Vào những năm cuối thập niên 1980, khán giả yêu mến sân khấu đều biết đến tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Thủy qua những vở kịch đình đám của sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (TP.HCM), trong đó có tuyệt phẩm Ngụ ngôn năm 2000 (Lê Hoàng viết kịch bản, đạo diễn Hồng Phúc). Cô đào nhỏ nhắn, dễ thương Thanh Thủy cùng một số nghệ sĩ tài năng như Hồng Vân, Hồng Đào, Quốc Thảo, Minh Nhí, Việt Anh, Phương Linh… đã hình thành nên một thế hệ vàng của kịch nói phương Nam thời ấy.

Con đường nào đã đưa một nữ sinh cấp 3 ở Long Khánh (Đồng Nai) đến với nghệ thuật khi cả nhà chẳng có ai gắn bó với lĩnh vực này, để rồi tạo nên một cô đào Thanh Thủy danh tiếng như hôm nay? Chị có nghĩ mình quá may mắn không?

“Thuở còn thơ ngày hai bữa đến trường” ở quê nhà, tôi sống hồn nhiên, vô tư, không mơ mộng cao xa gì. Thỉnh thoảng nhà trường có văn nghệ gì chỉ tham gia với bạn bè trong lớp cho vui. Ba tôi thì làm thầu xây dựng nên suốt ngày đầu tắt mặt tối, đi liên tục; còn mẹ tôi quanh năm ở nhà nội trợ nuôi 4 cô con gái ở tuổi ăn tuổi lớn. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, thế giới nghệ thuật lung linh giống như trong truyện cổ tích, thần thoại… mà người nghệ sĩ chính là những ông hoàng, bà chúa xinh đẹp, nên “thấp bé, nhẹ cân” như tôi không bao giờ dám với tới. Cho đến khi nộp đơn thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), tôi cũng chỉ dám ghi nguyện vọng 2, ai ngờ trúng tuyển luôn.

Từ lúc lên Sài Gòn cho đến khi ra trường, tôi chỉ biết học là học. Trong khi có một vài người chạy “chân trong chân ngoài” thì tôi vẫn mải mê đèn sách. Thỉnh thoảng, khi có Lê Khanh, Ngọc Huyền, Anh Tú, Chí Trung… ngoài Bắc vào diễn kịch, tôi mới tranh thủ đi xem thử coi thế nào. Lúc ấy, tôi cảm thấy đời mình quá hạnh phúc khi được nhiều thầy cô có “thương hiệu” thời đó: Nguyễn Văn Phúc, Lê Văn Tỉnh, Đoàn Bá, Thành Trí, Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng… trực tiếp đứng lớp, uốn nắn từ cách diễn xuất cho đến đài từ. Sân khấu kịch nói, kịch truyền hình lúc tôi ra trường vào năm 1987 lại ở vào thời hoàng kim với nhiều chương trình ăn khách. Chỉ cần buổi tối ti vi có phát vở nào hay là được báo chí viết bài, đưa lên rần rần là khán giả thích thú ngay. Thanh Thủy cũng là một trong những nghệ sĩ có… duyên số như thế.

Thành danh với các vai diễn “nặng ký”, vậy chị có kỷ niệm đáng nhớ với nhân vật nào mà mình đã hóa thân xuất sắc không? Nghe nói Thanh Thủy cũng từng đi qua nhiều sân khấu tại TP.HCM, thậm chí còn tham gia tấu hài cùng với Hoài Linh?

Khi diễn ở sân khấu thử nghiệm 5B ngày ấy dù cảnh trí khá đơn giản, sân khấu tạm bợ, diễn viên nói bằng tiếng thật, không có micro nhưng chúng tôi làm nghề một sách say sưa. Khán giả tới xem kín rạp. Được một thời gian, đạo diễn Chí Trung có lời mời tôi và Minh Nhí về  IDECAF vào vai vợ chồng thằng mõ trong Đứa con tiền kiếp. Sân khấu IDECAF khi đó bùng nổ luôn, rồi lưu lạc tiếp qua sân khấu Phú Nhuận, rồi sân khấu kịch Minh Nhí. Có giai đoạn, hài kịch bỗng dưng lên ngôi, tôi còn đầu quân về sân khấu Nụ Cười Mới đi diễn hài với Hoài Linh, kỷ niệm nhiều vô số kể. Rồi thừa thắng xông lên, tôi nhảy qua điện ảnh lần đầu tiên cùng Quyền Linh với bộ phim Thời đại đàn bà con gái, tham gia Chuyện trong nhà ngoài phố của HTV...

