B

uổi trưa, tôi ra biên giới để sang Mông Cổ. Chở chúng tôi trên chiếc xe 7 chỗ là một phụ nữ hoạt động xuyên biên giới, nghĩa là bà có thể lái xe từ Nhị Liên Hạo Đặc bên Trung Quốc sang Zamin Uud ở phía bên Mông Cổ.

Bà là người Mông Cổ ở Nội Mông. Vào các buổi sáng, bà chờ ở bến xe trung tâm Nhị Liên Hạo Đặc, kiếm khách chở tới cửa khẩu và trong khi khách làm thủ tục xuất nhập cảnh thì bà chở hành lý của họ sang phía bên kia biên giới. Sau đó hành lý sẽ được chuyển xuống xe để soi chiếu bên phía Mông Cổ.

Hôm ấy, bà cứ chạy vòng vòng khắp thành phố kiếm khách làm tôi sốt hết cả ruột, sau rốt bà phóng xe một mạch ra cửa khẩu. Trên xe có tôi và 3 cô sinh viên Mông Cổ là Tuya, Selenge Ch và Sarangerel. Tôi vốn dĩ chờ đợi một hành trình dài ít cũng tầm 30 phút, nhưng hóa ra chỉ sau vài cú nhấn ga và bẻ tay lái, cửa khẩu đã hiện ra trước mặt. Nó nằm ngay bên hông thành phố.

Tuya, Selenge Ch và Sarangerel đều tầm tuổi đôi mươi. Tuya và Sarangerel từ Ulan Bator (Ulaanbaatar) tới Đại học Nội Mông ở Hô Hòa Hạo Đặc (Hohhot) học ngành kinh doanh. Selenge Ch cũng học kinh doanh nhưng trường cô đóng tại Ô Lan Bố Sát (Ulanqab).

Trong khi chờ xe chạy ra biên giới, Tuya và Sarangerel kể với tôi rằng hai cô chưa có hộ chiếu du học sinh, thành ra sau mỗi tháng đều phải làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Trung Quốc rồi tái nhập. “Hy vọng cuối năm nay bọn em xin được visa du học thời hạn 3 năm. Lúc đó đỡ vất vả”, Sarangerel bảo. Selenge thì học năm cuối, đã có visa du học sinh và hôm nay cô về quê thăm nhà. 3 cô gái này nằm trong số khoảng 10.000 du học sinh Mông Cổ tại Trung Quốc.

Khởi nguyên vùng đất Nội và Ngoại Mông này là một dải sa mạc và thảo nguyên nối liền, không phân chia ranh giới. Cưỡi ngựa từ thảo nguyên phía bắc phóng một mạch là tới sa mạc. Đến thời hiện đại, phân giới lãnh thổ quốc gia chặt chẽ rõ ràng, hóa ra trở thành rào cản đối với những người con của vùng đại mạc.

Hôm trước và buổi sáng ấy, tôi đã đi cùng đoàn người Mông, người Hồi từ Bắc Kinh lên đây, thấy qua một chặng trần ai, không dễ dàng phăng phăng như những con người sinh ra trên lưng ngựa, lớn lên và chết cũng trên lưng ngựa của một thời quá khứ. Giờ đây, tôi lại cùng 3 người con gái Mông Cổ vượt chặng đường ngắn nhưng cũng trần ai không kém.

Ở cửa khẩu phía bên Trung Quốc, một cái cổng hình cầu vồng bảy sắc to đùng hình như mới được dựng lên chưa lâu. Tôi nhận thấy trước lối vào cổng kiểm soát, xe tải chở hàng từ Trung Quốc vào Mông Cổ tập kết khá đông. Ở đoạn này cũng có rất nhiều xe Uaz cũ kỹ của Liên Xô. Xe dừng lại trạm kiểm soát đầu tiên, tất cả hành khách cầm hộ chiếu trên tay đưa ra cửa sổ xe cho anh biên phòng xem xét. Qua được chỗ này thì xe dừng lại.

Trong khi xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh bên phía Trung Quốc, Tuya ngoắc tôi lên đứng trước: “Anh là người nước ngoài, thủ tục sẽ lâu hơn chút. Hãy đứng phía trước này”. Tôi ngoan ngoãn như một cậu em, dù cả 3 cô gái này chỉ tầm cỡ tuổi tôi của hai mươi năm trước. Hóa ra dự đoán của 3 cô gái chính xác. Anh nhân viên xuất cảnh Trung Quốc, sau khi thấy hộ chiếu và thị thực của tôi, đã băn khoăn không biết xử lý thế nào, bèn gọi một đồng nghiệp lại hội ý.

Thực ra hộ chiếu và visa của tôi không có vấn đề gì cả. Hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng và visa cho phép tôi lưu trú tại Trung Quốc 30 ngày kể từ khi nhập cảnh. Chuyện xuất cảnh của tôi khỏi VN và nhập cảnh vào Trung Quốc thì đã có con dấu ở Đồng Đăng và Bằng Tường hôm tôi đi tàu liên vận Gia Lâm - Nam Ninh.

