Trước khi đến Anh, Lê Ngọc Văn bước ra từ trường Cao đẳng Múa VN, nhận học bổng theo học ballet tại Học viện Âm nhạc và múa quốc gia Lyon (Pháp), từng là diễn viên của Vũ đoàn ballet quốc gia Marseille (Pháp) trong 5 năm. Anh làm việc tại Vũ đoàn ballet quốc gia Anh từ năm 2003, và đến giờ là diễn viên múa ballet người Việt duy nhất trong lịch sử của vũ đoàn.

Nhiều người có thể tò mò về vị trí nghệ sĩ đệ nhất (First Artist) của anh tại Vũ đoàn ballet quốc gia Anh. Vị trí này có gì đặc biệt?

Đây là vị trí mà người diễn viên có thể tham gia cả múa tập thể lẫn múa soloist. Hiểu một cách nôm na là vị trí trung gian và sẽ tham gia biểu diễn nhiều hơn những vị trí khác. Tôi nghĩ vị trí này giúp người diễn viên có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm hơn.

Một nghệ sĩ đệ nhất cần có những tố chất gì, thưa anh?

Vũ đoàn ballet quốc gia Anh hiện có khoảng 70 diễn viên múa ballet, trong đó có khoảng  10 - 15 người ở vị trí đệ nhất. Những diễn viên ở vị trí này cũng như nhân sự diễn viên làm việc tại đây có sự thay đổi liên tục, do môi trường cạnh tranh và đào thải hằng ngày.

Nhà hát sẽ quan sát, hay ghi hình diễn viên để xem xét, đánh giá họ từ việc đúng giờ, cho đến sự chăm chỉ tập luyện, yêu nghề, khát khao cống hiến, cảm thụ âm nhạc, biểu diễn trên sân khấu… và cả sức khỏe nữa. Tôi làm việc tại vũ đoàn từ năm 2003, đến giờ đã qua 3 đời giám đốc. Mỗi một vị giám đốc lại có gu nhìn diễn viên khác nhau, thành ra không khó hiểu khi một diễn viên từng được đánh giá cao nhưng chưa chắc đã làm hài lòng vị giám đốc mới.

Tôi thấy mình có cái may là ở VN, cũng như những học sinh khác ở trường múa, tôi học cả ballet, múa dân gian, hiện đại…, vì thế điều đó giúp mình có sự uyển chuyển, nhanh nhẹn hơn. Mình có thể tiếp thu và thích ứng nhanh những yêu cầu khác nhau. Ở đây, dù cơ thể có mệt nhưng đầu óc vẫn phải tỉnh táo để học và ghi nhớ.

Anh tự nhận một diễn viên ballet đến từ đất nước Á Đông như mình có điểm yếu nào?

Diễn viên ở phương Tây họ có tầm vóc cao lớn và thể chất tốt hơn mình. Nhưng mình phải tìm cách bù lại bằng kỹ thuật, phong thái biểu diễn. Khi múa trong tập thể, mình phải tìm cách để nổi bật. Chẳng hạn, mình có tầm vóc bé nhưng khi làm động tác vẫn phải dài rộng. Ngoài ra, mình cần duy trì rèn luyện thể lực hằng ngày. Sau khi luyện tập ở nhà hát, tối về nếu không đi biểu diễn, tôi vẫn duy trì tập gym, đi bơi… Diễn viên ballet cần phải luyện tập đều đặn để dai sức, nếu không sẽ khó hoàn thành được một vở diễn dài 3 tiếng và đương nhiên khó có thể trụ lại được.

Diễn viên làm việc ở nhà hát chuyên nghiệp còn có nhiều sự hỗ trợ từ bác sĩ mát - xa, hay chuyên gia về cơ. Họ sẽ xem băng ghi hình để biết hôm nay những cơ nào của các diễn viên đã hoạt động nhiều, cơ nào còn yếu, cơ nào chưa hoạt động…, rồi  đưa ra những bài tập đặc biệt để giúp người diễn viên tránh tối đa sự mỏi mệt hay đau đớn, để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Ở VN, diễn viên chỉ múa ballet không thôi khó có thể nuôi đủ bản thân. Còn tại Anh, mọi việc có khác?

Tại Nhà hát ballet quốc gia Anh, tôi nghĩ lương của một diễn viên được trả xứng đáng với sức cống hiến mà họ bỏ ra. Một diễn viên khi đã ký hợp đồng với nhà hát cũng như cầu thủ ký hợp đồng với câu lạc bộ bóng đá, không thể “đá” khắp nơi được, mà chỉ “đá” cho “đội” mình thôi, nên không có chuyện chạy show.

Mức lương tối thiểu của một diễn viên ballet vừa mới ra trường là khoảng 60 triệu đồng. Diễn viên càng làm lâu năm, lương của họ sẽ càng cao. Với mức lương này, một diễn viên múa ballet có thể chi tiêu thoải mái, đi du lịch hay mua nhà…

Vậy còn cường độ làm việc của một diễn viên ballet ở đó thì sao?

Tùy theo chương trình, mùa diễn. Có mùa diễn mùa thu, chúng tôi đi biểu diễn 7 tuần (10 buổi/tuần) ở khắp nước Anh. Trong dịp lễ Noel, chúng tôi có thể diễn 12 tuần (2 buổi/ngày)… Có tuần, diễn viên sẽ được nghỉ biểu diễn nhưng để luyện tập cho những chương trình sắp tới. Chúng tôi vẫn có thời gian được “thả lỏng”, đi chơi, du lịch…

Một mình ở nơi xứ người, không có gia đình ở bên, anh bền bỉ với ballet như vậy là vì điều gì?

Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao mình có thể bền bỉ đến vậy. Chắc là trong đầu tôi vẫn nghĩ mình còn trẻ hay sao ấy (cười). Chứ còn ở VN, bạn bè của tôi hầu hết đã kết hôn, có con rồi. Nhưng tôi nghĩ, mình không thể có được mọi thứ, mà cần chấp nhận được cái này thì thôi cái kia.

Tôi nghĩ mỗi người có nhu cầu, nguyện vọng khác nhau trong cuộc sống. Quan trọng là làm những việc khiến cho mình hạnh phúc. Tất nhiên những việc đó không ảnh hưởng đến người khác là được.

Quay lại với quãng thời gian anh đến với ballet, vì sao anh lại chọn con đường này?

Bố và mẹ tôi đều dạy trong trường múa nên muốn đưa 2 con mình vào trong trường cho dễ quản, trong khi ước mơ thuở nhỏ của tôi là làm tiếp viên hàng không để được đi khắp mọi nơi.

Năm 1994, khi tôi đang học năm thứ 5 ở trường múa, có giáo viên người Pháp sang đây dạy ballet cho học sinh vào 2 dịp trong năm. Tôi yêu ballet từ lúc đó. Khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp, thầy giáo mới hỏi nguyện vọng của tôi có muốn đi theo ballet không khi nhìn thấy khả năng, tố chất của tôi. Còn bố mẹ tôi trước đó muốn tôi sang Úc học múa hiện đại. Tôi nhận ra mình yêu ballet hơn tất cả. Sau đấy, tôi quyết định theo học ballet. Tôi nhận được học bổng sang Pháp vào năm 1996. Nghĩ lại thì thấy bây giờ tôi đã đạt được ước mơ thuở bé là đi khắp nơi trên thế giới và điều đặc biệt là lại nhờ ballet. Tôi đã đi lưu diễn ở 65 nước trên khắp thế giới.

Đến giờ, diễn viên ballet được đào tạo trong nước xuất hiện trên sân khấu châu Âu gần như chỉ có mình anh. Theo anh vì sao diễn viên ballet từ VN có mặt trên sân khấu thế giới vẫn còn quá hiếm hoi?

Đúng là, khi tôi mới đến nhà hát, nhiều người cứ nghĩ tôi đến từ Nhật Bản hay Trung Quốc… Lúc biết tôi đến từ VN, họ vô cùng ngạc nhiên: “Ở VN cũng có trường dạy ballet cơ à”!

Vậy mục đích của anh là gì?

Tôi muốn bố mẹ tự hào về tôi! Lý do tôi muốn sang nước ngoài làm việc là khi tôi còn đang học trong trường múa, nhiều vị phụ huynh hay bạn bè vẫn nghĩ tôi được điểm cao, hay được giải thưởng này kia là do có bố mẹ trong ngành. Tôi muốn được khẳng định vị trí của mình trong môi trường mà mình không quen, không biết ai hết. Ở đó, mình giỏi thì họ giữ, còn không giỏi, họ sa thải ngay.

Cũng chính nhờ quyết định làm việc tại nước ngoài, tôi vui vì bây giờ mình còn có thể đóng góp phần nào cho ballet VN. Tôi học được tinh túy của nghệ thuật ballet thế giới, cùng kinh nghiệm hàng chục năm biểu diễn trong môi trường chuyên nghiệp, để quay lại dạy cho các em diễn viên trẻ bây giờ, hay dàn dựng những vở ballet lớn trên sân khấu VN.

Gần 20 năm đứng trên sân khấu là một hành trình bền bỉ với một diễn viên ballet. Anh đã chuẩn bị cho lúc mình sẽ… về hưu?

Tất nhiên là có sự chuẩn bị rồi chứ (cười). Tôi nghĩ bất cứ diễn viên múa ballet nào cũng nên có sự chuẩn bị trước để không thấy sốc. Tuổi nghề với diễn viên ballet đúng là không dài, nhưng việc đó còn phụ thuộc vào cơ thể mỗi người. Nhiều khi cơ thể mình thế nào cũng do suy nghĩ của mình nữa. Có lẽ tôi vẫn thấy mình còn trẻ, nên vẫn rất dồi dào năng lượng và chưa có ý định về hưu đâu (cười).

Ở Anh, diễn viên ballet khi 35 tuổi là đã có thể về hưu  nếu muốn. Họ sẽ được nhận lương hưu khoảng 60% lương lúc đi làm. Làm việc càng lâu năm, mình đóng thuế nhiều, thì lương hưu lại càng cao. Bởi vậy, tôi cảm thấy khá thoải mái nếu về hưu.

Anh có nghĩ đến việc sẽ trở về VN sau này?

Những năm qua, tôi vẫn thường xuyên về nước tham gia các lớp workshop với diễn viên, biên đạo, dàn dựng một số vở diễn kinh điển của thế giới… Năm ngoái, tôi nghỉ không lương để về VN dàn dựng vở Hồ Thiên nga cho Nhà hát Nhạc vũ kịch VN (VNOB). Tôi muốn cống hiến cho nhà hát bởi đây cũng là nơi khi học trong trường múa tôi từng mơ ước sẽ về nhà hát làm việc.

Còn về sau này, tôi nghĩ mình sẽ không sống cố định hay làm việc cố định ở một nơi nào đó. Đó là lúc tôi sẽ sống cuộc sống tự do hơn và được trải nghiệm nhiều hơn.

Báo Thanh Niên
26.07.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.