>> NHƯ LỊCH

22 giờ 30 ngày 26.11, bà L.H (47 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) được chồng đưa đến Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định để chạy thận. Lúc này đã có nhiều người ngồi đợi, họ đang bàn tán về ảnh hưởng của cơn bão số 9 khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Nếu lỡ xui phải lội nước trên đường, họ rất dễ bị nhiễm trùng từ các vết mổ chạy thận.

Bà L.H từng có ý định “nằm nhà chờ chết” vì việc chạy thận lâu dài quá tốn kém lại không thể hết bệnh. Đã vậy, bà còn có bệnh khác, sức khỏe suy kiệt nên người chồng - lao động duy nhất trong gia đình - phải thức đêm đưa bà đi chạy thận. Chưa kể, hai đứa con đang tuổi ăn học với bao khoản chi phí phải trả...

“Bản thân tui ăn còn không nổi, nói chi đi làm. Lúc nào cũng thấy khát nước, nhưng chỉ dám nhấp môi bởi thận hư không thải được, người phù lên phải đi cấp cứu. Mỗi lần chạy thận xong, người bải hoải, cứ muốn nằm. Khi hơi khỏe lại chuẩn bị vô chạy thận tiếp, thành vòng tròn lẩn quẩn”, bà L.H cười như mếu.

Không có tiền thuê trọ, nhiều đêm chị T.Đ (Bình Định) ngủ trên sàn nhà BV trong thời gian vào TP.HCM chạy thận và dưỡng thai.Cuối cùng, chị cũng không giữ được đứa con…

Trong lúc đợi vợ chạy thận, chồng bà L.H cho biết đang làm đơn xin địa phương xác nhận hộ nghèo để vợ được bảo hiểm y tế 100%.... Chỉ vào một thanh niên mới đến, mặt bơ phờ xanh xao đang ngồi thở dốc, ông chép miệng: “Nhiều người trẻ cũng mắc bệnh này, tội lắm! Như em trai này, nửa đêm vô chạy thận, sáng sớm phải ráng ‘lết’ đi làm, nuôi con nhỏ”.

Còn ông Võ Hồng Tâm (64 tuổi, ngụ H.Hòa Thành, Tây Ninh) đang làm ăn khấm khá, nhà có hai chiếc xe tải để chạy bỏ mối bánh tráng bỗng phát bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. 11 năm nay, ông chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy. Ông còn bị tai biến, nên vợ luôn phải đi cùng, dù bà đang mang bệnh khớp và tim. Cứ 3 ngày/tuần, ông bà lên xe đò lúc 1 giờ sáng, để ông kịp vào ca 1 (4 giờ sáng). Biết ông Tâm chạy thận nhân tạo, hơn 5 năm nay, chủ nhà xe dịch vụ tuyến Tây Ninh – TP.HCM miễn phí tiền xe cho ông.

Những hôm đi thực tế tại BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, tôi ngạc nhiên khi thấy một số bệnh nhân chạy thận nhân tạo ca 5 (bắt đầu từ khoảng 8 – 9 giờ tối)  nhưng đã túc trực lúc 11 - 12 giờ trưa. Thậm chí, có những người 7 giờ sáng đã có mặt.

Nhóm bà S. (Q.Bình Thạnh), ông H. (Q.Gò Vấp) thường tụ họp lúc trưa cho biết: “Ở đây chia làm năm ca (ca 1 từ 5 giờ sáng), mỗi ca kéo dài 2-4 tiếng. Đi sớm để canh có máy trống là ‘xí’ chỗ ngay. Nếu đi trễ, có khi mình phải chờ đến 1-2 giờ khuya vẫn chưa vô được, nhất là gặp những bữa máy hư hoặc có nhiều ca cấp cứu chen ngang”.

