Cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc phục chế mũ mão của các vương triều xưa đầy ý nghĩa nhưng cũng không kém nhọc nhằn? Lý do gì khiến ông lựa chọn để gắn bó luôn tới giờ, khi trước đó được biết ông sống rất thoải mái với nghề thợ kim hoàn?

Tôi nghĩ mọi thứ như có duyên có phận, bởi nhiều sự việc thật khó giải thích cứ tự đến với chúng ta, hơn nữa lại tới vô cùng đúng lúc, giải tỏa được hết những gì đang vướng mắc. Duyên tiền định với “nghiệp” phục chế của tôi diễn ra tình cờ: Đầu năm 2008, tôi hân hạnh được gặp Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, khi đó ông làm lãnh đạo của Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM. Trong lúc trao đổi, tôi có tiết lộ rằng mình vừa phục hồi thành công một chiếc mũ bằng vàng của dân tộc Chăm có niên đại thế kỷ 7. Ai ngờ, sự “khoe mẽ” của tôi lại chạm vào nỗi trăn trở lâu nay của ông giám đốc, do bảo tàng vừa tiếp nhận từ chỉ đạo của Chính phủ một “kho” hiện vật triều Nguyễn gồm 4 chiếc mũ vua đã hư hỏng nặng. Ông ngỏ lời mời tôi và cho biết ngay sau chuyến công tác này sẽ bố trí tôi ra Hà Nội khảo sát để tiến hành hợp tác. Thú thật, tôi lúc ấy thấy lo lắng khi nghĩ đến công việc sẽ đảm nhận trước mắt, dù trọng đại và đầy vinh dự. Để công việc trôi chảy, tôi mời thêm nghệ nhân kim hoàn Trần Ngọc Trí, người từng cộng tác nhiều năm ở cửa hàng kinh doanh vàng bạc với tôi cùng tham gia, về sau còn có đồng nghiệp Lê Văn Tuấn hỗ trợ. Từ đó đến nay, dù trải bao buồn vui, nhọc nhằn của nghề, nhiều lúc tưởng phải bỏ dở giữa chừng, cuối cùng mọi khó khăn rồi cũng qua…

Là một người tay ngang, không bằng cấp, ông đã “vượt rào” như thế nào để phục chế thành công 4 chiếc mũ vua triều Nguyễn vậy, thưa ông?

Tôi không hề được đào tạo về chuyên môn phục chế, và ở VN cũng không có môn chuyên này. Nếu nhìn lại quá khứ, từ khi có ngành Bảo tàng bảo tồn ở nước ta cho đến thời điểm hiện tại, tôi thấy chưa có sự kiện phục chế hiện vật nào mang tầm vóc lớn hơn bốn mũ vua tôi đã làm. Khi nhận lời với giám đốc Quân, tôi đã 20 năm trong nghề kinh doanh và nghiên cứu về nghề kim hoàn; nhưng cũng thực sự bàng hoàng khi mở niêm phong 2 túi lớn đựng những túi vàng vụn, tất cả các loại hình trang trí bằng vàng, đá quý trên mũ đều bị tháo rời và vo cuộn lại, trong đó có rất nhiều chất thải của loài mối cùng nhiều loại hình bị gãy nát, và hoàn toàn không có cốt mũ. Công việc khảo sát túi số 1 gồm hơn 700 chi tiết, túi số 2 khoảng 1.400 chi tiết khiến tôi vô cùng căng thẳng, bởi theo tôi được biết, kho báu này có khoảng 2.500 hiện vật bằng vàng, bạc, ngọc ngà… được cách mạng tiếp nhận từ triều đình nhà Nguyễn, thời điểm vua Bảo Đại thoái vị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu giữ lại vì những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa.

Nghệ nhân Vũ Kim Lộc và những công việc phục chế thầm lặng của ông cùng các cộng sự

Để công việc phục chế 4 chiếc mũ vua của triều Nguyễn diễn ra trôi chảy, tôi cất công sưu tầm, nghiên cứu tài liệu và đặc biệt trực tiếp đi điền dã ở các di tích. Mắt thấy, tai nghe, chụp hình những hiện vật, bức họa, tượng vua chúa quan lại, đồng thời khảo sát thêm các loại mũ miện một số thời kỳ hiện tồn ở di tích đền chùa: mũ thờ của thời Lê, Nguyễn, các loại mũ ở tượng thờ vua Lê, chúa Trịnh… cho chắc ăn.

