Hắn đã yêu và yêu say đắm nước Ý từ khi chưa đặt chân đến và sau đó, khi đến rồi thì xem nơi ấy chính là một phần của cuộc đời mình. Hắn hăm hở khám phá và ngấu nghiến mọi ngóc ngách, mọi con người hắn gặp gỡ và cả những va chạm văn hóa trong những ngày đi và sống. Giờ đây, hơn 2 triệu bức ảnh bưu thiếp dọc ngang đất nước Ý được ấn bản để gửi gắm lời thì thầm của một Sứ giả Văn hóa của cả Ý và Việt Nam “Yêu chính là sống. Yêu đời, yêu người, yêu bản thân chúng ta, với một tâm hồn cởi mở.” Bộ ảnh này chính là một thông điệp tình yêu, về nước Ý và từ nước Ý.

Hòn đảo cổ tích Burano với hàng trăm ngôi nhà màu cầu vồng

Nếu nói nước Ý là người tình thì Trương Anh Ngọc chính là một gã si tình khờ dại. Nước Ý vẫn không thôi quyến rũ hắn khiến cho những chuyến đi cứ dài mãi, trên ca pô xe tấm bản đồ tiếp tục được trải ra và hắn lại đi. Mỗi nơi đến là lại dài dằng dặc những ghi chép, những bức ảnh được chụp lại và có cả tình yêu trong đó. 

Góc cửa hàng lưu niệm bán nến, tinh dầu chiết xuất từ vỏ chanh vàng

Mỗi bức ảnh bưu thiếp là một mảnh ghép của bức tranh sống động, chân thật và lãng mạn nhất về những gì Trương Anh Ngọc quan sát và cảm nhận về nước Ý. Những điều Ngọc kể lại bằng hình ảnh cũng đủ khiến người ta được truyền cảm hứng dịch chuyển từ hắn và mê mẩn nước Ý như chính cái cách hắn si mê. Nơi đó có thể là một góc quảng trường, nơi hắn nhìn ngắm cuộc sống theo lối sống, lối nghĩ của người Italia, với những ngọn đèn đường là ánh đèn của một sân khấu đời. Quảng trường Novana, nơi hắn nghẹn ngào chứng kiến câu chuyện lạ lùng và xúc động về tình yêu người nghệ sĩ già Marcel và một cô gái Việt Nam đã đem lòng yêu ông qua chính những trang sách do Trương Anh Ngọc viết. Họ hạnh phúc vô cùng với tình yêu mình đang có và nói đùa rằng tất cả là lỗi của Ngọc đấy. 

Có thể thấy những bức ảnh hắn chụp, đâu đâu cũng có tình yêu, nơi mà tình yêu là lẽ sống, tình yêu thấm đượm trên cả những con đường, góc phố. Người Ý luôn có những câu chuyện tình yêu để kể và họ còn đặt tên cho cả những con đường, ngõ nhỏ. Đó có thể là nơi Ngọc lững thững rẽ qua phố Cappello, khẽ ngước nhìn lên ban công nhà Juliet, nơi được xem là biểu tượng tình yêu của biết bao đôi lứa. 

Đặt chân đến Venezia, hắn mê mệt với vẻ đẹp bồng bềnh của thành phố bên mép nước, nơi hắn ngắm nhìn cuộc sống trên những chiếc thuyền Gondola mũi cong và nghe kể về những mối tình bi thảm. Thuyền nhẹ nhàng trôi qua một cây cầu mang tên Than Thở, cây cầu nối giữa một nhà tù khủng khiếp và tòa án nơi từng xét xử Casanova một tay chơi phụ nữ siêu hạng có sức quyến rũ bậc thầy. Sau những ngày tháng phóng túng, mê mẫn mọi phụ nữ lao vào cơn mê nhục dục, Casanova bị cuộc đời rủ bỏ khi lúc chết đi lại chỉ có một mình.

Bồng bềnh ngắm thành phố Venezia trên chiếc thuyền Gondola mũi cong

Dù bất cứ đâu đặt chân đến, mãi miết trong những chuyến hành trình, Ngọc cũng vô số lần đứng tần ngần rất lâu để ngắm nhìn những ô cửa sổ. Hắn nói rằng những ô cửa sổ như những đôi mắt của các căn nhà nhìn ra cuộc sống. Bức tường có khuôn cửa sổ xanh ở Borgo Pio mà hắn chụp lại khiến người ta cũng phải liêu xiêu, mê hoặc để rồi lim dim theo giấc mơ của hắn, là một ngày nào đó, mua một mảnh đất nơi này, trồng nho, làm rượu và chăm chút từng chi tiết cho ngôi nhà của mình, bắt đầu từ những chậu hoa nơi ô cửa sổ.