Là kỹ sư xây dựng đầy triển vọng, năm 27 tuổi, chàng trai Nguyễn Ngọc Em (quê ở TT.Mỹ An, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) phát bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Họa vô đơn chí, sau đó anh bị té ngã, chấn thương đầu gối và cột sống. Hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe suy kiệt, Ngọc Em gắng gượng đi bán vé số kiếm tiền chạy thận. Ban đêm, anh “ngủ lụi” trong BV Chợ Rẫy…

Hơn 10 năm qua, kỹ sư xây dựng Nguyễn Ngọc Em “cư ngụ” trong BV để chạy thận nhân tạo định kỳ

Tính đến nay, anh Em “cư ngụ” ở BV được khoảng...10 năm. Gần đây, anh mượn được chiếc băng ca để ngả lưng, song cũng thường xuyên trằn trọc vì những cơn đau nhức. Khổ nhất là những đêm mưa bão, anh “lết” về phía nào cũng khó tránh ướt, lạnh. 

Mỗi tháng chạy thận và điều trị, anh Em đóng khoảng 4,7 triệu đồng cho các khoản chi phí ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế. “May mà bác sĩ Trưởng khoa Thận nhân tạo đề xuất giảm cho tôi gần 1 triệu đồng/tháng tiền giường. Ngoài bán vé số, tôi được bạn bè cũ và những người xung quanh thỉnh thoảng giúp đỡ”, anh Em bày tỏ.

Thời gian đầu mắc bệnh, vợ bỏ đi khiến anh bị sốc, từng uống thuốc tự tử mà bất thành. Từ một người nặng 60 kg, nay anh choắt sạm chưa đầy 40 kg, đi đứng không vững, nhiều khi phải ngồi xe lăn... Cách đây 5-6 năm, bà con ở Cái Bè (Tiền Giang) đã xây sẵn kim tĩnh cho anh.

“Bệnh đã mười mấy năm, biến chứng đủ thứ. Tim gan, phèo phổi và các bộ phận khác ‘từa lưa’ hết rồi. Sống vui vẻ được ngày nào hay ngày đó thôi. Giờ tôi chỉ mong chết ‘cho ngọt’, đừng rơi vào cảnh thoi thóp thở ô xy, thê lương lắm”, anh Em cố pha trò giữa những tràng ho.

Bà Nguyễn Thị Châu (76 tuổi, ngụ ở H. Cần Giờ, TP.HCM) chạy thận nhân tạo gần 15 năm nay cùng đợt với anh Em. Sức khỏe yếu và gia cảnh khó khăn, bà chỉ về nhà hai ngày cuối tuần, còn lại tá túc ở BV. Bà Châu chia sẻ: “Có hôm tui bị tụt huyết áp, thằng Em ráng đẩy xe lăn đưa tui lên phòng cấp cứu. Đến khi nó bệnh, tui đi mua thuốc cho nó… Tụi tui giúp qua giúp lại, nương nhau sống”. Bà cười móm mém kể, nhiều lúc người ta tặng mấy ổ bánh mì không, hai bà cháu xịt nước tương cùng ăn. Hoặc những lần được căn - tin đãi cơm ăn, anh Em cũng không quên xin về cho bà một hộp…

Chỉ vào mấy ô gạch dưới sàn nhà, bà Châu bảo đó là chỗ bà và chị P. (quê Long An) thường trải chiếu ngủ với nhau. Chị P. chạy thận đã hơn chục năm. Lúc trước, chị P. còn khỏe, tự đi, về. Sau này chị bị gãy xương đùi nên ở lại đây. “Cách đây một tháng, con bé P. chạy thận ca đêm xong, nó lên cơn mệt nên được chuyển lên cấp cứu. Khoảng nửa tiếng sau, nó ‘đi’ luôn. Bữa nó mất chỉ có mẹ nó và tui thôi. Bả khóc, tui cũng khóc quá trời vì ở với nhau lâu ngày nên tui coi nó như con mình vậy”, bà Châu hồi tưởng.

Tôi lặng người khi bà Châu nói rằng cứ chụp hình cụ, đừng ngại. Để lỡ mai mốt cụ mất, con đi ngang đây nhớ cụ nha! Hôm nay cụ còn nói chuyện với con, có khi ngày mai cụ bị tụt huyết áp, “lên đường” không chừng… (còn tiếp)

Bà cụ Nguyễn Thị Châu hỏi han người đồng cảnh ngộ

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Như Lịch

Báo Thanh Niên
26.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top