>> NHƯ LỊCH

Đó không chỉ là tâm sự của ông Mạnh Sơn (hiện 50 tuổi) mà của hầu hết những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ông Mạnh Sơn (ngụ P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) xuýt xoa cho hay đã có lần ông tưởng mình sắp chạm tới ước mơ “được tiểu bình thường” như bao nhiêu người khác khi ông được gần chục người quen đăng ký hiến thận năm 2007. Đáng tiếc, các xét nghiệm cho thấy không có sự tương thích giữa hai bên. Hy vọng được ghép thận của ông Sơn ngày càng mong manh, nhất là khi bệnh của ông đã gây nhiều biến chứng.

Xếp hang vào chạy thận lúc 4 giờ sáng tại BV Chợ Rẫy

Cách đây 2 tháng, T.Đ (21 tuổi, ở TX.Đồng Xoài, Bình Phước) đến TP.HCM thuê nhà trọ gần một bệnh viện (BV) lớn ở Q.5, chuẩn bị chờ ngày ghép thận. T.Đ bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối vào năm 18 tuổi. “Hồi nớ em là công nhân cạo mủ cao su, đang làm khỏe mạnh thì lăn ra bệnh. Bệnh ni trời kêu ai nấy dạ!”, T.Đ bộc bạch bằng giọng Quảng Trị. Được người anh ruột hiến thận, T.Đ khấp khởi mừng khi nghĩ tới ngày thoát khỏi cảnh sống lệ thuộc vào máy lọc máu, có sức khỏe để lao động, rồi lấy vợ, có con…

Trắng đêm chạy thận nhân tạo tại một số BV tại TP.HCM

Chiều 26.11, tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), trong khi ngồi chờ gọi tên vào phòng chạy thận, một số bệnh nhân “tám” về đề tài ghép thận. Một anh mở điện thoại, chỉ vào tấm ảnh thằng bé bụ bẫm, khoe: “Con của thằng Q. đây nè, tươi ha! Q. chạy thận một năm là có thằng bé này. Vừa rồi, nó được mẹ ruột cho thận để ghép, may mắn ghê!”. Một bệnh nhân khác ngậm ngùi: “Bản thân tui, nếu được ai đó hiến thận cũng không biết kiếm đâu ra hàng trăm triệu đồng để ghép. Tui chỉ mong nhà nước hỗ trợ kinh phí giúp những người khó khăn như tui chạy thận hằng tháng, kéo dài sự sống. Còn chuyện ghép thận, dù rất muốn, nhưng với tui nó xa vời lắm”.

Một cô gái đưa chồng đi chạy thận, bật khóc khi nói về hoàn cảnh bế tắc của gia đình

Dù vậy không phải ai cũng đồng ý ghép thận, đó là trường hợp của chị Hồng Hạnh, 31 tuổi, ngụ TP.Sa Đéc, Đồng Tháp. Bình thường chị chạy thận ở tỉnh. Mấy bữa nay do bệnh nặng, nên được chuyển lên cấp cứu ở BV Chợ Rẫy. Chị thổ lộ: “Em gái sẵn sàng hiến thận cho tôi. Nó làm hồ sơ xong rồi, còn 3 tuần nữa là ghép thận nhưng tôi không chịu tiến hành. Gần đến ngày “lên đĩa”, tôi chợt suy nghĩ lại. Em tôi mới 30 tuổi, chưa lập gia đình, đời nó còn dài, còn tương lai nữa”. 

Ngày 19.12 vừa qua, các bác sĩ BV Nhân dân 115 (TP.HCM) đã thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân N.T.L (54 tuổi, ngụ TT.Đức Tài, H.Đức Linh, Bình Thuận). Điều đặc biệt, người hiến thận không có họ hàng thân thích với bệnh nhân. Đó là thầy giáo Nguyễn Như Diệp (45 tuổi, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Đức Tín, H.Đức Linh).

Vẫn chưa hồi phục sau ca mổ, ông Diệp cho biết vào năm 2011, hay tin bệnh nhân Hứa Cẩm Tú ở Cần Thơ bị “cắt nhầm” hai quả thận, ông đã liên hệ với BV đa khoa TP.Cần Thơ để đăng ký hiến thận cho chị Tú. Tuy nhiên, BV thông báo nhóm máu của ông không tương thích nên không thể tiếp nhận. Nhưng cũng từ đó, ông D. có ý định hiến thận cứu người, bên cạnh việc hiến máu nhân đạo ông vẫn duy trì lâu nay. 

Thầy giáo Diệp sau ca mổ hiến thận

Bà N.T.L (vợ của bạn ông Diệp) phải chạy thận nhân tạo 4 năm nay và bị thiếu máu trầm trọng nên ngày càng tiều tụy, sống dở chết dở. Hay tin ông Diệp đăng ký hiến thận, bà L. mừng rỡ bày tỏ nguyện vọng xin thận của ông để ghép và được ông đồng ý.

“Đầu năm 2018, chúng tôi đến BV Nhân dân 115 để làm các thủ tục hiến, ghép thận. Tôi nói với phía BV rằng nếu bà L. không tương thích để nhận, tôi vẫn tiếp tục đăng ký để hiến cho một bệnh nhân nào đó phù hợp”, ông Diệp chia sẻ.

Sau hàng loạt xét nghiệm, kết quả thật kỳ diệu: Ông Diệp và bà L. tương hợp về nhóm máu, di truyền học… đồng thời đáp ứng tất cả yếu tố quan trọng để có thể tiến hành ca ghép thận thành công.

Trong gia đình, ngoài vợ con ông Diệp, hầu như không ai biết chuyện ông đăng ký hiến thận. Chỉ đến lúc ông đã hoàn tất các khâu xét nghiệm, chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật, họ mới “ngã ngửa”. Thậm chí ngày ông vô phòng mổ, mẹ ông cũng không hề hay biết

Một bệnh nhân chạy thận nhân tạo (bên phải) chuẩn bị các bước trước ca ghép thận. Người này cho biết được anh ruột hiến thận

Đã không ít lời khen lẫn trách móc cùng sự hồ nghi, mai mỉa về chuyện hiến thận của ông Diệp. Họ cho rằng ông “điên rồ”, “chơi ngông” vì bỗng nhiên đem quả thận quý giá tặng cho người dưng; rằng mai này sức khỏe suy sụp, sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ… Một bác sĩ cũng từng bảo ông Diệp: “Anh suy nghĩ kỹ chưa? Trong cuộc đời này, có những việc tốt tương tự để làm, đâu cần mình phải trở thành người vĩ đại?”.

Một số bệnh nhân “bám trụ” trong BV

Đáp lại, ông Diệp cho rằng đã tìm hiểu các vấn đề trước khi quyết định. Con cái đã lớn, ông làm nghề giáo không phải mang vác nặng nhọc, bản thân ăn chay trường… nên ông hy vọng sức khỏe của mình “không đến nỗi quá tệ” sau khi hiến thận.

Ngay sau khi bà N.T.L được ghép thận, chồng bà vui mừng thông báo: Vợ tôi đã có nước tiểu! Điều tưởng chừng nhỏ nhoi, “trần tục” ấy lại là nỗi khát khao, là niềm hạnh phúc to lớn của những bệnh nhân bị hư thận như bà L.

Đồ họa : Duy Quang | Ảnh: Như Lịch

Báo Thanh Niên
29.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.