Bên dưới những ô cửa sổ đầy hoa, mảng tường lấp kín rêu phong và lá thường xuân, lấp ló khẽ tựa lưng vào là chiếc vespa gợi cảm, khung cảnh đó là biểu tượng văn hóa của nước Ý. Chỉ ở Ý, những gã đàn ông mới ngoại tình với những chiếc Vespa và gọi chúng là Sophia, Gina hay Claudia. Những nét sexy đúng chất Ý của họ theo tiêu chuẩn những năm 1960, chiếc xe mang những đường cong gợi cảm đến nghẹt thở, yếm xe như những khuôn ngực nóng bỏng, khỏe khoắn khiến các lão say trong men tình.

Thẫn thờ ngắm nhìn khuôn cửa sổ đầy hoa

Ngàn ngày ở Ý, chắc Trương Anh Ngọc đã dành chín trăm chín mươi chín ngày để kể về chuyện ăn. Nên có người đùa rằng hắn nên đặt tên cuốn sách “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” của mình là “Ăn, Yêu và Lang thang”. Nó khiến người ta phải ganh tị và thèm thuồng với những khuôn ảnh Ngọc chụp tiệm cà phê vỉa hè trên con phố nhỏ dẫn đến quảng trường Campo de’ Fiori, Roma. Một ngày với hắn mà không cappuccino hay espresso là thấy như thiếu mất đi một phần của hồn mình. “Thiếu ở đây không phải là thiếu vị cà phê, mà là thiếu một không gian Ý, giữa những người Ý quen và không quen.” Cà phê là văn hóa Ý, không chỉ là văn hóa uống, mà còn là văn hóa sống, không gian sống. Hắn có thói quen tò mò, len lỏi trong những con ngõ xập xệ, đường xá khấp khểnh, để rồi tần ngần rất lâu trước một tấm menu dựng trước quán, tỉ mẩn xem xét từng cái một rồi cuối cùng quyết định bước vào quán có tấm menu hết sức giản dị và xoàng xĩnh, nhưng đó lại dẫn đến một chỗ ăn ngon tuyệt vời. Thế là trong hành trình của hắn, luôn lấp đầy những hình ảnh của khắp các quán ăn lớn nhỏ, cũ mới. Thậm chí người ta có thể bị huyễn hoặc bởi bức ảnh chiếc pizza nóng hổi mới ra lò chụp trong quán quen của hắn ở Firenze, mà theo lời hắn nói “bạn ăn ở đây và ở nhiều quán ăn ngoại ô Roma xong, bạn sẽ không ăn nổi pizza ở đâu nữa ngoài nước Ý.”

Một quán cà phê nhỏ vỉa hè ở Roma

Trong những ngày lang thang trên đảo Sicilia, hắn còn cảm thấy mình thật bi kịch khi có quá ít thời gian để thưởng thức và ngấu nghiến cho bằng hết văn hóa và phong tục nơi đây bằng chiếc dạ dày đói meo của hắn. Khi lưu lại những bức ảnh tại Sicilia, hắn nhận ra rằng nơi này đã thật khác, không còn ai nhắc đến những băng đảng mafia khét tiếng, bố già, tội ác mà hiện diện khắp nơi chỉ là ăn và yêu. Hắn cũng không quên hòa vào đám đông nhộn nhịp của đám cưới đang diễn ra bên ngoài một nhà thờ ở trung tâm Trapani để chụp lại khoảnh khắc anh chàng chú rể điển trai kéo tay cô dâu vọt lên chiếc vespa, trong tiếng vỗ tay của bao người xung quanh.

Còn nhiều và nhiều nữa những nơi hắn đã từng lưu dấu chân đến, rùng mình ngắm hoàng hôn ở độ cao hơn ba nghìn mét bên cạnh ngọn núi lửa Etna đang lim dim ngủ, khám phá thành phố Siena 2000 năm tuổi để nghe người Siena nói tiếng Ý như hát, hưởng thụ buổi bình minh nơi thiên đường Cinque Terre với những ngôi nhà lô xô ra sát biển. Nơi mà mỗi bức ảnh, mỗi khuôn hình có thể viết ra thành một quyển sách thì quả thật không khó hiểu vì sao gã si mê đất nước này đến thế, nhìn thấy những gì hắn đã thấy, nghe được những gì hắn đã nghe, ai lỡ trót liếc ngang qua chắc cũng yêu mất rồi. 

Dự án 2 triệu bức ảnh bưu thiếp về văn hóa và con người nước Ý được nhà báo Trương Anh Ngọc kết hợp cùng Truyền hình FPT sẽ được gửi đến những người yêu mến trên khắp Việt Nam. Đây là dự án nằm trong chuỗi hoạt động của Truyền hình FPT với hành trình kết nối văn hóa và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia.
Trương Anh Ngọc, nhà báo, một trong những nhà bình luận thể thao hàng đầu Việt Nam, đồng thời tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội, cộng đồng và có một tình yêu đặc biệt với nước Ý. Trương Anh Ngọc sẽ hợp tác với Truyền hình FPT trong nhiều hoạt động sắp tới với vai trò như một Sứ giả Văn hóa của cả Ý và Việt Nam.   

Tác giả: Nguyễn Trung Hoà

Báo Thanh Niên
19.07.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top