Ở giai đoạn trước năm 1975, Lê Huy Tiếp hướng tác phẩm của mình đến chủ đề chiến tranh, ảnh hưởng chủ nghĩa hiện thực mới và chủ nghĩa biểu hiện. Song từ sau năm 1975, ông hướng quan tâm đến việc soi rọi vào bên trong mỗi con người, đồng thời đi theo chủ nghĩa hiện thực lãng mạn pha yếu tố siêu thực và tượng trưng, tạo nên phong cách riêng.
Cô gái và con chó trắng, tác phẩm tiêu biểu cho phong cách mới và được duy trì cho tới mãi sau này của Lê Huy Tiếp, đã mang sự mới lạ đến triển lãm mỹ thuật toàn quốc diễn ra lần đầu tiên vào năm 1976. Nhưng đáng tiếc, bức tranh bất ngờ bị hạ xuống chỉ sau 3 ngày được treo.
Câu chuyện về bức tranh Cô gái và con chó trắng bị hạ khỏi triển lãm vẫn được giới mỹ thuật nhắc đến như ví dụ về một thời kỳ mà việc tiếp nhận những cái mới trong nghệ thuật vẫn còn hạn chế. Việc đó có khiến chàng họa sĩ trẻ là ông lúc đó phân vân về con đường mình đã chọn?
Không. Tôi không thấy hoang mang hay phân vân gì cả. Tôi bình tĩnh và hiểu rằng có thể việc đưa bức tranh ra khó được chấp nhận trong hoàn cảnh lúc đó. Tôi nhận được lời động viên từ nhiều họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Văn Tỵ, Quang Phòng, Mai Văn Hiến... Ngay cả người ra lệnh hạ bức tranh lúc ấy cũng nói với tôi: “Tranh đẹp lắm, cháu ạ! Nhưng giờ chưa hợp, để 5 - 10 năm nữa đưa ra thì rất hay”.
Kể cả trong những bức về chiến tranh mà tôi vẽ khi đang học ở Nga, có những bức không được duyệt như bức Máu của chiến tranh và bộ tranh khắc kẽm Chiến tranh VN hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore. Người ta nghĩ chiến tranh dữ dằn, đau thương quá, lúc đó hòa bình rồi, cần phải có những tranh vui vẻ hơn. Những điều đấy không khiến tôi có gì là sốc cả. Sau này cũng thế thôi, có một vài người nói tác phẩm của tôi là tàn dư nghệ thuật tư sản phương Tây, thì tôi cũng thấy tất cả là chuyện bình thường.
Tôi nghĩ, việc của mình là sáng tác, không quan tâm nhiều đến lời khen tiếng chê. Mình biết và tin vào con đường của mình, vào công việc của mình.
Sau năm 1975, khi hầu hết những họa sĩ đương thời đều tự gánh “sứ mệnh” tuyên truyền, cổ động, thúc giục tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì ông lại hướng quan tâm đến đời sống, sự cô đơn và những niềm hy vọng cá nhân lẻ loi. Vì sao ông lại có sự lựa chọn đó?
Tôi luôn nghĩ mình có những “sứ mệnh” đấy chứ, thậm chí còn nặng nề hơn. Chẳng hạn như khi diễn tả về cơn bão ở miền Trung, tôi vẽ bức tranh Đợi. Cảm xúc đi vào lòng người không chỉ qua việc diễn tả cảnh nhà đổ, mà tôi muốn qua hình ảnh người đàn bà trông chồng đi biển trở về. Tôi nghĩ, đó là “sứ mệnh” nhân văn mà người nghệ sĩ cần phải hướng đến.
Khi đất nước mở cửa, những vấn đề trong tranh của ông mở rộng ra mối quan hệ giữa con người - thiên nhiên - vũ trụ, luân hồi - sinh tử... Từ đâu ông có sự chuyển đổi như vậy?
Trước đây, tôi diễn tả sự xúc động từ những hình ảnh bên ngoài tác động vào. Sau này, tôi diễn tả từ cảm xúc bên trong, từ những chiêm nghiệm về cuộc sống, về sự sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình, phát triển và tàn lụi. Tôi bị ám ảnh về sự tàn lụi, nhưng trong tôi luôn có niềm hy vọng, giống như việc mình phải chấp nhận sự tồn tại của cái xấu, nhưng bên cạnh đó là nâng niu những cái đẹp trong cuộc sống này. Ngoài những vấn đề cá nhân, chiêm nghiệm về cuộc sống, tôi còn muốn đưa vào những câu chuyện, dấu ấn của thời đại mình sống.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẽ trực họa, điều mà trước đây không bao giờ nghĩ đến. Tôi thích những cái gì nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn, bởi vì đến cái tuổi này rồi không thể đủ sức để làm nhiều những tranh phức tạp đồ sộ nữa. Thấy cái đẹp, cái hay thì mình nắm bắt lấy ngay, đó cũng giống như một bài kiểm tra về sức khỏe, về tình cảm, làm mình thấy tươi mới lại.
Tranh của ông đang được lưu giữ ở nhiều bảo tàng cũng như nằm trong bộ sưu tập tư nhân tại nhiều nước trên thế giới. Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ mình có thể sống khá giả bằng tranh. Ông có nhớ những bức tranh đầu tiên bán được?
