả Hy Lạp, những người hành hương thời Trung cổ và một số du khách đương thời. Không ai mạo hiểm vượt ra ngoài thành phố Cairo.
Năm 1812, Ai Cập trở thành một điểm đến thường xuyên cho các nhà thám hiểm và khách du lịch. Nubia nhanh chóng được khám phá. Họ có những mô tả và bản phác thảo của Debod, cung cấp thông tin giá trị về các phần của ngôi đền.
Những cuộc thám hiểm lớn sau đó được tổ chức bởi nhà vua nước Phổ, do Karl Richard Lepsius dẫn đầu từ năm 1842- 1849. Lepsius đã nghiên cứu chi tiết bên trong ngôi đền. Ông đã sao chép các văn bản và phù điêu. Chữ khắc của ngôi đền một lần nữa được đọc lại sau nhiều thế kỷ bị lãng quên.
Năm 1960 UNESCO đã kêu gọi sự viện trợ quốc tế nhằm cứu các công trình có nguy cơ bị hủy hoại do việc xây dựng đập lớn tại Aswan. Trong đó có sự đóng góp nhiệt tình của Tây Ban Nha.
Chính phủ Ai Cập đã trao tặng bốn ngôi đền cho các quốc gia để tỏ lòng biết ơn. Debod được đặt ở Tây Ban Nha, đền Taffa ở Leiden (Hà Lan), đền thờ của Dendur ở New York (Mỹ) và đền thờ đá cắt của el-Lessiya tại Turin (Ý).
Quá trình vận chuyển các khối đá của ngôi đền từ Ai Cập về Tây Ban Nha mất 10 năm. Hành trình bằng sà lan trên sông Nin đến Alexandria, sau đó được vận chuyển trên tàu chở hàng "Benisa" đến thủ đô cổ Ptolemaic và đi thuyền ra Valencia. Xe tải tiếp tục chở từ Valencia đến Madrid. Tổng cộng có 1.350 hộp đá. Đến năm 1972, công trình này chính thức được mở cửa, đón chào du khách thăm quan. Debod ngày nay nằm trên đồi hoàng tử Pius, số 1 đường Ferraz, bên cạnh cung điện Palacio Real và quảng trường Mayor của Tây Ban Nha.
Đền thờ có cấu trúc hai tầng, bao gồm hội trường, nhà nguyện, sân thượng và một bảo tàng nhỏ. Diện mạo ngày nay của Debod đã có phần khác xưa. Do sự tàn phá của thời gian và bị chìm sâu dưới nước nên những bức tường không còn màu sắc như ban đầu.
Công trình như lạc điệu với tất cả kiến trúc của Madrid này lại trở thành điểm nhấn cho thành phố. Antonio nói rằng, sở dĩ cậu thích Debod vì đây là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Madrid. Vì thế ngôi đền thường đông khách lúc chiều tà. Từ những vị khách phương xa đến những người trong thành phố, họ đến đây vãn cảnh, tìm hiểu lịch sử với chút tò mò.
Hay chỉ đơn giản là đàn hát trong một khung cảnh lãng mạn khi những tia nắng cuối ngày phủ lên ngôi đền một màu hoàng hôn huyền ảo. Tôi cứ đắm chìm trong hình ảnh đôi bạn trẻ ngồi bên nhau. Cô gái ôm cây đàn ukulele và hát, chàng trai mơ màng theo những giai điệu ấy. Bất giác tôi thấy ngôi đền huyền bí của Ai Cập xa xôi bỗng gần gũi đến lạ kỳ.
Một nơi vốn chỉ dành cho vua chúa tiến hành những nghi lễ linh thiêng ngày xưa, nay dành cho tất cả mọi người. Không còn khoảng cách về không gian và thời gian nữa, chỉ còn vẻ đẹp của tình yêu ở đó.
Từ vị trí đền, du khách cũng có được tầm nhìn bao quát cả thành phố. Tôi thích ngắm Debod khi chạng vạng tối. Thành phố hiện đại và những kiến trúc của Madrid chìm dần vào bóng tối cho những hình ảnh và ký ức cổ xưa của Ai Cập trở về huyền hoặc và kỳ bí giữa lòng châu Âu.