Thế giới đang chứng kiến những thay đổi công nghệ diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được các chuyên gia đánh giá là cơ hội lớn để Việt Nam tăng năng suất, tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển. Trong hành trình hiện thực hóa tham vọng này, nhân lực được đặt ở vị trí then chốt.
“Kỷ nguyên số là kỷ nguyên của tuổi trẻ. Họ phải làm chủ về công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển, ứng dụng công nghệ”. Bên cạnh đó, sinh viên nên tích lũy, trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với cuộc CMCN 4.0, hình thành khả năng thích ứng trước những thay đổi.
Những năm gần đây, số hóa và công nghệ đã trở thành chủ đề nóng thu hút được sự quan tâm của cả xã hội. Nhưng cách đây 12 năm, khi cụm từ CMCN 4.0 còn chưa được nhắc tới, thì những người mang cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới (Microsoft Office Specialist World Championship - MOSWC) về Việt Nam, và Viettel - người đồng hành với cuộc thi từ những năm đầu tiên đã đau đáu khát vọng xây dựng một thế hệ trẻ giỏi công nghệ thông tin (CNTT).
Là người đưa cuộc thi MOSWC về Việt Nam, ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức cấp quốc gia của cuộc thi, cho biết:“Từng có nhiều năm sống và làm việc tại các nước phát triển, tôi thấy ngoại ngữ và CNTT là hai kỹ năng được đặc biệt chú trọng trong nhà trường. Việt Nam là điểm đến đầu tư của nhiều quốc gia trên thế giới nên việc trang bị chứng chỉ ngoại ngữ và CNTT theo chuẩn quốc tế lại càng trở nên quan trọng đối với lao động nước ta. Bởi vậy, thời điểm đó, tôi đã cố gắng thuyết phục Tập đoàn Certiport (Hoa Kỳ) đồng ý đưa cuộc thi Tin học văn phòng thế giới đến với học sinh - sinh viên Việt Nam”.
Thông qua cuộc thi, học sinh - sinh viên Việt Nam được tiếp cận với chuẩn đánh giá Tin học quốc tế MOS ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. MOS là chứng chỉ quốc tế về Tin học văn phòng hàng đầu thế giới được rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp trên toàn cầu sử dụng làm công cụ tuyển dụng và đánh giá nhân viên. MOS cũng được chứng minh là công cụ giúp tăng năng suất lao động.
12 năm kể từ cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010, MOSWC-Viettel càng khẳng định sự cần thiết trong bối cảnh nhân lực giỏi CNTT là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của nước ta. Hơn thập kỷ qua, cuộc thi đã thúc đẩy phong trào học tập tin học trong hệ thống nhà trường theo chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Hiện nay, nhiều trường đại học lớn đã dùng chứng chỉ MOS làm chuẩn đầu ra cho sinh viên, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam sử dụng MOS để tuyển dụng nhân viên.
Đánh giá về lợi ích khi sở hữu chứng chỉ MOS, Trần Thị Khánh Linh - cựu Học sinh THPT Chuyên thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM, cô gái trẻ giành Huy chương Đồng thế giới MOSWC 2016 tại Hoa Kỳ, cho biết: “MOS đem lại cho em nhiều lợi ích trong quá trình học tập và làm việc. Những kỹ năng em học từ MOS dễ dàng áp dụng vào việc học tập hằng ngày và những dự án, giúp em quản lý cuộc sống dễ dàng hơn. Đặc biệt, sở hữu chứng chỉ MOS và giải thưởng thế giới đã mang lại lợi thế lớn cho hồ sơ của em, từ đó mang lại cho em nhiều cơ hội. Hiện tại, em đang học năm 3, đồng thời thực tập tại một tập đoàn công nghệ đa quốc gia lớn”.
Ngày hôm nay, những lợi ích mà Khánh Linh tiết lộ sau khi tham gia sân chơi Tin học quốc tế MOSWC-Viettel cũng chính là mong muốn của những người tổ chức cuộc thi. Đồng hành với cuộc thi từ những năm đầu, bà Nguyễn Hà Thành - Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Viettel đã từng chia sẻ những thông điệp đầy ý nghĩa tới các em học sinh - sinh viên trong Lễ trao giải quốc gia năm trước: “Kỹ năng và tư duy mà các em học hỏi được thông qua cuộc thi này sẽ mang đến cho các em một công cụ để sáng tạo, và trên tất cả, các em sẽ thấy rằng, với nền tảng công nghệ thông tin vững vàng, các triển vọng mới đang mở ra trước mắt các em. Và chúng ta có cả thế giới để chinh phục!”.
Bước sang năm thứ 12 với thông điệp “Chinh phục công nghệ, thỏa niềm đam mê”, MOSWC-Viettel 2021 được đồng tổ chức bởi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam cùng sự đồng hành của Tập đoàn Viettel vừa kết thúc giai đoạn phát động sôi nổi trên khắp cả nước. Được đánh giá là một mùa thi có nhiều đổi mới, cuộc thi năm nay được Ban tổ chức nhận định sẽ hứa hẹn nhiều thử thách và bất ngờ.
MOSWC-Viettel 2021 còn đem đến cơ hội cho người trẻ Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ đặt chân lên cường quốc công nghệ là Hoa Kỳ, để tranh tài với các tài năng tin học đến từ khắp nơi trên thế giới. 3 nhà Vô địch quốc gia tương ứng với 3 nội dung thi năm nay sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Vòng chung kết thế giới.
Trong 10 năm qua, MOSWC-Viettel đã tạo cầu nối cho hàng chục tài năng Việt Nam đến với VCK thế giới, nơi hội tụ các thí sinh đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại siêu cường công nghệ của thế giới, 11 thí sinh Việt Nam đã từng vinh dự bước lên bục vinh quang nhận giải, mang chiến thắng về cho Tổ quốc. Thành tích 11 tấm huy chương thế giới đã đưa Việt Nam vào Top 10 đội tuyển mạnh nhất thế giới, góp phần khẳng định vững chắc tên tuổi của Việt Nam trên bản đồ CNTT quốc tế.
Trong kỷ nguyên số, yếu tố cốt lõi vẫn là con người. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ sẽ quyết định sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Hơn một thập kỷ qua, những người đứng đằng sau cuộc thi: Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, Viettel và Trung ương Đoàn cùng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn bền bỉ đồng hành cùng sân chơi này, góp phần tạo nên một thế hệ trẻ làm chủ công nghệ, có tư duy công dân toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng lớn lao - đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường.