Say mê những bài dân ca bản địa, ám ảnh với tiếng đàn Goong, T’rưng, Kơ Ní... từ thơ trẻ, Rơ Châm Tih neo mình lại với bao thứ hay ho đó cho đến khi tóc đã hoa râm.

Có nghe Rơ Châm Tih thả hồn vào những ống nứa mộc mạc trên chiếc đàn T’rưng hay Goong, K’lông Bút... mới hiểu vì sao anh gắn bó với chúng sâu nặng đến thế. Mỗi thanh âm do anh trình tấu ở nhiều không gian khác nhau đều tải đi bao ám ảnh nhân sinh từ đại ngàn cao nguyên. Đấy là không gian mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng thật kỳ bí, sang trọng từ sâu trong tâm thức của bao thế hệ bản địa. Ở đó, dẫu chỉ là một lần xoang với nhau trong đêm hội cùng hương rượu cần chếnh choáng, trong ánh lửa bập bùng nơi làng xa, trong hương vui ngày được mùa…

Nghệ sĩ được ví như con ong chắt chiu đem khả năng thiên phú của mình “rót mật” cho đời thì Rơ Châm Tih cũng vậy. Anh hào hứng: “Mẹ mình kể rằng khi đang còn địu mình trong tấm dồ vắt ngang lưng đến các lễ hội của làng, khi nghe tiếng nhạc là chân tay mình cứ quẫy tứ tung trên lưng mẹ. Lớn chút, khi nghe tiếng chiêng, tiếng trống của người lớn cũng tới nghịch, lấy đánh theo. Ai lấy lại là khóc ré lên, không chịu trả lại. Dù lúc đó thì biết gì đâu. Mẹ mình nói ai thấy thế cũng cười nhưng không trách mẹ mình đã đưa con tới nghịch. Lớn chút nữa mình cũng khác mấy đứa bạn cùng lứa. Chúng thích ra đồng, ra rừng chơi mấy trò trẻ con, tối đến thì tụ tập nghịch vang cả làng. Còn mình thì lân la đến với các ông già nghe kể khan, nghe đánh chiêng, chơi đàn. Cứ nghe là mê!”.

Rồi anh kể tiếp: Trong làng có ông Siu Tom bị mù nhưng đan lát được, chơi đàn Ting Ning (đàn Goong) rất hay. Ông lạ lắm. Đang chơi đàn nhưng có người lạ tới là nói đến mấy ông cũng không chơi nữa. Ông nói rằng mất vui rồi. Nhưng với mình thì khác. Tai ông thính lắm, nghe bước chân của mình từ xa là ông đã nói vọng ra: Tih, tới đây!

Một góc trưng bày văn hoá truyền thống của anh Tih

Trong thế giới tăm tối của người nghệ sĩ mù đó, có lẽ âm nhạc là thứ ánh sáng chảy suốt đến khi ông lìa xa trần thế. Anh Tih kể rằng suốt ngày ông ngồi bên góc nhà, cặm cụi đan những món đồ của người bản địa, chọn vật liệu làm một vài cây Ting Ning. Đêm đến, ông cũng tìm ra góc nhà với lấy cây Ting Ning gảy lên những thanh âm cuốn hút, cất lên một vài câu dân ca truyền đời của bao cư dân bản địa. Bên ông là cậu bé Tih chăm chú như nuốt từng lời ca, tiếng nhạc của ông.

“Ông chả bao giờ dạy mình cả. Bên ông vài năm như thế cho đến khi ông mất. Ông chỉ nói với mình rằng “hát đi, chơi đàn đi, làm đàn đi”. Vậy là mình tập chơi dần từ đó. Ông cũng chẳng bao giờ khen. Chỉ nói được rồi đó. Mình mê lắm. Hồi đó cứ mong trời nhanh tối để được chạy tới nhà ông”, Tih kể tiếp.

