Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Anh, vừa chính thức công bố tổng giá trị thương hiệu của Top 50 Việt Nam năm 2019 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xếp vị trí đầu tiên của Top 50 là Viettel. Thương hiệu này được định giá hơn 4,3 tỷ USD, tăng 20% (tương đương hơn 1,5 tỷ USD) so với năm 2018. Kế sau đó là VNPT, Vinamilk, VinHomes, Sabeco...

Là thương hiệu số 1 Việt Nam, Viettel có giá trị gấp gần 3 lần so với thương hiệu đứng thứ 2 và xấp xỉ bằng tổng của 3 thương hiệu đứng liền kề sau đó cộng lại. Chỉ riêng phần tăng thêm của thương hiệu Viettel trong lần định giá cho năm 2019 đã gần bằng với tổng giá trị của thương hiệu đứng thứ 2. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Viettel dẫn đầu Top 50 Việt Nam.

Hiện Viettel cũng là thương hiệu duy nhất của Việt Nam và là 1 trong 8 thương hiệu của Đông Nam Á lọt Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Brand Finance công bố.

Căn cứ cho việc định giá giá trị thương hiệu, ông Lại Tiến Mạnh, CEO Mibrand, đối tác chính thức của Brand Finance tại Việt Nam cho biết nhóm nghiên cứu dựa trên các tính toán về giá trị doanh nghiệp đạt được trong qua khứ và dự báo tăng trưởng trong tương lai.

“Khi dự báo tăng trưởng trong tương lai tốt thì nó sẽ có tác động rất lớn tới giá trị thương hiệu. Ví dụ dự báo về Viettel đang rất tốt, đấy là lý do tại sao thương hiệu này phát triển”, ông Mạnh nói.

Thực tế, Viettel đang có sự phát triển mạnh mẽ tại 10 thị trường quốc tế mà doanh nghiệp này đã đầu tư. Dù vẫn gặp một số khó khăn về địa chính trị, thiên tai ở thị trường châu Phi nhưng trong nửa đầu năm 2019, báo cáo tài chính của Viettel Global – công ty con của Tập đoàn Viettel chuyên đầu tư ra nước ngoài, vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế gần 1.200 tỷ đồng. “Viettel là đại diện nổi trội cho thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, CEO của Mibrand Vietnam nhận định.

Trong nước, Viettel cũng có sự thay đổi nhanh chóng khi chuyển mình thành một nhà cung cấp dịch vụ số, một công ty công nghệ chứ không còn là doanh nghiệp viễn thông truyền thống. Gần đây nhất, công ty này đã tạo một điểm nhấn mới cho ngành ICT Việt Nam với việc phát sóng 5G và phủ sóng 1.000 trạm NB-IoT (vạn vật kết nối) tại TPHCM. Đây là 2 công nghệ mới nhất trong hệ sinh thái số đa dạng mà Viettel cung cấp.

Nhận định về triển vọng thương hiệu của Viettel, ông Samir Dixit – CEO Brand Finance Asia Pacific nói: “Doanh thu tăng trưởng tốt, khách hàng tăng trưởng tốt thì thương hiệu cũng sẽ có giá trị tốt”. Chuyên gia thương hiệu này cũng bình luận thêm về triển vọng của các thương hiệu thuộc Top 50 Việt Nam: “Nhìn chung, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao liên tục trong vòng 10 năm tới và điều đó sẽ hỗ trợ các thương hiệu doanh nghiệp phát triển theo”.

Trong lần phỏng vấn báo chí Việt Nam khi tham dự hội thảo “Quản trị thương hiệu trong thời đại 4.0” tại Hà Nội, ông Piyachart Isarabhakdee – CEO BRANDi, tác giả của cuốn sách thương hiệu nổi tiếng “Branding 4.0” nhận xét: “Tôi không ngạc nhiên khi Viettel dẫn đầu, vì họ hoạt động trong chính ngành được hưởng lợi từ công nghệ”. CEO BRANDi cũng nhắc đến Viettel khi nói về các thương hiệu phù hợp với triết lý của “Branding 4.0”.

Tác giả của cuốn sách thương hiệu nổi tiếng nhận xét: “Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào lãi, lợi nhuận thì tất cả chỉ gói gọn trong doanh nghiệp. Nếu muốn xây dựng thương hiệu của mình vươn tới tầng cao mới, vĩ đại hơn thì phải có mục đích, sứ mệnh khác”.