Tôi cũng có visa loại J dành cho nhà báo do phía Mông Cổ cấp. Thế nhưng không chỉ một mà cả hai anh chàng kia đều băn khoăn, đành dẫn tôi vào gặp thượng cấp ở trong văn phòng. Đó là một phụ nữ còn trẻ, dáng mảnh mai, hỏi tôi đi từ Trung Quốc sang Mông Cổ làm gì.

Tôi bảo thực ra tôi sang Nga, tới Moscow, chỉ là quá cảnh qua Mông Cổ vài ngày chơi. Cô nàng có vẻ đã hiểu câu chuyện, bèn à lên một tiếng, nói thêm gì đấy tôi không nghe rõ rồi vung chân phải đá một phát. Tôi cười: “Đúng đúng, tôi tới Nga xem bóng đá”. Thế là cô cười, trả lại hộ chiếu cho anh nhân viên để ra đóng dấu.'

Vừa vào đến đất Mông Cổ, tôi bật điện thoại lên và bắt được mạng wifi miễn phí, lập tức những tiếng ting ting vang lên không ngớt. Đó là âm thanh báo tin nhắn, thông tin mới trên Facebook, Gmail, vốn những ngày qua bị chặn hoàn toàn khi tôi ở giữa Vạn lý Tường lửa trong lãnh thổ Trung Quốc.

Giờ đây, khi tôi đặt chân lên đất Mông Cổ, những tiếng ting ting này chính là thanh âm của tự do. Trong chốc lát, tôi hình dung ra mình là một kỵ sĩ, sau khi vượt qua những gò bó của vùng Trung Nguyên, đã vươn tới sa mạc và thảo nguyên mênh mông khoáng đạt.

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Trung Quốc và nhập cảnh vào Mông Cổ xong, Tuya và Sarangerel chia tay tôi để lặp lại thủ tục theo chiều ngược lại. Sarangerel dặn tôi: “Anh không nên ở lại Zamin Uud. Anh nên mua vé đi vào chiều tối, ngủ một giấc trên tàu. Lúc 6 giờ có tàu chạy, đến khoảng 7 giờ sáng mai sẽ tới Ulan Bator”. Tôi nói cảm ơn và vẫy tay chào 2 cô gái. Còn Selenge cùng tôi về thành phố Zamin Uud ở cách đấy không xa.

Người phụ nữ lái xe chở chúng tôi từ Nhị Liên Hạo Đặc bây giờ “bán cái” lại cho một anh tài xế Mông Cổ ở Zamin Uud, tất nhiên là chúng tôi không phải trả thêm đồng nào. Anh tài xế Mông Cổ giúp tôi chuyển đồ lên xe, khá ngạc nhiên là anh này bị mất cả hai bàn tay mà lái xe vẫn bình thường.

Xe chở chúng tôi chạy thẳng tới ga Zamin Uud, đây là ga cực nam của hệ thống đường sắt xuyên Mông Cổ, cũng là một phân đoạn của hệ thống đường sắt liền lạc từ châu u nối xuống tận Hà Nội, thậm chí tới TP.HCM.

Tôi tới ga Zamin Uud để đón chuyến tàu lên thủ đô Ulan Bator. Đây là tàu nội địa của Mông Cổ, với những tiêu chuẩn và đặc trưng của vùng sa mạc - thảo nguyên đầy gió. Anh tài xế cụt hai tay dỡ hành lý xuống cho tôi và Selenge. Cô sinh viên Mông Cổ đưa tôi đi mua vé để kịp cuối buổi chiều khởi hành lên Ulan Bator, giá vé giường nằm mềm là 39.500 Tughrik, tương đương 375.000 đồng.

Xong xuôi đâu đấy cô mới chia tay để về nhà mình ở thành phố miền biên viễn này. Dường như không an tâm, trước khi đi cô còn dặn: “Nếu có gì khó khăn cứ gọi em nhé, hoặc nhắn qua Facebook cũng được”. Cô viết tên lên cuốn sổ ghi chép của tôi, là Selenge Ch. Sau này lúc tâm tư lảng bảng, tôi lên mạng tìm kiếm, biết được hóa ra Selenge cũng là tên một dòng sông và là một miền đất ở bắc Mông Cổ. Nhưng đấy là chuyện về sau. Còn lúc này đây, tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn của cô gái vùng sa mạc, nói lời cảm ơn mà không dám hẹn gặp lại. 

Nắng vẫn ngập tràn sân ga. Selenge bước đi. Tôi ở lại và rồi cũng lên đường. Cuộc gặp này rồi mai đây có thể chỉ còn là một chấm nhỏ trong miền ký ức, như hạt cát giữa sa mạc mênh mông kia, hoặc cũng có thể chẳng còn lại gì. Tôi lẩn thẩn, kiếp trước tôi và 3 cô gái Mông Cổ này đã bao lần ngoái lại nhìn nhau để hôm nay, không hề hẹn trước, lại cùng nhau đi một đoạn hành trình, giữa sa mạc đầy nắng và gió.

Một đoạn thôi rồi mỗi người một ngả. 

Báo Thanh Niên
09.06.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top