TS Đặng Đức Huy đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học (ĐH) Trent (Canada). Anh có 21 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí nổi tiếng thế giới và nhiều công bố quốc tế có ảnh hưởng lớn trong khoa học về lĩnh vực môi trường. Với những cống hiến và thành tích đặc biệt xuất sắc, anh vừa được T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN trao tặng giải thưởng Khoa học công nghệ trẻ Quả cầu vàng năm 2020 và trở thành đại biểu Đại hội Tài năng trẻ VN lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội.

26 tuổi là tiến sĩ, 31 tuổi trở thành giáo sư trẻ nhất của ĐH Trent với các nghiên cứu về môi trường và quản lý một trung tâm nghiên cứu có cơ sở vật chất hàng đầu thế giới. Xin anh cho biết hành trình đó diễn ra như thế nào?

Năm 18 tuổi, ngay khi tốt nghiệp Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), tôi sang Pháp du học tự túc theo tâm nguyện của bố trước khi mất. Bố tôi bị ung thư máu khi tôi mới 8 tuổi. Giấc mơ cuối cùng của bố trước khi mất là thấy con trai du học Pháp thành công trở về, vì bố tôi có nhiều đồng nghiệp và bạn bè ở Pháp. Vì vậy, tôi đã chọn sang Pháp học cử nhân hệ sinh học - khoa học sự sống tại ĐH Toulon với mong muốn tìm hiểu về các cơ chế sinh học tế bào và miễn dịch, để tìm ra một phương pháp kiểm soát ung thư.

Năm 21 tuổi, tôi hoàn thành bằng cử nhân với kết quả xuất sắc và được ĐH Nice nhận vào học thạc sĩ ngành sinh học tế bào, phát triển và miễn dịch, đúng ngành học tôi theo đuổi. Tuy nhiên, vì không có hỗ trợ tài chính, nên tôi đã chọn ở lại ĐH Toulon học ngành hóa học môi trường.

Năm 23 tuổi, tôi tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ và được cấp học bổng của chính phủ Pháp để nghiên cứu tiến sĩ về lĩnh vực địa hóa môi trường tại trường này. Tôi lấy bằng tiến sĩ năm 26 tuổi, sang Canada làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Năm 31 tuổi (năm 2019), tôi được bổ nhiệm vị trí giáo sư tập sự ở ĐH Trent, trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất của ĐH này.

Trent là trường ĐH đứng đầu tỉnh bang Ontario ở mảng giáo dục ĐH, nổi tiếng về các nghiên cứu môi trường. Tại đây, tôi là thành viên ban giám đốc một trung tâm nghiên cứu có cơ sở vật chất hàng đầu thế giới. Tôi sở hữu một phòng thí nghiệm riêng về địa hóa môi trường và đang dẫn dắt một nhóm nghiên cứu về lĩnh vực này.

Được biết bạn bè gọi anh là “quái vật”. Tại sao lại có cái tên như vậy?

Tôi sang Pháp du học từ rất sớm, nhưng gia đình tôi khi ấy rất khó khăn. Vì thế, khi sang Pháp, tôi vừa phải làm quen với môi trường mới, học tập, vừa kiếm việc làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Ngày đi học từ 8 giờ sáng đến 18 giờ, tối tôi đi phụ bếp và rửa bát ở các nhà hàng từ 18 giờ đến 22 - 23 giờ. Hai ngày cuối tuần, tôi cũng thường làm thêm từ sáng đến tối.

Ở Pháp, điểm thi cuối kỳ rất quan trọng. Mỗi ngày thi tới 2 - 3 môn. Vì vậy, lúc đi làm thêm, tôi mang sách vở tranh thủ học để hôm sau đi thi. Nhờ vậy, kỳ học nào tôi cũng đạt kết quả top đầu của lớp, đặc biệt ở môn khoa học như toán học đại cương, tôi đạt điểm tuyệt đối 20/20. Trong quá trình học, tôi cũng rất hay giúp đỡ bạn bè quốc tế lúc học nhóm hay làm thí nghiệm. Khi ấy, ai biết đến thời gian biểu của tôi, đặc biệt là bạn bè thì đều gọi tôi là “quái vật”! (cười).

Vì sao anh đang theo đuổi ngành sinh học lại quay sang môi trường? Những nghiên cứu của anh đã thành công như thế nào?

Ở ĐH Toulon không có ngành thạc sĩ về sinh học, nên tôi lựa chọn học ngành hóa học môi trường. Tuy hoàn toàn thay đổi hướng nghiên cứu nhưng cuối cùng, mối quan tâm của tôi vẫn không thay đổi. Thay vì nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh thì tôi hiện đang nghiên cứu tìm cách phòng bệnh. Bởi lẽ một trong những nguồn gốc trực tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó chính là ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu của tôi tập trung vào mối liên hệ tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên. Đặc biệt, tôi phát triển các hướng nghiên cứu đa ngành (sinh học, hóa học và địa chất) để hiểu cơ chế phát tán của các chất ô nhiễm trong môi trường và tích tụ trong hệ sinh vật. Hướng này tuy thiên về nghiên cứu cơ bản, nhưng tạo tiền đề vô cùng quan trọng để tìm ra giải pháp phục hồi, cải thiện môi trường và giảm thiểu tác động lên đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

GS-TS Đặng Đức Huy làm việc tại phòng thí nghiệm ở ĐH Trent

Trong quá trình học tập, các nghiên cứu bậc thạc sĩ và luận án tiến sĩ của tôi nhận giải thưởng Sinh viên xuất sắc của Hội Sinh viên VN (2011) và Luận án tiến sĩ xuất sắc của Hội Hóa học Pháp vùng PACA (2014).

Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã công bố 21 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học thế giới, đều thuộc danh mục Q1. Trong đó 12 bài tôi là tác giả chính. Một ví dụ là công bố quốc tế năm 2015 của tôi trên tạp chí hàng đầu Environmental Science & Technology về đồng vị chì (Pb) trong môi trường trầm tích, nước và sinh vật biển, đã góp phần thúc đẩy chính quyền vùng PACA (Pháp) chi 93 triệu euro để nghiên cứu phục hồi môi trường biển ở cảng Toulon, nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm do hậu quả Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong hành trình nghiên cứu khoa học và đạt được những thành công đó, anh ấn tượng nhất điều gì?

Những khó khăn trong thời sinh viên là điều chắc chắn tôi không thể quên. Những thử thách đó đã giúp tôi trưởng thành, học được nhiều điều và biết trân trọng mọi giá trị của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất. Mỗi chúng ta đều cần phải rèn luyện thì mới có thành công. Nếu không có thử thách của những năm đó thì chắc chắn sẽ không có con người của tôi ngày hôm nay. Sau suốt chặng đường đó, tôi có được bài học cho mình: “thắng không kiêu, bại không nản”. Điều này đúng trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt trong khoa học.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề của toàn cầu, trong đó có VN. Anh dành sự quan tâm nghiên cứu như thế nào đối với VN?

Trong những năm tới, tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ở VN, đặc biệt là về vấn đề ô nhiễm rác thải công nghệ và sử dụng tài nguyên nước. Tôi hy vọng định hướng nghiên cứu này sẽ giúp cho đất nước có thể phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao một cách bền vững. Nghĩa là chúng ta có thể đạt tới một mô hình kinh tế - xã hội hiệu quả cao, nhưng thân thiện môi trường. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phải đánh đổi tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người để tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của tôi đang phối hợp thực hiện một dự án nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước trong lĩnh vực khoa học biển và hải đảo ở miền Nam VN. Mong muốn của chúng tôi là đánh giá một cách toàn diện các tác động từ con người lên môi trường biển, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm lên sức khỏe con người và tác động lên sinh kế của người dân, bởi đây là một vùng trọng điểm trong an ninh lương thực của VN. Đây là một dự án liên kết với các đồng nghiệp ở Trường ĐH Thủy lợi và các đơn vị quốc tế, sẽ bắt đầu trong năm nay.

Ngoài ra, mong muốn của tôi là có thể đào tạo được một thế hệ tài năng trẻ cho quốc gia trong lĩnh vực phân tích, môi trường và chính sách môi trường. Phòng thí nghiệm của tôi đang được trang bị các thiết bị hiện đại nhất thế giới. Tôi nghĩ cơ sở hạ tầng này sẽ giúp được rất nhiều cho VN khi nghiên cứu về môi trường. Vì vậy, tôi đang xúc tiến kết nối với các trường ĐH VN để trao đổi sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ với ĐH Trent, và Viện Nghiên cứu quốc tế về môi trường (IIES). Qua đó, bạn trẻ VN có cơ hội tiếp cận với các phòng thí nghiệm hiện đại và những phương pháp nghiên cứu hàng đầu thế giới, để trở thành nòng cốt đóng góp cho nước nhà.

GS-TS Đặng Đức Huy và vợ con tại Canada

Là một trong những người được coi là tài năng trẻ của đất nước, nhưng lại đang làm việc ở nước ngoài, anh có trăn trở điều gì?

Bản thân tôi cũng như bao thế hệ người Việt trẻ đang học tập và công tác đều cố gắng từng ngày để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Dù ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, những nỗ lực, cống hiến của chúng tôi đều mang tên VN. Dù ở trong nước hay nước ngoài, tôi tin rằng điều quan trọng chính là chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc và muốn góp sức mình làm tăng vị thế của VN trên bản đồ thế giới.

Hơn nữa, tôi cho rằng vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm. Vinh dự càng lớn thì trách nhiệm cũng sẽ càng lớn. Mỗi chúng tôi khi được xướng tên “tài năng” thì cũng cần phải có trách nhiệm với tài năng đó để đóng góp cho đất nước. Vì vậy, tôi hy vọng bản thân và các tài năng trẻ của VN sẽ luôn hiểu được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, để góp phần đưa VN không chỉ là một đất nước phát triển thu nhập cao, mà còn là trung tâm tri thức của thế giới.

Báo Thanh Niên
10.01.2021
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top