Với đặc thù kim loại vàng bạc là những đường nét hoa văn không bị mờ qua thời gian, theo đó công việc làm vệ sinh bước đầu chỉ là bằng nước sạch đối với những loại hình nào cần thiết, bởi sợ bị mất đi dấu vết sử dụng, kỹ thuật chế tác, lắp ghép, nhất là loại hình có dấu vết bồi vải và xỏ chỉ. Tiếp đến là công việc nắn chỉnh và ghép các loại hình trước khi phân loại, vì chúng bị méo mó, biến dạng hoặc gãy làm nhiều đoạn mảnh. Về nguyên tắc, chúng tôi chụp ảnh hiện vật trước, rồi nghiên cứu hiện tượng, bị tác động như thế nào, và như thế nào là nguyên bản trong kỹ thuật chế tác, nhất là những đường bẻ góc uốn cong… Xong đâu đó mới phân loại, rồi nghiên cứu, nhận diện, lên phác đồ trang trí giả định, nói ra thì dài lắm…

Trong quá trình phục chế, ông có phát hiện điều gì đặc biệt trong trang phục ở triều Nguyễn không? Điều gì đã khiến cho nghệ nhân Vũ Kim Lộc thành công để trở thành “bàn tay vàng” trong lĩnh vực có một không hai này tại VN?

Theo quan niệm của người xưa, những thứ thuộc về trên đầu thường được đánh giá cao quý hơn phần ở thân. Vì vậy mà trong quy định trang phục triều Nguyễn luôn đề là mũ áo (mũ luôn đứng trước áo). Mũ của triều Nguyễn, từ của vua, hậu phi, trải dài suốt hệ thống quan lại, đều có trang sức, số lượng trang sức để phân biệt đẳng cấp và cả để phân biệt giới tính. Như mũ của phái nam, vua chủ yếu là rồng, lửa, ngọc quý. Quan là giao long, hoa, ngọc quý. Phái nữ: hoàng hậu, phi tần, công chúa, đều là chim phượng, hoa, ngọc quý; của mệnh phụ là phượng quan, hoa và đá quý. Ngoài ra còn có một trang sức đặc biệt ở tất cả các loại mũ nêu trên là bác sơn, với ý nghĩa non sông đất nước được đặt lên đầu, một hình thức tôn vinh cùng cả trách nhiệm với tổ quốc. Như vậy, về mũ trong biên chế của nhà nước nói chung đều có một nguyên tắc, như ngoài để phân biệt địa vị ra, mũ còn là để trang trí những biểu tượng thiêng liêng của mỗi nước. Về công việc phục chế, tôi luôn tự đặt ra câu hỏi: Người phục chế mũ miện cần hội đủ những yếu tố gì và đây có phải là một nghề không?

Có người cho rằng, nghiên cứu và phục chế mũ miện của triều Nguyễn là một chuyên môn hẹp, tôi đồng ý vì tất cả chỉ có khoảng vài chục loại mũ. Thế nhưng, chiều sâu của chuyên môn này, thử hỏi đã có mấy ai tường tận, bởi không phải chỉ là mũ, mà trong đó là nhiều ngành nghề khác, nhất là nghề làm mũ mã vĩ đã thất truyền. Phải có kiến thức về lịch sử, cổ vật, mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình nữa, vì nếu không “đa hệ” thì không thể phân loại và nhận diện các loại hình, chi tiết cho từng mũ mão. Đó là chưa kể đến sự tỉ mỉ, khéo tay, của kỹ thuật kết những chiếc mũ bằng lông đuôi ngựa, trong việc phục chế mũ của các nhân vật lịch sử như chiếc mũ Hổ đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu, mũ phốc vuông của Phó Tổng trấn Bắc thành Đô Thống chế Lê Văn Phong. Qua đây cũng là cơ sở vững chắc cho việc phục hồi nghề làm mũ mã vĩ ở nước ta. Ngoài các yếu tố trên, theo tôi người phục chế cần phải có sự đam mê, kiên trì, tỉ mỉ, ham học hỏi và nhất là vấn đề tôn trọng tâm linh do phải đụng chạm với di vật.

Người xưa từng nói “Bôn ba không qua thời vận”. Vậy, ông cũng đã từng có may mắn gì trong công việc mình làm không và kỷ niệm ấy là gì?