Cây đàn Ting Ning đầu tiên mà anh Tih làm ra cũng bắt nguồn từ những buổi học lạ lùng như thế. Anh “sáng” dần lên nhờ thầy, nhờ bạn và đặc biệt là khả năng thiên phú. Nhắc đến ông Siu Tom, anh Tih với tay lấy cây Ting Ning đánh một đoạn nhạc nghe buồn buồn. Sáng sớm cao nguyên mùa tháng ba, trong màn sương lảng bảng vương mùi hoa cà phê từ vườn bay vào, Tih ngồi lặng đi. Có lẽ anh nhớ người thầy mù lòa buổi đầu của mình chăng!

Hàng chục năm qua, Rơ Châm Tih đã “nói hộ” thanh âm đó từ cộng đồng bản địa qua nhiều bài dân ca, qua tài năng chế tác nhạc cụ, qua những lần đi trình diễn trong lẫn ngoài nước. Khi chúng tôi tìm đến vào một sáng tháng ba, anh đang thử lại cây đàn T’rưng để giao cho khách.

Khách đặt đàn cũng là một người khá đặc biệt. Đó là một tiến sĩ người Việt đang sinh sống tại Đức. Ông chơi được nhiều nhạc cụ của Việt Nam và trong nhà ông cũng dành một không gian trang trọng để cất giữ. Nhưng trong bộ sưu tập đó vẫn còn thiếu một cây đàn T’rưng. Lần này, thông qua một người thân ở Gia Lai, ông muốn bổ khuyết điều đó với cả sự trân trọng.

Chỉ vào cây đàn mới làm xong, tỏ ý rất vừa lòng, anh Tih nói: “Đây là cây đàn T’rưng ba giàn ống nứa rất đẹp và thường các nghệ sĩ đàn T’rưng dùng để tập luyện, biểu diễn. Cây đàn mang đi xa, theo đường hàng không nên mình cũng phải thiết kế đặc biệt để vừa thuận lợi trong vận chuyển lại không bị lạc âm khi lắp vào để chơi. Có sẵn nguyên vật liệu rồi nhưng mình phải mất gần cả tuần mới làm xong”.

Biểu diễn với cây đàn Clec do anh tự sáng chế

Người nghệ nhân này luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết của mỗi nhạc cụ xuất xưởng. Anh nói rằng chỉ ít ngày nữa là phải vào rừng tìm nứa, tìm lồ ô… để chuẩn bị vật liệu làm đàn. “Đi xa lắm, gần cả trăm km. Nứa là phải chọn cây thẳng, từ 3 năm tuổi trở lên, thân không bị sâu, bị nứt. Cây chặt về phải phơi cả tháng trong ánh nắng vừa phải. Sáng phơi, chiều đem vào kẻo cây bị ngấm sương, không còn tốt và âm không được hay. Cây cũng phải phơi theo chiều thẳng đứng, dựng cách nhau ra. Vậy mà khi làm thì chọn thêm vài lần nữa mới lấy được sản phẩm ưng ý”, anh Tih kể.

Qua đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân này, rất nhiều cây đàn T’rưng, Ting Ning, Bro Amom… cứ vậy thành hình. Không ít người ở trong nước và cả nước ngoài nghe tiếng nghệ nhân Tih đã tìm đến mua, đặt hàng đưa những cây đàn này về nhà trưng bày hoặc tập luyện.

Lúc chúng tôi đến, anh Tih đem ra khoe một cây đàn, nói rằng nó rất độc đáo, do mình tự chế tạo. Cây đàn được anh đặt tên là Clec gồm 26 ống nứa ứng với 26 nốt nhạc, bắt đầu từ nốt sol được đặt trên một giá đỡ bằng gỗ. Anh dạo đàn, biểu diễn cho chúng tôi nghe một bài dân ca Jrai. Tiếng đàn phát ra từ những ống nứa vô tri nghe rất ngọt. Một số đoàn nghệ thuật, biểu diễn chuyên nghiệp hay các đoàn nghệ thuật quần chúng ở Tây nguyên khi cần các cây đàn của người bản địa để dùng cho tập luyện, biểu diễn cũng tìm đến đây đặt hàng.

Nói về Tih, già làng Siu Nguyeh rất vui: “Ơ, Tih hả, nó làm được nhiều thứ lắm đấy. Suốt ngày cặm cụi với mấy cây đàn, những bài dân ca của đồng bào mình. Hiếm có người nào chuyên tâm làm vậy. Nó được nhiều người quý, nhiều người biết đến”.