Những bức tranh đầu tiên là những tác phẩm trừu tượng vẽ khi tôi còn là sinh viên ở Nga, và được bán cho khách Nga. Tranh bán lần đầu tiên ở VN là tranh in đá vẽ chân dung một cô gái từ ký họa, vào năm 1978. Tôi đề giá bán là 100 đồng, thì Bảo tàng Mỹ thuật VN mua lại 150 đồng. Năm 1981, trong một triển lãm, tôi bán được bức tranh vẽ về cánh đồng, sau có chỉnh sửa lại thành bức tranh quê hương cho ông Trưởng đại diện Hội Chữ thập đỏ quốc tế tại VN lúc đó.
Trước năm 1993, ngoài việc dạy ở trường, tôi phải làm in lưới, thiết kế đồ họa để sống. Thực ra, giá tranh có thể cao vào thời điểm đó, nhưng một bức tranh có khi vẽ tới 8 - 9 năm liền, nên so với tiền chia ra cũng chẳng ăn thua gì với họa sĩ trẻ bây giờ. Chỉ mãi đến năm 1993, thì mới gọi là bán được tranh có tiền để mà sống, không phải đi làm những việc khác.
Nhiều họa sĩ thuộc thế hệ ông được đào tạo trong môi trường giáo dục của Liên Xô. Theo ông, giai đoạn đó đã có ảnh hưởng thế nào đến mỹ thuật VN?
Trước tôi, đã có nhiều họa sĩ tốt nghiệp tại các trường mỹ thuật từ Liên Xô. Khi ấy, có nhiều sinh viên, trong đó từ Trường Mỹ thuật công nghiệp, được cử đi học chuyên ngành thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế đồ họa, tranh in khắc kim loại, chủ yếu là những ngành phi truyền thống ở VN, mục đích là về sau có đội ngũ giảng dạy về mỹ thuật công nghiệp. Có thể nói, giai đoạn đó đã tạo nên nhiều cái tên có đóng góp đáng kể cho nền mỹ thuật VN giai đoạn sau chiến tranh; đó là những người thầy, người anh của tôi như Lê Lam, Đường Ngọc Cảnh, Vũ Duy Nghĩa, Trần Hay, Nguyễn Hữu Ngọc...
Khi trở về, tôi đã làm công việc giảng dạy nhiều năm về thiết kế đồ họa ở Trường Mỹ thuật công nghiệp, tạo nên những bước đi đầu tiên cho khoa thiết kế đồ họa tại Huế cũng như tại TP.HCM. Bản thân tôi dạy học những thứ được đào tạo nhưng vẫn dành tình yêu với hội họa và tranh in. Những bài học cơ bản về hội họa, hình họa được lĩnh hội ở nước bạn giúp mình nhiều trong quá trình sáng tác, tuy nhiên hầu như mình đều phải tự học.
Như tranh in độc bản, bài học đầu tiên khi tôi học ở nước ngoài là về dòng tranh này, nhưng rồi bẵng đi mình vẽ tranh, làm tranh in chất liệu khác. Mãi đầu những năm 2000 khi vào Huế đi dạy, tôi đã nghĩ đến việc tìm cho mình kỹ thuật in độc bản riêng, và cách nhìn riêng về tranh in độc bản. Tôi tự mày mò làm nhiều tranh in độc bản in trực tiếp từ đồ vật, từ tay chân mình, từ những con chuồn chuồn, bươm bướm..., tìm cách sử dụng nhiều kỹ thuật, từ đấy phát triển mảng tranh in độc bản mà ở VN chưa được phát triển.
Thuộc thế hệ họa sĩ đầu Đổi mới, nhìn về những thế hệ kế tiếp bây giờ, ông thấy sự thay đổi giữa những thế hệ như thế nào?
Cái đơn giản nhất và dễ nhìn thấy nhất là điều kiện vật chất bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Một miếng vải vẽ, một tuýp sơn dầu tốt, một cái khung đẹp đã thành quá đơn giản. Những họa sĩ ở thế hệ trước phải đánh đổi, hy sinh nhiều thứ để đi theo đam mê, phải vượt qua cả những nỗi sợ hãi. Họa sĩ bây giờ nhiều khi chả cần đi làm gì khác, chỉ cần vẽ tranh là đủ sống, thậm chí là giàu có, môi trường sáng tạo cũng tự do hơn.
Điều đó vừa thuận lợi nhưng cũng vừa dễ làm cho người họa sĩ tự huyễn hoặc, hay tự dễ dãi với mình, thiếu đi những sự chân thành sâu sắc, ít có sự đam mê để lột tả cái tôi một cách mạnh mẽ. Ngày trước, người họa sĩ có thể không có nhiều điều kiện vẽ tranh, nhưng vẽ bức nào người ta nhớ bức đó, còn bây giờ, họa sĩ trẻ có thể làm triển lãm liên tục, nhưng để chọn 5 - 10 tác phẩm đọng lại cho người xem cũng là điều khó, nữa là những tác phẩm đẹp, đi vào lịch sử. Vậy nên, cái khó cho các họa sĩ trẻ bây giờ là vậy, dù nhiều người giàu, có nhiều xe đẹp...
Xin cảm ơn ông!