Năm 2011, tôi vinh dự được Ban Quản trị khu Di tích lăng miếu Núi Sam ở Châu Đốc (An Giang) mời phục chế chiếc mũ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu. Công trình này đã được Hội đồng Khoa học mở rộng của Sở VH-TT-DL An Giang nghiệm thu. Qua khảo sát sơ bộ về các chi tiết trên mũ được phát hiện, tôi cho rằng đây là chiếc mũ Hổ đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu, loại mũ được triều đình cấp cho các Võ quan có hàm từ Tam phẩm trở lên đến trên Nhất phẩm, để đội trong các lễ Thường triều. Điều đặc biệt ở đây là mũ có khá nhiều trang sức, chi tiết, mà trong các bản vẽ, tranh ảnh về mũ Hổ đầu ở nhà Nguyễn không có.

Với chuyến điền dã ở Huế, phải nói là có quá nhiều may mắn và tôi đã thầm nghĩ đến yếu tố tâm linh. Tôi được người bạn là Nguyễn Hữu Hoàng dẫn đến nhà ông Cao Hữu Nam để xem hai chiếc mũ. Nhưng thật là bất ngờ, bởi được biết ông Nam (82 tuổi) là cháu đời thứ tư của cụ Cao Hữu Dực, Tổng đốc An Giang - Hà Tiên triều vua Tự Đức, trong khi trước đó cụ Thoại cũng kiêm quản hai tỉnh này, một sự trùng hợp làm cho tôi ngỡ ngàng. Hai chiếc mũ của Tổng đốc là mũ phốc tròn và mũ Văn công đều được kết bằng lông đuôi ngựa (mặc dù đã bị hư và các trang sức không còn), từ bằng chứng này tôi cho rằng chiếc mũ Hổ đầu của cụ Thoại cũng không ngoại lệ. May mắn tiếp theo khi đến lăng vua Gia Long, tôi đã được các anh bảo vệ ưu ái bê từ trong kho ra cho xem một chiếc đầu tượng đá đã mất phần thân, và cho biết đây là hiện vật duy nhất còn lại của các tượng đá đứng chầu từ thời khi xây dựng lăng, hai hàng tượng đứng chầu hiện nay là được phục chế vào những năm của thập niên 1990. Thoạt nhìn chiếc đầu tượng đã thấy ngay chất liệu đá tốt hơn ở các tượng phục chế, bởi đã qua 200 năm mà đá vẫn đanh chắc, không bị xỉn, điều này nói lên tay nghề chọn đá của các nghệ nhân xưa. Qua xem xét cho thấy đây là đầu của một tượng Võ quan đội mũ Hổ đầu, thật không ngờ lại đúng với đối tượng tôi đang trăn trở tìm kiếm. Và, như vậy mũ này cùng với mũ trên tượng ở các lăng vua, đã trở thành một chuỗi xuyên suốt về mũ Hổ đầu của triều Nguyễn.

Thực hiện công việc đan kết cốt mã vĩ bằng những kỹ thuật tưởng đã thất truyền ở Việt Nam

Hiện nay ông có đang phục chế hiện vật gì không? Và với những người trẻ, thế hệ hậu sinh đam mê lĩnh vực này, ông có lời khuyên, kỳ vọng cũng như chia sẻ gì với họ?

Tôi đang cố gắng hoàn thành cuốn sách Mũ miện của triều Nguyễn, có nội dung chủ yếu về nghiên cứu, phục chế mũ miện, và những trải nghiệm “mắt thấy tay sờ” của tôi trong quá trình phục chế bốn mũ vua và ba mũ của quan triều Nguyễn, một mũ thời chúa Nguyễn. Đồng thời tôi cũng cố gắng hết sức để làm rõ nhiều loại mũ mà trong tài liệu lịch sử ghi rất sơ sài. Tiêu chí của sách được đặt ra là, nếu ai đọc và có đam mê đều có thể tự mày mò phục chế được những chiếc mũ mà mình yêu thích, đặc biệt là kỹ thuật đan kết thân mũ bằng lông đuôi ngựa mà tôi đã trình bày và hướng dẫn rất tỉ mỉ trong cuốn sách.

Tôi cũng dự định sẽ làm những clip hướng dẫn cụ thể công việc lý thú này qua internet để nhiều người có chung niềm đam mê với tôi có dịp cùng tiếp cận và hợp tác.

Bài viết: Lê Công Sơn
Ảnh: Quỳnh Trân | Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
12.04.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.