Cuộc đời lao động nghệ thuật với hàng trăm vai diễn, tôi hơi tham lam khi nhân vật nào đã thể hiện cũng đều... đắm đuối hết. Bởi, mỗi đứa con tinh thần sinh ra đều phải “lao tâm khổ tứ”, thậm chí nhận kịch bản nào xong, ăn ngủ gì cũng nghĩ đến nó cả. Vì vậy, nếu hỏi vai diễn trong vở nào là cột mốc tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghề thì tôi trả lời dễ hơn. Đó là các vở: Ngụ ngôn năm 2000, Xóm nhỏ Sài Gòn, Sông dài, Bí mật vườn Lệ Chi Tiếng vạc sành đã mở cánh cửa lớn cho cuộc đời tôi để có một Thanh Thủy long lanh như hôm nay.

Yêu nghề, luôn rạo rực ngọn lửa đam mê với sân khấu nhưng đôi lúc dường như một nghệ sĩ có cá tính, mạnh mẽ như Thanh Thủy cũng cảm thấy bế tắc?

Tôi là người hoài cổ và mau nước mắt. Nhiều lần ra nước ngoài tới xem sân khấu tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, thậm chí cả Campuchia, tôi hay mơ về một thánh đường hoành tráng và luôn sáng đèn ở Việt Nam để cho anh em làm nghề. Xem phim Nàng Dae Jang-geum mình thấy chạnh lòng. Nước bạn làm phim quá giỏi, cách diễn xuất của đồng nghiệp như chạm được đến tận trái tim khán giả. Họ còn vẽ hình diễn viên chính in trên máy bay đi khắp Hàn Quốc. Tự dưng tôi cảm thấy bao hưng phấn trong nghề bỗng vụt mất đi. Tới giai đoạn game show nổi lên, sân khấu trở nên khó khăn thì một số nghệ sĩ thế hệ lớn tuổi thậm chí còn bị xem như đã hết thời, khiến tôi chạnh lòng và từng muốn bỏ nghề. May mà tinh thần xốc lại kịp thời, tiếp tục lao vào làm việc, tôi lại cùng Minh Nhí, Hồng Vân… mở lò đào tạo lực lượng kế cận.

Với tôi, sân khấu có gì đó ma mị, quyến rũ đến mức mất ăn, mất ngủ. Rất nhiều vai diễn, tôi phải trăn trở, ngồi đâu cũng nhớ, tối nằm ngủ cũng chập chờn luôn nghĩ tới nó. Thậm chí khi dựng tuồng vừa xong, tóc lại rụng và bạc thêm nhiều. Trời mưa, nếu người giàu cởi áo đang mặc để bọc lại cục tiền cho khỏi ướt thì nghệ sĩ chỉ lo bọc kỹ quyển kịch bản. Vì đó là máu thịt, là cuộc đời. Trước ngày phúc khảo còn không dám đi đâu, chạy xe máy chậm rãi lo sợ rủi có tai nạn thì làm sao ra sân khấu diễn tròn vai cho khán giả xem.

Không phải bây giờ nghệ sĩ Thanh Thủy mới đứng lớp, trước đây lớp diễn viên đầu tiên của điện ảnh TP.HCM như Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương… từng là học trò của chị. Vậy chị có nhận xét gì về các tài năng trẻ của lớp nghệ sĩ ngày xưa và hiện nay?