Ông Piyachart cho rằng, trong giai đoạn 4.0, một doanh nghiệp muốn có sản phẩm, dịch vụ thành công không phải chỉ tốt ở chức năng mà còn phải tạo ra những tình cảm, cảm xúc nhất định. “Thương hiệu chính là sự kết hợp giữa chức năng và cảm xúc”, ông nhấn mạnh.

Khi đạt được những điều này, người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm sẽ không còn là người tiêu dùng, họ sẽ dần trở thành đại sứ thương hiệu cho chính doanh nghiệp đó.

Những định hướng này của vị chuyên gia thương hiệu thời 4.0 cũng rất tương đồng với những điều mà Viettel đã thực hiện nhiều năm qua. Ngày từ khi mới “khởi nghiệp” làm viễn thông di động, Viettel đã phát động một chương trình xã hội lớn, có ý nghĩa kéo dài đến bây giờ (Trái tim cho em).

Và sau đó là những chương trình xã hội lớn hơn nhiều như Internet trường học (mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng ở Việt Nam và còn mở rộng ở nhiều thị trường quốc tế mà Viettel đầu tư), Bò giống giúp người nghèo biên giới, chương trình học bổng Vì em hiếu học…

Chính những hoạt động có ý nghĩa nhân văn này đã giúp cho thương hiệu Viettel được kết nối với những điều tốt đẹp khó đo đếm. Rất nhiều người yêu mến Viettel ở giai đoạn đầu không phải bởi dịch vụ của họ tốt hơn các nhà cung cấp khác mà có phần quan trọng bởi yếu tố nhân văn trong các hoạt động Viettel thực hiện khi làm kinh doanh.

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bắt tay robot được điều khiển bằng 5G tại buổi lễ khai trương phát sóng 5G của Viettel tại TP.HCM.

Trái tim cho em – chương trình từ thiện nhân đạo do Viettel và Quỹ Tấm Lòng Việt (VTV) phối hợp thực hiện, tiến hành phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi tại Việt Nam.

Bên cạnh ý nghĩa nhân văn, điều quan trọng khiến cho thương hiệu Viettel vươn lên tầng cao mới là việc tập đoàn này luôn mang trong mình khát vọng thay đổi và làm những điều chưa công ty nào ở Việt Nam thực hiện.

Chiến lược viễn thông đưa Viettel vươn ra quốc tế từ năm 2006 là điều ít người nghĩ tới bởi trước đó chỉ vài năm Việt Nam còn là một quốc gia độc quyền về lĩnh vực này, khả năng cạnh tranh thấp. Giờ đây, sau hơn 10 năm, Viettel đã có mặt ở 10 quốc gia khác, với 5 quốc gia trở thành công ty viễn thông số 1.

Khi chưa có một công ty nào ở Việt Nam sản xuất thành công thiết bị viễn thông, Viettel cũng tiên phong đi đầu và nay đã sản xuất và làm chủ mạng lõi 4G, đang nghiên cứu để sản xuất thiết bị 5G. Và tập đoàn này cũng làm điều tương tự với sản xuất thiết bị, vũ khí quân sự hiện đại đưa Việt Nam vào danh sách số rất ít quốc gia trên thế giới sản xuất được thiết bị quân sự công nghệ cao…

Gần nhất (ngày 21/9), Viettel cũng trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm kỹ thuật mạng 5G, đưa đất nước hình chữ S vào danh sách hơn 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới phát sóng công nghệ này…

Trên thực tế, việc thử nghiệm những công nghệ mới mà chưa công ty nào ở Việt Nam làm, tiến vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao cũng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, khi những dự án này bắt đầu “đơm hoa kết trái” thì với một chuyên gia thương hiệu 4.0 như Piyachart, giá trị thương hiệu của Viettel tăng vọt là điều dễ hiểu.

Tác giả của cuốn sách thương hiệu nổi tiếng “Branding 4.0” nhận xét: “Tôi nghĩ là Viettel có thể tận hưởng kỷ nguyên này, đây chính là thời điểm có lợi cho họ, thêm cánh cho việc kinh doanh của họ. Người tiêu dùng đang đòi hỏi nhiều hơn, muốn lên tiếng nhiều hơn, đó chính là cơ hội cho những người đóng vai trò kết nối”.

Myanmar (thương hiệu Mytel) là thị trường quốc tế thứ 10 của Viettel và cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất trong lịch sử làm viễn thông của Tập đoàn này.

Báo Thanh Niên
01.10.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.