Tại khu đất nhà mình, anh dành riêng một căn nhà dùng để chứa các dụng cụ, nguyên liệu làm đàn và trưng bày những sản phẩm văn hóa truyền thống. Dành cả cuộc đời cho đam mê văn hóa bản địa, ở Tây nguyên, người như Tih quả là hiếm.

Làm đàn, biểu diễn âm nhạc Tây nguyên bao năm qua, Tih được nhiều người biết đến. Nhờ đó anh có dịp được mời đi biểu diễn từ trong và ngoài nước. Anh kể rằng ở các nơi đều có những nghệ nhân, những nghệ sĩ rất tài giỏi nhưng âm nhạc Tây nguyên vẫn có sự đặc sắc khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú và thán phục.

Năm 1997, trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc tại Huế, anh Tih với tiếng đàn T’rưng biểu diễn bài dân ca Jrai Đêm trăng đã đoạt Huy chương vàng. Nhiều năm qua rồi nhưng nhắc lại kỷ niệm này anh vẫn rưng rưng xúc động. Anh lấy đàn, hát cho chúng tôi nghe mấy câu của bài dân ca này bằng tiếng Jrai, đại ý: “Đêm nay là đêm trăng tròn/Trăng đã lên đến nóc nhà Rông/Trai gái cùng xoang quanh cây nêu/Cùng thưởng thức những bản nhạc vui đêm trăng”.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih đang dạy đàn cho một nghệ sĩ người Đức

Trong dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh năm 2013, nghệ nhân Rơ Châm Tih cũng có mặt trong đoàn nghệ thuật của Việt Nam đến Anh biểu diễn. “Khi mình chơi nhạc của người Tây nguyên, được nhiều người vỗ tay tán thưởng lắm. Nhớ lần đó có cả Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự”, anh Tih kể.

Bước chân người nghệ nhân dân gian Rơ Châm Tih cũng đã đến nhiều nước khác như Úc, Phần Lan, Campuchia... Anh kể ở những nơi đó, âm nhạc Tây nguyên đều được các nghệ sĩ, công chúng đón nhận và ủng hộ nhiệt tình. Nhiều người thích thú còn tìm anh hỏi chuyện, giao lưu âm nhạc.

Cũng không ít người khi biết tiếng cũng liên hệ tìm tới học hỏi, tìm hiểu âm nhạc Tây nguyên. Cách đây hơn 2 năm, một người Nhật mà anh Tih không rõ tên, chỉ gọi theo tên bản địa là Jun, đến thọ giáo. Anh Tih cho biết: “Anh này chơi rành nhiều nhạc cụ lắm và cũng ham tìm tòi. Jun đến với mình gần một tuần, tìm hiểu từ chơi đàn cho đến cách làm các loại đàn. Ham mê lắm! Nếu không có dịch bệnh thì Jun đã quay lại vì nói rằng chưa hiểu nhiều về âm nhạc Tây nguyên, muốn biết thêm”.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih với cây đàn T’rưng

Hơn 20 năm nay, Tih dồn tâm sức để làm các nhạc cụ. Anh kể chỉ chơi đàn trong những chiều muộn hoặc đêm khuya bởi lúc đó yên tĩnh, có thể cảm nhận đầy đủ tiếng đàn của mình. Một điều đặc biệt nữa là hiện anh đang lưu giữ 42 chiếc ghè cổ. Đây là món đồ quý, ngày xưa phải đổi vài con bò mới lấy được một chiếc ghè. Người các làng tin tưởng Tih, đem ghè tới gửi. Anh đang mong có sự hợp tác để làm một bảo tàng mini về các sản phẩm văn hóa Tây nguyên cho du khách trong, ngoài nước có dịp đến thưởng lãm.

Một trong những điều mừng nhất của anh là trong bao năm gắn bó với văn hóa âm nhạc Tây nguyên, nỗ lực đó đã được Nhà nước ghi nhận. Năm 2015, Rơ Châm Tih được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian “Đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Báo Thanh Niên
20.03.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.