Đúng vậy. Vừa ra trường là tôi được đi phụ giảng cho cô Kim Chi ngay nên mới may mắn được làm cô giáo cho những tên tuổi của điện ảnh như đã kể ở trên. Tuy nhiên, suy nghĩ tôi ngày ấy có phần hơi khắt khe, cho rằng các bạn diễn viên thường có mục đích muốn nổi tiếng nên sẵn trong lòng... ghét học trò, tôi chỉ đứng lớp được một thời gian là bỏ ngang. Sau này Minh Nhí mở lò đào tạo diễn viên trẻ ngỏ lời mời, tôi suy nghĩ nhiều rồi nhận lời.

Mấy chục năm quay lại nghề càng thấy thương học trò kinh khủng. Thương nhất, có em vì quần quật phụ bưng cơm chân cẳng mỏi rã rời, khi diễn xỉu luôn trên sân khấu. Từ đó, tôi thay đổi cách suy nghĩ, tập sống buông bỏ những cái gì cần buông và phải biết nắm giữ những gì cần thiết. Nói gì thì nói, người nghệ sĩ muốn diễn xuất giỏi trước tiên phải giỏi quan sát cộng với thực tài, đừng nên vay mượn và tối kỵ dùng thủ thuật. Tôi hay căn dặn các em: “Người diễn viên luôn có hai cặp mắt quan sát cuộc sống, một của nhân vật và một của chính mình, bổ sung hài hòa cho nhau. Và khi bạn biết đặt mình vào hoàn cảnh của chính nhân vật đã quan sát thì diễn xuất trở nên rất dễ thuyết phục”.

Nếu có kiếp sau, chị có mong ước trở lại đời diễn viên ngay từ sớm để nổi tiếng hơn hay rẽ qua làm doanh nhân để nhanh có nhiều tiền hơn nghệ thuật? Chị có thể chia sẻ những dự định hiện tại và tương lai của mình được không ?

(Cười) Nếu cho chọn lựa ở kiếp sau, tôi luôn muốn mình cơn gió mát mẻ, hay đám mây nhẹ nhàng bay lang thang khắp nơi. Còn bắt buộc phải làm người thì chắc phải quay lại đời nghệ sĩ thôi vì tôi đâu có giỏi giang việc gì ngoài nghề mình đang làm. Dù tôi biết, làm diễn viên cũng như bao nghề khác đều phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới đi đến thành công. Ở đời chẳng biết ai khóc nhiều hơn ai đâu, có khi đi trên đường nước mắt của tôi chảy dài hòa trong mưa nữa đấy chứ, nhưng vẫn cố giấu, bởi vì xung quanh còn bao người thân đang dựa vào mình, có muốn ngã cũng phải gượng dậy…

May mắn hiện tại cuộc sống của tôi vẫn ngày qua ngày sống vừa đủ và bình an cùng hai cô con gái nhỏ. Tôi đang quay phim Đại Kê chạy đi và tham gia nhiều dự án truyền hình mới: Gia đình hết sảy, Bí kíp hạnh phúc, Chuyện gia đình vàng và vừa nhận lời cho bộ phim Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn Victor Vũ sắp sửa mở máy.

Chị nghĩ sao khi một vài người trong giới cho rằng chị thuộc tuýp người khó gần?

Bản tính tôi hiền lành, thậm chí có phần hơi nhút nhát nên có ngại giao tiếp với người lạ thôi chứ không chảnh chọe gì. Trong giới tôi có chơi thân với nhiều người, tuy nhiên với sự đa sắc, đan xen nhiều mặt trái của thế giới showbiz, tôi cũng ít muốn va chạm ai. Trong cuộc sống, tôi luôn dặn lòng rằng phải tập nhớ những gì đáng nhớ và hãy quên những gì đáng quên để không nặng lòng. Còn chuyện kết giao, tôi không thể đến nhà ai nếu người đó đã khóa kín cửa, còn chấp nhận phá rào hoặc trèo vào thì tôi không muốn. Vì vậy mà có ai trách thì tôi chịu. Đi qua nửa đời người, mọi thứ với tôi giờ trở nên nhẹ nhàng.

Báo Thanh Niên
21.06.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top