Tôi được làm việc với anh Võ Văn Kiệt mười năm liền trong Thường trực Chính phủ từ 1987 đến 1997, cùng anh Kiệt làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi là một trong những Phó thủ tướng của anh khi anh làm Thủ tướng Chính phủ. Nhà riêng của tôi hồi đó cách nhà riêng của anh Kiệt hai số nhà, cùng ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội…

Có rất nhiều sự việc, cả những vấn đề rất hệ trọng đến những chủ trương cụ thể, đã được quyết định và được thực hiện có kết quả trong cuộc sống, với tác động và ảnh hưởng quan trọng của tư duy đổi mới, lập luận rành rõ và thái độ dứt khoát, quyết đoán của Võ Văn Kiệt. Một số ví dụ: việc lập lại quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, vay tiền của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và một số chính phủ để xây dựng nhiều công trình lớn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước…

Tôi được biết rằng tiếng nói, sự trình bày và đóng góp ý kiến có sức thuyết phục của đồng chí Võ Văn Kiệt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương quan trọng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ kiều bào tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, năm 1993 - ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Anh Kiệt đã dành công sức trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiều công việc lớn và khó khăn…

Anh Kiệt có phong cách làm việc thiết thực theo hướng cách tân, đổi mới, lấy hiệu quả thực tế làm trọng.

Anh Kiệt sống thoải mái, thích chơi thể thao, đặc biệt là quần vợt. Chiều nào sau giờ làm việc anh cũng chơi quần vợt khá lâu. Các bạn quần vợt của anh đều là cán bộ của Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan của Chính phủ. Anh đã đồng ý cho xây một sân quần vợt trong khuôn viên của Văn phòng Chính phủ. Ở đây anh không còn là Thủ tướng nữa mà là một vận động viên chơi và vui với anh em rất tự nhiên. Hồi đầu cũng có một số đồng chí không đồng tình, cho rằng Thủ tướng "vui vẻ quá". Anh thì nói rằng: ai cũng phải làm việc hết mình và sống một cách bình thường…

Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Kiệt (trái) tham gia cùng lực lượng Thanh niên xung phong và lực lượng thanh niên lao động tình nguyện TP.HCM ra quân khai hoang phục hóa vùng ngoại thành ở H.Củ Chi, tháng 3.1976 - ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH


Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các vị lãnh đạo ASEAN - ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Anh Kiệt có một số quan điểm đặc sắc ít thấy ở các nhà lãnh đạo cấp cao là am hiểu khá sâu về các vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật, mặc dù vốn học vấn của anh không cao, anh ít hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Anh giao tiếp rất nhiều với các nhà văn, nhà báo, các nghệ sĩ, ngay khi anh còn lãnh đạo TP.HCM. Không chỉ gặp gỡ trong các cuộc họp mà anh thường đến thăm nhiều người tại nhà riêng của các vị ấy và mời anh chị em đến nhà riêng của anh tại Hà Nội và TP.HCM để nói chuyện lâu. Tôi gặp nhiều văn nghệ sĩ ở cả Bắc, Trung, Nam, thấy họ ca ngợi chú Sáu Dân hiểu rõ về văn học, nghệ thuật, tôn trọng và thân mật với văn nghệ sĩ.

Nhiều người tỏ ra tự hào đã được trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã được Thủ tướng mời đến trao đổi ý kiến tại nhà riêng.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời - ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo tài ba của Đảng đã lưu lại những bài học quý báu, những kinh nghiệm để đời cho thế hệ ngoại giao hiện tại và các thế hệ ngoại giao mai sau học tập và suy ngẫm. Bứt phá tư duy là một trong những di sản nổi bật như thế! 

Chiến lược lớn là một ưu tư thường nhật của Võ Văn Kiệt khi ông tập trung suy nghĩ để tìm ra chất keo kết dính đối ngoại với đối nội. Ở ông, chính sách đối ngoại không chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội, mà từ nay, cả hai cần được nhìn nhận trong một chiến lược tổng thể và nhất quán. Không có một chiến lược tổng thể, nhất quán và dài hơi, theo ý kiến ông, các hoạt động đối ngoại chỉ là sản phẩm của những thỏa hiệp…

Ngày 1.5.1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm, làm việc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và dự lễ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ vào bờ - ẢNH: TTXVN

Vị thế địa - chính trị đất nước cần được khai thác kịp thời như một tài nguyên, như một nguồn lực để bảo vệ và xây dựng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây lại là một bài học mới nữa về tư duy Võ Văn Kiệt liên quan đến tầm nhìn của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi.

Theo ông, "ngày nay, khi thế giới hai cực không còn nữa thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó có thể tìm được một chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào. Bây giờ không cần đi tìm một cường quốc nào đó, mà là phải cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm"…

Vai trò tiên phong của ông trước hết thể hiện ở tư tưởng phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước đuổi kịp các nước đi trước. Ông đã có lần phát biểu một cách thẳng thắn, đầy bức xúc rằng nếu “rụt rè bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước”.

Cuối cùng, ngoại giao văn hóa - ngoại giao nhân dân phải là một trong những chân kiềng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại luôn là thông điệp luôn mang tính thời sự của Võ Văn Kiệt gửi cho tương lai...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu - ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

The New York Times (thời điểm 2008), viết: Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xem là kiến trúc sư trưởng của đổi mới, cải cách thị trường trong cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 thay thế cho nền kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô trước đây. Ông giữ vai trò Thủ tướng Việt Nam từ năm 1991 đến 1997. Sau đó, ông vẫn tiếp tục là nhà bình luận mang tính cải cách của Việt Nam…

Trong những năm còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM, anh Sáu (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thường xuyên gặp gỡ trao đổi với rất nhiều anh chị em làm khoa học trên địa bàn thành phố. Có lẽ đó là người Bí thư Thành ủy tiếp xúc với anh chị em trí thức nhiều nhất và ở những buổi gặp gỡ đó, với thái độ chân tình, cởi mở, anh Sáu đã thực sự thuyết phục anh chị em chúng tôi.

Đó là phong cách đặc biệt Võ Văn Kiệt khiến mỗi người trong chúng tôi khi đã được tiếp xúc vài lần với anh Sáu, đều có cảm nghĩ rằng anh hiểu chúng tôi như chúng tôi tự hiểu, và có anh Sáu Dân ở đâu là ở đó mọi khó khăn trở ngại gì cũng vượt qua được.

Lúc còn đương nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường tranh thủ sự cộng tác tích cực của GS-TS Nguyễn Xuân Oánh (phải)

Tất nhiên, không phải là dễ dàng, lúc bấy giờ, vẫn có những suy tư, vẫn có những mất mát ở một vài lĩnh vực riêng rẽ, nhưng đại bộ phận anh chị em trí thức tại chỗ đã bám trụ vững vàng.

Cũng với phong cách ấy, anh Sáu đã đến với nhiều giới khác và thực sự đã chiếm được cảm tình của mọi người…

Cuối cùng, dù không có ý định nhắc lại ở đây những thay đổi diệu kỳ của đất nước, những thành tựu trong đổi mới của những năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ mà người đứng đầu là anh, tôi vẫn không thể không nhắc đến một khía cạnh, đó là bản lĩnh của anh, là khả năng nhìn xa và nhận định sâu sát để từ đó đưa ra những quyết định lịch sử về những vấn đề trọng đại của đất nước…

Báo Thanh Niên
14.11.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top